Bí ẩn chưa có lời giải: Khám phá ngọn núi thiêng đệ nhất ở Trung Quốc
Bài viết này giới thiệu với độc giả về “ngọn núi thiêng đệ nhất Trung Quốc” – Núi Côn Luân.
Núi thiêng thông với Thiên giới
Truyền thuyết kể rằng, núi Côn Luân là hành cung của Thiên Đế tại nhân gian, đồng thời nó cũng là trụ trời, có thể thông lên Thiên giới. Theo sách cổ “Hoài nam tử”, núi Côn Luân tổng cộng có ba tầng. Tầng đầu tiên được gọi là “Lương phong chi sơn” (Núi có gió mát). Nếu người phàm có thể leo lên đỉnh núi, họ sẽ được ban thưởng trường sinh bất lão. Nhưng khi đến đó, quý vị sẽ phát hiện bản thân đang đứng dưới chân một ngọn núi khác. Nếu tiếp tục leo lên, quý vị sẽ có siêu năng lực, có thể hô gió gọi mưa. Đến được nơi này, quý vị đã ở rất gần con đường trở thành Thần Tiên. Cố gắng hơn nữa để lên nơi cao hơn, quý vị sẽ đến được “Thái đế chi cư” (Nơi ở của Thái đế). Đó là Thiên đình, nơi Thiên đế ngự. Lúc này, quý vị đã bước vào cảnh giới của “Thần”.
Nơi đó ra sao? Con đường tu Tiên không khó ư? Lúc này, Tây Vương Mẫu, Nữ Thần trên núi sẽ tổ chức một buổi yến tiệc ở Giao Trì để chào đón quý vị đến. Trong cuốn “Sơn Hải Kinh” kể rằng, nơi Tây Vương Mẫu ở có tên là “Ngọc Sơn”. Đúng như tên gọi của nó, đây là nơi có rất nhiều ngọc, và Giao Trì còn được gọi là Ngọc Trì. Nhưng thứ mà Tây Vương Mẫu thích cho đi nhất không phải là ngọc mà là những viên Thần dược trường sinh bất lão. Năm đó, Hậu Nghệ có công bắn rơi mặt trời, Tây Vương Mẫu đã tặng cho chàng hai viên. Hai viên Thần dược này sau đó đã dẫn đến câu chuyện Thường Nga bay lên cung trăng.
Núi thiêng như vậy, quý vị cũng muốn leo thử phải không? Gặp được Tây Vương Mẫu và sẽ được ban hai viên Thần dược trường sinh bất lão? Nhưng nó có thật sự tồn tại không?
Núi thiêng có thực sự tồn tại?
Có một dãy núi trải dài hơn 2,500 km ở biên giới phía tây bắc Trung Quốc. Phía tây [của dãy núi] chạy đến phía đông của cao nguyên Pamir. Phía đông đến thung lũng thượng nguồn sông Sài Đạt Mộc (Qaidam). Phía bắc tiếp giáp với lòng chảo Lân Tháp Lý Mộc (Tarim) và lòng chảo Sài Đạt Mộc, xuyên qua Tân Cương và Tây Tạng, kéo dài đến Thanh Hải, với độ cao trung bình hơn 5,500 mét. Dãy núi này có hơn 30 đỉnh cao trên 7,000 mét. Đây là dãy núi Côn Luân, được mệnh danh là “Vạn sơn chi tông” (Tông của vạn ngọn núi) và “Long mạch chi tổ” (Tổ của long mạch). Cổ nhân tin rằng núi Côn Luân trong truyền thuyết chính là trong dãy núi Côn Luân trải dài hàng ngàn dặm này. Bằng chứng quan trọng nhất cho điều này đến từ “Sơn hải kinh”.
Nói về “Sơn hải kinh”, tương truyền, đó là những ghi chép được viết ra khi Đại Vũ trị thủy. Nhiều câu chuyện thần thoại được mọi người ưa thích, như câu chuyện Khoa Phụ đuổi mặt trời và Trịnh Vệ lấp biển đều bắt nguồn từ cuốn sách này. Phiên bản nguyên thủy nhất của “Sơn hải kinh” có rất nhiều tranh vẽ, và lời văn chỉ là lời giải thích được chép bên cạnh mà thôi. Thật đáng tiếc, về sau tranh vẽ được lưu truyền qua nhiều đời đã không còn thấy nữa, chỉ lưu lại được lời văn, nhưng cũng giảm từ 32 bài ban đầu xuống còn 18 bài như chúng ta nhìn thấy hiện nay. Nhưng nhiều nội dung tàn khuyết không hoàn chỉnh, mọi người chỉ có thể dựa vào trí tưởng tượng của mình để điền vào chỗ trống. Những hình ảnh minh họa mà chúng ta thấy hiện nay đều được ai đó bổ khuyết vào thời nhà Minh. Chúng không phải là phiên bản gốc và chỉ có giá trị tham khảo hữu hạn.
