BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Áp lực từ những người ủng hộ nghị trình biến đổi khí hậu thúc đẩy những thay đổi lớn trong ngành lữ hành
Những người ủng hộ biến đổi khí hậu đang nhắm vào ngành lữ hành, gây áp lực cho các doanh nghiệp như hãng hàng không, các công ty điều hành du lịch trên biển, và các ngành du lịch khác để áp dụng những hoạt động thân thiện hơn với môi trường.
Sức nóng đang tăng lên — theo đúng nghĩa đen — ở mọi cấp độ. Nguồn tạo ra sức ép này đến từ các cơ quan toàn cầu như Liên Hiệp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho tới các nhà nghiên cứu khoa học. Từ đó, một phong trào dân sự nhằm thu hẹp quy mô lữ hành cá nhân đã nảy sinh, và được biết đến với cái tên “cảm giác xấu hổ khi đi du lịch” (travel shaming).
Trong khi áp lực từ các quan chức và xã hội đang nhắm vào những ai mơ ước được đến thăm các địa điểm kỳ thú, thì ngành du lịch/lữ hành lại đang đáp ứng nhu cầu về các hoạt động “xanh hơn.” Nhiều thay đổi trong số này nhằm mục đích giảm lượng phát thải carbon trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch.
“Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo trong ngành là phải có hành động cụ thể và có ý nghĩa để giải quyết những rủi ro, tổn thất, và thách thức về tính bền vững mà ngành du lịch phải đối mặt,” ông Sujit Mohanty, giám đốc Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên Hiệp Quốc tại các Quốc gia Ả Rập, đã chia sẻ trong một hội nghị hồi tháng Năm vừa qua.
Tại sự kiện này, ông Mohanty lưu ý rằng ngành du lịch và lữ hành sẽ phải chịu “những tác động thảm khốc,” trong đó có thiệt hại kinh tế, trừ phi các bước giảm thiểu rủi ro về thảm họa được thực hiện.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc giám sát chặt chẽ ngành du lịch về tác động đối với khí hậu.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc nhắc lại điều này trên trang web của mình: “Sự chuyển đổi xanh của ngành du lịch là cần thiết.” Dòng chữ này cũng nằm dưới tiêu đề chính của “Du lịch và Nghị trình 2030.”
Tuy nhiên, một số tổ chức không làm gương mẫu. Năm ngoái, đã có phản ứng dữ dội chống lại các quan chức trong hội nghị khí hậu cao cấp COP27 ở Ai Cập. Ban đầu, chính quyền địa phương của Ai Cập nói với các phóng viên rằng 400 phi cơ phản lực tư nhân đã tham dự sự kiện biến đổi khí hậu. Làn sóng báo chí thứ hai tường thuật ít nhất 36 phi cơ phản lực tư nhân đã tham dự hội nghị chuyên đề này.
Nghiên cứu đã lên án rộng rãi việc đi lại bằng phi cơ riêng là một trong những nguyên nhân gây ra lượng phát thải lớn nhất trong ngành này. Một phân tích cho biết việc đi lại bằng phi cơ riêng có tác động tiêu cực đến môi trường gấp 14 lần so với các hãng hàng không thương mại thông thường.
Vụ bê bối phi cơ tư nhân này là một khoảnh khắc xấu hổ đối với các nhà lãnh đạo biến đổi khí hậu toàn cầu. Tệ hơn nữa, sự kiện COP27 lại được tổ chức tại thành phố duyên hải Sharm el-Sheikh, cửa ngõ của Ai Cập để đi vào hệ sinh thái Hồng Hải mong manh và đang bị đe dọa.
Dù sao đi nữa, đoàn xe biến đổi khí hậu vẫn lăn bánh về phía trước trong khi ngành lữ hành và các cá nhân đánh giá lại ý nghĩa của phi cơ phản lực.
Những quyết định quan trọng
Hôm 23/05, Pháp đã chính thức cấm tất cả các chuyến bay nội địa chặng ngắn có có thể thay thế bằng hỏa xa trong hai tiếng rưỡi hoặc ít hơn. Nghị định mới này cũng quy định việc đi lại bằng đường hàng không giữa Paris và các điểm đến phổ biến như Nantes, Lyon, và Bordeaux.
