Alibaba tiết lộ quyền sở hữu nhà nước: Bắc Kinh nắm giữ ‘cổ phiếu vàng’ tại hơn 12 đơn vị kinh doanh
Các chuyên gia cho rằng đó là ‘quan hệ đối tác công-tư phiên bản 2.0’ của ĐCSTQ, nơi ‘nhà nước tiến, tư nhân thoái.’
Cuối tuần qua (24-25/02), đại công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba vừa tiết lộ trong các tài liệu nộp tại Hoa Kỳ và Hồng Kông rằng một phần cổ phần của họ tại hơn một chục công ty đang nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoặc các quỹ tài sản có chủ quyền nước ngoài, để đáp lại cuộc điều tra từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quyền kiểm soát Alibaba sâu rộng hơn so với những gì thế giới bên ngoài biết đến trước đây. Đặc biệt, những “cổ phiếu vàng” do nhà cầm quyền này nắm giữ để kiểm soát công ty này và các công ty công nghệ tư nhân khác của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý rộng rãi.
Theo Bloomberg, Alibaba giải thích trong một thông báo rằng việc tiết lộ được thực hiện “để đáp lại một số nhận xét nhất định từ nhân viên của SEC” như một sửa đổi đối với hồ sơ trước đó hồi tháng Bảy.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nắm giữ cổ phần trong sáu doanh nghiệp bán hàng trực tiếp của Alibaba, chiếm chưa đến 6% tổng doanh thu của Alibaba trong năm tài chính kết thúc vào tháng Ba năm 2023. Năm trong số các doanh nghiệp này có tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 10% và doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ sở hữu dưới 30%.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có cổ phần sở hữu trong nhiều đơn vị kinh doanh thuộc các lĩnh vực như thể thao, y tế, tiếp vận, và dịch vụ tiêu dùng địa phương của Tập đoàn Alibaba. Alibaba không tiết lộ tên cụ thể của các tổ chức trong hồ sơ của mình.
Trong khi đó, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cho biết tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương về Cải cách Sâu rộng Toàn diện hôm 19/02 rằng cần phải cải thiện hệ thống lãnh đạo tập trung và thống nhất của ĐCSTQ để phát triển khoa học và công nghệ. Tuyên bố này có thể cho thấy chính quyền có dự định tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.
‘Cổ phiếu vàng’
Hồ sơ mới của Alibaba đã thu hút sự chú ý đến “cổ phiếu vàng.” Thông thường, lượng cổ phiếu này tương đương với khoảng 1% cổ phần của một công ty. ĐCSTQ có được những cổ phiếu đặc biệt này thông qua các công ty hoặc quỹ được nhà nước hậu thuẫn, qua đó cung cấp một phương thức cho phép chính quyền đề cử giám đốc hoặc gây ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của công ty.
Bắc Kinh đã áp dụng cách thức mới này để kiểm soát các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc thuộc sở hữu tư nhân vào năm 2023, như Alibaba và Tencent.
Vào tháng Một năm ngoái (2023), ĐCSTQ đã mua 1% cổ phần của hai công ty thuộc Tập đoàn Alibaba thông qua các công ty nhà nước. Trong số đó, công ty đầu tư trực thuộc Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang đã mua 1% cổ phần của nền tảng nghe nhìn Youku của Alibaba, và Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang cũng đã có được một ghế giám đốc.
Một công ty con khác của Alibaba tại Quảng Châu, Công ty Công nghệ Thông tin Lộc Giác Quảng Châu (Guangzhou Lujiao Information Technology), có 1% cổ phần thuộc về một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh tên là Công ty Đầu tư Internet Tuệ Thành (Sui Cheng), thuộc sở hữu của Quỹ Đầu tư Internet Trung Quốc (CIIF) do Cục Quản lý Không gian mạng của ĐCSTQ và Bộ Tài chính đồng thành lập.
Ông Ngô Gia Long (Henry Wu), một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 28/02 rằng vốn cổ phần mà các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mua lại chiếm khoảng 6% doanh thu của Alibaba, con số này thực tế không cao. Điều quan trọng là ĐCSTQ sử dụng “cổ phiếu vàng” để bổ nhiệm giám đốc và có thể can thiệp vào các quyết định quan trọng của công ty.
