Bí ẩn chưa có lời giải: Bí ẩn về Huyền Không tự chấn động thế giới
Hôm nay chúng ta sẽ đến Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây để tham quan công trình kiến trúc đặc biệt và độc đáo nhất thế giới – Chùa Huyền Không (Huyền Không tự) trên núi Hằng Sơn. Chùa Huyền Không là sự kết hợp giữa kiến trúc học, cơ học và mỹ học, phảng phất như một bức phù điêu được khảm vào giữa vách núi cheo leo. Công trình này được tạp chí Times của Mỹ bình chọn là một trong “Mười công trình có vị trí hiểm trở và kỳ lạ nhất thế giới”. Hàng năm, các chuyên gia và học giả đến đây tham quan liên tục không dứt, và một số phát hiện ở đây thậm chí còn gây kinh ngạc cho giới khảo cổ.
Kỳ tích kiến trúc ngàn năm
“Mặt hướng núi Hằng Sơn, lưng tựa vào Thúy Bình; phía trên đội những mỏm đá nguy hiểm, phía dưới nhìn xuống hang sâu; đục đá làm nền, dựng nhà trên đá; những gian lầu các treo lơ lửng giữa trời, với những kết cấu khéo léo lạ thường.” Những miêu tả này là nói đến “Đệ nhất thắng cảnh” trong mười tám cảnh đẹp của núi Hằng Sơn ─ chùa Huyền Không.
Chùa Huyền Không được xây dựng ở giữa vách núi cheo leo của ngọn Thúy Bình ở phía tây hẻm núi Kim Long trên núi Hằng Sơn, cách nay đã hơn 1,500 năm. Toàn bộ ngôi chùa là một kết cấu kiểu giàn giáo bằng gỗ. Trên con đường núi hiểm trở, ở những đoạn do các cột gỗ màu đỏ chống đỡ có 40 gian lầu gác lớn nhỏ được xây dựng. Sự phân bố của các gian lầu gác này có thay đổi về tính đối xứng. Nhìn chúng có vẻ phân tán nhưng lại gắn kết với nhau, khúc khuỷu, quanh co, thực hư lẫn lộn, gắn bó xen kẽ vào nhau.
Bố cục tổng thể của chùa Huyền Không rất khác biệt so với những ngôi chùa người ta thường thấy. Công trình này không giống như những ngôi chùa được xây dựng ở đồng bằng với trục ở giữa nhô ra và hai bên đối xứng. Nó cũng không giống với ngôi chùa được xây dựng trên núi, dựa theo thế núi dần dần lên cao, mà là khéo léo tận dụng hình dáng lồi lõm của vách đá, thuận theo tự nhiên, dường như liền thành một khối. Nhìn từ xa, chùa Huyền Không trông giống như một bức phù điêu tinh xảo đặc sắc, được khảm giữa vách đá cheo leo như dùng dao cắt gọt. Nhưng đến gần nhìn kĩ, lại cảm thấy nó tràn ngập sự linh động, cảm giác dường như muốn bay lơ lửng giữa trời.
Nhà văn Kim Dung từng miêu tả về Huyền Không tự trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ”. Ngay cả thi Tiên Lý Bạch cũng từng du ngoạn đến đây và bị phong cảnh kỳ ảo nơi này làm chấn động. Không phải sao, hai chữ lớn màu đỏ “tráng quan” (壯觀) trên tảng đá phía dưới chùa chính là bảo bối thư pháp mà Lý Bạch lưu lại. Mọi người nhìn hai chữ Lý Bạch lưu lại có phát hiện điểm nào kỳ lạ không? Đúng rồi, bên cạnh chữ “Tráng” còn thừa một nét chấm. Đây không phải Lý Bạch viết sai, mà nghe nói rằng sau khi đến thăm Huyền Không tự ông rất phấn khích, cố ý thêm vào một nét, ý tứ là dùng hai chữ “tráng quan” thôi chưa đủ để diễn tả về Huyền Không tự. Từ Hà Khách, nhà thám hiểm lớn thời nhà Minh, cũng bày tỏ sự tán thán đối với chùa Huyền Không bằng bốn chữ: “Thiên hạ cự quan” (Công trình lớn trong thiên hạ).
