BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Học thuyết ‘thức tỉnh’ dựa trên tư tưởng Mao Trạch Đông, các chuyên gia về thuyết chiến lược cho biết
Theo một số chuyên gia về các phong trào cấp tiến và thuyết chiến lược, phần lớn học thuyết “thức tỉnh” hiện đang tàn phá nền văn minh Tây phương bị thúc đẩy bởi những tư tưởng mà có thể bắt nguồn từ chủ nghĩa Mao — một cách diễn giải của Tây phương về các tác phẩm của lãnh đạo Trung Cộng Mao Trạch Đông.
Theo ông David Martin Jones, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc trường Đại học King’s College tại London, và ông M.L.R. Smith, giáo sư Thuyết Chiến lược tại Đại học Chiến tranh Úc ở Canberra, không chỉ tư tưởng của Mao ảnh hưởng đến một số ông tổ của các luồng tư tưởng của các nhà hoạt động hiện nay, mà những thành quả hữu hình này còn tương đồng với các phương diện của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, tạo nên một công cuộc đầy ác mộng nhất của Mao: Cách Mạng Văn Hóa.
Ông Smith nói với The Epoch Times, “Có một bộ cấu trúc trí thức, kiến trúc, và, cuối cùng, có chiến lược gắn liền với ý tưởng làm thế nào để phá vỡ xã hội, phá vỡ phương Tây, lật đổ lễ nghi truyền thống.”
Các tác giả này đã tóm lược những phát hiện của họ trong cuốn sách xuất bản hồi năm 2022 có nhan đề “The Strategy of Maoism in the West: Rage and the Radical Left” “(Chiến Lược Của Chủ Nghĩa Mao Ở Phương Tây: Sự Phẫn Nộ Và Cánh Tả Cấp Tiến.”
Tiền đề của cuốn sách đến với họ trong thời điểm các cuộc biểu tình và bạo loạn hồi năm 2020 càn quét Hoa Kỳ và kể cả các nước Tây phương khác sau vụ cảnh sát làm cho ông George Floyd thiệt mạng.
Họ đã chứng kiến những tượng đài bị kéo đổ và biến dạng, họ chứng kiến những người theo trường phái bảo tồn truyền thống và thậm chí một số diễn giả thiên tả (liberal) bị la ó và “bị xóa sổ,” họ đã chứng kiến mọi người ở mọi giai tầng xã hội uốn mình quỳ gối trong “cảm giác tội lỗi của người da trắng” và họ đã nhận ra những cảnh tượng đó giống với cuộc Cách Mạng Văn Hóa của cộng sản những năm 1960 và 1970 một cách kỳ lạ. Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đó đã bắt đầu bằng việc học sinh đấu tố giáo viên, phá hủy các di tích văn hóa, và các đảng viên tham gia “tự phê bình” để thú nhận những tội danh được cho là phản cách mạng của họ.
Cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập niên còn đi đến mức cực đoan hơn thế nữa. Đôi khi học sinh còn đánh giáo viên đến tử vong. Hàng triệu người đã bị hành quyết hoặc tra tấn đến thiệt mạng, thường là sau khi bị cưỡng bức phải thú nhận những tội danh bịa đặt. Trẻ em, thậm chí cả trẻ sơ sinh, đôi khi bị sát hại dã man. Các nạn nhân đôi khi bị đồng loại ăn thịt trong cơn khát máu điên cuồng. Các tác giả kết luận rằng, phương Tây đã tránh được những hành động tàn bạo như vậy, nhưng những điểm tương đồng thì cần phải được xem xét.
Liệu đây chỉ là một sự kiện lịch sử, hay có một sự chuyển tiếp thực sự?
Ông Jones nói với The Epoch Times: “Câu hỏi ấy, kỳ thực, cần được làm sáng tỏ thêm, trên thực tế, làm thế nào tư tưởng Mao lại được truyền sang phương Tây, bởi vì xu hướng chung trong tư duy chính trị, nói chung, trong một lối diễn ngôn thiên tả, giả định rằng chính phương Tây mới có ảnh hưởng đến những quốc gia khác.”
