Báo cáo: Sự can thiệp và cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở Canada
Một báo cáo toàn diện tiết lộ chi tiết chiến dịch can thiệp ở ngoại quốc và cuộc đàn áp Pháp Luân Công xuyên quốc gia của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Canada trong 24 năm qua.
Một bản báo cáo toàn diện tiết lộ chi tiết về chiến dịch can thiệp ở ngoại quốc và cuộc đàn áp Pháp Luân Công xuyên quốc gia của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Canada suốt 24 năm qua, nhấn mạnh sự leo thang cùng các kế sách nhằm bịt miệng nhóm người này và ngăn chặn các hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh tác động tiêu cực của những hành động này đối với người dân Canada khi nhà cầm quyền ngày càng thúc đẩy các mục tiêu ý thức hệ của họ.
Báo cáo 129 trang do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada (FDAC) công bố hôm thứ Tư (25/10) ghi lại nhiều trường hợp các cá nhân hoặc tổ chức tham gia công kích, uy hiếp, sách nhiễu, và xa lánh xã hội bằng cả lời nói lẫn hành động đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Những sự việc này, vẫn tiếp diễn kể từ năm 1999, thường có liên quan đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Trung Quốc hoặc bộ phận can thiệp ngoại quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Báo cáo của FDAC nhấn mạnh rằng, để theo đuổi mục tiêu “cải biến nhận thức của công chúng về Pháp Luân Công, làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với lời kêu gọi bảo vệ công lý và nhân quyền của nhóm này,” hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của ĐCSTQ “ngày càng bành trướng và gây tác động tiêu cực đến toàn thể công chúng Canada.” Điều này bao gồm giới chính trị gia cùng nhiều khía cạnh khác của đời sống dân sự, xã hội, và chính trị ở Canada.
Báo cáo chỉ ra rằng hoạt động can nhiễu ở ngoại quốc của Bắc Kinh đã phát triển theo hướng “kín kẽ hơn và tinh vi hơn.” Vì vậy, công chúng Canada có nhận thức hạn chế, dẫn đến phản ứng không đủ mạnh và không cân xứng để đối phó với mức độ đe dọa này.
“ĐCSTQ đã đang đe dọa và thao túng các quan chức dân cử tại Canada, ngăn không cho họ giải quyết các hành vi đàn áp nhân quyền,” đại diện của FDAC, bà Grace Wollensak, cho biết trong cuộc họp báo hôm 25/10 tại Đồi Nghị viện.
Bà cho biết thêm: “Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào hệ thống cùng các thể chế chính trị của Canada là điều vô cùng đáng lo ngại, vì họ đang làm suy yếu khả năng của chính phủ Canada trong việc giải quyết và khắc phục chính vấn đề can thiệp.”
Làm xói mòn các giá trị và nền quản trị tốt đẹp của Canada
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần có nguồn gốc từ Phật gia. Pháp môn này bao gồm năm bài công pháp tĩnh tại cùng với các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý là “chân, thiện, và nhẫn.”
Được hồng truyền ra công chúng vào năm 1992 tại Trung Quốc, Pháp Luân Công nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ những lợi ích về sức khỏe mà môn tập này mang lại. Vào cuối những năm 1990, ước tính số người theo học Pháp Luân Công là khoảng 70 triệu đến 100 triệu người, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân cho rằng sự phổ biến của môn này là mối đe dọa đối với sự cai trị chuyên quyền của chế độ. Vào 07/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch bắt giữ hàng loạt và bức hại trên toàn quốc nhằm mục đích ‘xóa sổ’ môn tu luyện này.
“Việc can nhiễu và đàn áp này là một phần mở rộng trong chiến dịch của ĐCSTQ nhằm xóa sổ Pháp Luân Công ở Trung Quốc,” bản báo cáo cho biết. “Chiến dịch xóa sổ kéo theo một số hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bao gồm thu hoạch nội tạng cưỡng bức, vốn được xem là cấu thành tội ác phản nhân loại và có khả năng bị khép vào tội diệt chủng.”
Bà Wollensak lưu ý rằng chiến dịch này “không chỉ đe dọa sự an toàn và an ninh của cộng đồng Pháp Luân Công mà còn làm xói mòn các giá trị căn bản và nền quản trị tốt đẹp của xã hội Canada.”
