Báo cáo: Bắc Kinh ngụy tạo hình ảnh Viện Khổng Tử nhằm đối phó với chỉ trích quốc tế gia tăng
Trên khắp thế giới, chính quyền Trung Quốc đã hợp tác với các trường đại học và học viện để thành lập các trung tâm ngôn ngữ được gọi là Viện Khổng Tử (CIs). Dựa trên tên tuổi của nhà triết học nổi tiếng nhất Trung Quốc, Bắc Kinh đã quảng bá các trung tâm này như một cửa ngõ giáo dục đến với ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử của đất nước này.
Tuy nhiên, các trung tâm này không được thiện lành như cái tên của họ đặt ra, theo tổ chức nghiên cứu của quân đội Pháp cảnh báo trong một báo cáo mới được công bố gần đây.
Thay vào đó, báo cáo cho biết, các trung tâm này đóng vai trò như những phương tiện mà qua đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể quảng bá sự tuyên truyền và kiểm duyệt của mình tới các sinh viên và cơ sở giáo dục ngoại quốc, gây tổn hại cho tự do học thuật và tính liêm chính.
Một bài báo cáo tháng Chín (09/2021) của Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Quân sự Pháp cho biết, nhà cầm quyền đã đề nghị các gói [hỗ trợ] tài chính dồi dào cho các trường đại học để đổi lấy việc thành lập các Viện Khổng Tử. Nhưng ngay khi thành lập xong, các viện này sẽ thúc đẩy sự tự kiểm duyệt của các trường đại học nơi sở tại, đồng thời quảng bá câu chuyện [định hướng dư luận] của ĐCSTQ cho sinh viên ngoại quốc.
Trong bối cảnh những lời chỉ trích ngày càng tăng từ các quan chức, nhà nghiên cứu và quảng đại quần chúng phương Tây, nhiều trường đại học trên thế giới đã lần lượt đóng cửa các Viện Khổng Tử của họ trong những năm gần đây.
Nhưng để đáp lại, ĐCSTQ đã thực hiện một chiến dịch ngụy tạo lại hình ảnh được thiết kế hòng lấp liếm che đậy sự cấu kết của viện này với Bắc Kinh, báo cáo cho biết. Chẳng hạn như, các trường học đang bắt đầu áp dụng các chương trình học Hoa ngữ mới dưới một cái tên khác, nhưng họ vẫn sử dụng cùng sách giáo khoa, lộ trình học, đội ngũ giáo viên, và thậm chí cả nguồn tài trợ từ Bắc Kinh.
Ngụy tạo lại hình ảnh
Tổ chức tư vấn quân sự của Pháp cho biết Bắc Kinh bắt đầu đổi tên thương hiệu vào tháng 07/2020. Trước đây, nhà cầm quyền này điều phối và thành lập các Viện Khổng Tử thông qua một tổ chức có tên là Hán Biện (Hanban), nhưng tổ chức này đã được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục và Hợp tác Ngôn ngữ (Center for Language Education and Cooperation, CLEC). Bắc Kinh cũng thành lập một tổ chức phi chính phủ được gọi là “Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung Quốc” để kiểm soát các Viện Khổng Tử địa phương.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, hãng thông tấn do nhà nước điều hành cho biết vào thời điểm đó rằng hành động này nhằm “xua tan đi lý giải sai lầm của người phương Tây rằng tổ chức này đóng vai trò là cỗ máy quảng bá ý thức hệ của Trung Quốc.” CLEC là một cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, vốn đang được giám sát bởi Bộ Tuyên truyền Trung ương của ĐCSTQ.
Bà Rachelle Peterson, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Học giả Quốc gia đang tập trung vào nghiên cứu các Viện Khổng Tử, đã giải thích rằng mặc dù nhiều trường đại học đã bắt đầu loại bỏ các trung tâm này, nhưng sự thay đổi này họa chăng cũng là tân trang cái mã bề ngoài. Bà Peterson cũng nói với Fox News hồi tháng Ba (03/2021) rằng một số trường cao đẳng đã đóng cửa các viện này chỉ đơn giản là “thay thế chúng bằng các tổ chức khác nhưng vẫn bảo lưu đại bộ phận chương trình của Học viện Khổng Tử.”
Lấy Đại học tiểu bang San Diego (SDSU) làm một ví dụ. Viện Khổng Tử của trường này đã chính thức đóng cửa vào mùa hè năm 2019, và trường đại học này đã viện dẫn một quy định liên bang mới rằng “bất kỳ trường nào đang nhận quỹ của Bộ Quốc phòng thì phải loại bỏ Viện Khổng Tử ra khỏi trường của họ.”