“Rất ít người chú ý đến cách mà quốc gia khác định hình chúng ta, đã tác động đến sự thấu hiểu bản thân của người Tây phương. Và khi chúng tôi tiến hành một số nghiên cứu thì điều trở nên khá rõ ràng là tư tưởng của Mao đã thấm sâu vào tư tưởng cánh tả của Âu Châu từ những năm 60 trở đi.”
‘Học tập [chủ nghĩa Mao] ở Paris’
Chủ nghĩa Mao rõ ràng đã ảnh hưởng đến nhiều tổ chức khủng bố cộng sản khác nhau ở châu Âu trong những năm 1960 và 1970, chẳng hạn như Tranh đấu Không ngừng (Lotta Continua) ở Ý, Phái Hồng quân (Baader-Meinehof) ở Đức, và, ở một mức độ nào đó, Lữ đoàn Phẫn nộ (Angry Brigade) ở Vương quốc Anh. Những người cộng sản Mỹ trong nhóm khủng bố Weather Underground đã gọi bản tuyên ngôn năm 1974 của họ là “Ngọn Lửa Thảo Nguyên” (Prairie Fire) — một khẩu hiệu của tư tưởng Mao.
Tuy nhiên, nơi mà chủ nghĩa Mao đã gieo rắc ảnh hưởng lâu dài của nó chính là ở trong môi trường trí thức và văn hóa của những người theo chủ nghĩa xã hội Âu Châu, đặc biệt là ở Pháp.
Ông Jones nói: “Vấn đề ở phương Tây trong những năm 60 đó là ‘America’ luôn bị đánh vần với chữ ‘K’ [thành Amerika] như thể là một đế quốc xấu xa bởi cuộc Chiến tranh Việt Nam.”
“Nhưng đồng thời, Moscow đã mất đi sức hấp dẫn vì các hoạt động của chế độ Xô Viết ở những nơi như Hungary và Tiệp Khắc. Vì vậy Trung Quốc đã mang một ý nghĩa mới, đầy phong cách trong cánh tả Tây phương, trong tân cánh tả Tây phương.”
Ông cho biết rằng việc mặc một chiếc áo khoác kiểu Mao Trạch Đông và đọc lướt qua “Hồng Bảo Thư” (nghĩa là cuốn sách quý màu đỏ) của ông ta đã trở thành biểu hiện “thời thượng” trong đông đảo những người theo xã hội chủ nghĩa.
“Có điều gì đó hết sức hấp dẫn đối với tâm lý chủ nghĩa vô chính phủ Tây phương về việc việc phá bỏ giá trị cũ, về việc hủy hoại những người thầy của mình, gọi họ là ‘những ngưu quỷ’ hay ‘những ảnh hưởng đen tối.’ Có điều gì đó rất thú vị về việc đập bỏ các tượng đài, tiêu hủy kinh sách Nho Giáo vốn đã có từ hai thiên niên kỷ. Vì vậy, phương diện đó của chủ nghĩa Mao luôn gây ấn tượng mạnh với một thế hệ trẻ có tư tưởng vô chính phủ.”
Ông Smith cho biết, hình tượng của Mao như là một “người hành động” và “người phá vỡ mọi thứ” đã thu hút “khẩu vị chán ngán” của những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp, từng tụ tập tại các tổ chức như Đại học Sorbonne và École normale supérieure.
Ông Jones giải thích, “Tư tưởng của Mao thâm nhập sâu vào bầu không khí học thuật, môi trường học thuật hiện thực của cánh tả Pháp, vì vậy các nhà tư tưởng khác nhau như Sartre, Althusser, Foucault, Derrida, nhóm Tel Quel, toàn bộ đều đi theo các phương diện của chủ nghĩa Mao.”
