BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Công nghệ mRNA gây tranh cãi đang nhắm đến ngành chăn nuôi Mỹ
Năm tiểu bang đã giới thiệu các dự luật cấm liệu pháp gene hoặc công nghệ mRNA trong các sản phẩm thịt hoặc yêu cầu công bố đầy đủ thông tin trên bao bì sản phẩm
Ít nhất năm tiểu bang đã giới thiệu các dự luật hạn chế sử dụng công nghệ mRNA hoặc liệu pháp gene gây tranh cãi trong chăn nuôi hoặc yêu cầu công bố đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng trên bao bì sản phẩm.
Các tiểu bang đang cân nhắc ban hành luật bao gồm North Dakota, Tennessee, Arizona, Idaho, và Missouri.
Dự luật Hạ viện 154 của Idaho sẽ xem việc bất kỳ ai cung cấp hoặc chỉ định một vaccine dùng công nghệ mRNA “để sử dụng cho một cá nhân hoặc bất kỳ động vật có vú nào khác ở tiểu bang này” là một khinh tội.
Dự luật Hạ viện 2762 của Arizona yêu cầu dán nhãn rõ ràng đối với tất cả các sản phẩm thủy sản, gia súc, hoặc gia cầm có chích vaccine mRNA và cấm các sản phẩm này được dán nhãn là hữu cơ.
Dự luật Hạ viện 0099 của Tennessee sửa đổi một luật hiện hành để cấm sản xuất hoặc bán gia súc hoặc thịt có chứa vaccine mRNA “hoặc nguyên liệu vaccine” mà không có nhãn rõ ràng cho biết có những thành phần như vậy trong sản phẩm.
Tại North Dakota, các nhà lập pháp tiểu bang đã đệ trình Dự luật Thượng viện 2384, cấm sử dụng vaccine mRNA ở người và đưa ra hình phạt đối với bất kỳ ai vi phạm lệnh cấm này.
Dân biểu tiểu bang Missouri Holly Jones, một thành viên Đảng Cộng Hòa, là nhà bảo trợ chính cho dự luật yêu cầu dán nhãn sản phẩm đối với tất cả thịt gia súc có chứa “các sản phẩm liệu pháp gene tiềm năng” của tiểu bang.
“Chúng tôi dán nhãn mọi thứ trên khắp thế giới. Chúng tôi dán nhãn ‘non-GMO’ (không biến đổi gene). Chúng tôi dán nhãn ‘GMO’ (biến đổi gene). Chúng tôi dán nhãn ‘nuôi bằng cỏ’. Chúng tôi dán nhãn ‘không sử dụng kháng sinh’. Chúng tôi dán nhãn ‘được sản xuất trong một nhà máy có chứa hạt,’” bà Jones nói.
“Chúng ta nên dán nhãn bất cứ thứ gì chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Như chúng ta đã thấy với các vaccine COVID, những vaccine này là không an toàn và cũng không hiệu quả. Ngay cả CDC cũng đã thú nhận điều đó.”
Mặc dù Dự luật Hạ viện 1169 không đề cập cụ thể đến tên của mRNA, nhưng lệnh cấm được đề nghị sẽ bao gồm tất cả “các sản phẩm liệu pháp gene tiềm năng.”
Tiểu ban Các Vấn đề Mới nổi của Hạ viện đã xem xét một dự luật sửa đổi hôm 19/04. Bà Jones là thành viên của ủy ban đó.
Dự luật này sẽ yêu cầu dán nhãn cho bất kỳ sản phẩm nào được tạo ra với tính năng hoạt động như một liệu pháp gene tiềm năng, hoặc “có khả năng tác động, thay đổi, hoặc đưa vật liệu di truyền vào hoặc gây ra một biến đổi gene đối với người dùng sản phẩm.”
Luật cũng bao gồm bất kỳ ai đã tiếp xúc với sản phẩm đó hoặc “tiếp xúc với những người khác đã sử dụng sản phẩm đó.”
Với việc thông qua Dự luật Hạ viện 1169, luật này sẽ yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi và nhà sản xuất ở Missouri phải ghi thông tin đầy đủ về công nghệ mRNA được sử dụng ở bò, heo, và các vật nuôi khác trên bao bì sản phẩm theo nguyên tắc có được sự đồng thuận khi người tiêu dùng đã có đầy đủ thông tin.
Đang trong quá trình phát triển
“Họ sẽ phải nói cho chúng tôi biết nếu họ bắt đầu sử dụng những thứ đó. Như hiện nay, hầu hết tất cả các tiểu bang đều không thực hiện điều này,” bà Jones nói.
Bà Jones cho biết bà đã xác nhận thông qua nhiều nguồn tin trong ngành nông nghiệp rằng các chương trình mRNA dành cho vật nuôi của Hoa Kỳ “đang được khai triển.”