Chính hoàn cảnh như vậy, cộng với nhiều loài động vật kỳ lạ quý hiếm, và lưu mạch của các con sông, ngọn núi không tìm thấy điểm đối ứng tại Trung Quốc được ghi chép trong sách, nên bao nhiêu năm nay người ta coi “Sơn hải kinh” như một cuốn bút ký về những điều kỳ lạ. Mọi người đều cho rằng nội dung của cuốn sách là vô lý, và không đáng tin cậy. Phải đến những năm 1960, khi Tiến sĩ Henriette Mertz, chuyên gia nghiên cứu khảo cổ người Mỹ tìm ra tất cả các ngọn núi trong “Đông sơn kinh” của cuốn “Sơn hải kinh” ở lục địa Châu Mỹ, giới học thuật mới bỗng nhiên nhận ra rằng đây là một cuốn sách ghi chép về sự vật phong phú của thế giới từ thời cổ đại!
Trong cuốn sách này, núi Côn Luân hiển nhiên có vị trí rất quan trọng. Nó nằm ở phía tây bắc Trung Quốc và là nơi phát xuất nguồn chảy của sông Hoàng Hà (“Sơn hải kinh: Tây sơn kinh”: “Nước sông chảy ra từ đây”. Dưới chân núi được bao quanh bởi một con sông mà ngay cả lông vũ cũng không thể nổi lên được, gọi là “nhược thủy” (nước yếu). Phía ngoại vi còn có ngọn núi lửa cháy mãi không ngừng, bất kể thứ gì ném vào là bốc cháy ngay. (Nguyên văn: “Kỳ hạ hữu nhược thủy chi uyên hoàn chi, kỳ ngoại hữu viêm hỏa chi sơn, đầu vật triếp nhiên.)
Có thể nói, dãy núi Côn Luân đều hội đủ những điều kiện địa lý này. Nơi phát nguyên sông Hoàng Hà chính là núi Ba Nhan Khách Lạp (Bayan Har) trong dãy núi Côn Luân. Hơn nữa, sông Sở Mã Nhĩ (Chumar), một trong ba nguồn chính của sông Trường Giang, cũng bắt nguồn từ Khả Khả Tây Lý (Hoh Xil) ở dãy núi Côn Luân. Ở lối vào phía đông bắc của dãy núi Côn Luân có hẻm núi Lăng Cách Lặc (Lenggler), được gọi là thung lũng Tử Thần. Có nhà địa chất sau khi khảo chứng nói, dưới đáy hẻm núi có một đầm lầy với dòng sông ngầm chảy bên dưới. Nếu ai đặt chân vào đầm lầy sẽ bị sức hút to lớn của dòng sông ngầm kéo xuống vực sâu. Chẳng lẽ dòng sông ngầm này chính là “nhược thủy” trong truyền thuyết? Dãy núi Côn Luân còn có một cụm núi lửa hiếm hoi trên cao nguyên với hơn 70 ngọn núi lửa. Trong số đó, núi lửa Mộc Cát (Muji) có độ cao 5,808 mét, là ngọn núi lửa cao thứ hai ở đông bán cầu. Vậy những ngọn núi lửa này có tương ứng với “núi lửa” trong “Sơn hải kinh” không?
Yến tiệc long trọng ở Giao Trì của Tây Vương Mẫu
Sau khi dãy núi Côn Luân tiến nhập vào Trung Quốc, ở lối vào cực tây có ba ngọn núi phủ tuyết cao trên 7,000 mét. Chúng được gọi là ‘Côn Luân tam hùng’ (Ba ngọn núi hùng vĩ). ‘Côn Luân tam hùng’ dùng thế chân vạc ôm trọn hồ Khách Lạp Khố Lặc (Karakul) vào trong. Khách Lạp Khố Lặc là hồ cao nhất thế giới và là hồ nước mặn. Trong hồ không có cá, tôm và hoàn toàn tĩnh lặng. Nhưng phong cảnh trên hồ thật tuyệt mỹ. Buổi sáng, chỉ cần trời trong xanh, nước hồ sẽ liên tiếp đổi màu theo ánh bình minh, có khi là màu xanh lam, lúc thì màu vàng nhạt, lúc thì màu cam, tạo cho người ta cảm giác như đang lạc vào Tiên cảnh. Khi thời tiết xấu, mây mù dày đặc, mặt hồ sẽ chuyển sang màu đen tuyền, thâm sâu như mực, rất đặc biệt. Tên hồ trong tiếng Cát Nhĩ Cát Tư (Kyrgyzstan) địa phương có nghĩa là “hồ đen”. Trùng hợp thay, trong “Sơn hải kinh”, núi Côn Luân lại nằm gần “Hắc thủy”. (Sau Xích thủy, trước Hắc thủy, có một ngọn núi lớn tên là đồi Côn Luân). Giữa “Hắc thủy” trong “Sơn hải kinh” và “hồ đen” ở đây có mối liên hệ nào không?