Ông cho rằng cách diễn giải của Tây phương về chủ nghĩa Mao Trạch Đông đã đem đến một phương cách mới để “phân tích cấu trúc tư tưởng Tây phương” mà sau đó đã được các tác giả như Edward Said và Gayatri Spivak đưa ra trong “lý thuyết diễn ngôn hậu thực dân” của họ.
“Qua thời gian, thông qua những nỗ lực của họ, rốt cuộc chúng ta có được ý tưởng ‘thay đổi chương trình giảng dạy [dựa trên các giả định về thế giới’’ (decolonizing the curriculum), [đó là] toàn bộ cuộc tấn công của tư tưởng Mao trong nền văn hóa của chúng ta.”
Khi khắp nơi ở phương Tây bắt đầu biết nhiều hơn về những sự kinh hoàng của Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc, thì chủ nghĩa Mao đã mất đi phần lớn sức hấp dẫn ban đầu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, những tư tưởng đó đã được cánh tả hấp thụ rồi.
Ông Jones cho biết, “Vào những năm 70, sau khi mọi chuyện vỡ lẽ, mặc dù những người như Foucault, Derrida, nhóm Tel Quel phần nào nhận thức được rằng cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao thực sự đã rất tàn khốc, nhưng họ không hối lỗi vì sự ngu dốt của bản thân. Thay vào đó, họ lại thúc đẩy mạnh mẽ hơn về các phương diện như nhân quyền, cách mạng tình dục, tư duy khai phóng, mà theo thời gian, tất yếu trở nên chiếm lĩnh các trường đại học Mỹ trực thuộc Ivy League, nơi mà toàn bộ những phương diện này đều có được tốc lực phát triển mạnh mẽ từ những năm 80 trở đi.”
“Chủ nghĩa Mao xuất sinh tại Trung Quốc, được học tập tại Paris, nhưng đã đạt được sức hấp dẫn toàn cầu tại nhóm các trường Ivy League của Hoa Kỳ, và sau đó đã được lan truyền rộng khắp trong lối tư duy kiểu Mỹ xem trọng về chủng tộc và giới tính vốn hiện nay đã được truyền trở lại châu Âu trong vòng xoáy tư duy thú vị này.”
Chủ nghĩa Mao ‘là để phương Tây sử dụng’
Có bằng chứng cho thấy ông Mao Trạch Đông, khi giao du với người Tây phương, đã cố gắng làm cho ý tưởng của ông ta hấp dẫn với những người có tư tưởng thiên tả, mà trên thực tế, ông ta rất khinh miệt những người này.
Mao biết rằng phương Tây có thiện cảm với những người cộng sản Trung Quốc,” ông Jones nói. “Luôn có một cảm giác rằng chủ nghĩa thiên tả (liberalism) đã tìm thấy điều gì đó khá lãng mạn trong cuộc cách mạng của Trung Quốc.”
Ông cho rằng, do đó, đã phát sinh sự khác biệt giữa “Tư tưởng Mao Trạch Đông” được giảng dạy ở Trung Quốc cho đến tận ngày nay, với cái mà một số người gọi là “Chủ nghĩa Mao Toàn cầu” — “một học thuyết vốn được thúc đẩy chủ yếu để phương Tây sử dụng.”
“Trong ba tiểu luận mà ông ta đã viết, ba tiểu luận triết học chính về việc bài chủ nghĩa thiên tả và Khổng Giáo, Mao nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa thiên tả có thể bị thao túng ra sao và quý vị có thể thúc đẩy hoặc sử dụng chủ nghĩa thiên tả để đánh bại chính chủ nghĩa này như thế nào.”
Chủ nghĩa Mao dễ tiếp cận hơn nhiều so với chủ nghĩa xã hội kiểu Âu Châu.
Những người theo chủ nghĩa xã hội ở phương Tây có xu hướng đánh giá cao việc tạo ra lý thuyết. Họ cần một số kiến thức về phép biện chứng của Hegel, về việc Marx phê phán Hegel, hay Trường phái Frankfurt phê phán Marx.