Các chiến thuật gây ảnh hưởng
Báo cáo của FDAC cho biết mặc dù cuộc đàn áp của ĐCSTQ bành trướng trong nhiều lĩnh vực ở xã hội Canada, tuy nhiên việc gây ảnh hưởng đối với khu vực chính phủ là “chưa có tiền lệ.” Các chiến thuật bao gồm gửi thư phỉ báng đến các quan chức, tuyên truyền thông tin sai lệch, và tổ chức các cuộc biểu tình thông qua các tổ chức liên kết với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan chủ chốt của Trung Quốc tham gia vào hoạt động can thiệp ở ngoại quốc.
Một “xu hướng đáng báo động” là cách mà những bức thư phỉ báng này đã cải tiến theo thời gian. Ban đầu, những bức thư được các nhà ngoại giao cao cấp của Đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc trực tiếp gửi đến. Trong những năm gần đây, họ đã chuyển sang lôi kéo các cá nhân mạo danh học viên Pháp Luân Công để gửi những bức thư như vậy dưới danh tính giả.
Bản cáo trạng trích dẫn một trường hợp vào năm 2017 trong đó Nghị sĩ Đảng Tự do Judy Sgro, đồng chủ tịch của tổ chức Những nghị viên Hữu hảo với Pháp Luân Công (Parliamentary Friends of Falun Gong), đã nhận được một thư điện tử giả mạo từ một cá nhân tự xưng là “curry zhaoz.” Người gửi kèm theo hình ảnh của bà Sgro với phông nền không phù hợp và tuyên bố rằng hình ảnh này sẽ được lưu hành rộng rãi để thể hiện sự ủng hộ của bà đối với Pháp Luân Công.
Một xu hướng đáng chú ý khác được xác định trong báo cáo là các hoạt động này ngày càng phụ thuộc vào các tổ chức bình phong. Việc này đòi hỏi phải thuê các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức dân sự để trợ giúp thúc đẩy cuộc đàn áp của ĐCSTQ. Trích dẫn lời một học giả nghiên cứu về Trung Quốc, báo cáo cho thấy có tổng cộng 204 tổ chức tại Canada được xác định là có liên quan đến Mặt trận Thống nhất. Báo cáo không tiết lộ danh tính của vị học giả, nói rằng vị này muốn ẩn danh.
Trong một phiên điều trần năm 2014, ông Michel Juneau-Katsuya, cựu lãnh đạo bộ phận Châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS), đã đánh dấu một số tổ chức bị nghi ngờ dính líu đến việc trợ giúp các hoạt động của ĐCSTQ và đưa ra một cách đơn giản để các cơ quan phản gián phương Tây xác định danh tính của đặc vụ ĐCSTQ cùng các tổ chức đồng phạm.
Thông thường, các cá nhân và tổ chức này sẽ được mời tham dự các cuộc họp do các quan chức cao cấp Trung Quốc tổ chức hoặc trong các chuyến đi được đài thọ toàn bộ chi phí tới Trung Quốc. Và họ thường bày tỏ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh, ngay cả trong các tình huống liên quan đến vi phạm nhân quyền hoặc các sự kiện gây tranh cãi như Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, trong đó nhà cầm quyền nước này đã nổ súng vào các sinh viên và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Tuyên truyền thù hận
Để biện minh cho việc đàn áp Pháp Luân Công, báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền thù hận quy mô lớn, sử dụng các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát để phỉ báng môn tu luyện và những học viên của môn này, cũng như hạn chế các nguồn thông tin ra bên ngoài.
Đơn cử một sự kiện đáng chú ý là vụ “tự thiêu” hôm 23/01/2001 được cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã phát sóng. Trong chương trình phát sóng đó, năm người được cho là đã tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Tân Hoa Xã ngay lập tức tuyên bố họ là những học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu như một nỗ lực tự sát vì đức tin, mặc dù hành động tự tử là đi ngược lại với lời giảng của môn tu luyện. Cái được gọi là vụ tự thiêu này được ĐCSTQ dàn dựng để vu khống Pháp Luân Công.
Mặc dù đoạn video có nhiều điểm mâu thuẫn và sau đó bị các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế nghi ngờ là dàn dựng, bản tin của Tân Hoa Xã vẫn được xem là một chiến thắng tuyên truyền quan trọng của ĐCSTQ. Nhiều công dân Trung Quốc bắt đầu đấu tố đồng nghiệp, hàng xóm, và thậm chí cả người nhà tu luyện Pháp Luân Công, vì tin rằng nhóm người này thực sự nguy hiểm.
FDAC nhấn mạnh rằng tuyên truyền nhồi sọ của chế độ này đã lan rộng sang Canada, định hình thái độ của người dân Canada đối với môn tu luyện này theo lập trường của Bắc Kinh.
Trong một vụ việc được nêu chi tiết trong báo cáo, hôm 20/08 một phụ nữ Alberta đã bị bắt tại Toronto sau khi hành hung bà Chu Truyền Anh, một học viên Pháp Luân Công 78 tuổi. Bà Chu thường xuyên đến Tháp CN để phát tờ rơi và cung cấp cho mọi người thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Vào ngày hôm đó, người phụ nữ này đã đối chất bà Chu với những lời chế nhạo, chửi bới rồi giật phăng tập tờ rơi bà đang cầm trên tay.
Báo cáo cũng cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada được biết là để dành hẳn một chuyên mục trên trang web để quảng bá tuyên truyền bài xích Pháp Luân Công. Hơn nữa, báo cáo này còn ghi lại một số trường hợp liên quan đến việc Đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc reo rắc tuyên truyền thù hận. Đầu những năm 2000, Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto đã trưng bày công khai các bích chương bài xích Pháp Luân Công trên tường nơi những người xin thị thực đứng chờ làm thủ tục.
Báo cáo này cũng nêu lên những lo ngại về “vai trò đáng kể” của các phương tiện truyền thông Hoa ngữ tại Canada và các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat trong việc phát tán tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Trong số rất nhiều trường hợp được FDAC đề cập đến có trường hợp về La Presse Chinoise có trụ sở tại Montreal, “đã sao chép các tài liệu phỉ báng từ Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa trong hầu hết các số báo của mình” để bài xích Pháp Luân Công kể từ năm 2021.
Những phát hiện này phù hợp với quan sát của ông Hà Lương Mậu (Victor Ho), cựu tổng biên tập của tờ Tinh Đảo Nhật Báo. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Hà đã phân định ba loại hãng truyền thông mà Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng ở hải ngoại và mở rộng quyền kiểm soát đối với cộng đồng Hoa kiều: các chi nhánh ở hải ngoại của truyền thông nhà nước Trung Quốc, các cơ quan truyền thông có nguồn gốc từ Hồng Kông chịu quỳ phục trước ảnh hưởng của Bắc Kinh, và các hãng truyền thông hải ngoại do các nhóm người Hoa thân Bắc Kinh tạo ra.
Các khuyến nghị
FDAC đề xướng một loạt khuyến nghị nhằm ứng phó với sự can thiệp ngoại quốc và cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Hiệp hội này đang kêu gọi chính phủ Canada công khai lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp này ở Trung Quốc cũng như mở rộng đàn áp sang Canada. Hiệp hội này cũng yêu cầu chính phủ công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công và mời các học viên ra làm chứng trước các ủy ban quốc hội.
Một khuyến nghị khác là bảo đảm trách nhiệm ngoại giao bằng cách trừng phạt các nhà ngoại giao và quan chức phái đoàn Trung Quốc bị phát hiện dính líu đến các hoạt động thâm nhập và đàn áp tại Canada. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ cấu pháp lý mạnh mẽ, chẳng hạn như đề nghị về ghi danh đại diện ngoại quốc, để xác định và trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động thay mặt cho ĐCSTQ.
Các khuyến nghị của FDAC cũng bao gồm việc tăng cường tính minh bạch, bằng cách thường xuyên công bố các báo cáo nêu bật các vụ việc và hình phạt liên quan đến các biện pháp được thực hiện nhằm chống lại sự can thiệp và đàn áp ở ngoại quốc; cũng như việc cung cấp kiến thức cho các quan chức ở toàn bộ các cấp chính quyền về chiến thuật của ĐCSTQ cũng như về cách nhận biết và chống lại tuyên truyền của chế độ này.
Báo cáo trích dẫn câu trả lời của cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), người đã đào thoát sang Úc vào năm 2005, khi ông được hỏi tại sao ĐCSTQ lại đầu tư vào việc mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở ngoại quốc.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times