Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson tiết lộ kế hoạch ngăn chặn chính phủ đóng cửa
Ông Johnson đã đề ra một kế hoạch tài trợ tạm thời độc đáo gồm hai giai đoạn để ngăn chặn đóng cửa chính phủ một phần.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã tiết lộ một kế hoạch tài trợ tạm thời độc đáo “theo bậc thang” để ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa.
Kế hoạch do ông Johnson đề nghị là một nghị quyết chi tiêu tạm thời gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một là tài trợ cho một số bộ phận của chính phủ liên bang cho đến ngày 19/01 năm tới và giai đoạn hai là tài trợ cho những bộ phận khác cho đến ngày 02/02 năm tới.
Kế hoạch này khác biệt ở chỗ là thông thường các nhà lập pháp sẽ gia hạn tài trợ cho tất cả các chương trình cho đến một ngày nhất định.
Ông Johnson đã chọn cách sắp xếp này để tránh phải đề ra một dự luật chi tiêu duy nhất có giá trị rất lớn với nhiều nghị trình chi tiêu khác nhau. Lựa chọn này của ông có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng sự Đảng Cộng Hòa của ông, những người đang tập trung hết sức vào việc vận động cho hạn chế tài chính.
Ông Johnson cho biết trong một tuyên bố: “Nghị quyết chi tiêu tạm thời gồm hai giai đoạn này là một dự luật cần thiết để đưa các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vào vị trí tốt nhất để giành được các chiến thắng cho phái bảo tồn truyền thống.”
Ông tiếp tục: “Dự luật này sẽ chấm dứt thói quen không hợp lý về việc thông qua gói tổng hợp gồm nhiều dự luật chi tiêu rất lớn được giới thiệu ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh.”
Theo kế hoạch của ông Johnson, việc tài trợ cho một số dự luật chi tiêu, trong đó có các chương trình dành cho cựu chiến binh cũng như các dự luật liên quan đến giao thông, nhà ở, nông nghiệp, và năng lượng, sẽ được gia hạn cho đến ngày 19/01 năm tới.
Việc tài trợ cho các dự luật khác, chẳng hạn như về quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và Bộ An ninh Nội địa, sẽ được gia hạn cho đến ngày 02/02 năm tới.
Đáng chú ý, đề nghị của ông Johnson không bao gồm các khoản tài trợ mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu cho Israel, Ukraine, và an ninh biên giới Hoa Kỳ. Ông giải thích rằng việc không đưa các khoản này vào sẽ giúp các vấn đề đang gây tranh cãi, do có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhà lập pháp, như viện trợ nhiều hơn cho Ukraine hay làm cách nào để tăng cường an ninh biên giới tốt nhất, sẽ được thảo luận nhiều hơn.
Ông Johnson nói: “Việc tách nghị quyết tài trợ tạm thời này khỏi các cuộc tranh luận về tài trợ bổ sung sẽ đưa hội nghị của chúng tôi vào vị trí tốt nhất để thúc đẩy trách nhiệm tài khóa, giám sát viện trợ cho Ukraine, và mang lại những thay đổi có ý nghĩa về chính sách đối với biên giới phía Nam của chúng ta.”
Ông nói thêm: “Với việc nợ của chúng ta đang ngày càng tăng vượt khỏi tầm kiểm soát, giá cả gia tăng do chính sách kinh tế của ông Biden (Bidenomics) đang gây tổn hại cho các gia đình, và việc biên giới phía Nam của chúng ta rộng mở, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phải ở vào vị thế tốt nhất để tranh đấu cho người dân Mỹ.”
Các phản ứng
Tòa Bạch Ốc đã phản ứng gay gắt với đề nghị của ông Johnson và gọi đề nghị đó là “không nghiêm túc.”
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố: “Đề nghị này chỉ mang lại nhiều hỗn loạn và nhiều lần đóng cửa hơn nữa do Đảng Cộng Hòa gây ra — chỉ vậy thôi.”
Bà nói thêm: “Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cần ngừng lãng phí thời gian vào sự chia rẽ chính trị của riêng họ, thực hiện công việc của họ, và làm việc theo cách thức lưỡng đảng để ngăn chặn đóng cửa chính phủ.”
