BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Có bao nhiêu đồn công an chìm của Trung Quốc hiện đang hoạt động ở Canada?
Trong khi làm chứng trước Ủy ban Nội vụ và Thủ tục Chung (PROC) của Hạ viện Canada hồi tháng Tư, Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino cho biết Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã thực hiện “hành động quyết đoán để đóng cửa cái gọi là các đồn công an” hoạt động bí mật trên đất Canada.
Nhưng khi được hỏi về tuyên bố đó trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Question Period” (Thời Gian Đặt Câu Hỏi) của CTV hôm 14/05, bộ trưởng đã nói ngược lại, nói rằng “RCMP đã có hành động cụ thể để ngăn chặn mọi sự can thiệp hải ngoại nào liên quan đến cái gọi là các đồn công an đó.”
Đây là tóm tắt về các đồn công an Trung Quốc ở Canada được biết đến cho đến nay.
Ontario
Có ba địa điểm trong Khu vực Greater Toronto bị tình nghi là đồn công an chìm của Trung Quốc. Địa chỉ cụ thể của những địa điểm này là thông tin nguồn mở được công bố trực tuyến trong danh sách 30 đồn công an ở hải ngoại do Cục Công an thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc điều hành.
Các địa điểm đã được xác định là một cửa hàng tiện lợi trên Warden Avenue ở Scarborough, một ngôi nhà dân cư ở Markham, và hai đơn vị trong một tòa nhà ở Markham cũng là trụ sở của một tổ chức kinh doanh Trung Quốc, Thương hội Canada Toronto Phúc Thanh (CTFQBA).
CTFQBA cho biết trên trang web của mình rằng họ hoạt động “dưới sự chỉ dẫn” của một số tổ chức chính quyền Trung Quốc và Phúc Kiến, trong đó có một thành ủy thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Ban này là công cụ can thiệp hải ngoại chính của chính quyền Trung Quốc, theo các nghiên cứu mà Sở An toàn Công cộng Canada trích dẫn.
The Epoch Times đã liên lạc với CTFQBA để yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được hồi đáp.
Hồi tháng Hai, Ủy viên RCMP đương thời Brenda Lucki đã nói với Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Mối bang giao Canada-Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng các sĩ quan mặc sắc phục trong những chiếc xe được đánh dấu rõ rệt là xe cảnh sát đã được cử đến ba đồn công an ở Toronto và một đồn công an ở Vancouver để ngăn chặn hoạt động của họ.
Phó ủy viên cảnh sát liên bang của RCMP, ông Michael Duheme, nói với PROC hồi tháng Ba rằng các hoạt động tại những địa điểm đó không còn nữa.
British Columbia
Hôm 10/12/2022, Nhóm Thực thi An ninh Quốc gia Tích hợp RCMP, đang dẫn đầu cuộc điều tra về các đồn công an Trung Quốc, được cho là đã đến thăm một tòa nhà ở Richmond, British Columbia, hiện là trụ sở của Hội Hữu nghị Ôn Châu (WFS), một nhóm bất vụ lợi.
Những người dân lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào Canada đã tổ chức một số cuộc biểu tình bên ngoài WFS trong những tháng gần đây. Một số người biểu tình nói với The Epoch Times rằng từ lâu họ đã nghi ngờ các hoạt động bên trong tòa nhà số 4266 Hazelbridge Way, khi lưu ý rằng WFS đã thể hiện sự ủng hộ đối với Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một giám đốc của tổ chức này đã phủ nhận mọi mối liên hệ với các đồn công an trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu (Global News), mặc dù ông thừa nhận rằng RCMP đã từng đến WFS.
Một bài báo hồi tháng Năm năm 2021 được đăng trên trang web của WFS, có tiêu đề bằng tiếng Hoa là “Đảng kêu gọi, người Hoa ở hải ngoại hưởng ứng,” mô tả cách mà một trong những phó chủ tịch điều hành của tổ chức này tham dự một sự kiện ở Trung Quốc đánh dấu một trăm năm thành lập ĐCSTQ. Trang web của WFS hiện đã bị xóa hoàn toàn.
Hồi tháng Hai, The Epoch Times đã đưa tin về một địa điểm khác ở British Columbia có địa chỉ xuất hiện trong danh sách 29 tiền đồn của cảnh sát Trung Quốc do cơ quan công an khu vực ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc điều hành. Địa điểm này là một cửa hàng bên trong một trung tâm mua sắm Richmond, đồng thời một số điện thoại — cũng được cung cấp trong danh sách đó — trùng khớp với số liên lạc của Hiệp hội Các thương nhân Nam Thông ở Hải ngoại Chi nhánh Canada có trụ sở tại British Columbia.