Tuy nhiên, vào tháng Tám cùng năm, SDSU đã cho ra mắt một Trung tâm Văn hóa Trung Quốc mới, nằm trong cùng tòa nhà với Viện Khổng Tử đã đóng cửa. Cựu giám đốc của Viện Khổng Tử “sẽ phụ giúp điều hành Trung tâm Văn hóa Trung Quốc mới này.” Hơn nữa, các tài liệu giảng dạy Hoa ngữ được Hán Biện quyên tặng trước đây vẫn sẽ lưu lại tại trường SDSU.
Đồng thời, Viện Khổng Tử trên đã tìm thấy một nơi tọa lạc khác tại một trường đại học tư nhân ở San Diego, có tên là Đại học Tri thức Toàn cầu San Diego. Sau đó, Viện Khổng Tử này đã lấy một tên mới — Viện Khổng Tử San Diego (SDCI).
[Phần] “Giới thiệu trang” trên website của Viện Khổng Tử San Diego sử dụng tên mới của Hán Biện, nói rằng trung tâm này “được thành lập với sự cộng tác của Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ. … Thông qua một liên kết đối tác học thuật với Đại học Hạ Môn, Viện Khổng Tử San Diego nhắm đến việc tăng cường hợp tác giáo dục và văn hóa… trong khu vực rộng lớn hơn của San Diego và Baja California nói chung.”
Trang này cũng cho biết “Viện Khổng Tử San Diego tập trung đặc biệt vào giáo dục học sinh hệ 12 năm [K-12] và đào tạo giáo viên,” khi đề cập đến hàng chục hoặc nhiều hơn những “Phòng học Khổng Tử” nằm trong các trường hệ 12 năm ở khu vực rộng lớn hơn của San Diego do Viện Khổng Tử thành lập khi viện này từng là một phần của Đại học tiểu bang San Diego.
Hơn nữa, trang web của viện này nói rằng “Viện Khổng Tử San Diego được quản lý bởi Học viện Giáo dục Toàn cầu San Diego (SDGEI),” là một hiệp hội bất vụ lợi 501(c)(3) có trụ sở tại California. Chủ tịch của trường đại học tư thục hiện đang chủ trì Viện Khổng Tử này đồng thời kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị của hiệp hội bất vụ lợi này.
Còn có những yếu tố khác đối với chiến dịch ngụy tạo hình ảnh này. Một báo cáo hồi tháng Tám có nhan đề Chuỗi Cung ứng Toàn cầu của Trung Quốc (pdf), được xuất bản bởi Viện An ninh Hoa Kỳ, cho biết các Viện Khổng Tử cũng đang thay diện mạo của mình thành “Mạng lưới Đối tác Hoa Ngữ của Hiệp hội Á Châu.” Báo cáo cho biết, sự thay đổi này diễn ra vào khoảng tháng 09/2020, với sự hợp tác của Hiệp hội Á Châu bất vụ lợi có trụ sở tại New York.
Quà lớn kèm theo nhiều ràng buộc
Trong hai thập niên qua, hàng trăm trường đại học trên khắp thế giới đã tổ chức các Viện Khổng Tử, được thành lập với sự tài trợ của chính quyền Trung Quốc.
Thành công của Bắc Kinh trong việc ký hợp đồng với các trường đại học ngoại quốc là do các gói tài chính hào phóng của họ, tổ chức nghiên cứu của Pháp cho biết. Để tổ chức các Viện Khổng Tử, ĐCSTQ đã cung cấp cho các trường đại học ngoại quốc kinh phí hàng năm từ 100,000 cho đến vài triệu USD, giáo viên dạy tiếng Trung, tài liệu giảng dạy miễn phí và chương trình giảng dạy do Hán Biện thiết kế. Trong một số trường hợp, Viện Khổng Tử thậm chí còn tài trợ toàn bộ việc xây dựng trung tâm ngoại ngữ này.
Dĩ nhiên, các đặc quyền này đều luôn đi kèm với một loạt các ràng buộc theo sau đó.
Báo cáo cho biết các trường đại học, vì sợ làm mất lòng đối tác kinh doanh của mình ở Bắc Kinh, nên đã bắt đầu tự kiểm duyệt, tránh xa việc nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề bị ĐCSTQ coi là điều cấm kỵ, bao gồm Tây Tạng, Đài Loan, và Pháp Luân Công. Các diễn giả khách mời nào mà bị nhà cầm quyền này cho là gây tranh cãi cũng bắt đầu nhận thấy mình đang bị các trường đại học đó phớt lờ lạnh nhạt.
Báo cáo này đã liệt kê một loạt các vụ việc trên khắp thế giới, trong đó một trường đại học ngoại quốc có Viện Khổng Tử đã thực hiện tự kiểm duyệt để làm hài lòng Bắc Kinh.
Năm 2008, Đại học Tel Aviv ở Israel đã đóng cửa một triển lãm nghệ thuật mô tả cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, sau khi lãnh sự quán Trung Quốc đe dọa ngừng tài trợ cho Viện Khổng Tử của trường đại học này.
