Báo cáo: Chính phủ liên bang và các trường đại học kiểm duyệt người Mỹ trước thềm bầu cử năm 2020
Một báo cáo mới phát hiện ra rằng ‘thông tin đúng sự thật do Đảng Cộng Hòa và những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đăng tải đã bị dán nhãn là “thông tin sai lệch.’”
Theo một báo cáo mới từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Tiểu ban Đặc biệt về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang, chính phủ Hoa Kỳ đã “phối hợp” với Đại học Stanford và các tổ chức khác để kiểm duyệt ngôn luận của người Mỹ trước thềm bầu cử năm 2020.
Theo báo cáo được công bố hôm 06/11 này, vào năm 2020, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Trung tâm Gắn kết Toàn cầu — một cơ quan trực thuộc Cục Quan hệ Công chúng Toàn cầu tại Bộ Ngoại giao — đã phối hợp với Đại học Stanford và các trường đại học khác để tạo ra cái được gọi là “Đối tác Liêm chính trong Bầu cử” (EIP) nhằm “đưa ra một cách thức để chính phủ liên bang che giấu các hoạt động kiểm duyệt của mình với hy vọng bỏ qua cả Tu chính án thứ Nhất và sự giám sát của công chúng.”
Theo báo cáo, EIP bao gồm các thành viên từ Cơ quan quan sát Internet Stanford, Trung tâm Công chúng Có hiểu biết của Đại học Washington, Graphika, và Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Điều tra Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, dựa trên các thư điện tử và các cuộc liên lạc nội bộ giữa các thành viên EIP.
Theo báo cáo, được gọi là “các bên liên quan bên ngoài” và được cho là bao gồm chính phủ liên bang, các thành viên này đã “gửi báo cáo thông tin sai lệch trực tiếp tới EIP,” sau đó “các nhà phân tích thông tin sai lệch” của EIP được cho là đã lùng sục trên Internet để tìm thêm các trường hợp có nội dung tương tự để kiểm duyệt.
Báo cáo cho thấy EIP thường xuyên gửi nội dung bị cảnh báo là “đáng chú ý nhất” trên mạng xã hội đến các công ty truyền thông xã hội, kèm theo “các khuyến nghị cụ thể về cách các nền tảng truyền thông xã hội nên kiểm duyệt bài đăng.”
Báo cáo nêu rõ: “Chính phủ liên bang và các trường đại học đã gây áp lực cho các công ty truyền thông xã hội để kiểm duyệt thông tin đúng sự thật, những câu chuyện cười, và các quan điểm chính trị.”
Báo cáo nêu rõ: “Áp lực này phần lớn được định hướng theo cách có lợi cho một cánh chính trị: thông tin đúng sự thật do Đảng Cộng Hòa và những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đăng tải đã bị gắn nhãn là ‘thông tin sai lệch’ trong khi thông tin sai lệch do Đảng Dân Chủ và những người thiên tả đăng tải phần lớn không bị báo cáo và không bị các cơ quan kiểm duyệt đề cập đến.”
CISA có liên quan
Trích dẫn các thư điện tử nội bộ, báo cáo này cho biết EIP được thành lập “theo yêu cầu của DHS/CISA” và cơ quan chính phủ này “có quyền truy cập vào các hoạt động nội bộ của EIP, kể cả các báo cáo thông tin sai lệch gửi đến.”
Những bức thư điện tử được trích dẫn trong báo cáo bao gồm thông tin liên lạc giữa các quan chức CISA và các công ty truyền thông xã hội như Facebook và Twitter (hiện được gọi là X), một thư điện tử mà trong đó CISA “trực tiếp phản đối việc liệu một bài đăng bị cảnh báo có bị xem là ‘thông tin sai lệch’ theo quan điểm của CISA hay không.”
Theo báo cáo, CISA đã làm như vậy mặc dù các thư điện tử của cơ quan này bao gồm một tuyên bố từ chối trách nhiệm pháp lý, cho biết rằng họ “không có cũng như không tìm kiếm khả năng xóa những thông tin nào được cung cấp trên các nền tảng truyền thông xã hội.”
Báo cáo nêu rõ: “Mặc dù CISA không báo cáo trực tiếp nội dung cho EIP, nhưng CISA có thể nhìn thấy được đầy đủ những gì đã được báo cáo cho EIP, đồng thời CISA thông báo nội dung tương tự trực tiếp cho các nền tảng truyền thông xã hội.”
Ông Graham Brookie, phó chủ tịch kiêm giám đốc cao cấp tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Điều tra Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương (một trong những đối tác sáng lập của EIP), đã gửi một bức thư điện tử đề ngày 31/07/2020 mà báo cáo này trích dẫn. Bức thư này mô tả ngắn gọn vai trò của CISA trong nỗ lực được cho là kiểm duyệt này.
Ông Brookie viết: “Tôi biết Hội đồng có một số nỗ lực về chính sách rộng rãi xung quanh các cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi vừa thiết lập một quan hệ đối tác liêm chính trong bầu cử theo yêu cầu của DHS/CISA và đang tiến hành trao đổi hàng tuần để thảo luận về thông tin giả.”
Theo báo cáo này, một thư điện tử khác ghi tháng 09/2020 từ CISA cho thấy Twitter đã thực hiện “hành động đối với một trong các tweet trong một yêu cầu [của EIP],” đề cập đến một báo cáo nội dung bị cảnh báo.