Theo truyền thuyết địa phương, hồ Khách Lạp Khố Lặc là Giao Trì của Tây Vương Mẫu. Trong “Mục Thiên tử truyện” thời Chiến Quốc có một câu chuyện rất nổi tiếng về việc Chu Mục Vương gặp Tây Vương Mẫu. Người ta nói rằng Chu Mục Vương đã vượt qua đầu nguồn sông Hoàng Hà đến phía tây để tuần du, và đi ngang qua vùng đất nơi Tây Vương Mẫu ở. Ông tiến hiến gấm vóc và lụa trắng cho Tây Vương Mẫu. Bà rất cao hứng, liền bày yến tiệc khoản đãi Chu Mục Vương ở Giao Trì. Bà uống rượu say sưa và còn hát một bài. Người dân địa phương nói, Tây Vương Mẫu là một vị tộc trưởng trong tổ tiên của họ. Nơi bà gặp Chu Mục Vương là bên bờ hồ Khách Lạp Khố Lặc. Khung cảnh hùng vĩ lúc ấy đều được ghi chép lại chân thật trên các bức bích họa trong hang động số 423 ở Đôn Hoàng. Nếu không tin, quý vị có thể đến xem!
Nóc nhà thế giới
Nhưng quan trọng hơn Giao Trì là, trong thần thoại, ngọn núi Côn Luân được coi là trụ thông thiên, và được miêu tả là ngọn núi cao nhất thế giới. Cao nguyên Mạt Mễ Nhĩ (Pamir), nơi phát sinh dãy núi Côn Luân, còn được người dân địa phương gọi là “Bam-i- Duniah”, có nghĩa là gì? Chính là “Nóc nhà thế giới”(Roof of the World). Mặc dù chúng ta thường nghe nói rằng cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng là nóc nhà của thế giới, nhưng trong nhiều bộ bách khoa toàn thư nước ngoài, chẳng hạn như “Bách khoa toàn thư Britannica”, danh xưng “Nóc nhà thế giới” được đặt cho cao nguyên Mạt Mễ Nhĩ.
Trên thực tế, cao nguyên Mạt Mễ Nhĩ được chia thành hai phần: phía đông và phía tây. Dãy núi Côn Luân nằm ở phía đông. Độ cao ở đây lên tới hơn 5,000 mét, cao hơn nhiều so với độ cao trung bình của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng là 4,500 mét. Có thể nói, cao nguyên Mạt Mễ Nhĩ là cao nguyên cao nhất thế giới. Nhiều học giả ở Ấn Độ đã dứt khoát định nghĩa nơi này thành “Tu Di Sơn”, núi Thần cao nhất trong tín ngưỡng truyền thống của Ấn Độ, cũng là nơi cư ngụ của chúng thần Ấn Độ. Điều này tương tự như định nghĩa của người Trung Quốc cổ đại về núi Côn Luân.
Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc, khái niệm “Núi Tu Di” cũng được du nhập vào theo. Trong nhiều sách cổ, núi Côn Luân còn được gọi là “Tu Di sơn”. Dương Quân Tùng, một đại sư phong thủy thời nhà Đường, viết trong cuốn sách “Hám long kinh” của ông rằng:
“Tu Di sơn thị thiên địa cốt,
Trung trấn thiên địa vi cự vật,
Như nhân bối tích dữ hạng lương,
Sinh xuất tứ chi long đột ngột”
Tạm dịch nghĩa:
Núi Tu Di là cốt của Thiên Địa,
Là cự vật trấn giữa trời đất,
Giống như xương sống lưng và cổ của con người
Sinh xuất rồng có tứ chi cao chót vót.
“Núi Tu Di” ở đây chính là núi Côn Luân.
