Cambodia bắt đầu xây dựng đường cao tốc nối liền với Việt Nam do Trung Quốc đầu tư
Cambodia đã bắt đầu xây dựng đường cao tốc thứ hai do một công ty Trung Quốc đầu tư, nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet ở biên giới phía đông giáp với Việt Nam.
Hôm 07/06, Thủ tướng Cambodia Hun Sen đã chủ trì lễ động thổ xây dựng đường cao tốc Phnom Penh-Bavet, tuyến đường thứ hai sau khi đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville — cũng do Trung Quốc đầu tư — được thông xe hồi năm ngoái.
Đường cao tốc dài 84 dặm (135 km) này dự kiến sẽ hoàn thành trong 4 năm và tiêu tốn 1.35 tỷ USD. Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, đơn vị đầu tư cho dự án này, sẽ vận hành dự án này trong 50 năm trước khi chuyển giao cho phía Cambodia.
Tại buổi lễ động thổ, Thủ tướng Hun Sen cho hay tuyến đường cao tốc này sẽ giúp tăng cường đầu tư, thương mại, du lịch, và vận tải xuyên biên giới giữa Cambodia và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ của đất nước ông với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đã dẫn lời nhà lãnh đạo Cambodia nói rằng: “Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet là một thành quả khác của sự hợp tác giữa Cambodia và Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).”
Thủ tướng Hun Sen cho biết một nghiên cứu khả thi đang được tiến hành cho một tuyến đường cao tốc thứ ba nối Phnom Penh với tỉnh Siem Reap, nơi có các ngôi đền Angkor nổi tiếng, và kéo dài đến Poipet ở biên giới phía tây giáp với Thái Lan.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận nhất của Cambodia, với sự trợ giúp của Trung Quốc là nền tảng cho phần lớn nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Hồi tháng Hai, Trung Quốc đã đề nghị gói tài trợ trị giá 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 44 triệu USD) cho Cambodia để xây dựng đường sắt sau cuộc gặp của ông Hun Sen với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Ông Hun Sen cho biết họ đã đồng ý mở rộng hợp tác về chính trị, năng lực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, và giao lưu nhân dân hai nước.
Trong một tuyên bố chung, Bắc Kinh cam kết sẽ trợ giúp Cambodia trong công tác sơ bộ về dự trù, thiết kế, và các nghiên cứu tính khả thi cho tuyến đường sắt nhằm thúc đẩy xây dựng đường sắt ở Phnom Penh.
Tuyên bố này viết rằng: “Cả hai bên đều mong muốn sớm có kết nối đường sắt giữa Cambodia và tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào – Thái Lan.” Tuyên bố này không cho biết chi tiết về các dự án đường sắt đó và thời gian xây dựng.
Ông Tập đã cam kết sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Cambodia và giúp xây dựng Đặc khu Kinh tế Sihanoukville, một dự án hàng đầu trong BRI của Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Cambodia
Cambodia đang nợ Trung Quốc khoản rất lớn. Theo nhiều nguồn tin, nước này đang nợ Trung Quốc 3 tỷ USD, tương đương gần một nửa số nợ ngoại quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do (RFA), ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, đã chỉ ra những gánh nặng tài chính của đất nước này: Ngoài việc nước này phải trang trải chi phí bảo trì cho các dự án xây dựng mà Trung Quốc đã tài trợ, nước này còn phải chi trả các khoản vay của Trung Quốc.
Điều này có thể “dẫn đến việc Cambodia rơi vào cái gọi là bẫy nợ,” ông Thayer nói. “Các công ty Trung Quốc đã tham gia vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng nào thì sẽ có quyền sở hữu cơ sở hạ tầng đó. Về mặt lý thuyết, điều này có thể ngụ ý rằng Trung Quốc có quyền sở hữu đối với các cảng và thậm chí cả các phi trường của Cambodia.”
Vào ngày 19/04/2019, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh đã đăng một thông báo trên trang Facebook chính thức của mình về mối quan hệ kinh tế của Cambodia với Trung Quốc.
Đại sứ quán này viết rằng: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Cambodia, nhưng mối quan hệ này nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times