“Chủ nghĩa Mao đã khiến toàn bộ những điều đó đa phần là không cần thiết,” ông Jones lưu ý.
“Chủ nghĩa Mao chỉ yêu cầu trích dẫn một số khẩu hiệu kiểu ‘viên đạn bọc đường của giai cấp tư sản.’”
Ông gợi ý, những khẩu hiệu đó là thứ chủ nghĩa xã hội được đơn giản hóa cho giới sinh viên đại học giả trí thức, và gọi “Hồng Bảo Thư” của Mao là một “cẩm nang quảng bá cách mạng.”
“Việc đó rất đơn giản, vốn chỉ thực sự phù hợp với một loại khán giả như trên Twitter mà thôi. Việc truyền thông điệp như vậy được cô đọng thành một sự lý giải chỉ trong hai câu mà quý vị có thể nói ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” ông tóm lược.
Kiểu truyền thông điệp ấy cho phép một người có kiến thức hạn chế [có thể] bắt bẻ được khi bị chất vấn.
“Mao có một bộ khẩu hiệu hoặc câu cách ngôn được chia nhỏ để phù hợp với mục đích nhất thời đó. Vì vậy, đó chính là sự thu hút [của chủ nghĩa Mao],” ông chia sẻ.
Và ông cho biết thêm rằng, “Việc truyền thông điệp như vậy khiến cho quý vị trông như thể mình biết rành rẽ về việc gì đó, mà đó là một phần bản chất giả tạo của kiểu truyền thông điệp này. Quý vị cảm nhận được rằng người ta hay giả vờ vì họ đang che giấu sự rỗng tuếch mà họ đang sống trong đó.”
Ngoài ra, ông Smith cho rằng, “phép biện chứng trừu tượng” và “trí tuệ hóa (intellectualizing) của những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Marx Âu Châu này” là hoàn toàn “nhàm chán” so với “lời kêu gọi tiến lên và làm cách mạng” của Mao.
“Không phải ngồi một chỗ và đọc kiến thức trong sách, không phải ngồi một chỗ và tổ chức một cuộc hội thảo về nhà triết học Herbert Marcuse hoặc Adorno hay Horkheimer, mà là đứng dậy và phá bỏ hoặc bôi nhọ một tượng đài hay đứng dậy và tham gia một cuộc biểu tình và xóa sổ ai đó — đây chính là chủ nghĩa Mao hiện đại. Đó là một sự thu hút hành động.”
‘Lĩnh vực nội tâm’
Kể từ những ngày đầu tiên, chủ nghĩa Mao đã đặc biệt tập trung vào việc kiểm soát tư tưởng.
“Một trong những phương diện hấp dẫn, hay nham hiểm của tư tưởng chiến lược Mao đó là cách mà tư tưởng này cố gắng nắm bắt và kiểm soát lĩnh vực nội tâm, thế giới nội tại của cá nhân,” ông Smith nói. “Tư tưởng này cho rằng cá nhân là người nên được tái lập trình và liên tục tái lập trình nhằm biến họ thành bất kỳ công cụ cách mạng nào phù hợp cho sự nghiệp cách mạng.”
Trong phong trào chính trị đại chúng đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cuộc Chỉnh đốn Diên An, từ năm 1942 đến năm 1945, mỗi đảng viên được giao một hồ sơ “lưu trữ cá nhân” ghi chi tiết toàn bộ cuộc đời của họ.
“Người ta phải liệt kê tất cả những người quen của họ kể từ khi sinh ra và mọi sự kiện quan trọng trong đời, cùng với thời gian và địa điểm xảy ra những sự kiện đó. Mọi người được yêu cầu viết đi viết lại nhiều lần để lưu trữ, và bất kỳ sự thiếu sót nào sẽ bị xem là dấu hiệu của sự không trong sạch,” trích từ “Chín bài Bình luận về Đảng Cộng sản (Cửu Bình)”, một cuốn sách do The Epoch Times xuất bản năm 2004 mô tả chi tiết về lịch sử và phương pháp của ĐCSTQ. “Họ phải mô tả mọi hoạt động xã hội mà họ từng tham gia, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc gia nhập Đảng, với sự nhấn mạnh vào quá trình [chuyển biến] tư tưởng cá nhân của họ trong các hoạt động xã hội này.”