Ông Victor Trần (Victor Chen), người được đề tên là phó chủ tịch trên trang web của hiệp hội, trước đó đã xác nhận số điện thoại này thuộc về chủ tịch của nhóm, ông Chu Nguyên (Zhou Yuan). Tuy nhiên, ông Trần từ chối bình luận về vấn đề đồn công an Trung Quốc. Trang web của hiệp hội này hiện đã bị xóa.
Trước đây RCMP đã nói với The Epoch Times rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và từ chối cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm này ở British Columbia.
Quebec
Hồi tháng Ba, Quebec RCMP xác nhận rằng họ đang điều tra hai địa điểm trong tỉnh bang nghi là đồn công an chìm của Trung Quốc.
Hai địa điểm được xác định là Dịch vụ Gia đình Trung Quốc của Greater Montréal, trong khu Chinatown của thành phố và Trung tâm South Shore Sino-Québec, một tổ chức cộng đồng ở Brossard. Cả hai trung tâm đã hoạt động trong nhiều thập niên và đã cung cấp các dịch vụ đa dạng cho các cộng đồng người Hoa và Á Châu.
Trung sĩ RCMP Charles Poirier cho biết trong một tuyên bố hôm 13/03 rằng cuộc điều tra bắt đầu sau khi cảnh sát nhận được ít nhất “15 lời khuyên quan trọng” liên quan đến hai địa điểm ở Montreal và Brossard.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về các cuộc điều tra của RCMP, Bộ Di trú Quebec cho biết họ đã cắt giảm tài trợ cho hai nhóm này, trong khi một phát ngôn viên nói rằng một cuộc kiểm toán sẽ xem xét liệu các tổ chức có tôn trọng nghĩa vụ của họ đối với các chương trình hòa nhập những người nhập cư mới đến vào Canada hay không.
Trong một tuyên bố chung được công bố hôm 28/04, hai nhóm cộng đồng Quebec này cho biết họ đang tiếp tục hoạt động bình thường, điều này mâu thuẫn với tuyên bố của ông Mendicino trước ủy ban một ngày trước rằng các đồn công an Trung Quốc đã bị đóng cửa.
‘Kiểm soát vươn dài ra hải ngoại’
Ba địa điểm tại khu vực Toronto là những đồn công an Trung Quốc ở hải ngoại đầu tiên được người Canada biết đến sau khi truyền thông đưa tin về một báo cáo hồi tháng Chín năm 2022 của tổ chức nhân quyền phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha. Một báo cáo tiếp theo hồi tháng Mười Hai đã xác định thêm hai địa điểm ở British Columbia.
Safeguard Defenders nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng các báo cáo của họ là một phần trong nỗ lực đang diễn ra nhằm theo dõi sự đàn áp xuyên quốc gia đang gia tăng trên toàn cầu của Bắc Kinh. Nhà sáng lập kiêm giám đốc Peter Dahlin cho biết báo cáo này xuất hiện ngay sau một báo cáo khác thuộc tổ chức của ông, có nhan đề “Những cuộc hồi hương không tự nguyện — báo cáo phơi bày việc kiểm soát vươn dài ra hải ngoại” (“Involuntary Returns — report exposes long-arm policing overseas”).
Theo một báo cáo hồi tháng Một năm 2022 — báo cáo đầu tiên trong loạt báo cáo về vấn đề này — Safeguard Defenders cho biết chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố hồi tháng Mười Hai năm 2021 rằng các hoạt động tình báo của họ, chiến dịch Sky Net (Lưới Trời) và Fox Hunt (Chiến dịch Săn Cáo), đã thành công trong việc đưa khoảng 10,000 “kẻ đào tẩu” từ khắp nơi trên thế giới quay trở lại Trung Quốc kể từ năm 2014. Các hoạt động này được khai triển như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng theo báo cáo hồi tháng Chín năm 2022 của Safeguard Defender, cái gọi là “quầy dịch vụ” công an Trung Quốc ở hải ngoại đôi khi còn được gọi là “110 ở hải ngoại” theo tên số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát quốc gia Trung Quốc, đã tăng cường hoạt động của Trung Quốc nhằm đưa công dân sống ở hải ngoại của nước này hồi hương một cách không tự nguyện. Báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng từ tháng Tư năm 2021 đến tháng Bảy năm 2022, có 230,000 công dân nước này đã “bị thuyết phục hồi hương” để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Noé Chartier và Peter Wilson
Đỗ Quyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times