Long mạch của thế giới
Vậy bài thơ của ông Dương Quân Tùng có ý nghĩa gì? Nói một cách đơn giản, núi Côn Luân là nơi phát nguyên long mạch của thế giới.
Trong nền văn minh 5,000 năm của Trung Hoa có truyền thuyết nói rằng, gia tộc nào tìm được long mạch và đắc được long huyệt trên long mạch thì có thể làm vua cai trị thiên hạ. Vậy quý vị nghĩ sao về long mạch này? Đó là mạch núi có phong thủy tốt. Ngọn núi nơi có long mạch phải có đầu có cuối, có gốc có rễ, bên trong có sinh khí xuyên suốt, hình dáng bên ngoài thể hiện trập trùng liên tiếp và sức sống bừng bừng.
Giới phong thủy tin rằng tổng cộng có năm đường long mạch như vậy, tất cả đều có nguồn gốc từ núi Côn Luân. Trong số đó, Trung Quốc chiếm ba đường, lần lượt là: Bắc Cán Long, Trung Cán Long và Nam Cán Long.
Bắc Cán Long bắt nguồn từ dãy núi Kỳ Mạn Tháp Cách (Qimantage), chạy dọc theo sông Hoàng Hà, đi qua khu vực phía bắc của các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Sơn Tây, Hà Bắc và ba tỉnh phía đông [bao gồm Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang] kéo dài đến núi Bạch Đầu (Paektu) ở Bán đảo Triều Tiên, sau đó ẩn mình dưới biển và cuối cùng kết nối với quần đảo Nhật Bản. Bắc Kinh và Thiên Tân nằm trên đường long mạch này.
Trung Cán Long bắt đầu từ núi A Ni Mã Khanh (Animaqing), đi qua khu vực giữa sông Hoàng Hà và sông Trường Giang bao gồm Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Bắc, Hồ Bắc, An Huy và Sơn Đông, và kết thúc tại biển Bột Hải. Các thành phố nổi tiếng như Tây An, Lạc Dương, và Tế Nam đều là nơi tụ khí của Trung Cán Long.
Nam Cán Long xuất phát từ núi Khả Khả Tây Lý (Hoh Xil), đi qua núi Tha Niệm Tha Ông (Tha Nian Ta Weng), rồi dọc theo sông Trường Giang đi qua Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và phần phía nam của Giang Tô trước khi đổ ra biển. Hồng Kông và Thượng Hải nằm trong phạm vi của Nam Cán Long.
Còn có hai đường long mạch hướng ra thế giới. Trong đó, long mạch Tây Bắc hướng tới Châu Âu, còn long mạch Đông Bắc băng qua đại dương đến Châu Mỹ.
Điểm khởi đầu của long mạch Tây Bắc là dãy núi Thiên Sơn ở Tân Cương. Ở phía tây bắc, dãy núi Thiên Sơn sinh ra núi Mộ Sĩ Tháp Cách (Muztagh) và dãy núi Công Cách Nhĩ (Gonger), một mạch về phía tây. Sau khi đi qua Kazakhstan và Turkmenistan, thì hình thành nên dãy núi Gia Sách (Kavkaz) cao lớn. Sau đó, khí long mạch tiến vào Romania, ngang qua phía tây, sinh ra dãy Alps kéo dài qua Pháp, Thụy Sĩ và Áo, sau đó đi qua Vương quốc Anh và mở rộng sang Tây Ban Nha rồi dừng lại.
Hướng của long mạch Đông Bắc đi từ dãy núi Thiên Sơn về phía bắc lệch đông, sinh xuất dãy núi Bắc Tháp (Beita) và dãy núi A Nhĩ Thái (Altai) ở Mông Cổ. Tiếp đó, long mạch triển chuyển sau hai ngọn núi, tiến vào Nga, vượt qua Siberia, vòng qua eo biển Bering và đến Hoa Kỳ ở phía bên kia, sinh ra dãy núi Alaska. Sau đó, long mạch quay về phía nam, xuống tận Canada và sinh xuất dãy núi Rocky nổi tiếng. Dãy núi Rocky rất dài, khí long mạch trải dài đến Mexico, sau đó theo kênh đào Panama đến Nam Mỹ, bao trùm tất cả các dãy núi lớn ở Nam Mỹ.
Năm long mạch lớn đại thể là như vậy. Trong số 24 triều đại cổ của Trung Quốc, mỗi triều đại đều có long mạch của mình. Long mạch của Hoàng Đế nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà thuộc Trung Nguyên. Long mạch của Đại Vũ nằm ở núi Cửu Long, huyện Vấn Xuyên, Tứ Xuyên ngày nay. Long mạch của nhà Thương nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà. Long mạch nhà Chu ở Kỳ Sơn. Long mạch nhà Tần ở Hàm Dương. Long mạch nhà Hán ở huyện Bái, v.v.