Sau đó, các hồ sơ này được dùng để đánh giá các cán bộ, nhưng vì không có tiêu chí khách quan nên “hầu hết mọi người đều bị phát hiện là có vấn đề,” Cửu Bình cho biết.
“[Phương pháp] cưỡng chế đã được sử dụng để nhào nặn ra ‘những lời thú tội’ từ các cán bộ đang bị kiểm tra nhằm loại bỏ ‘những kẻ phản bội ngầm.’ Kết quả là vô số vụ mưu hại và buộc tội oan sai, và một số lượng lớn cán bộ đã bị bức hại.”
Sau đó, ĐCSTQ đã nhân rộng các chiến lược tương tự trong tất cả các chiến dịch chính trị về sau, bao gồm Đàn áp Phong trào phản cách mạng, Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, và chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công.
Những người Trung Quốc từng trải qua Cách Mạng Văn Hóa có thể còn nhớ việc viết các bài tiểu luận “tự phê bình” và việc tham gia vào “các buổi đấu tố” thường là quá khích để diệt trừ tận gốc bất kỳ tư tưởng nào có ý chỉ trích hoặc thậm chí nghi ngờ Đảng.
Theo cả ông Smith và ông Jones, phương diện này của chủ nghĩa Mao đã ảnh hưởng sâu sắc đến phương Tây.
Tại một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên mà Mao dành cho báo chí Tây phương vào những năm 1940, ông ta đã lưu ý rằng các cán bộ cộng sản đã liên tục bị “cải tạo.”
Ông Jones cho biết, “Ý tưởng này là để quý vị liên tục ‘tự cật vấn’ bản thân và bị ‘chỉnh đốn’ sao cho quý vị có được đường hướng đúng đắn theo tư tưởng Mao … và ông ta gọi việc liên tục tự cật vấn bản thân này là một phần của ‘việc nâng cao ý thức’ về cương lĩnh tư tưởng Mao.”
Ông cho rằng khái niệm về “nâng cao ý thức” này sau đó đã trở thành “lối tư duy then chốt của tân cánh tả Tây phương trong những năm 70.”
Đây không phải là chuyện nhỏ, vì thứ “nâng cao ý thức” ấy trực tiếp làm suy yếu một trong những trụ cột của tư duy khai sáng Tây phương — tôn trọng quyền tự chủ về nhận thức của cá nhân.
“Ở mọi giai đoạn, ngay cả khi quý vị là một đảng viên nhiệt thành tuân theo điều lệ đảng, quý vị vẫn phải thường xuyên bị chỉnh đốn để thể hiện rằng quý vị đang tuân thủ đúng các điều lệ này,” ông Jones nói. “Và lối suy nghĩ này, mà lẽ ra chúng ta đã loại bỏ vào những năm 50 và 60 — đây là sự tẩy não — lại trở thành ‘việc nâng cao ý thức’ vào những năm 70.”
Các tác giả nhìn thấy một đường thẳng nối trực tiếp từ “phiên đấu tố” của tư tưởng Mao đến những biểu hiện đương thời của sự tự phê bình theo tư tưởng “thức tỉnh”. Theo ông Smith, “việc đào tạo định kiến mang tính vô thức” ngày nay dễ dàng rơi vào “những biểu hiện hiện đại của chủ nghĩa Mao ở phương Tây.”
Có vô số ví dụ đã xuất hiện, đặc biệt là trong giới học thuật, chính trị, và doanh nghiệp.