Xung quanh Huyền Không tự vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Trong đó điều khiến người ta hiếu kỳ nhất chính là thời cổ đại khi chưa có máy móc, cổ nhân làm thế nào để xây dựng được ngôi chùa trên vách đá? Tại sao toàn bộ kiến trúc có kết cấu hoàn toàn bằng gỗ này có thể tồn tại hàng ngàn năm, không sợ động đất mà vẫn đứng vững không sụp đổ?
27 cây xà ngang chống đỡ toàn bộ ngôi chùa
Các nhà khảo cổ học phát hiện rằng tất cả các lối đi và lầu gác ở chùa Huyền Không đều chôn những cây xà ngang bằng gỗ. Những cây xà ngang này có đường kính khoảng 50cm, cắm sâu vào núi đá 2m, phần lộ ra dài khoảng 1m. Đếm kỹ thì có tổng cộng 27 cây xà như vậy. Các chuyên gia tin rằng những người xây dựng đã sử dụng nguyên lý cơ học, khiến những cây xà ngang cắm vào một nửa làm nền móng cho toàn bộ ngôi chùa, gánh đỡ toàn bộ chùa Huyền Không.
Phía dưới Huyền Không tự người ta còn có thể nhìn thấy những cây gỗ thẳng đứng. Nhìn giống như chúng được làm ra để đem Huyền Không tự cắm vào vách đá và có tác dụng nâng đỡ toàn bộ ngôi chùa. Trên thực tế, những cây gỗ thẳng đứng dưới đường ván gỗ là những vật trang trí được các thế hệ sau thêm vào, có thể lắc lư và không có tác dụng chống đỡ. Nhưng những cây gỗ thẳng đứng dưới những lầu gác lại hoàn toàn khác. Chúng vừa vặn trụ vững cho các cây xà ngang, và gần như không thể di chuyển được.
Vấn đề chịu lực đã được giải quyết, nhưng làm sao cây xà này có thể tồn tại hàng ngàn năm mà không bị mục nát? Nghe nói rằng những cây xà ngang này là dùng cây thiết sam, đặc sản của địa phương gia công mà thành. Chúng được ngâm trong dầu cây trẩu, vốn có tác dụng chống mục rất tốt. Chẳng trách trải qua hàng ngàn năm, đến nay chúng vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Vì vậy, người dân địa phương gọi những cây xà ngang này là “đòn gánh sắt”.
Vít giãn nở thời cổ đại
Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, bộ môn văn vật [ngành di sản văn hóa] ở Sơn Tây cố gắng thay thế một số xà ngang của Huyền Không tự. Nhưng điều khiến mọi người không ngờ tới là, trong quá trình trùng tu lần này, các chuyên gia đã phát hiện ra phương pháp xây dựng độc đáo của ngôi chùa.
Hóa ra khi sửa chữa những cây xà ngang ở lối đi phía Tây, mọi người nghĩ hết cách cũng không tìm được phương pháp nào để kéo thanh xà ra khỏi lỗ đá. Không còn cách nào khác, các chuyên gia cuối cùng quyết định dùng cưa cắt đứt thanh xà, sau đó dùng máy khoan điện khoan vào phần gốc cây gỗ. Phương pháp này lấy được xà ngang thật không dễ dàng gì.
Sau khi lấy xà ngang ra, các chuyên gia phát hiện xà ngang có hình dáng kỳ lạ. Trên xà ngang có nhiều răng ngược, hơn nữa ở trong khe nứt một bên có nhiều cái nêm. Nghiên cứu sâu hơn, người ta phát hiện ra vấn đề nằm ở một ốc vít giãn nở cực lớn! Hóa ra, tất cả các xà ngang đều đã được thực hiện đặc biệt. Đầu thanh xà cắm vào lỗ đá có một cái nêm được đóng vào trong lỗ. Cái nêm này sẽ căng ra và kẹp chặt vào tường đá. Càng đẩy sâu thì nó sẽ được cố định chặt chẽ hơn.
