Ba Lan đầu tư 2.5 tỷ USD để củng cố biên giới giáp với Nga và Belarus
Ngân hàng đầu tư của EU đã cấp khoản vay 300 triệu euro để thiết lập hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan cho biết nước này sẽ chi khoảng 2.5 tỷ USD để tăng cường an ninh và ngăn chặn ở biên giới với Nga và đồng minh Belarus.
Hôm 18/05, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thông báo Ba Lan sẽ đầu tư 10 tỷ zloty (khoảng 2.55 tỷ USD) vào một chương trình để bảo vệ an ninh biên giới phía đông của mình. Nước này đang tăng cường phòng thủ trước những gì họ cho là mối đe dọa đang gia tăng từ Nga và Belarus.
Ông Tusk cho biết công trình trong dự án Shield-East, bao gồm việc xây dựng các công sự quân sự phù hợp, đã được khởi công. Ba Lan nằm ở sườn phía đông của NATO và là thành viên của Liên minh Âu Châu (EU). Ông Tusk nhấn mạnh rằng nước này phải gánh thêm trách nhiệm về an ninh của Âu Châu.
Ông Tusk nói: “Chúng tôi đang bắt đầu một dự án lớn nhằm xây dựng một biên giới an toàn, bao gồm một hệ thống các công sự cũng như các quyết định về cảnh quang và môi trường sẽ làm cho biên giới này không thể bị kẻ thù tiềm ẩn vượt qua.”
Thủ tướng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những loại công sự nào sẽ được xây dựng.
Theo một tuyên bố, ông Tusk cũng đã nói chuyện với Ngân hàng Đầu tư Âu Châu về việc tài trợ cho một thiết bị vệ tinh của Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Âu Châu.
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Âu Châu là một kế hoạch phòng không chung được Đức thiết lập năm 2022 nhằm tăng cường phòng không của Âu Châu. Ông Tusk đã so sánh hệ thống này với hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.
Sau cuộc gặp với ông Tusk tại Warsaw hôm 20/05, Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Âu Châu (EIB), bà Nadia Calviño, cho biết ngân hàng này sẽ cấp khoản vay 300 triệu euro để tài trợ cho “hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Ba Lan, hệ thống này sẽ trợ giúp một số sáng kiến cho việc sử dụng kép vừa dân sự vừa an ninh.”
EIB thuộc sở hữu chung của các quốc gia EU. Theo trang web của EU, “Ngân hàng vay tiền trên các thị trường vốn và cho vay với những điều kiện có lợi cho các dự án trợ giúp các mục tiêu của EU.”
Bức tường biên giới
Biên giới của Ba Lan với Belarus đã trở thành điểm nóng kể từ khi những người nhập cư bất hợp pháp bắt đầu đổ xô đến đó hồi năm 2021, sau khi Minsk, một đồng minh thân cận của Nga, mở các công ty lữ hành ở Trung Đông cung cấp một tuyến đường không chính thức mới vào châu Âu, một hành động mà EU cho là nhằm tạo ra một tuyến đường không khủng hoảng.
Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ba Lan báo cáo 5,100 trường hợp cố gắng vượt biên bất hợp pháp từ Belarus trong nửa đầu tháng 11/2021, so với 120 trường hợp trong cả năm 2020.
Chính phủ tiền nhiệm, được thành lập bởi đảng Luật pháp và Công lý hiện đang ở vị trí đối lập, đã xây dựng một bức tường thép có dây thép gai bên trên ở biên giới Ba Lan-Belarus để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt.
Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan cho biết bức tường, dài hơn 186 km (khoảng 116 dặm) và cao 5.5 m (khoảng 18 feet), được hoàn thành hồi tháng 06/2022. Bức tường này có lối đi đặc biệt dành cho động vật hoang dã tương tự như lối đi dành cho động vật hoang dã được xây dựng trên các xa lộ.
Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ba Lan cho biết trong một tuyên bố, một năm sau, bức tường này được bổ sung bằng một hàng rào điện tử được trang bị “3,000 camera và cảm biến nhiệt và ngày/đêm” giám sát biên giới này.
Tuyên bố đó cho biết hàng rào điện tử dài 206 km (khoảng 128 dặm) này cũng bao gồm cả các khu vực biên giới không được bảo vệ bởi bức tường, chẳng hạn như sông và suối.
Tổng cộng, cả hai hàng rào này bao phủ gần một nửa đường biên giới dài 418 km (260 dặm) với Belarus.
Tháng 11/2023, Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ba Lan nói trong một tuyên bố rằng họ đã thực sự loại bỏ được tình trạng di cư bất hợp pháp.
Tuyên bố cho biết, vào một ngày trong tháng 11/2023, trong số 120 người cố gắng vượt biên giới Belarus sang Ba Lan một cách bất hợp pháp, thì 110 người đã quay trở lại sau khi nhìn thấy lực lượng tuần tra biên giới, và 10 người đã bị bắt giữ.
Trong một tuyên bố hôm 20/05, nhân viên bảo vệ biên giới cho biết kể từ đầu năm 2024, đã có hơn 13,000 vụ nỗ lực vượt biên giới Ba Lan-Belarus bất hợp pháp.
Theo dữ liệu của Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ba Lan, trong quý đầu tiên của năm nay, lực lượng này đã bắt giữ hoặc phát hiện 107 người nhập cư bất hợp pháp vì vượt biên giới Belarus trái phép, so với 160 người nhập cư bất hợp pháp trong cùng quý năm ngoái.
Chỉ có bức tường thép được dựng xong trong quý đầu tiên của năm 2023, trong khi hàng rào điện tử vẫn đang được xây dựng.
Mối bang giao với Nga
Kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu hồi năm 2022, mối quan hệ giữa Ba Lan và Belarus trở nên căng thẳng hơn, khi Warsaw tăng cường chi tiêu quốc phòng và cáo buộc Minsk và Moscow cố gắng gây bất ổn cho Ba Lan.
Hôm 21/05, trong một cuộc họp báo, ông Tusk nói rằng “áp lực lên biên giới phía đông Ba Lan không phải là sự di cư tự phát của những người chạy trốn khỏi nhiều quốc gia khác nhau.”
Ông cho biết hơn 90% những người vượt biên giới bất hợp pháp sang Ba Lan có thị thực Nga.
Ông Tusk trích dẫn thông tin được thu thập bởi các cơ quan đặc biệt, nói rằng: “Chính nhà nước Nga, chứ không phải doanh nghiệp mờ ám nào đó, đứng đằng sau việc tổ chức tuyển dụng, vận chuyển, và các nỗ lực sau đó nhằm đưa lậu hàng ngàn người.”
Ông tuyên bố rằng những người nhập cư bất hợp pháp được tuyển ở các quốc gia như Somalia, Eritrea, Yemen, và Ethiopia và, với sự giúp đỡ của “một trong những quốc gia khối Ả Rập,” được đưa đến Nga rồi từ đó họ đến Belarus.
Ông Tusk nói rằng đây là lý do tại sao “việc bảo vệ biên giới với Belarus một cách toàn diện” là rất quan trọng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times