Trái Đất là một cơ thể
Vậy tại sao tất cả long mạch trên thế giới đều xuất ra từ núi Côn Luân? Một số chuyên gia phong thủy phân tích như sau:
Có một thuyết lưu hành phổ biến trên Internet gọi là “vụ nổ tiểu vũ trụ”. Nếu như tiểu vũ trụ bùng nổ, ai lập tức có năng lực thăng lên thì họ giống như được Thần trợ giúp. Trên thực tế, thuật ngữ “tiểu vũ trụ” đến từ cách nói của Đạo gia. Đạo gia cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, và có quan hệ đối ứng với vũ trụ. Do đó, họ giảng nói “Thiên nhân hợp nhất”. Trong kinh mạch cơ thể con người có một số huyệt vị đặc biệt. Sau khi đả thông chúng thì người đó có thể hấp thu một cách liên tục năng lượng từ vũ trụ. Nếu quý vị có thể làm được, vậy chắc chắn quý vị là người có siêu năng lực. Trong tiểu thuyết võ hiệp chẳng phải nói rằng, một khi hai mạch Nhâm và Đốc được đả thông thì nội lực sẽ vô hạn sao? Tuy đó có thể là sự khoa trương trong nghệ thuật, nhưng người ta đều nói nghệ thuật đến từ cuộc sống. Có lẽ tại không gian mà chúng ta không thể nhìn thấy, thật sự có những huyệt vị như vậy tồn tại chăng?
Vậy quý vị hãy mở rộng tư duy và nghĩ về điều này, nếu như thân thể con người là một tiểu vũ trụ, vậy vũ trụ có phải là một nhân thể lớn không? Năm ấy, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, chẳng phải từng nói rằng tóc của ông biến thành cây cỏ, thân thể biến thành sông, hồ, biển sao. Vậy Trái Đất chẳng phải cũng đối ứng với một cơ thể con người sao?
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã từng giới thiệu “Sơn hải kinh” còn gọi là “Ngũ tạng kinh”. “Ngũ tạng” này thực chất là “ngũ tạng” đối ứng với tim, gan, phổi, thận và lá lách. Nếu “Sơn hải kinh” đối ứng với một bản đồ thế giới thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng cực Nam của Trái Đất trông rất giống đầu người. Châu Úc giống như trái tim, châu Phi và Nam Mỹ là hai lá phổi, Bắc Mỹ là lá lách, hai lục địa Châu Âu, Châu Á là gan, và tiểu lục địa Nam Á là túi mật dưới gan. Còn Greenland ở châu Âu là thận. Trái Đất giống như một bào thai trong bụng mẹ, đầu lơ lửng trên không trung. Chúng ta không biết Đại Vũ đã đi khắp thế giới bằng cách nào, và làm thế nào ông ấy hiểu được những điều này. Tuy nhiên, thuyết về ngũ tạng Trái Đất này hiện nay ngày càng được nhiều người công nhận.
Trái Đất nếu đã đối ứng với cơ thể con người, thì các kinh mạch đương nhiên cũng sẽ đối ứng với nhau. Giới phong thủy tin rằng, những long mạch xuất ra từ núi Côn Luân chính là kinh mạch của Trái Đất. Long mạch lớn sinh ra long mạch nhỏ, cành cành lá lá trải dài vô tận, điều khiển hoạt động của toàn bộ mạch lạc của Trái Đất, và duy trì sự vận chuyển của Trái Đất trong không gian mà chúng ta không thể nhìn thấy. Núi Côn Luân chính là loại huyệt vị đặc biệt như vậy. Sau khi đả thông, nó có thể giao tiếp với vũ trụ, giúp Trái Đất thu được năng lượng từ vũ trụ. Nếu người Ai Cập cổ đại sử dụng kim tự tháp để thu được năng lượng từ vũ trụ thì núi Côn Luân có thể chính là kim tự tháp mà thiên nhiên ban tặng cho Trung Quốc.
Quý vị có phải đã được mở rộng tầm mắt? Nói cho cùng, có được như vậy hay không, nếu có cơ hội xem qua bản đồ thế giới, có lẽ quý vị sẽ hiểu.
Theo dõi kênh trên Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Theo dõi kênh trên Ganjingworld:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c
Tham gia nhóm “Bí ẩn chưa có lời giải” trên Telegram:
Tổ “Bí ẩn chưa có lời giải” thực hiện
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