“Chương trình này đang được thực hiện rồi. Úc đã và đang thực hiện rồi.”
Theo một tuyên bố từ chính phủ Queensland ở Úc, các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine liên quan đến mRNA để chặn đứng mối đe dọa của Bệnh Viêm Da Nổi Cục (Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) ở bò thịt với khoản đầu tư 1.5 triệu USD.
Ông Mark Furner, Bộ trưởng Bộ Phát triển Ngành Nông nghiệp và Ngư nghiệp kiêm Bộ trưởng Các Cộng đồng Nông thôn, cho biết: “Một loại vaccine mRNA mới sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì các loại vaccine virus sống hiện có ở hải ngoại không thể được sử dụng tại Úc.”
Ông Furner nói thêm: “Việc sử dụng các loại vaccine hiện có ở đây sẽ khiến chúng ta mất đi trạng thái không bệnh.”
Với công nghệ mRNA, giống như ở vaccine COVID-19, các mũi chích sẽ đưa một đoạn virus vào các tế bào, dạy các tế bào này cách tạo ra một kháng thể cụ thể để chống lại căn bệnh đó.
Khoa Vi sinh Thú y và Y tế Dự phòng tại Đại học Tiểu bang Iowa đang phát triển một loại vaccine dành cho gia súc dựa trên mRNA để chống lại virus hợp bào hô hấp ở bò (RSV).
Nếu không được điều trị, RSV có thể dẫn đến bệnh viêm phổi ở bò.
Chương trình tài trợ liên bang này nhằm mục đích phát triển một “hệ thống mRNA mới” cung cấp khả năng bảo vệ miễn dịch trước RSV.
“Chúng tôi cho rằng [việc chích ngừa mRNA] được thực hiện liên tục bằng cách cấy vaccine sẽ dẫn đến khả năng miễn dịch tế bào và kháng thể lâu dài và mạnh mẽ,” theo một bản tóm lược về chương trình này trong Hệ thống Thông tin Kinh tế, Giáo dục, và Nghiên cứu (REEIS) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
“Tại đây, chúng tôi sẽ tối ưu hóa vaccine của mình hơn nữa và sau đó kiểm tra các mối tương quan tiềm năng của khả năng bảo vệ ở những con bò bị thử thách cuối cùng.”
Không dán nhãn thịt từ ngoại quốc
Năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ luật dán nhãn vốn yêu cầu phải ghi nước xuất xứ đối với các sản phẩm thịt.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể lấy thịt bò từ Argentina, Úc, Trung Quốc — bất cứ nơi nào trên thế giới — và các loại thịt này bị lẫn vào vì chúng ta không còn phải dán nhãn xuất xứ.”
“Điều đó là một vấn đề đối với tôi,” bà Jones nói với The Epoch Times.
Hiệp hội Thịt bò của Những người chăn nuôi Quốc gia (NCBA) gần đây đã tuyên bố rằng “hiện không có giấy phép vaccine mRNA nào được sử dụng cho bò thịt ở Hoa Kỳ.”
“Những người chăn nuôi gia súc và chủ trang trại chích ngừa vaccine cho gia súc để điều trị và ngăn ngừa nhiều bệnh, nhưng hiện tại không có loại vaccine nào trong số này có chứa công nghệ mRNA.”
Hồi tháng Tám năm 2022, công ty khởi nghiệp nghiên cứu vaccine mRNA Genvax Technologies đã nhận được 6.5 triệu USD tiền tài trợ thông qua một liên minh các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có United Animal Health.
Ông Joel Harris, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Genvax Technologies, cho biết trong một thông cáo đăng trên PorkBusiness.com rằng: “Mối đe dọa gây ra cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng do các bệnh trên động vật từ ngoại quốc như dịch tả heo châu Phi (ASF) và các biến thể liên tục biến đổi của cúm heo là rất heo.”
“Mục tiêu là phát triển một loại vaccine phù hợp 100% với chủng cụ thể khi dịch bệnh bùng phát.”
Mặc dù ASF là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong ở heo nhà và heo rừng, nhưng nó không đe dọa đến sức khỏe con người và không thể lây lan từ heo sang người.
“Đây không phải là vấn đề an toàn thực phẩm nữa,” USDA tuyên bố trên trang web của mình.
“ASF được phát hiện ở các quốc gia trên khắp thế giới. Gần đây bệnh này đã lan sang Cộng hòa Dominica và Haiti. ASF cũng đã lan rộng khắp Trung Quốc, Mông Cổ, và Việt Nam, cũng như trong các khu vực của Liên minh Âu Châu.”
“Bệnh này chưa bao giờ được phát hiện ở Hoa Kỳ — và chúng tôi muốn giữ nguyên trạng như vậy.”