Trong một nỗ lực nhằm giảm lượng phát thải từ ngành lữ hành hàng không, hành động này đã gặp phải những phản ứng mạnh mẽ. Những người chỉ trích trong ngành hàng không nêu ra rằng họ đã thực hiện các bước hướng tới mục tiêu phát thải “bằng 0” và việc cấm các chuyến bay là phản tác dụng.
Ông Laurent Donceel, người đứng đầu lâm thời của Airlines for Europe, nói với AFP rằng cần có “các giải pháp thiết thực và quan trọng,” chứ không phải “các lệnh cấm tượng trưng.”
Ông nói thêm rằng việc loại bỏ các chuyến bay ngắn có thể sẽ có “tác động tối thiểu” đối với lượng phát thải CO2.
Trong một hành động tương tự, chính phủ Hà Lan đang xúc tiến kế hoạch giảm 12% số chuyến bay thường niên tại phi trường Quốc tế Schiphol nhộn nhịp của thành phố Amsterdam.
Thông báo này đã vấp phải sự phản đối ngay lập tức và những thách thức pháp lý từ các hãng hàng không thương mại lớn như KLM, Delta, Corendon, và easyJet. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cũng lên tiếng phản đối.
Thành phố Amsterdam vốn là một điểm đến du lịch hàng đầu. Quyết định này có thể sẽ làm tăng giá vé phi cơ và tạo ra những thách thức về việc tiếp liệu cho lữ khách. Những thay đổi về lịch trình dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2024.
Ngành công nghiệp tàu du lịch là một nhánh khác của thế giới du lịch cảm thấy bị áp lực phải giải quyết những lo ngại về khí hậu. Không giống như các hãng hàng không, nhiều nhà điều hành du lịch đã nhanh chóng phản hồi lời kêu gọi hành động.
Bà Patricia Carr, cố vấn lữ hành của Dream Vacations, nói với The Epoch Times rằng các công ty du lịch tàu biển đang trải qua những thay đổi lớn để giải quyết lời kêu gọi hành động vì khí hậu. Bà Carr lưu ý rằng các hãng du thuyền như Virgin Voyages và MSC đã đầu tư vào các hoạt động “không rác thải” và là những người dẫn đầu ngành trong cuộc cách mạng “lữ hành xanh” này.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đang phát triển. Cam kết của họ đối với môi trường là rất lớn,” bà nói.
Bà Carr đã có nhiều năm sống gần biển Caribbean và Florida và không lạ gì với thời tiết khắc nghiệt. Bà nói rằng những điều kiện khắc nghiệt trong những năm gần đây đang cản trở kế hoạch du lịch của mọi người.
“Điều đó đang ảnh hưởng đến hàng chục ngàn du khách.”
Một điều chỉnh lớn khác là hạn chế các tàu du lịch cố gắng đi vào một số điểm du lịch nổi tiếng.
Thành phố Venice, nước Ý, là một ví dụ điển hình. Thành phố này đã đón 1.4 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2021. Trong đó, ước tính 73% đến từ các tàu du lịch. Người dân địa phương thành phố Venice đã gây áp lực với chính phủ Ý trong nhiều năm để giảm lượng khách du lịch tràn vào thành phố lịch sử này. Vì vậy, vào năm 2021, một lệnh cấm tàu vào các kênh nổi tiếng có hiệu lực đối với tàu nặng hơn 25,000 tấn hoặc dài hơn 180 mét.
Điều đó có nghĩa là cấm hết trừ các thuyền cá nhân nhỏ.
Chính phủ Ý đã đưa ra một tuyên bố nói rằng quyết định này là một nỗ lực để bảo vệ “di sản văn hóa, nghệ thuật, và môi trường của thành phố Venice.”
Bà Carr cho biết nhiều chuyến du ngoạn Địa Trung Hải, trong đó có cả thành phố Venice, hiện cập bến tại thành phố cảng Ravenna, cách thành phố Venice hai giờ đồng hồ.
“Do mực nước dâng cao, mức độ ảnh hưởng đến môi trường, chính phủ Ý đã quyết định không cho tàu du lịch nào vào thành phố,” bà nói, đồng thời cho biết thêm điều này mang lại các tín hiệu tích cực cho thành phố cảng xung quanh Venice.
“Giờ đây, lượng thuyền và du khách vào các cảng thay thế này đang tạo ra việc làm và các doanh nghiệp mới.”