Căn cứ vào ghi chép trên các tấm bia đá trong chùa, khi đó, đầu tiên những người thợ phải đục lỗ đá và cắm chắc các thanh xà ngang. Sau đó, họ lại ở dưới chân núi chế tạo ra từng cấu kiện bằng gỗ của gian lầu gác để dựng chùa. Khi tất cả các cấu kiện đã được chế tạo xong, chúng được vận chuyển lên đỉnh núi. Người ta lại dùng dây thừng đưa thợ và các bộ phận lắp ráp tập kết ở sườn núi. Ở đó, những người thợ sẽ lắp ráp các cấu kiện thành các gian lầu gác riêng lẻ. Họ lại trải ván trên các con đường nhỏ ở giữa các gian lầu gác riêng lẻ để kết nối chúng thành một tổng thể. Như vậy đã xây dựng xong chùa Huyền Không.
Khả năng chống siêu động đất
Trong lịch sử của huyện Hỗn Nguyên nơi có chùa Huyền Không từng có nhiều ghi chép về các trận động đất. Trong 40 năm gần đây đã xảy ra hai trận động đất cấp 6 trở lên. Một lần trong số đó khiến khoảng 1/3 nhà cửa ở huyện Hỗn Nguyên sụp đổ, thiệt hại nặng nề, nhưng Huyền Không tự vẫn bình an vô sự. Việc này rốt cuộc như thế nào?
Như đã giới thiệu ở phần trên, Huyền Không tự hoàn toàn là một công trình kiến trúc bằng gỗ. Không chỉ lầu gác của Huyền Không tự dựa vào vật liệu gỗ chống đỡ giữa vách đá cheo leo, mà kết cấu dàn khung của toàn bộ lầu gác cũng là do cột trụ bằng gỗ tạo thành, hình thành một kết cấu mộng và lỗ mộng. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cấu trúc mộng và lỗ mộng chính là có tính đàn hồi cao. Kiến trúc có kết cấu loại này khi chịu tác dụng cực lớn của ngoại lực, các bộ phận của nó sẽ chịu tác động đan xen vào nhau, và có thể trở lại hình dạng ban đầu khi ngoại lực biến mất. Vì thế, khả năng chống động đất của chúng rất mạnh.
Lại lấy một ví dụ điển hình khác về kiến trúc kết cấu mộng và lỗ mộng — Cố Cung ở Bắc Kinh. Kể từ khi được xây dựng cách đây hơn 600 năm, Cố Cung có thể nói là trải qua đủ mọi khảo nghiệm. Riêng về động đất đã có hơn 200 trận lớn nhỏ, nhưng Cố Cung vẫn bình yên vô sự sau mỗi trận động đất. Từng có chuyên gia phỏng chế mô hình một tòa nhà Cố Cung với tỷ lệ 1:5, và tiến hành thử nghiệm mô phỏng động đất trên đó. Kết quả thật đáng kinh ngạc: ngay cả khi cường độ động đất lên tới 10.1 độ richter, mô hình vẫn đứng thẳng. Có thể thấy khả năng chống động đất của kết cấu mộng và lỗ mộng là rất lớn.
Chúng ta tiếp tục nói về Huyền Không tự, để ngăn ngừa tổn thất do động đất gây ra, Huyền Không tự có thiết kế rất chu đáo, đó là gì? Mọi người hãy quan sát thật kỹ Huyền Không tự. Vị trí của nó nằm trong một rãnh lõm trên núi, nhìn giống như có người dùng rìu cắt một mảnh vào sườn núi. Vì vậy, phần ngọn núi phía trên Huyền Không tự trở thành chiếc ô bảo vệ tự nhiên cho chùa. Dù có động đất, đá từ trên núi rơi xuống cũng không thể đập trúng Huyền Không tự.
Nói đến đây, mọi người có nghĩ người thiết kế Huyền Không tự quá xuất sắc và rất muốn biết ông là ai không? Và điều này dẫn đến một bí ẩn khác về Huyền Không tự.