Viện Thú Y (AHI) báo cáo rằng các vaccine mRNA được sử dụng trong thú y cần ít nhất từ 5 đến 10 năm nữa mới có thể khai triển.
“Các vaccine sử dụng công nghệ mRNA để kiểm soát ký sinh trùng mới có thể mở đường cho các vaccine hiệu quả hơn mà có thể được sản xuất một cách đáng tin cậy. Rất khó để các công ty sản xuất một cách đáng tin cậy các vaccine ký sinh trùng được phát triển thông qua các phương pháp truyền thống,” trang web của AHI cho biết.
“Kết quả là chỉ có một số ít vaccine ký sinh trùng có sẵn trong ngành thuốc thú y. Tuy nhiên, mRNA có thể cho phép sản xuất đáng tin cậy hơn vì công nghệ này có thể tránh được những khó khăn của các phương pháp truyền thống.”
Không phải toàn bộ đều có hại?
Tuy nhiên, bà Jones cho biết dự luật của mình không có nghĩa là bà xem toàn bộ công nghệ mRNA đều là có hại.
“Họ đang sử dụng công nghệ này trong nhiều nghiên cứu y khoa và thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Chúng ta giỏi giấu đi những điều có thể tốt hoặc không tốt cho chúng ta.”
“Tôi muốn thấy người tiêu dùng đồng thuận sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin. Tôi sẽ cố gắng hết mình để đấu tranh cho điều đó.”
“Điều chúng tôi yêu cầu là hãy cho chúng tôi biết nếu quý vị là chủ trang trại gia súc hay người chăn nuôi heo — nếu quý vị chọn áp dụng phương pháp đó bằng cách sử dụng vaccine — thì mọi người nên có nhận thức về việc nên mua loại thịt đó hay thịt hữu cơ 100%.”
Bà Jones cho biết có những nhà vận động hành lang đã cáo buộc bà gieo rắc sợ hãi cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến “lợi nhuận ròng.”
“Điều đó khiến tôi lo ngại. Tôi có một lập trường đạo đức mạnh mẽ rằng mọi người đều có một quyền lợi được lựa chọn những gì họ đưa vào cơ thể mình.”
Texas nêu ra các mối lo ngại
Hôm 03/04, Ủy viên Nông nghiệp Texas Sid Miller cho biết văn phòng của ông đang tiến hành một “phân tích dựa trên thực tế” về những rủi ro liên quan đến công nghệ mRNA trong thực phẩm và vật nuôi.
Ông Miller nói trong một tuyên bố, “Kể từ khi Sở Nông nghiệp Texas (TDA) hay tin về việc phát triển các loại vaccine mRNA và các phương pháp điều trị liên quan đến mRNA cho vật nuôi, thì chúng tôi đã nỗ lực phát triển một đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và thực tế về các rủi ro liên quan đến công nghệ này.”
“Phân tích của chúng tôi sẽ gồm có nghiên cứu lâm sàng, kết cấu của luật Texas hiện hành, và chính sách công cộng, tác động về kinh tế và sản xuất của các quy định chính sách khác nhau mà chúng ta có thể áp dụng.”
“Tôi mong muốn bảo đảm rằng nền nông nghiệp Texas vẫn an toàn, đáng tin cậy, lành mạnh, và hoàn toàn không bị công nghệ nguy hiểm hoặc chưa được kiểm chứng làm nhiễm độc.”
“Bản thân tôi rất xem trọng vấn đề này. Đây không phải là quan điểm gây tranh cãi về chính trị nào cả. Chỉ là một đề nghị hợp lý và được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều ý kiến đóng góp từ các bên liên quan, các nhà khoa học, các nhà nông học, và các chuyên gia khác.”
“Chúng tôi đang xem xét vấn đề này tại TDA và sẽ cùng san sẻ những mối lo ngại của quý vị.”
Giám đốc truyền thông của Sở Nông nghiệp Texas Reb Wayne cho biết nhiều người dân Texas đã bày tỏ mối lo ngại của họ về công nghệ mRNA.
Ông Wayne cho biết mục tiêu của sở này là có “một nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và phong phú.”
Ông Wayne nói với The Epoch Times, “Công việc của chúng tôi vẫn trong giai đoạn ban đầu, và Ủy viên Miller muốn bảo đảm rằng cả ngành [nông nghiệp] lẫn công chúng nói chung đang nhận biết được những dữ liệu thực tế về mRNA.”
Bà Jones cho biết luật pháp Missouri là đứng về phía các doanh nghiệp và những người “xứng đáng được biết” về những tác động của mRNA trong thực phẩm và các sản phẩm khác.
Bà Jones nói: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng mọi người không chỉ có sự đồng thuận và minh bạch với đầy đủ thông tin về nguồn cung cấp thực phẩm của họ mà còn nếu có điều gì đó xảy ra mà họ không biết, thì vẫn có cách để luôn đứng vững.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times