Ông nói, đây có thể được xem như là một hình thức “quan hệ đối tác công-tư” mới.
ĐCSTQ thực hiện hệ thống “quan hệ đối tác công-tư” vào năm 1956 để quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và thương mại thuộc sở hữu tư nhân.
Ông Ngô cho rằng trong thời đại mới, chiến lược này của ĐCSTQ gọi là “nhà nước tiến, tư nhân thoái” (quốc tiến dân thoái). Cách nhà nước tiến lên không có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau mà nắm giữ 1% cổ phần vàng trong doanh nghiệp tư nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng cách này, ĐCSTQ có thể gián tiếp kiểm soát họ thay vì kiểm soát trực tiếp, đây là một loại hình mới.
Ông nói, “Trong tương lai, họ sẽ sử dụng phương pháp tham gia 1% cổ phần này, sử dụng Alibaba như là ví dụ. Nếu Alibaba chấp nhận thì các công ty khác chắc chắn cũng phải chấp nhận và nhà nước có thể không cần phải trả tiền cho 1% cổ phần này.”
Về ảnh hưởng, ông Ngô cho biết: “Vẫn còn cần phải chờ xem, nhưng về cơ bản việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sự sẵn lòng phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và ảnh hưởng đến hướng đầu tư hoặc năng lượng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, làm như vậy sẽ có tác dụng phụ và tác động tiêu cực sẽ có thể còn lớn hơn.”
Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 28/02 rằng việc ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân thông qua “cổ phiếu vàng” thực sự sẽ làm dấy lên nhiều lo ngại hơn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc hoặc tư nhân. “Các doanh nghiệp có vốn ngoại quốc có thể sẽ ngần ngại hơn nữa về việc gia nhập thị trường Trung Quốc. Tất nhiên, các doanh nghiệp tư nhân ở Hoa lục sẽ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc nếu có thể. Doanh nghiệp nào không làm được thì sẽ không đầu tư thêm để tránh bị nhà cầm quyền ‘thu hoạch.’”
‘Làm việc trong trạng thái bị xiềng xích’
Ông Mã Vân (Jack Ma) đã trở thành mục tiêu và hoạt động kinh doanh của ông phải đối mặt với áp lực trong vài năm qua. Những gì mà ông trải qua đã trở thành hình ảnh thu nhỏ về số phận của các doanh nhân tư nhân Trung Quốc.
Ông Vương cho biết, các doanh nhân tư nhân như ông Mã hiện đang làm việc trong tình trạng bị xiềng xích, truyền máu cho Đảng và nhà nước.
“Họ có thể sẽ không có nhiều quyền kiểm soát các quyết định kinh doanh trong tương lai. Họ phải tuân thủ các quyết định của ĐCSTQ. Nhưng không chỉ với các doanh nghiệp tư nhân, [mà cả với các doanh nghiệp nhà nước] như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, điều đầu tiên họ nêu trong báo cáo công tác năm nay là chấp hành mệnh lệnh của Đảng. Cho nên không chỉ doanh nghiệp tư nhân đang bị xiềng xích, mà ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng đang bị xiềng xích, cả cơ quan nhà nước cũng đang làm việc trong trạng thái bị xiềng xích.”
Ông Ngô nêu lên thực tế rằng vì ông Mã phải lo cho gia đình ông ở Trung Quốc nên nếu ông bỏ chạy, thì ĐCSTQ sẽ đe dọa ông, lợi dụng sự an nguy của gia đình ông.
Ông tin rằng ông Mã chủ yếu chỉ đang hợp tác biểu diễn mà thôi. “Ông Tập Cận Bình hiện đang lấy Jack Ma và Alibaba làm ví dụ để cho người khác thấy nắm đấm sắt của mình. Từ giờ trở đi, các doanh nhân tư nhân của Trung Quốc sẽ bỏ chạy nếu có thể, và nằm im [không làm gì như một cách phản kháng thụ động] nếu không thể.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times