Bí ẩn về thân thế
Đa số mọi người cho rằng Huyền Không tự được xây dựng vào thời Bắc Ngụy. Một thuyết cho rằng là do di huấn của Thiên Sư Đạo trưởng thời Bắc Ngụy Khấu Khiêm Chi để lại trước khi về cõi Tiên. Ông ấy muốn xây dựng một ngôi chùa giữa không trung, muốn làm được “Thượng diên tiêu khách, hạ tuyệt hiêu phù” (Trên mời các vị khách Thần Tiên, dưới tránh xa ồn ào thế tục). Ý tứ chính là nói, lên đến được ngôi chùa này là có thể tránh xa được sự ồn ào của thế tục, và vứt bỏ được hết những ưu phiền của thế gian, tinh tấn tu hành và kết giao với các vị Thần Tiên trên Thiên Thượng. Sau đó, các đệ tử của Thiên Sư đã bằng nhiều cách xoay sở tiền bạc, cẩn thận lựa chọn địa điểm và thiết kế. Đến năm Thái Hòa thứ 15 triều đại Bắc Ngụy, tức là vào năm 491, bắt đầu xây dựng Huyền Không tự. Ngoài ra, còn thuyết cho rằng chùa Huyền Không là do triều đình xây dựng. Lý Văn Đế Thác Bạt Hoành nhà Bắc Ngụy hạ lệnh xây dựng chùa, đem Đạo tràng của Thiên Sư Đạo trưởng Khấu Khiêm Chi chuyển đến đây. Còn có truyền thuyết cho rằng Huyền Không tự là do hòa thượng Liễu Nhiên thời Bắc Ngụy xây dựng.
Một ngôi chùa, tại sao do Đạo giáo xây dựng hay Phật giáo xây dựng lại nói không rõ ràng? Bởi vì Huyền Không tự không phải là Phật tự, cũng không phải là Đạo quán. Nó là một ngôi chùa đặc biệt duy nhất còn tồn tại đến nay trên lãnh thổ Trung Quốc, nơi tam giáo Phật, Đạo, Nho hợp nhất. Trong chùa đem ba vị thủy tổ của tam giáo gồm Lão Tử của Đạo giáo, Phật Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo, Khổng Tử của Nho giáo cùng đặt trong một điện thờ.
Huyền Không tự này vốn được gọi là “Huyền Không các”「玄空閣」. 「玄」‘Huyền’ lấy từ giáo lý Đạo giáo truyền thống của Trung Quốc, 「空」‘Không’ là khởi nguồn từ giáo lý của Phật giáo, sau này bởi vì hai chữ「玄」(nghĩa là huyền diệu ) và 「懸」(nghĩa là treo lơ lửng) đồng âm đọc là ‘Huyền’, mà treo lơ lửng ở không trung là điểm đặc biệt của ngôi chùa này, cho nên sau này liền đổi tên thành “Huyền Không tự” 「懸空寺」.
Nói đến đây, “Tam giáo hợp nhất” này cũng là một bí ẩn chưa có lời giải. Bởi vì từ xưa đến nay, trong giới tu luyện đều có thuyết pháp ‘bất nhị pháp môn’. Người tu Phật chính là tu Phật, người tu Đạo chính là tu Đạo. Ngay cả các pháp môn khác nhau trong Phật giáo, các môn phái khác nhau trong Đạo giáo cũng đều không thể trộn lẫn. Nhưng tại sao Huyền Không tự lại sùng kính cả ba tôn giáo: Nho, Phật và Đạo?
Một số người cho rằng, điều này phản ánh tính bao dung của văn hóa Trung Quốc. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia vì vấn đề tín ngưỡng tôn giáo nên thường xuyên xảy ra chiến tranh, không phải là anh tiêu thì tôi diệt. Mà trong lịch sử đằng đẵng năm ngàn năm của Trung Quốc chưa từng xảy ra chiến tranh tôn giáo. Văn hóa Trung Quốc với tấm lòng rộng lớn, thu dung tất cả các tín ngưỡng khác nhau. Cho nên, ở Trung Quốc, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, kể cả Cơ đốc giáo sau này được du nhập vào, đều có thể cùng tồn tại và phát triển rất tốt.