Vào năm 2021, một trợ giảng của Đại học Kỹ thuật Virginia đã đưa ra lời xin lỗi trong giáo trình Phát triển Con người của cô:
“Tôi là một nữ sinh viên hợp giới (cisgender) da trắng và là sinh viên đại học thế hệ đầu tiên đến từ Appalachia, mang dòng máu Scotland, Anh, và Na Uy. Tôi đã kết hôn với một nam nhân hợp giới, và chúng tôi thuộc giai tầng trung lưu. Mặc dù tôi không ‘đòi hỏi’ nhiều đặc quyền trong cuộc sống của mình nhưng tôi đã được hưởng lợi từ những đặc quyền này và sẽ tiếp tục nhận được lợi ích từ những đặc quyền đó cho dù tôi có thích hay không. Đây là sự bất công. Tôi đang và sẽ tiếp tục làm việc mỗi ngày để là người chống phân biệt chủng tộc và đối đầu với sự phân biệt chủng tộc bẩm sinh trong bản thân tôi, vốn là thực tế và lịch sử của người da trắng. Tôi muốn trở nên tốt hơn: Mỗi ngày. Tôi sẽ thay đổi: Mỗi ngày. Công việc này làm tôi sợ hãi: Mỗi ngày. Tôi mời các sinh viên da trắng của tôi tham gia hành trình này cùng tôi. Và [xin gửi tới] các học sinh da màu của tôi: Tôi xin lỗi vì những nỗi kinh hoàng không thể tha thứ được trong lịch sử chung của chúng ta.”
Cùng năm đó, một giáo sư y khoa của Đại học California đã xin lỗi các sinh viên của mình:
“Tôi không muốn các em nghĩ rằng tôi đang cố gắng ám chỉ bất cứ điều gì, và nếu các em có thể gom chút rộng lượng để tha thứ cho tôi, tôi sẽ thực sự cảm kích điều đó … Một lần nữa, tôi rất xin lỗi vì điều đó. Tôi chắc chắn đã không có ý định xúc phạm bất cứ ai. Điều xấu xa nhất mà tôi có thể làm với tư cách là một con người đó là [tôi đã] xúc phạm … Tôi đã nói câu ‘khi phụ nữ mang thai,’ nghĩa là chỉ có phụ nữ mới có thể mang thai và tôi thành thật xin lỗi tất cả các em.”
Ông Jones cho biết, lối suy nghĩ tiềm ẩn bên dưới những biểu hiện xấu hổ như vậy tạo ra những cá nhân “không hạnh phúc khi được tự do.”
“Chúng ta sống trong chủ nghĩa hiện tại thường trực, vốn dựa trên cảm giác tội lỗi của chúng ta khi là người da trắng có đặc quyền, sự lo lắng của chúng ta, sự ghê tởm bản thân của chúng ta, và chúng ta không còn cảm giác là những cá nhân — tự do nữa — vốn là giấc mơ từ thời Phục hưng của một cá nhân được khai phóng. Chúng ta bị thay thế bởi tâm lý chủ nghĩa tập thể, vốn không ngừng tự kiểm điểm và không tôn trọng nền văn hóa đã tạo ra hoàn cảnh thịnh vượng mà chúng ta đang sống, mặc dù, theo cách mà mọi thứ đang diễn ra, thì sẽ không còn lâu nữa đâu.”
Sự phẫn nộ theo tư tưởng Mao
Một phương diện khác của chủ nghĩa Mao ảnh hưởng lớn đến phương Tây bắt nguồn từ việc nhấn mạnh “sự phẫn nộ” như một mấu chốt của tư duy cách mạng. Phương diện này khiến chủ nghĩa Mao khác biệt với “thuyết phê phán” của những người theo chủ nghĩa xã hội Đức.
Ông Jones lưu ý: “Những người như [Jürgen] Habermas hay Trường phái Frankfurt nói chung, [Herbert] Marcuse, họ cố gắng tham gia vào cuộc tranh luận, họ muốn đàm luận dựa trên lý trí để tạo ra những điều kiện cho sự chuyển hóa.”
“Mao quan tâm nhiều hơn đến sự phẫn nộ, nếu quý vị có thể khiến mọi người phẫn nộ. Sự phẫn nộ là chiến lược cụ thể … vốn cho phép cánh tả tăng cường cương lĩnh của họ, nếu quý vị muốn.”
Ông Smith nhấn mạnh rằng “sự phẫn nộ” không phải là thứ mà ông và ông Jones đã gán cho cánh tả hiện đại, mà đúng hơn là được lấy trực tiếp từ văn học.
“Sự Phẫn nộ là Thiết yếu để Tranh đấu Chống Phân biệt Chủng tộc,” bà Myisha Cherry, giáo sư phụ tá môn triết học tại Đại học California Riverside, đã tuyên bố trong phụ đề cuốn sách năm 2021 của bà có nhan đề “The Case for Rage” (Tình huống cho Sự Phẫn nộ).
Bà đã nói với đại diện truyền thông của trường đại học trong một cuộc phỏng vấn, “Các cuộc biểu tình lan rộng trên toàn quốc sau vụ cảnh sát làm cho ông George Floyd và ông Breonna Taylor thiệt mạng vào mùa hè năm 2020 là ví dụ về sự phẫn nộ kiểu Lorde hiệu nghiệm, phù hợp về mặt đạo đức.”
“Lordean” đề cập đến tác giả về nữ quyền cho người gốc Phi Châu Audre Lorde, cụ thể là bài diễn thuyết năm 1981 của bà có nhan đề “Sử dụng sự Phẫn nộ: Nữ giới Phản ứng với nạn Phân biệt Chủng tộc.”
Công cụ đo lường sự phẫn nộ này thường khiến những người theo phái bảo tồn truyền thống cũng như những người thiên tả cứ như không biết làm thế nào để tranh luận với những luận điểm chính của tư tưởng thức tỉnh — sự phẫn nộ không nhất thiết cần hợp lý.
Ông Jones nói, “sự phẫn nộ không muốn một cuộc tranh luận; sự phẫn nộ không muốn sự thuyết phục. Sự phẫn nộ muốn, sự phẫn nộ biết, việc biến cơn phẫn nộ thành một công cụ càng nhanh càng tốt là sự thật và nhu cầu.”
Sau vụ thiệt mạng của ông Floyd, nhiều người đã cố gắng giải thích với các nhà hoạt động, nêu ra rằng ở Mỹ này, các nhóm thiểu số thực sự được đối xử với mức độ khoan dung đáng kể. Nhưng những lập luận này dường như đã bị bỏ ngoài tai.
Ông Jones nói, “Họ thậm chí đã không màng chú ý tới lập luận ấy. Giống như, nếu quý vị không thấy tư thế đúng [của cảnh sát], thì quý vị cần lên án, quý vị cần giáo dục lại, quý vị cần nâng cao ý thức.”
“Vì vậy, chính phương diện chiến lược của chủ nghĩa Mao đã làm cho tư tưởng này trở nên có sức mạnh và hiệu nghiệm hơn nhiều so với tư duy phê phán của cánh tả nói chung, vốn vẫn chú ý vào kiểu trao đổi biện chứng.”
Ông Smith lưu ý, sự phẫn nộ có thể có hiệu nghiệm trong việc đạt được các mục đích chính trị, đặc biệt là khi đối phó với những người thiên tả và đặc biệt là trong khuôn khổ của chủ nghĩa Mao.
Ông nói: “Sự phẫn nộ theo tư tưởng Mao là sự bất đồng trường kỳ.”
“Đây là điểm mà những tư tưởng này đúng là hoàn toàn chiến thắng phái thiên tả. … Những hiểu biết của phái thiên tả không biết cách đối phó với sự phẫn nộ lâu dài ra sao, bởi vì kiểu tư tưởng này liên tục tìm cách thiên biến vạn hóa.”
Ông gợi ý, khái niệm “cách mạng lâu dài” của Mao phần nào lảng tránh triết lý chính trị thiên tả.