Thành phố Venice chỉ là một trong hàng trăm điểm du lịch nổi tiếng hạn chế lưu lượng khách du lịch do những lo ngại về môi trường. Công viên Quốc gia Vịnh Glacier ở tiểu bang Alaska — nơi chỉ có thể đến được bằng thuyền — đã thiết lập các giới hạn hàng ngày và theo mùa đối với lưu lượng tàu du lịch.
Đa phần việc giảm thiểu lưu lượng tàu du lịch xuất phát từ những vụ đổ chất thải không đúng nội quy của một số nhà khai thác và tính chất tiêu tốn nhiên liệu nói chung của ngành lữ hành bằng tàu biển. Tuy nhiên, ngành này đang tích cực đầu tư vào các vật liệu bền vững hơn, hệ thống tái chế chất thải, và công nghệ nhiên liệu xanh hơn để đáp ứng nhu cầu thay đổi.
Tóm lược về lữ hành xanh
Ông Hans Mast nói với The Epoch Times: “Đã có một sự thay đổi đáng chú ý hướng tới các hoạt động bền vững dưới dạng công nghệ tiết kiệm năng lượng, các sáng kiến giảm thiểu chất thải, và thực hiện việc tìm nguồn cung ứng bền vững.”
Ông Mast là một chuyên gia lữ hành của Golden Rule Travel và cho biết mùa trong năm là thử thách đối với khách du lịch cũng như các đại lý. Tần suất gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra thêm những phức tạp — ở cả hai phía — trong bối cảnh thúc đẩy rộng rãi các giải pháp du lịch “xanh hơn.”
Ông Mast cho biết: “Là một người tham gia chuyên sâu trong ngành lữ hành, cá nhân tôi đã chứng kiến và cảm thấy áp lực ngày càng lớn trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh doanh và kế hoạch lữ hành để giải quyết các mối lo ngại về khí hậu.”
“Áp lực này bắt nguồn từ việc gia tăng kỳ vọng của người tiêu dùng, các quy định của ngành du lịch, và việc công nhận các quyết định tập trung vào môi trường không chỉ cần thiết cho hành tinh mà còn góp phần vào sự thành công lâu dài của các doanh nghiệp.”
Nhưng đối với một số người, việc có ý thức về sinh thái liên quan đến thương hiệu hơn là thực tế.
Ông Michael Kovnick là một người sáng lập Culture Discovery Vacations, chuyên tổ chức các chuyến du lịch ở Nam Âu với trọng tâm đặc biệt là văn hóa ẩm thực địa phương. Nhiều khách hàng của ông là người Mỹ và đang trở nên nhạy cảm với các tác động của ngành du lịch đối với môi trường. Về sau, ông nhận thấy càng nhiều yêu cầu hơn về các chuyến tham quan kết hợp các yếu tố bền vững.
“Ngày càng có nhiều người yêu cầu từ thông dụng như hữu cơ, từ nông trại đến bàn ăn, và có ý thức về sinh thái. Tuy nhiên, thực tế [là] mọi thứ đã có đều là những gì mà mọi người đang tìm kiếm,” ông Kovnick nói với The Epoch Times.
“Nhưng để tiến thêm một bước nữa … để có được giấy chứng nhận, các doanh nghiệp nhỏ và nông gia không chỉ phải chi rất nhiều tiền … mà họ còn phải ít hữu cơ hơn, ít từ nông trại đến bàn ăn hơn, ít tự nhiên hơn. Điều này mở rộng ra cả lĩnh vực rượu vang, dầu ô liu, và nhiều thứ khác,” ông nói.
Vì điều này, ông Kovnick cho biết các mặt hàng “đồ ăn chậm” và “hữu cơ” tăng giá, nhưng sản phẩm hoặc nhà hàng không được chứng nhận thì lại thường thân thiện với môi trường hơn.
“Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi từ chối nhập cuộc chơi này và dành công sức của mình để giúp khách hàng hiểu về ý nghĩa thực sự đằng sau những thuật ngữ này.”
Và mặc dù quan điểm của ông Kovnick về các từ thông dụng về sinh thái là có cơ sở, nhưng không thể phủ nhận tác động của những thuật ngữ đó đối với kỳ vọng của khách lữ hành.
Tại thành phố Cape Town, Nam Phi, công ty lữ hành nổi tiếng Go2Africa đã tăng cường đáp ứng nhu cầu về các chuyến du lịch xanh hơn. Giống như nhiều công ty khác, Go2Africa đã cảm nhận được gánh nặng của hành động về khí hậu đặt lên vai mình.
