Bí quyết thành công của nền giáo dục Phần Lan
Phần lớn thành công của đất nước Phần Lan đều đến từ sự dũng cảm để trở nên khác biệt. Trong khi các quốc gia khác theo đuổi thành tích cá nhân, Phần Lan lại tìm kiếm sự quân bình và cùng có lợi. Ví dụ gần đây là cách Phần Lan ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu khiến các trường học phải đóng cửa và người dân buộc phải ở trong nhà.
Hầu hết người dân Phần Lan đều đã tiếp thu lời khuyên từ các cơ quan y tế và chính phủ để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Dù có thiệt hại to lớn về kinh tế và hy sinh lợi ích cá nhân, người dân Phần Lan vẫn thực hiện các bước cần thiết để cứu đất nước khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Người dân Phần Lan trước đây đã từng làm như vậy, và họ biết rằng cách tốt nhất để sống sót sau khủng hoảng là tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm lợi ích công.
So với đa số các quốc gia khác, giáo viên và công việc giảng dạy ở Phần Lan cũng được nhìn nhận là có sự khác biệt. Tại nhiều quốc gia, ai cũng có thể dễ dàng trở thành giáo viên, nhưng các trường học ở Phần Lan lại có yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp của giáo viên. Trong khi các quốc gia khác đầu tư số tiền khổng lồ vào việc phát triển hệ thống quản lý dữ liệu giáo dục, thì người Phần Lan lại tập trung vào giảng dạy, hơn nữa đã xây dựng một văn hóa đánh giá giảng dạy theo định hướng tiến bộ rất độc đáo.
Vào đầu những năm 1990, khi hầu hết các cơ cấu quốc gia và tổ chức hành chính trải qua quá trình phân cấp triệt để, thì cải cách giáo dục ở Phần Lan lại tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp cho những người làm giáo dục, và khuyến khích sự học hỏi lẫn nhau giữa các trường học và giáo viên. Họ không chọn dùng bất kỳ chính sách quan liêu nào như chính sách trách nhiệm giải trình hiệu suất từ trên xuống dưới. Thay vào đó là các cuộc khảo sát lấy mẫu, đánh giá khóa học dựa trên chủ đề, tự đánh giá phản ánh và nhấn mạnh mô hình học tập sáng tạo, từ đó đã tạo ra một nền văn hóa tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau trong hệ thống giáo dục Phần Lan.
Hệ thống giáo dục Phần Lan không thực hiện bất kỳ bài kiểm tra rủi ro cao nào cho đến khi kết thúc giáo dục trung học. Phần Lan cũng không đánh giá giáo viên, và chỉ sử dụng các tiêu chuẩn ngoài giảng dạy rất rộng mở để hướng dẫn các trường học. Các chính sách như vậy cho phép giáo viên tập trung vào việc giảng dạy của mình, thay vì phải đối phó với thành quả học tập được tiêu chuẩn hóa, các bài kiểm tra thường xuyên và vất vả theo đuổi bảng xếp hạng trong trường.
Vào giữa những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách đã dự đoán rằng Phần Lan sẽ chuyển sang hệ thống giải trình hiệu suất đang phổ biến ở rất nhiều quốc gia Âu Châu. Thế nhưng 10 năm sau đó, các chính sách phát triển giáo dục của Phần Lan thậm chí còn chưa từng đề cập đến hệ thống trách nhiệm giải trình hiệu suất theo định hướng kiểm tra (Laukkanen, 2008).
Các quốc gia Bắc Âu khác đã áp dụng các chính sách tương tự như phong trào cải cách giáo dục toàn cầu, họ không chỉ dần dần tách khỏi nước láng giềng phía đông – Phần Lan, mà còn tách khỏi truyền thống Bắc Âu về văn hóa tín nhiệm và bầu không khí trường học khuyến khích sự hợp tác.
Thật không dễ dàng để giải thích chính sách giáo dục của một quốc gia hoặc trường học đạt được thành công như thế nào. Mọi người thường nói rằng Phần Lan có đội ngũ giáo viên được chuẩn bị tốt, chương trình học được thiết kế theo phương pháp sư phạm, lãnh đạo hiệu trưởng ưu tú, hệ thống giáo dục quốc gia đa dạng và hòa nhập, chú trọng đến nhu cầu của giáo dục đặc biệt v.v. Những đặc điểm này mặc dù độc lập, nhưng đã cùng nhau tạo ra hiệu quả giáo dục chất lượng cao ở Phần Lan (Hautamäki et al., 2008、Kasvio, 2011、Matti, 2009、Rautopuro & Juuti, 2018、Simola, 2015、Välijärvi et al., 2007).
