Bản chất khiến người ta phát ngán của nghề quảng cáo chính trị
Ngày nay tất cả chúng ta đều bị các quảng cáo chính trị tấn công tới tấp, nhưng hầu hết những quảng cáo đó chẳng có tác dụng gì.
Lấy một ví dụ ngẫu nhiên, ngay lúc này tôi nhận được tin nhắn: “Tôi là Nikki Haley: [có thật không vậy?] Trước khi bỏ qua tin nhắn này, Roger à, xin hãy dành 30 giây để đọc tin nhắn quan trọng này. dừng lại=kết thúc”
Tôi muốn “dừng lại =kết thúc.” Tôi đã cố gắng tắt rồi nhưng không ích gì.
“Thông điệp quan trọng” trong trường hợp này là “hành trình” (lối nói sáo rỗng thời hiện đại đó — liệu chúng ta có nên thấy tiếc cho bà ấy vì điều này không?) mà bà Haley đã trải qua và lý do vì sao bà ấy “ra tranh cử tổng thống.”
Quý vị sẽ thấy ngạc nhiên với câu trả lời cho lý do ra tranh cử của ứng cử viên này là “Tôi rất thất vọng khi thấy việc kiếm được 1 USD khó khăn tới mức nào trong khi chính phủ lại dễ dàng lấy nó đi.”
Đối với lời nhận xét và sự nhấn mạnh rằng bà ấy sẽ “làm một điều gì đó cho vấn đề này” được in nghiêng, thì tất nhiên, chúng ta được đề nghị quyên góp thông qua WinRed.
Dù có tranh cử hay không thì hầu như các chính trị gia chẳng bao giờ liên lạc với chúng ta mà không yêu cầu chúng ta quyên góp tiền.
Có bao giờ họ nghĩ rằng nên chấm dứt cách làm này không, vì trên thực tế, làm vậy thường hay phản tác dụng?
Một chiêu trò phổ biến khác là “thăm dò ý kiến.” Họ muốn biết vấn đề nào quan trọng nhất đối với quý vị — biên giới, thuế, v.v. Nhưng khi quý vị nhấp vào cuộc thăm dò, thì lại chỉ là một sự nài xin khác. (Người ta tự hỏi liệu có ai thực sự đọc cuộc thăm dò. Có lẽ là những người ít có kinh nghiệm về vấn đề này.)
Tôi muốn biết ai viết ra những thứ này — nếu đó là chính các ứng cử viên viết ra, thì xin Chúa cứu giúp chúng ta.
Nhiều năm trước, đạo diễn Paul Mazursky và tôi đã viết một kịch bản (chưa bao giờ được dựng thành phim, giống như nhiều kịch bản khác) kể về một nhà biên kịch kém may mắn buộc phải kiếm sống bằng nghề viết những dự đoán trong bánh quy may mắn.
Nhưng làm nghề [viết quảng cáo chính trị] này thì còn tệ hơn.
Chúng ta bị chìm ngập trong những thứ có thể gọi là ô nhiễm trên máy điện toán, ngang với việc xả rác vào não và còn đe dọa tới hạnh phúc thực sự của chúng ta hơn cả vấn đề “biến đổi khí hậu” hoang đường.
Thực ra, tôi cho rằng mình biết ai là người viết những thứ như vậy.
Trong hầu hết các trường hợp, đằng sau việc này là cả một ngành nghề có ảnh hưởng nhiều tới nền chính trị và tương lai của đất nước chúng ta hơn hầu hết các ứng cử viên.
Đó chính là ngành chiến lược chính trị, một ngành chi phối gần như tất cả các chiến dịch. Những chiến lược gia này định hình tất cả các quảng cáo từ Internet cho đến truyền hình cũng như “thông điệp” của các ứng cử viên.
Đây là một công việc hầu như không có rủi ro, mục đích là bảo toàn quyền lực của mình, và có vẻ chọn cách tiếp cận thông thường nhất, liên lạc với công chúng theo cách tối giản nhất, tối giản ở mức thấp nhất so với sự đơn giản thông thường. Họ tuân theo nguyên tắc tiếp cận càng nhiều người càng tốt, như tất cả chúng ta thấy rõ.
Động cơ cho cách tiếp cận thông thường, an toàn của họ là vì đây là một hoạt động kinh doanh kiếm bộn lời, và như tôi được biết, đem lại rất nhiều khoản lại quả.
Nhà chiến lược có các công ty quảng cáo yêu thích của mình, v.v. Họ trợ giúp lẫn nhau, tất cả các bên đều thu được nhiều lợi ích nhất có thể và rồi tiến tới chiến dịch tiếp theo. Không quan trọng là họ đại diện cho ai hay đại diện cho điều gì.
Khi quý vị thắc mắc tại sao các chiến dịch chính trị của Mỹ ở hầu hết các cấp lại tốn kém đến vậy, mỗi năm lại tốn nhiều hơn và không có hồi kết, thì hãy chú ý đến các chiến lược gia chính trị. Họ đã gia tăng các phí tổn lên và cứ tiếp tục như vậy.
Đây là lý do tại sao tôi đã viết trong một bài khác rằng các ứng cử viên như cựu Tổng thống Donald Trump hay ông Vivek Ramaswamy — tự tài trợ cho một số chiến dịch tranh cử của họ — sẽ có nhiều tự do hơn khi nói lên những điều họ suy nghĩ.
Họ không bị mắc kẹt trong hết thảy các loại từ một nhà tài trợ lớn của ủy ban hành động chính trị cho đến mạng lưới các chiến lược gia chính trị.
Tuy nhiên, thật không may, điều đó cũng không ngăn được việc họ xả rác vào hộp thư đến của chúng ta.
Khi tôi đang viết bài này, tin nhắn sau đây đã xuất hiện ngay sau tin nhắn của bà Haley:
“Roger à – tôi là [cựu] Tổng thống Donald J. Trump… Tôi đang yêu cầu những người ủng hộ trung thành nhất của tôi một ân huệ nhỏ. Liệu tôi có thể tin rằng quý vị sẽ ký vào đơn kiến nghị chính thức của tôi để TỐ CÁO việc vũ khí hoá chính phủ một cách sai trái của ông Joe Biden hay không? Hãy ký tên quý vị vào đây…”
Tôi nhấn vào liên kết và tất nhiên là tôi thấy có lời nài xin quyên góp từ 35 đến 2,500 USD.
Tôi đã không quyên góp đồng nào mặc dù tôi ủng hộ, và đã đang ủng hộ [cựu] Tổng thống Trump trong một thời gian dài.
Quá đủ rồi.
Quý vị có thể tưởng tượng người dân Iowa, New Hampshire, và South Carolina hiện nay như thế nào không?
Mọi quảng cáo trên truyền hình đều phải có vài câu sáo rỗng về chính trị nếu không phải là quảng cáo thuốc Ozempic.
Hẳn là họ cũng bị hoa mắt chóng mặt — và cũng sẽ tới lượt chúng ta sớm thôi.
Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi tình trạng này, nhưng sẽ không hề dễ dàng.
Các chiến dịch chính trị do chính phủ tài trợ thật nguy hiểm, là con đường dẫn đến chủ nghĩa toàn trị.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times