“Rõ ràng là Giám đốc [Chris] Krebs đã liên lạc với [người đứng đầu Cơ quan quan sát Internet Stanford là ông Alex] Stamos để hỏi chuyện gì đã xảy ra xung quanh sự kiện này vào khoảng thời gian nội dung này bị gỡ xuống,” báo cáo cho biết. “Trong những lần trao đổi thư điện tử nội bộ của Hội đồng Đại Tây Dương vào khoảng thời gian này, các thành viên EIP đã tuyên bố rằng ‘Krebs CISA đang nhắn tin cho ông Stamos một cách đều đặn.’”
Cũng theo báo cáo này, Lực lượng Đặc nhiệm Chống Ảnh hưởng của Ngoại quốc thuộc CISA đã sử dụng một quá trình được gọi là “chuyển tiếp về tổng đài,” mà các nhà lập pháp trong ủy ban cùng tiểu ban đặc biệt của mình mô tả là “thực hiện theo lệnh của chính phủ liên bang là chuyển tiếp các yêu cầu xóa nội dung trên mạng xã hội từ các văn phòng bầu cử tiểu bang và địa phương tới các nền tảng truyền thông xã hội.”
CISA đã biết về ‘những lo ngại nghiêm trọng về pháp lý và Hiến Pháp’
Báo cáo nêu rõ rằng, ông Brian Scully, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Chống Ảnh hưởng của Ngoại quốc thuộc CISA, đã ra làm chứng trong phiên điều trần lấy lời khai trong vụ Missouri kiện ông Biden hồi tháng Chín rằng việc chuyển tiếp về tổng đài đóng một “vai trò trong CISA trong việc chuyển tiếp báo cáo nhận được từ các quan chức bầu cử … tới các nền tảng truyền thông xã hội.”
Năm ngoái (2022), Missouri và Louisiana đã đệ đơn kiện chính phủ Tổng thống Biden vì cho rằng chính phủ đã thông đồng với các đại công ty truyền thông xã hội trong việc đàn áp tự do ngôn luận của người Mỹ.
Hồi tháng Chín, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 đã ra phán quyết rằng chính phủ Tổng thống Biden “có thể đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất” trong một số cuộc liên lạc của họ với các công ty truyền thông xã hội về việc xóa nhiều bài đăng về bầu cử trên mạng.
“Các tài liệu và thông tin mà Ủy ban và Tiểu ban Đặc biệt thu thập được đã tiết lộ rằng CISA biết những lo ngại nghiêm trọng về pháp lý và Hiến Pháp có liên quan đến việc chuyển tiếp về tổng đài,” báo cáo nêu rõ. “Việc CISA đưa ra một tuyên bố từ chối trách nhiệm pháp lý dài dòng — và luôn thay đổi — để lộ ra rằng nội bộ cơ quan này hiểu rằng có những vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong việc chính phủ liên bang tham gia vào kiểu liên lạc trực tiếp này với các nền tảng truyền thông xã hội về các bài đăng và nội dung của người Mỹ.”
Báo cáo tiếp tục nêu rõ rằng các thư điện tử nội bộ và các thông tin liên lạc khác mà ủy ban và tiểu ban đặc biệt thu thập được thông qua một trát đòi tài liệu “cho thấy rõ ràng rằng hệ thống EIP được tạo ra để hoạt động như một đơn vị của DHS, chứ không phải một tổ chức riêng biệt.”
Theo báo cáo, một số sinh viên đại học cũng được cho là có liên quan đến EIP, bao gồm ít nhất 4 sinh viên “được CISA tuyển dụng trong quá trình EIP hoạt động; họ sử dụng trương mục thư điện tử chính phủ của mình để liên lạc với các quan chức CISA và ‘các bên liên quan bên ngoài’ liên quan đến EIP.”
Đáp lại các phát hiện trong báo cáo hôm thứ Hai nói trên, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, gọi đây là một báo cáo “làm xôn xao dư luận,” qua đó tiết lộ cách chính phủ liên bang, các “chuyên gia” về thông tin giả tại các trường đại học, Đại công ty Công nghệ, và những người khác đã cùng nhau “giám sát và kiểm duyệt phát ngôn của người Mỹ” trước cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Trump và những người khác ‘bị nhắm mục tiêu’
Phản ứng trước những phát hiện trong báo cáo hôm 06/11, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cho biết nhiều cá nhân đã bị “nhắm mục tiêu” thông qua chiến dịch được cho là kiểm duyệt này, trong đó có cựu Tổng thống Donald Trump, Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina), Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), cựu Thống đốc Tiểu bang Arkansas Mike Huckabee, và các nhà bình luận theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống như ông Sean Hannity, bà Mollie Hemingway, và ông Charlie Kirk.
Theo nhà lập pháp đến từ Ohio này, một số tổ chức như Newsmax và Babylon Bee cũng trở thành mục tiêu.
Báo cáo cho biết “một số lượng nhiều không kể hết những người Mỹ bình thường thuộc mọi đảng phái chính trị” cũng bị nhắm mục tiêu.
Ông Elon Musk, doanh nhân tỷ phú và là chủ sở hữu X, đã gọi báo cáo này là “một vấn đề lớn” nhưng không bình luận gì thêm. Ông Musk mua lại Twitter hồi tháng 10/2022.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times