BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Ông Biden đặt cược vào nền kinh tế như một chiến lược bầu cử
Tổng thống Joe Biden đã gửi thông điệp kinh tế của mình tới Philadelphia, ca ngợi tiến bộ của chính phủ của ông trong việc xây dựng lại giai tầng trung lưu bằng cách kích thích sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và tăng lương tại Mỹ. Điểm dừng chân này là lần xuất hiện gần đây nhất trong chuỗi lần xuất hiện của ông Biden nhằm quảng bá thành tích kinh tế của ông cho cử tri trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024.
Điểm mấu chốt trong thông điệp của ông Biden là cách tiếp cận kích thích tăng trưởng kinh tế của ông mang lại lợi ích cho người Mỹ trên khắp nền kinh tế trong khi việc cắt giảm thuế doanh nghiệp và chi tiêu liên bang do đối thủ của ông ủng hộ chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu có.
Mặc dù tổng thống tuyên bố các chính sách của ông đã làm giảm lạm phát và đặt Hoa Kỳ vào vị thế tăng trưởng dài hạn, nhưng thông điệp đó vẫn khó thuyết phục đối với nhiều người Mỹ có xu hướng đánh giá nền kinh tế dựa trên các vấn đề thường nhật của gia đình và cá nhân như lãi suất và giá xăng.
Định nghĩa trường phái kinh tế Biden
Hôm 19/07, ông Biden đã có bài diễn văn mang thông điệp của mình tới đám đông người lao động thuộc nghiệp đoàn tại nhà máy đóng tàu Philly, nhà sản xuất tàu biển lớn hàng đầu. Sự xuất hiện này đánh dấu bài diễn thuyết thứ ba của ông về chủ đề kinh tế trong bốn tuần qua, sau các điểm dừng ở South Carolina và Chicago.
Ông Biden đã tuyên bố khai trương đóng một con tàu tên là Acadia, con tàu này sẽ trợ giúp xây dựng các tuabin gió trên biển. Ông cho biết con tàu sẽ là chiếc đầu tiên thuộc loại này và được chế tạo bằng thép cũng như động cơ do Mỹ sản xuất và do người Mỹ điều khiển.
Dự án kể trên minh họa chiến lược của tổng thống, được mệnh danh là Trường phái kinh tế Biden (Bidenomics), tập trung vào sản xuất với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Đề cập đến Đạo luật Giảm Lạm Phát, trong đó có 368 tỷ USD cho các dự án liên quan đến khí hậu, ông Biden nói: “Khi tôi nghĩ đến khí hậu, tôi nghĩ đến việc làm. Tôi nghĩ đến những việc làm cho nghiệp đoàn … Luật này đang tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, gồm cả năng lượng gió ngoài khơi.”
Thuật ngữ Bidenomics do các ký giả đặt ra để mô tả các chính sách của ông Biden. Kể từ đó, ông đã chấp nhận thuật ngữ này, như các đối thủ chính trị của ông, những người đã sử dụng nó một cách chế nhạo. Tổng thống thường đối chiếu triết lý của mình với khái niệm gọi là kinh tế học thấm xuống, chiến lược kinh tế được Tổng thống Ronald Reagan áp dụng vào những năm 1980, hay còn gọi là Trường phái kinh tế Reagan (Reaganomics).
Chiến lược đó tập trung vào việc tăng chi tiêu quốc phòng, cân bằng ngân sách liên bang, giảm thuế thu nhập và thuế giá trị tài sản gia tăng liên bang, và giảm quy định của chính phủ. Ý tưởng là bằng cách loại bỏ các ràng buộc đối với kinh doanh, nền kinh tế sẽ phát triển, và sự thịnh vượng sẽ “thấm xuống” tới giai tầng trung lưu.
Ông Biden nói: “Tôi đã dõi theo cha mình trong quá trình dần trưởng thành và không có nhiều lợi ích thấm xuống bàn bếp của ông ấy.”
Sau đó, ông đã mô tả ngắn gọn về Bidenomics.
Ông nói thêm, “Tôi không nghĩ vấn đề ở Mỹ là có quá nhiều người đang làm việc hay mọi người đang kiếm được quá nhiều tiền. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc đưa người Mỹ tham gia lực lượng người đi làm bằng cách khắc phục chuỗi cung ứng đã bị hỏng, giảm giá thành sản phẩm, mọi sản phẩm từ chăm sóc sức khỏe đến các sản phẩm chúng ta mua,” và đồng thời lưu ý rằng các tập đoàn cũng được hưởng lợi khi lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục trong đại dịch.
Những người đóng tàu đã đón nhận nhiệt thành thông điệp của ông Biden. Những người khác vẫn hoài nghi.
Vấn đề nhận thức
Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, đa số áp đảo công chúng không tán thành cách giải quyết nền kinh tế của tổng thống. Một cuộc thăm dò do Đại học Monmouth công bố ngày 19/07 chỉ ra rằng 62% số người được hỏi không tán thành cách giải quyết lạm phát của ông Biden và các ý kiến đang chia rẽ một cách đồng đều đối với cách giải quyết về việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của ông. Ngay cả cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, các thành phần chính của Bidenomics, cũng có tỷ lệ không chấp thuận là 51%.
Tỷ lệ phản đối như vậy xảy ra bất chấp thực tế là niềm tin của người tiêu dùng trong tháng Sáu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 01/2022, lạm phát đã giảm xuống 3% từ mức cao 9.1% chỉ hơn một năm trước đây, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4%, mức đã duy trì trong 17 tháng.
Trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo cuộc thăm dò dư luận hồi tháng Sáu do hãng thông tấn AP thực hiện, những người được hỏi quan tâm đến giá nhiên liệu và thực phẩm hơn là các sáng kiến kinh tế của ông Biden. Một số ít người có thể nhắc đến Đạo luật Giảm Lạm Phát hoặc Đạo luật CHIPS và Khoa học, nêu ra rằng những khoản đầu tư quy mô lớn vào sản xuất này vẫn chưa có tác dụng đến cuộc sống thường nhật.
Có thể nhiều người vẫn canh cánh trong tâm điều mà một số nhà kinh tế tin tưởng, đó là lạm phát vẫn chưa được kiểm soát và ông Biden có thể đang quảng bá quá mức tác động của các sáng kiến của mình.
Ông Robert S. Kravchuk, cựu giáo sư về các vấn đề công tại Đại học Indiana nói với The Epoch Times: “Điều tốt nhất chúng ta có thể nói là [lạm phát] đã giảm bớt gần đây.”
Ông Kravchuk nói thêm, “Nếu câu hỏi là ‘lạm phát có thể quay trở lại không?’, thì câu trả lời là có. Nhưng có lẽ không phải ngay lập tức.”
Theo nhà kinh tế học Peter C. Earle của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), lạm phát đang giảm dần nhưng chưa thể nói là nằm trong tầm kiểm soát. Ông Earle nói với The Epoch Times rằng miễn là Cục Dự trữ Liên bang không chắc chắn về việc có tiếp tục tăng lãi suất hay không, thì lạm phát vẫn còn là một vấn đề.
Về giá cả, các mức giá có thể không thuận lợi như chính phủ tuyên bố.
“Sự thay đổi trong [Chỉ số Giá tiêu dùng] từ 9.1% vào tháng 06/2022 xuống 3.0% vào tháng 06/2023 không có nghĩa là giá giảm xuống hơn 6%. Con số đó chỉ có nghĩa là giá cả đang tăng chậm hơn so với năm ngoái,” ông Earle nói. Ông lưu ý rằng giá vẫn đang tăng nhanh trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm thực phẩm, chỗ ở, và bảo hiểm xe cơ giới.
Nhiều nhà kinh tế nói với The Epoch Times rằng, lợi nhuận doanh nghiệp không phải là một chỉ báo độc lập về sự phục hồi kinh tế. Lợi nhuận có thể đã tăng mạnh trong hai năm qua vì một số lý do, trong đó có phần tăng do người tiêu dùng chi tiền kích cầu và các tập đoàn trì hoãn các khoản đầu tư lớn vì không chắc chắn về nền kinh tế.
Ngoài ra, theo ông E.J. Antoni, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ngân sách Liên bang Grover M. Hermann, tác động của giá cả tăng cao có một độ trễ đối với người bán.
Ông Antoni nói với The Epoch Times, “Hàng tồn kho được mua với giá thấp hơn hiện đã tăng giá, làm tăng lợi nhuận, mặc dù việc thay thế những hàng tồn kho đó giờ sẽ đắt hơn.”
Bùng nổ hoặc phá sản
Những người ủng hộ cho biết các chính sách của ông Biden sẽ cần thời gian để có tác dụng đối với nền kinh tế. Việc khôi phục sản xuất của Mỹ, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, và chuyển đổi sang sản xuất năng lượng sạch sẽ không cho thấy tác động đầy đủ vào tháng 11/2024.
Điều đó có nghĩa là một giai tầng trung lưu được hậu thuẫn nhờ sự dồi dào của những công việc lao động ổn định, được trả lương cao có thể còn nhiều năm nữa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Olivia Dalton nói về các báo cáo ngay trước diễn thuyết của ông Biden: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều dấu hiệu về khả năng phục hồi trong nền kinh tế của chúng ta và chúng ta đang vượt xa thế giới về tốc độ phục hồi kinh tế.”
Bà nói thêm, “Vẫn cần thêm chút thời gian để người Mỹ cảm nhận được toàn bộ tác động của sự phục hồi kinh tế.”
Câu hỏi đặt ra là liệu các cử tri có cho ông Biden một cơ hội, tin rằng Bidenomics tạo ra sự thịnh vượng hơn là thúc đẩy chi tiêu quân sự, cắt giảm thuế, và giảm đáng kể các quy định của liên bang, những chiến lược được nhiều đối thủ của ông tán thành hay không.
Ông Kravchuk nói: “Reaganomics đã không có tác dụng,” bất chấp những lợi ích mà học thuyết này đã tạo ra trong một số lĩnh vực. Đó là bởi vì nền kinh tế Mỹ, vốn có sự phân chia đồng đều giữa các ngành dịch vụ và sản xuất nặng, đã bắt đầu chuyển sang dịch vụ vào những năm 1970. Kết quả là khi các công việc sản xuất biến mất, thì chúng được thay thế bằng các công việc được trả lương thấp hơn trong các ngành dịch vụ.
Ông Kravchuk nói, “Nhưng thực tế đó cũng không có nghĩa là tập hợp các chính sách không liên quan đang được gán nhãn Bidenomics là tuyệt vời,” đồng thời lưu ý rằng cho đến nay chúng đã tạo ra ít sự độc lập về năng lượng hơn, lạm phát, cũng như giá khí đốt và lãi suất cao hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times