Đại học tiểu bang North Carolina năm 2009 đã hủy chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma vì giám đốc Trung Quốc của Viện Khổng Tử trường này đã cảnh báo trường đại học rằng việc tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ “làm tổn hại” mối liên hệ của họ với Hán Biện.
Vào năm 2013, Đại học Sydney cũng đã hủy chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một nỗ lực rõ ràng nhằm bảo vệ mối liên hệ với Bắc Kinh cũng như quỹ tài trợ từ Viện Khổng Tử của mình.
Tại một hội nghị năm 2014 do Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Âu Châu tổ chức ở Bồ Đào Nha, tổng giám đốc Hán Biện đã lệnh cho nhân viên tịch thu và xé bỏ các trang trong cuốn sách về chương trình sự kiện vì chương trình đó có chứa tài liệu về một nhà tài trợ hội nghị khác — một tổ chức của Đài Loan.
“Nhân danh Khổng Tử,” một bộ phim khám phá về việc ĐCSTQ sử dụng các trung tâm này để mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoại quốc, đã được lên lịch trình chiếu tại Đại học Victoria ở Melbourne, Úc, vào tháng 09/2018. Tuy nhiên, buổi chiếu đột ngột bị nhà trường hủy bỏ sau khi vị giám đốc người Trung Quốc của Viện Khổng Tử của trường đại học này đã gửi email cho trưởng khoa kinh doanh nói về sự “quan tâm” của lãnh sự quán Trung Quốc đối với buổi chiếu phim đó.
Xâm phạm quyền của giáo viên
Một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) có nhan đề, “Outsourced to China” (tạm dịch: Dịch vụ được thuê ngoài [để hoạt động] cho Trung Quốc), tuyên bố rằng các cáo buộc phổ biến nhất đã chống lại các Viện Khổng Tử có liên quan đến sự thiếu minh bạch về mối liên hệ của họ với nhà cầm quyền Trung Quốc, cũng như hành vi xâm phạm của họ đối với quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng tôn giáo của các giáo viên.
Báo cáo nói rằng tiêu chí đủ điều kiện của Hán Biện đối với các giáo viên bao gồm quy định rằng các giáo viên đó phải “không có lý lịch tham gia Pháp Luân Công.” Tuy nhiên, quy định cấm các học viên Pháp Luân Công tham gia chương trình này đã biến mất khỏi phiên bản Anh ngữ của trang web Hán Biện sau khi một giáo viên người Trung Quốc ở Canada, cũng là một học viên Pháp Luân Công, cáo buộc Hán Biện phân biệt đối xử vào năm 2011. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần đã và đang bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng trong hơn hai thập niên qua.
Các tiêu chí đủ điều kiện khác bao gồm “trình độ chính trị và chuyên môn tốt,” theo báo cáo của NAS. Một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc đào thoát sang Úc trước đây đã giải thích rằng theo ngôn ngữ của ĐCSTQ, trình độ chính trị tốt có nghĩa là “mãi trung thành với ĐCSTQ,” báo cáo của Pháp cho biết.
Có một Viện Khổng Tử cũng đặt ra những thách thức khác đối với một trường đại học, bao gồm cả việc ngăn cản các cuộc thảo luận và tranh luận học thuật tự do.
Giáo sư Christopher Hughes, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Kinh tế London, viết trong một bài báo năm 2014 như sau: “Ngay cả những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Trung Quốc cũng có thể thấy mình đang bị cô lập và mâu thuẫn với đồng nghiệp khi họ dám nêu lên mối lo ngại. Tình huống xấu nhất là khi các học giả không còn cảm thấy có thể làm việc trong một trường đại học mà không tôn trọng các tiêu chuẩn nghề nghiệp của họ, đang phải chịu sự bài xích, loại khỏi trường và bị từ chối thăng chức.”
Các chiến dịch gây ảnh hưởng xấu cũng có thể lan rộng ra ngoài khuôn viên trường. Vào tháng Tư (04/2021), giám đốc Viện Khổng Tử ở Bratislava, Slovakia, đã viết một bức thư đe dọa tới giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Á Châu của Trung Âu, một tổ chức tư vấn, theo một báo cáo của kênh truyền thông Euractiv. Bức thư có đoạn: “Bạn có ngủ ngon không? Bạn sẽ phải chịu rất nhiều căng thẳng khi đi bộ xuống phố.”
Bức thư được đưa ra nhằm phản hồi một cuộc khảo sát do tổ chức tư vấn thực hiện về sự hiện diện của Trung Quốc trong các trường đại học ở Slovakia. Họ phát hiện rằng sự hợp tác với các tổ chức Trung Quốc đã bắt đầu thiếu tính minh bạch ở quốc gia này.