Cũng có người nói, ở trong đó có lẽ còn có nội hàm thâm sâu hơn. 2,500 năm trước, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài từng nói với các đệ tử rằng, Pháp của Ngài chỉ có thể lưu truyền 500 năm, sau đó sẽ từ từ suy tàn. Đến thời kỳ mạt Pháp, Pháp của Ngài sẽ chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không thể cứu độ con người nữa. Điều này thực ra không khó lý giải. Mọi người đến một số tự viện nổi tiếng, thì sẽ phát hiện rằng nơi đó từ lâu không còn là nơi thanh tịnh của Phật môn nữa. Điều mà các tăng nhân nghĩ đến không còn là tịnh tu đắc chính quả, mà là làm thế nào để phát tài cầu danh. Còn có tăng nhân là đảng viên, cán bộ, còn được phát lương nữa. Không quá lời khi nói rằng họ khoác áo cà sa và làm bại hoại Phật Pháp. Phật giáo như thế và Đạo giáo cũng không khác gì.
Nhưng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để lại cho mọi người niềm hy vọng. Ngài nói rằng trong tương lai, Đức Chuyển Luân Vương sẽ hạ thế, với lòng từ bi và trí tuệ lớn hơn để cai quản thế giới này. Đến lúc đó, con người vẫn có thể tu hành trong thế giới trần tục. Như vậy xem ra, có lẽ Chuyển Luân Vương có trí tuệ và năng lực siêu việt tất cả mọi tôn giáo. Bất kể tín ngưỡng trước đây của mọi người là gì, đều có thể được Chuyển Luân Vương cứu độ. Mà Huyền Không tự cũng có thể đang tuân theo thiên ý, ám thị cho thế nhân biết việc tu luyện trong tương lai sẽ có hình thức như thế nào. Có phải như vậy không?
Nói đến những ngôi chùa treo giữa không trung như thế này, thực ra ở Trung Quốc còn có rất nhiều. Ngoài Huyền Không tự ở núi Hằng Sơn nổi tiếng nhất, còn có một ngôi chùa khác cũng được mệnh danh là kỳ tích về kiến trúc. Đó là chùa Cam Lộ ở Phúc Kiến, chỉ dựa vào một cây cột trụ chống đỡ gần 900 năm qua. Dân gian có câu rằng “Bắc hữu Hằng Sơn Huyền Không tự, nam hữu Kim Hồ Cam Lộ tự” (Phía bắc có chùa Huyền Không ở núi Hằng Sơn, phía nam có chùa Cam Lộ ở Kim Hồ). Chúng ta hãy thử tìm hiểu về ngôi chùa Cam Lộ này.
Kỳ tích của một cột trụ
Chùa Cam Lộ ở Phúc Kiến nằm trong khu thắng cảnh Kim Hồ ở Thái Ninh. Chùa được xây dựng ở trong một nham động trên rộng dưới hẹp bên vách núi từ thời Nam Tống. Tính đến nay, chùa đã có lịch sử mấy trăm năm. Do phía trên chùa có dòng nước suối nhỏ chảy ra, kinh qua các tầng nham thạch, nước được lọc sạch sẽ tinh khiết, và trở nên ngọt như cam lồ. Cho nên, chùa có tên là Cam Lộ tự.
Quần thể lầu các màu đỏ son của chùa Cam Lộ có phong cách nghệ thuật kiến trúc phong phú của thời nhà Tống, rất nguy nga, tráng lệ. Bố cục của toàn bộ quần thể kiến trúc rất thần thánh và trang nghiêm, khiến người ta vừa nhìn đã cảm thấy choáng ngợp kính sợ. Tuy nhiên, điều khiến người ta không ngớt lời ca ngợi ở ngôi chùa cổ này chính là kết cấu kiến trúc “Nhất trụ sáp địa, bất giả phiến ngõa” (một trụ cắm vào đất, mái chùa không dùng ngói). Điều này nghĩa là gì?