Dự luật tài trợ tổng hợp trị giá 1.7 ngàn tỷ USD năm ngoái đã giúp chính phủ tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm tài khóa 2023, kết thúc vào ngày 30/09.
Để ngăn chặn chính phủ đóng cửa, Quốc hội đã thông qua được một nghị quyết chi tiêu tạm thời kéo dài 47 ngày trước thời hạn ngày 30/09, nhưng Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã phải đồng ý với một loạt yêu cầu nhằm xoa dịu một số thành viên Đảng Cộng Hòa theo đường lối cứng rắn phản đối biện pháp tạm thời này. Trong số những nhượng bộ của ông McCarthy, có một thỏa thuận về việc thay đổi các quy tắc cho phép bất kỳ nhà lập pháp nào cũng được đệ đơn yêu cầu bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện.
Cuối cùng, một phần do sự thay đổi quy định này mà ông McCarthy đã bị bãi nhiệm, mở đường cho ông Johnson đắc cử.
Một trong những nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng Hòa, một thành viên của nhóm House Freedom Caucus, đã phản đối đề nghị tài trợ tạm thời của ông Johnson.
“Tôi không thể nói nhiều hơn nữa về sự phản đối của mình đối với nghị quyết tài trợ tạm thời vô điều kiện vừa được Chủ tịch Hạ viện công bố trước các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện này,” Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) cho biết trong một bài đăng trên X. “Hãy tài trợ cho các chính sách và chi tiêu ở mức độ của bà Pelosi trong 75 ngày nào — để cho ‘những lời hứa’ trong tương lai,” ông viết.
Trước thời hạn đóng cửa chính phủ trước đó vào ngày 30/09, một số thành viên của House Freedom Caucus nói rằng các cử tri đã bầu ra một khối đa số của Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện để hạn chế chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, và vì vậy Đảng Cộng Hòa nên chuẩn bị viện đến mọi phương pháp có trong tay để thúc đẩy cắt giảm chi tiêu.
“Chúng ta không nên lo sợ chính phủ đóng cửa,” Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) nói trong một cuộc họp báo vào cuối tháng Bảy.
“Hầu hết người dân Mỹ thậm chí sẽ không cảm nhận được chính phủ đang tạm thời bị đóng cửa.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện không đồng ý với ý kiến này, trong đó có Dân biểu Mike Simpson (Cộng Hòa-Idaho). Ông Simpson cho biết, ý tưởng rằng hầu hết người Mỹ sẽ không cảm nhận được tác động của việc chính phủ đóng cửa là một suy nghĩ quá giản đơn, đồng thời nói thêm rằng Đảng Cộng Hòa cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để cho chính phủ đóng cửa tạm thời.
“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ luôn bị đổ lỗi về việc chính phủ đóng cửa,” ông Simpson nói vào thời điểm đó. “Vì vậy, đó là chính sách tồi, là chính trị tồi.”
Ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis đã viết trong một bài xã luận gần đây cho The Epoch Times rằng việc chính phủ đóng cửa không phải là vấn đề, nợ công mới là vấn đề.
Ông viết: “Toàn bộ cuộc tranh luận này đang được xây dựng xung quanh cuộc khủng hoảng lớn mà việc đóng cửa chính phủ được cho là sẽ gây ra thay vì tập trung vào nguyên nhân của sự việc là do chi tiêu thâm hụt quá mức và nợ công tăng vọt.”
Ông tiếp tục: “Nợ ngày càng tăng và sự vô trách nhiệm trong chi tiêu thâm hụt của Hoa Kỳ có nghĩa là sẽ có nhiều thuế hơn, tăng trưởng kém hơn, và lạm phát nhiều hơn trong tương lai.”
Ông viết: “Nợ chính phủ không phải là một ‘món quà’ chỉ dành riêng khu vực tư nhân; món nợ này là cả một gánh nặng sẽ gây ra nhiều vấn đề kinh tế cho các thế hệ tương lai. Đồng tiền chỉ ổn định khi có trách nhiệm tài khóa.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times