“Nếu chúng ta nghĩ tới những hiểu biết của Tây phương về chiến lược, thì đó là việc theo đuổi một mục đích cụ thể đến một kết thúc cụ thể. Chà, nếu kết thúc là … cuộc tranh đấu lâu dài, thì nghĩa là chẳng có kết thúc nào ngoài cuộc tranh đấu lâu dài cả. Bản thân khái niệm này là điều gì đó mà tôi không nghĩ rằng tư tưởng chính trị Tây phương đã thực sự giải quyết được. Nhưng đó là những gì chúng ta đang bắt đầu thấy rõ trong nền chính trị Tây phương ngày nay.”
Vượt qua khó khăn
Trong những chương cuối cùng của cuốn sách, ông Smith và Jones hướng cái nhìn về tương lai.
Ông Smith thừa nhận: “Nếu chúng ta đang ở trong nỗi thống khổ gần giống với cuộc Cách mạng Văn hóa, thì chúng ta hoàn toàn không biết sự thống khổ ấy sẽ kết thúc như thế nào.”
Ông lưu ý rằng trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân cuối cùng đã được khai triển để “lập lại trật tự,” bày ra một chế độ bị ám ảnh về sự ổn định mà chúng ta thấy ở Trung Quốc ngày nay.
Ông nói: “Đây là bộ mặt kiểu Orwellian về điểm kết thúc một cuộc cách mạng văn hóa.”
Ông dự đoán, nếu “thời khắc thức tỉnh” của Trung Quốc ở vào nửa thế kỷ trước có thể đưa ra một phép loại suy, thì các nhà hoạt động mang đến sự nổi dậy này có thể dễ dàng thấy rằng bản thân họ không được ưa chuộng.
Ông nói, “Một khi họ đạt được mục đích của mình với tư cách là những kẻ gây rối và là tác nhân của sự thay đổi cũng như những kẻ phá vỡ quy tắc, v.v., thì tương lai có thể là chính họ sẽ bị loại bỏ, để nhường chỗ cho giới thượng lưu cố hữu.”
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Jones, chế độ mới có thể khá khác biệt so với các chế độ chuyên quyền trong quá khứ.
Ông nói, “Đó là chế độ chuyên chế, nhưng là chế độ quản lý kỹ trị.”
“Vì vậy quý vị vĩnh viễn bị giám sát thông qua trí tuệ nhân tạo AI và các quy định khác để phù hợp với sự hiểu biết về pháp gia theo tư tưởng Mao, mà ở đó toàn bộ quý vị đều được chia nhỏ, gần như côn trùng cũng bị giám sát và theo dõi liên tục, bởi vì chúng ta có công nghệ để làm điều đó, không ngừng điền vào các biểu mẫu để chứng minh rằng chúng ta đáp ứng các yêu cầu hiện tại.”
Các tác giả nuôi hy vọng rằng phương Tây sẽ chống chọi được với cơn bão này, mặc dù họ thừa nhận vận mệnh của Tây phương đang ở thế bấp bênh.
“Hoặc suy đoán của chúng ta đó là liệu xã hội thiên tả có khả năng nội tại để tự bảo vệ mình trước những phương diện cực đoan hơn của chủ nghĩa Mao hay không, liệu xã hội thiên tả có thể bao hàm lại chủ nghĩa Mao trong một cấu trúc quản trị thiên tả hay không, hay liệu chính chúng ta đang dấn thân vào con đường dẫn đến sự bất ổn và rốt cuộc là một thời kỳ của Đại Chủ nghĩa Thức tỉnh Tây phương Tương đương Cách mạng Văn hóa Hồng Vệ Binh, vốn cuối cùng sẽ dẫn đến việc tìm kiếm một hình thức ổn định và sau hết là một trật tự độc tài, mà tất nhiên sẽ củng cố quyền lực của một giới tinh hoa đặc biệt hoài nghi và giám sát tất cả,” ông Smith kết luận.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times