Kiến trúc chính của chùa Cam Lộ hoàn toàn được làm bằng gỗ, chỉ dựa vào một cây cột trụ gỗ tròn to chống đỡ toàn bộ quần thể kiến trúc gồm ba tầng lầu cao giữa vách đá. Kỹ thuật kiến trúc có thể nói là kỳ diệu như Thần. Ngoài ra, chùa Cam Lộ toàn bộ đều dùng đầu nối chữ “T” để kết nối, còn gọi là “vòm xuyên”. Toàn bộ công trình không hề sử dụng đinh sắt. Kỹ thuật kiến trúc thủ công tinh xảo của chùa Cam Lộ có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc châu Á. Ngay từ thế kỷ 12, người Nhật Bản đã đến khảo sát chùa Cam Lộ ba lần. Người ta nói rằng bố cục kết cấu được sử dụng trong Đại Phật Điện ở Đông Đại tự (chùa Todaiji) ở Nara Nhật Bản, chính là lấy hình mẫu từ chùa Cam Lộ. Trong kiến trúc Phật giáo Nhật Bản, có một kiểu kiến trúc gọi là “kiểu Đại Phật”. Nguồn gốc của nó có liên quan mật thiết đến chùa Cam Lộ.
Liên quan đến nguồn gốc của chùa Cam Lộ, trong dân gian còn có một câu chuyện. Tương truyền, chùa Cam Lộ chỉ là một gian chùa nhỏ bình thường. Một hôm, có một người phụ nữ đến chùa, và hướng đến vị Quan Âm Tống Tử đang được thờ bên trong khấn nguyện nói: “Nếu con có được một người con trai, nhất định sẽ trùng tu lại chùa, hang động rộng bao nhiêu, sẽ xây chùa bấy nhiêu.” Sau đó, người phụ nữ quả nhiên đã sinh ra một bé trai, đặt tên là Diệp Tổ Hiệp, sau này thi đậu Trạng nguyên. Để hoàn thành tâm nguyện của mẫu thân, Diệp trạng nguyên đã trưng dụng rộng rãi những bậc kỳ tài về kiến trúc trong thiên hạ đến xây dựng ngôi chùa này. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở nên việc khởi công ngôi chùa bị trì hoãn. Một ngày nọ, một người thợ tên là Chu Chước Đầu nhìn thấy một người đàn ông lực lưỡng đang vác gỗ. Ông ta mang một khúc gỗ tròn vừa to vừa thẳng, đặt vững chãi lên một cái xiên sắt hình chữ Y. Người thợ này vì thế nảy sinh sáng kiến, xây dựng ngôi chùa Cam Lộ “một trụ chống trời”. Người đời sau cũng gọi cây cột trụ chống đỡ ngôi chùa này là “Trụ trạng nguyên”.
Nhìn thấy hai ngôi chùa cổ tráng lệ là Huyền Không tự ở Hằng Sơn và Cam Lộ tự ở Phúc Kiến được xây dựng trên vách đá dựng đứng cheo leo, thật sự không khỏi cảm thấy bội phục từ đáy lòng đối với trí tuệ của cổ nhân Trung Quốc. Việc thiết kế và xây dựng hai ngôi chùa này có thể nói là đạt đến trình độ đỉnh cao. Hai ngôi cổ tự không chỉ có vẻ ngoài tráng quan, mà phương thức kiến trúc cũng tràn ngập sự tinh xảo và độc đáo. Hơn nữa, vào thời cổ đại, tất cả quá trình xây dựng đều dựa vào nhân lực. Không có sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại và máy móc thiết bị, nhưng có thể hoàn thành một công trình kiến trúc tuyệt vời như thế, ngẫm lại cũng cảm thấy vô cùng khó khăn.
Theo dõi kênh trên Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Theo dõi kênh trên Ganjingworld:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c
Tham gia nhóm “Bí ẩn chưa có lời giải” trên Telegram:
Tổ “Bí ẩn chưa có lời giải” thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