Bà Maija de Rijk-Uys, giám đốc điều hành của Go2Africa, nói với The Epoch Times: “Hầu hết các đối tác mà chúng tôi trợ giúp đều đang giải quyết vấn đề này theo những cách lớn hoặc nhỏ … như bù đắp carbon, quang năng tại các nhà nghỉ, không sử dụng nhựa, các nhà máy tái chế lớn, bảo vệ khối lượng lớn đất đai trên khắp châu Phi, [hoặc] chuyển sang xe điện.”
Một trong những sáng kiến bền vững mà Go2Africa đã dẫn đầu bao gồm dự án Greenpop, dự án trồng cây xanh tại các cộng đồng nghèo xung quanh Cape Town và dành cho tất cả khách bay đến Western Cape.
Bà Rijk-Uys cho biết: “Là một doanh nghiệp được Travellife công nhận, mà chúng tôi đang nhắm đến một lĩnh vực khác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là khởi động hành trình phát triển bền vững của chúng tôi.”
Chiêu thức về cảm giác xấu hổ
Không thể bỏ qua ngày càng nhiều những lời hoa mỹ trên mạng gián tiếp châm biếm những ai đang tìm cách sắp xếp cho một kỳ nghỉ trong thời buổi này. Các bài viết quan điểm, nhật ký mạng, và truyền thông xã hội đang tràn ngập các bài đăng về việc ở nhà và đi lại ít hơn để giúp giảm lượng phát thải cá nhân.
Thuật ngữ “cảm giác xấu hổ khi đi du lịch” ban đầu được gọi là “cảm giác xấu hổ khi đi bằng phi cơ,” bắt đầu lưu hành vào năm 2019 khi người dân cảm thấy bị áp lực hoặc tội lỗi khi đi bằng phi cơ do tác động đến môi trường của loại phương tiện di chuyển này.
Xu hướng này tiếp diễn vào thời kỳ đại dịch COVID-19. Đột nhiên, những người muốn hoặc cần đi lại liền bị bêu rếu. Đại dịch đã qua đi, nhưng áp lực xã hội và cảm giác tội lỗi khi đi du lịch đã trở lại như thời đầu.
“Thật tuyệt nếu ai đó muốn ở nhà trong kỳ nghỉ hoặc lái xe hàng vạn dặm thay vì đi bằng phi cơ. Hãy chúc mừng họ. Riêng tôi và gia đình sẽ đi bằng phi cơ,” một cư dân khu vực Milwaukee yêu cầu nêu tên riêng của mình là Emily, nói với The Epoch Times.
“Không ai làm tôi cảm thấy xấu hổ về kỳ nghỉ của mình. Chúng tôi đã kinh qua một lần trong thời kỳ COVID,” bà Emily nói.
Bà Emily nói rằng bà nhắm đến việc cân bằng chi tiêu ở mức trung bình khi dự định đi du lịch. Bà đồng ý với các nhà điều hành lữ hành bền vững hơn, nhưng tiền thường là yếu tố quyết định.
“Điều đó thực sự phụ thuộc vào giá cả. Nếu tôi đang xem xét hai công ty lữ hành có cùng mức giá cho một chuyến tham quan, và một công ty nói rằng họ thực hiện du lịch bền vững, tôi sẽ chọn công ty này,” bà Emily nói.
Khi được hỏi liệu bà có lo ngại về lượng phát thải carbon khi đi bằng phi cơ không, bà trả lời: “Không, tôi chẳng nghĩ gì. Các công ty mới là vấn đề lớn nhất đối với môi trường.”
Có vẻ như bà Emily nói gần đúng. Một phân tích cho thấy 100 công ty tạo ra 71% tổng lượng phát thải nhà kính kể từ năm 1988.
Các quan chức đang thay đổi các quy tắc và hạn chế, còn những người khác thì quyết định ở nhà, nhưng những nơi xa xôi vẫn vẫy gọi nhiều người. Và dường như nhu cầu du lịch theo cách truyền thống không hề suy giảm.
“Trái đất đã ấm lên kể từ kỷ băng hà cuối cùng. Đại dương cũng vậy. Không thể phủ nhận điều đó,” bà Carr cho hay, và thừa nhận rằng các yêu cầu du lịch thân thiện với môi trường không phải là một phần quan trọng trong công việc kinh doanh của bà.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times