Các nhà giáo dục tại các Viện Khổng Tử cũng phải phù hợp với thế giới quan và phiên bản lịch sử của ĐCSTQ. Báo cáo của Pháp cho biết Hán Biện đã phát triển tất cả các tài liệu được các trung tâm này sử dụng và xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp với nghị trình của ĐCSTQ. Báo cáo cũng lưu ý rằng tuyên truyền của Trung Quốc, mặc dù không quá tinh vi, nhưng vẫn có thể hiệu quả đối với những thanh niên không có khả năng nhận thức, phân biệt được sự lừa dối.
Báo cáo trích dẫn video hoạt hình của Hán Biện về Chiến tranh Triều Tiên, vốn có sự tham gia của một bên là Hoa Kỳ chiến đấu cùng với Nam Hàn, và bên kia là chế độ Trung Quốc trợ giúp Bắc Hàn. Đoạn video có câu chuyện tuyên truyền định hướng của Bắc Kinh về cuộc chiến đó: rằng Hoa Kỳ đã thao túng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và rằng ĐCSTQ đã tham chiến để chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ. Sau khi video này bị lộ, Hán Biện đã xóa video đó khỏi trang web của mình; tuy nhiên, bản sao của đoạn phim này đã được tải lên YouTube.
Đóng cửa
Mục tiêu của ĐCSTQ là đến năm 2020 sẽ thành lập được 1,000 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo của Pháp, kể từ năm 2018, trang web Hán Biện đã không cập nhật tổng số Viện Khổng Tử trên toàn thế giới nữa, vốn đang giữ ở con số 541.
Riêng tại Hoa Kỳ, 67 Viện Khổng Tử đã đóng cửa kể từ năm 2017, và chỉ còn lại 36 viện ở trong quốc gia này tính đến hôm 09/09, theo thống kê của NAS.
Xu hướng này cũng được ngoại quốc noi theo.
Ví dụ, Viện Khổng Tử Lyon (LCI) ở Pháp đã đóng cửa vào tháng 09/2013, đây là kết quả của sự bất đồng kéo dài một năm giữa các quản trị viên tại Lyon và Hán Biện. LCI đã được thành lập vào năm 2009. Chỉ trong ba năm, các quản trị viên tại Lyon đã từ chối hợp nhất LCI vào trường đại học này, và không đưa LCI vào các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của chính trường đại học này.
Hán Biện đã bổ nhiệm một giám đốc người Trung Quốc mới cho LCI vào tháng 09/2012, người đã một mực nhấn mạnh vào việc hợp nhất LCI sâu hơn vào trường đại học. Ông ấy muốn hợp tác với các trung tâm nghiên cứu về Hán học, và hứa hẹn trao học bổng Tiến sĩ cho những sinh viên đại học sẵn sàng học tập tại Trung Quốc. Ông cũng yêu cầu LCI tham gia vào việc giảng dạy các chương trình cấp bằng của trường đại học này.
Các quản trị viên làm việc tại Lyon đã không đồng ý với những yêu cầu đó. Vì vậy, tổng giám đốc của Hán Biện đã yêu cầu lá đơn từ chức khỏi ghế chủ tịch của Hội đồng quản trị LCI và đình chỉ tài trợ cho LCI trong năm đó mà không cần thông báo trước. Cuối cùng, các quản trị viên của Lyon đã quyết định đóng cửa LCI.
Một trường hợp khác là Viện Khổng Tử Australia ở New South Wales, tiểu bang đông dân nhất của nước này, đã đóng cửa.
Hán Biện thành lập Viện Khổng Tử New South Wales (NSWCI) trong Bộ Giáo dục của tiểu bang này – cũng là cơ sở đầu tiên thuộc loại này trên thế giới. NSWCI đã vận hành hàng chục Phòng học Khổng Tử tại các trường công lập cấp tiểu học và trung học. Hán Biện đã trả 10,000 USD khoản trợ cấp hàng năm cho tiểu bang này.
Một báo cáo của phương tiện truyền thông Úc cho biết khi các lớp học đó được mở cửa, thì Giám đốc khu vực của Bộ Giáo dục, Tiến sĩ Phil Lambert, đã công khai không khuyến khích các cuộc thảo luận trong lớp học về các chủ đề gây tranh cãi như hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, Tây Tạng, hoặc vụ thảm sát Thiên An Môn.
Ở một số trường học, việc tham dự Lớp học Khổng Tử là bắt buộc, điều này đã khiến một số bậc cha mẹ buồn phiền lo lắng, họ nói rằng các lớp học này chẳng khác gì một “hành động thâm nhập của ĐCSTQ vào hệ thống trường học công.”
Vào tháng 12/2019, Viện Khổng Tử New South Wales đã bị đóng cửa.
Cô Kelly Song là nhà văn của The Epoch Times có trụ sở tại Hoa Kỳ đang tập trung vào tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: