Đích đến cuối cùng của giáo dục
“Mục tiêu của giáo dục trong các trường học nên là khiến cho người trẻ trở thành một người có nhân cách hòa ái, chứ không phải thành một chuyên gia. Theo tôi, điều này là đúng ở một mức độ nào đó, ngay cả với các trường kỹ thuật … Việc phát triển khả năng suy nghĩ và phán đoán độc lập luôn phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc tiếp thụ kiến thức chuyên ngành.”
-Albert Einstein
Có ít nhất hai định nghĩa về từ “kết thúc” – một là hoàn thành mỹ mãn một mục tiêu, và hai là sự tuyệt diệt hay thất bại của một cái gì đó. Phần lớn giáo dục ngày nay lâm vào khủng hoảng: ở các trường học và trên thế giới nói chung, mục tiêu và sứ mệnh của nền giáo dục bị làm cho sai lệch, đến nỗi nó mang ý nghĩa là sự kết thúc, hay thất bại.
Một nguyên nhân chủ yếu của sự sai lệch này là do tính thực dụng trong giáo dục. Mục đích của giáo dục lại không phải là khiến người ta trở nên quỵ lụy và lệ thuộc, mà là trở nên tự do tự tại. Nghĩa là, giáo dục là để hình thành và phát triển nhân cách, chứ không phải để cho người học một cái nghề. Mục đích của giáo dục là khiến con người có hiểu biết đầy đủ hơn về bản thân mình trong cảnh giới cao nhất của họ. Và khi sự giáo dục đi lệch khỏi mục đích đó, thì nó cũng thất bại.
Giáo dục ngày nay
Các chiến lược học tập hiện đại có xu hướng áp dụng những điểm chuẩn trên mặt bằng chung, với mục đích trang bị cho người học những kỹ năng cần có trước khi họ vào đời để hợp tác, đổi mới, và cạnh tranh như những “chiến binh kiếm tiền” trong nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21. Sáng kiến Tiêu chuẩn Cốt lõi Chung (Common Core) đang thịnh hành đặc biệt làm thụt lùi và giảm giá trị con người, nó phát triển và tiến hành những thống kê toàn diện, cũng như những hệ thống kiểm tra đánh giá, nhằm đo lường hiệu suất học tập của học sinh, để bảo đảm rằng tất cả các học sinh, một cách bình đẳng, đều được cung cấp một chương trình với những mục tiêu đã định rõ từ trước. Chương trình này được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu của bậc đại học và nghề nghiệp sau này.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của giáo dục thực chất lại không phải là để lấy một tấm bằng, hay có được một công việc có thu nhập tốt. Chỉ có nguyên lý của chủ nghĩa Marxist mới cho rằng một người được định hình bởi những kỹ thuật chuyên môn và phương tiện sản xuất của anh ta. Một “nền giáo dục” được thiết kế để phục vụ văn hóa thương mại thì sẽ không dẫn con người tiến xa (e-ducere), mà sẽ khiến người ta cố thủ và chết cứng một chỗ. Thế giới thật sự cần quay về với trường học, nghĩa là, cần quay về với giáo dục thực chất.
Mục tiêu và đích đến cuối cùng của giáo dục là hình thành một con người hoàn chỉnh dựa trên những giá trị thực chất và vĩnh hằng, thay vì dạy tất cả mọi người tuân theo một bộ tiêu chuẩn đồng nhất mang tính kinh tế. Do đó, giáo dục cần đáp ứng những chân lý phổ quát của con người, thay vì đáp ứng yêu cầu của đám đông. Khi điều đầu tiên {đó là: giáo dục đáp ứng những chân lý phổ quát của con người} được đặt lên vị trí hàng đầu, thì những điều còn lại sẽ đâu vào đó.
Các tiêu chuẩn của Common Core là quá chung chung để giải quyết những vấn đề cốt lõi của con người. Nó thu hẹp việc học tập thành một chương trình kiến thức đơn nhất áp dụng cho tất cả mọi người. Nó đạt mục tiêu bằng cách thu hẹp trọng tâm vào các sự kiện cơ bản đáng chú ý và dễ nhớ. Thay vì làm cho quá trình giáo dục thành công, thì nó lại chỉ khiến cho nền giáo dục thất bại.
“Lời kêu gọi cho một tầm nhìn cao hơn bản thân chúng ta”
Giáo dục đích thực giúp nâng cao trí tuệ và hiểu biết của tất cả các học sinh lên đến khát vọng cao nhất, hoàn thiện năng lực đánh giá thực tế bằng trí tưởng tượng phong phú và giàu cảm xúc của người học, cũng như những thói quen khoa học và phân tích của trí não. Đó là sự rèn luyện của trí tuệ, giống như Hồng y John Henry Newman từng nói: “Nó biểu đạt một hành động dựa trên bản chất tâm hồn chúng ta, và [là] sự hình thành của nhân cách.”
Đối với người xưa, mục đích cuối cùng của hành vi và giáo dục là sự hòa hợp giữa tinh thần và đời sống trên cơ sở của trí tuệ. Đối với người hiện đại, mục đích cuối cùng đó lại dựa trên cơ sở của kỹ thuật chuyên môn. Thế nhưng, sự lạm dụng kỹ thuật và chuyên môn hóa quá độ đã làm suy yếu mong muốn được trải nghiệm do khoảng cách giữa triết lý và thực tế cuộc sống mà chúng tạo ra, từ đó làm thui chột khả năng học hỏi.
Tiến sĩ John Senior là người đứng đầu một chương trình nổi tiếng gọi là Chương trình Nhân văn Tích hợp tại trường Đại học Kansas vào những năm 1970. Di sản này của ông đang thu hút sự chú ý và được công nhận trong nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Ông từng viết rằng: “Giáo dục không phải là nhằm đạt được những kỹ năng trong công việc, hay sự cải thiện bản thân, văn hóa, sự hoàn thiện cá nhân, hay thậm chí là kiến thức – mặc dù những lợi ích này thường xuất hiện; mà về bản chất, đó là lời kêu gọi hướng đến một thứ cao cả hơn chính bản thân chúng ta.”
Tôi còn nhớ mình đã được trải nghiệm cảm giác đạt đến điều cao cả hơn chính bản thân tại trường nội trú mà tôi đã theo học. Lần đầu tiên là vào lúc 6 giờ sáng. Thầy hiệu trưởng đứng bên giường tôi trong đôi ủng cao su và gọi tôi dậy. Không ai trong số năm người bạn cùng phòng của tôi bị đánh thức, nhưng lũ chim thì có. Ông nói với tôi rằng một trong những con cừu của ông ở dưới chuồng đã bị nhiễm trùng móng guốc nặng đến nỗi ông đã phải dùng khẩu súng lục của mình để bắn nó, và cần phải giải quyết xác của con cừu. “Có vẻ như em có thể áp dụng kiến thức [đã học của mình],” thầy thẳng thắn nói với tôi, và ông đã đúng. Sau một số hướng dẫn ngắn gọn, ông rời đi, và để tôi, một đứa trẻ thành phố, ở lại với một công việc khó tưởng và bẩn thỉu, đó là kéo một cái xác cừu nặng khoảng 200 pound (91 kg) qua đồi và thung lũng, đến bãi rác, vào lúc bình minh.
Lần thứ hai là vào ban đêm. Thầy hiệu trưởng bảo tôi: “Có một con cừu cái đang sinh con trong chuồng. Thầy muốn em ở đó với nó cho đến khi con cừu con có thể đứng được.” Tôi đi từng bước nặng nề xuống chuồng cừu với một cây đèn pin. Tuần trước, nó đã ra máu và tuần này thì sinh nở. Một vòng đời hoàn chỉnh được hoàn thành. Với tôi, những trải nghiệm đó chính là sự giáo dục – chứ đâu phải là tôi học để trở thành một nông dân chăn cừu.
Giáo dục cung cấp những bài học thực tiễn như vậy – những giây phút giáo dục thuần túy đó giúp chúng ta áp dụng những tài liệu và bài giảng về chân, thiện, mỹ, và trang bị cho các học sinh ứng phó với hoàn cảnh của con người, sự sống và cái chết. Tuy nhiên, để đạt được điều này, giáo dục cần phải được quan tâm đặc biệt, được thiết kế để trau dồi những kinh nghiệm có thể bổ sung lẫn củng cố cho chương trình giảng dạy. Không chỉ vậy, nó còn giúp nuôi dưỡng nhân cách với sự chân thành, chính trực trong một bầu không khí thân thiện: những trải nghiệm trong lớp học, trên sân chơi, trong rừng, hay bất cứ nơi nào mà chúng ta ít nghĩ đến nhất – như ở chuồng cừu chẳng hạn. Sự giáo dục có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, và nó tuyệt hảo nhất khi mang lại cho các học sinh những trải nghiệm thực tế hữu ích và có tính xây dựng.