Các nhà phê bình cho rằng, bởi vì Phần Lan là một quốc gia nhỏ với một nhóm dân tộc duy nhất và không phức tạp như các quốc gia khác, cho nên đất nước này có thể đạt được thành tích tốt hơn trong ngành giáo dục. Cũng có người cho rằng tỷ lệ trẻ em nghèo rất thấp và một xã hội khá gắn kết có thể là lời giải thích cho thành tích giáo dục chất lượng cao của học sinh Phần Lan.
Nhưng tôi nghĩ rằng, nguyên nhân là vì Phần Lan đã khiến “trường học” trở thành nơi giáo dục và chăm sóc trẻ em thực sự, để giáo viên có thể tập trung vào những gì quan trọng nhất đối với sự phát triển và hạnh phúc của tất cả trẻ em. Đây cũng là điều mà họ làm tốt nhất, chính là trợ giúp trẻ em học tập. Giáo viên Phần Lan không bị làm phiền bởi các bài kiểm tra thường xuyên, không phải khổ sở vì phải cạnh tranh với các trường học khác, hay phải đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của cấp trên, v.v.
Kể từ những năm 1990, các cơ quan quản lý giáo dục Phần Lan đã bắt đầu khuyến khích các trường học phát triển các khái niệm học tập độc đáo một cách có hệ thống, cũng như các phương pháp sư phạm phù hợp với lý thuyết và thực hành, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh. Đây là lý do tại sao học sinh tất cả các trường học ở Phần Lan đều có thể thu hoạch được thành công.
Phần Lan là một quốc gia có rất nhiều các tổ chức phi chính phủ, với tổng số 135,000 tổ chức hoặc đoàn thể xã hội đã đăng ký, trong đó có 70,000 tổ chức hoạt động khá tích cực. Tổng số thành viên của các tổ chức phi chính phủ là 15 triệu người, nghĩa là trung bình mỗi người dân Phần Lan tham gia vào 3 hiệp hội hoặc đoàn thể.
Thanh niên Phần Lan cũng tích cực tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc hiệp hội thanh niên. Các tổ chức này thường có mục tiêu giáo dục và nguyên tắc khá rõ ràng. Khi tham gia các hoạt động đó, thanh niên có thể học các kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, v.v. Người Phần Lan tin rằng các hiệp hội và đoàn thể này cung cấp một giá trị tích cực đối với việc học chính thức ở trường.
Cách tiếp cận của Phần Lan để cải thiện việc học cho tất cả học sinh rất khác so với cách tiếp cận được áp dụng ở nhiều quốc gia khác, bao gồm:
- Bảo đảm rằng mỗi cá nhân đều có cơ hội bình đẳng để nhận được một nền giáo dục công lập tốt.
- Củng cố tính chuyên nghiệp và lòng tin của giáo viên.
- Để giáo viên và hiệu trưởng tham gia vào tất cả các khía cạnh của giáo dục, bao gồm lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá chương trình giảng dạy và chính sách, v.v.
Thúc đẩy hợp tác giữa các trường học, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương để phát triển các cải cách giáo dục theo hướng cộng đồng.
Một trong những điểm chính của cuốn sách này*, đó là giáo dục trong môi trường định hướng cạnh tranh có thể khiến các trường học rơi vào một hoàn cảnh giáo dục khó khăn. Con đường của tương lai đòi hỏi sự can đảm và tư duy mới mẻ khi đối mặt với giáo dục. Văn hóa hiện tại về trách nhiệm giải trình trong khu vực công ở Anh, Bắc Mỹ và trên toàn thế giới đang đe dọa các trường học, khiến cho cộng đồng không thể xây dựng nguồn vốn xã hội, hơn nữa sẽ chỉ phá hủy chứ không thúc đẩy sự tín nhiệm. (Sahlberg & Walker, 2021).
Như cuốn sách Onora O’Neill (2002) từng nhận xét, trách nhiệm giải trình về hiệu suất chỉ có thể dẫn đến “nguy cơ nghi ngờ”, khiến giáo viên và hiệu trưởng không được tín nhiệm. Mặc dù việc theo đuổi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý trường học có thể mang lại nhiều thông tin hơn cho phụ huynh và các chính trị gia, nhưng cũng mang đến sự hoài nghi, thậm chí đẩy ngành giáo dục vào hoàn cảnh chất vấn lẫn nhau.
*Bài viết này được trích từ cuốn sách “Bài học Phần Lan: Thế giới có thể học được gì từ sự thay đổi giáo dục ở Phần Lan?” (Finnish Lessons: What Can the World Learn from Educational Change in Finland?), Nhà xuất bản Thương Chu, Đài Loan, cung cấp.