Cách tiếp cận này đòi hỏi các học sinh phải có những trải nghiệm thực tế, thông qua việc định hướng cho các em cách cân bằng những thử thách và tình bạn. Các giáo viên Anh ngữ nên khuyến khích các học sinh đọc Shakespeare, rồi khen ngợi chúng khi chúng chia sẻ suy nghĩ về một bài thơ sonnet trước các bạn [cùng lớp]. Các huấn luyện viên nên thúc đẩy chúng làm chủ bản thân khi đối mặt với những nỗi sợ hãi thể chất, rồi công nhận chúng khi cậu ta đã cố gắng đến độ chảy máu mũi trên sân bóng bầu dục. Các chỉ huy của dàn hợp xướng nên yêu cầu các em đạt đến sự hoàn mỹ, rồi khen ngợi một học sinh vì đã hát hay trong Thánh lễ {Kitô giáo}. Các trưởng [nhóm cắm] trại nên đòi hỏi ở các em sự xuất sắc, rồi tán dương một bạn trẻ vì đã kể chuyện bên ánh lửa trại.
Sự giáo dục đạt đến mục đích cuối cùng khi giúp tất cả mọi người biết được sự thật và chân lý. Kết quả của quá trình này không nhất thiết là “hữu ích”, nhưng nó sẽ tốt đẹp và nhân văn.
Giáo dục đúng đắn nhất là thừa nhận nhân học truyền thống, mà trong đó bao gồm việc đối xử với con người như một sinh mệnh sở hữu những ham muốn, trí tuệ, trí tưởng tượng, và ý chí; nó nuôi dưỡng sự kinh ngạc [đối với thế giới] làm gốc rễ cho sự tìm tòi khám phá và là khởi đầu của trí tuệ. Giáo dục tồi tệ nhất là chia cắt con người khỏi tinh thần và đạo đức, và được rút gọn lại thành một bộ những mục tiêu và hành động để có được công việc tốt sau này; và từ đó, khiến con người có xu hướng muốn đạt được loại kiến thức thực dụng và tầm thường.
Một “nền giáo dục” như vậy sẽ chỉ trang bị những người học cho một cuộc sống hạn hẹp, mà không trang bị cho họ sống trong sự chiêm nghiệm chân lý và sự thật vì mục đích tốt đẹp – đích đến cuối cùng của giáo dục. Kiểu tư duy triết học này vượt xa những kiến thức thông thường, nó vượt trên sự tích lũy những dữ kiện thực tế bó hẹp trong một cái khung – nơi mà tất cả mọi thứ có thể được nhận thức trong mối quan hệ của nó với một thứ khác, một tầm nhìn dẫn đến sự thất bại của giáo dục và cả đời sống con người.
Tác giả người Anh G.K. Chesterton từng viết: “Về căn bản, giáo dục cần cung cấp cho một người những tiêu chuẩn bao quát và vĩnh hằng, anh ta có thể dựa vào đó để đánh giá đâu là những điều kiện hoàn cảnh vật chất phù phiếm.” Giáo dục thăng hoa đến sự xuất sắc trong tu dưỡng đạo đức, hướng tới nội hàm và hình thức biểu hiện của sự vật, sự việc khiến ta có thể hiểu thấu được trật tự của thế giới thực tại, cả hữu hình lẫn vô hình. Hiểu được toàn bộ chân tướng của vạn vật, và có suy nghĩ tốt đẹp để có một cuộc sống tốt đẹp là điều giáo dục nỗ lực hướng đến. Nó khiến chúng ta có thể tự chủ chính mình và sống cuộc sống có đạo đức.
Nền giáo dục trở nên suy bại khi nó coi sự xuất sắc của một người là nhờ vào những phương tiện [kỹ năng] đơn thuần, mà không phải là nhờ mục đích cuối cùng họ hướng đến. Phương châm sống hiện đại là làm việc nghiêm túc và hết mình để có một cuộc sống tốt – nói cách khác, là để đạt được sự tự túc, độc lập, những danh lợi của thành công nơi thế gian vật chất. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều mục đích khác hơn là chỉ để kiếm sống. Ngày nay, khái niệm thành công là nhằm phục vụ cho các lợi ích kinh tế, trong khi mục đích cuối cùng của giáo dục lại là vì sự xuất sắc của con người. Bất kỳ mục đích nào khác mục đích đó đều là nhân tố khiến cho nền giáo dục thất bại.
Sean Fitzpatrick giảng dạy Khoa học nhân văn tại trường Gregory the Great Academy, một trường nội trú ở Elmhurst, Pennsylvania. Các bài viết của ông về giáo dục, văn học, và văn hóa xuất hiện trên nhiều mặt báo bao gồm Crisis Magazine, Catholic Exchange, và The Imaginative Conservative.
Sean Fitzpatrick biên tập
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Mời các bạn nghe bài viết qua giọng đọc Liên Hoa
Xem thêm: