8 “chiến lang” gây sóng gió của Trung Cộng – P1
Năm 2020 là năm ngoại giao thất bại thảm hại của Trung Cộng, đối diện với sự cô lập từ quốc tế, các “chiến lang” liên tiếp làm cho hình tượng ngoại giao của Trung Cộng vốn nhiều tai tiếng nay lại càng trở nên xấu xí hơn, trong đó có một số đại diện như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, Hoa Xuân Oánh, Đại sứ Trung Cộng tại nước ngoài Lưu Hiểu Minh, Lư Sa Dã, ngoài ra còn có 2 người khác là Hồ Tích Tiến (Tổng Biên tập Thời Báo Hoàn Cầu) và Kim Xán Vinh (phó giám đốc Học viện quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc). Bài viết sẽ điểm lại 8 đại chiến lang trong các cuộc “khẩu chiến” của Trung Cộng trong năm đầy sôi động vừa qua.
Triệu Lập Kiên – chiến lang mới của Bộ Ngoại giao Trung Cộng
Ngày 24/02/2020 Triệu Lập Kiên trở thành Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, anh ta nhanh chóng thể hiện dáng vẻ của một sói chiến, cũng chính nhờ những sự kiện chiến lang kinh điển của anh ta đã khơi dậy sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Cộng.
Ngày 12/03/2020, Triệu Lập Kiên đã đăng nhiều tweet cùng lúc và đặt câu hỏi liệu virus có thể được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán, Trung Quốc hay không. Nhận xét của Triệu Lập Kiên được đưa ra vào thời điểm Trung Cộng đang chối bỏ danh hiệu “quốc gia xuất xứ của virus” và tiến hành “tuyên truyền rộng rãi về dịch bệnh”, nhằm trốn tránh trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Có hơn mười đại sứ quán của Trung Cộng trên khắp thế giới đã đăng lại các tweet của Triệu Lập Kiên, khiến cho dư luận Hoa Kỳ bùng lên giận dữ.
Ngày 13/3, ông David Stillwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương đã triệu tập Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ để bày tỏ “lập trường rất vững vàng” và “nghiêm khắc” của chính phủ Hoa Kỳ đối với “luận điệu quân đội Hoa Kỳ truyền bá dịch bệnh” của Triệu Lập Kiên, Hoa Kỳ “sẽ không khoan nhượng” với những chỉ trích và vu khống về việc lây truyền virus Trung Cộng với mục đích dịch chuyển cáo buộc như vậy của Trung Cộng.
Tướng Robert Spalding, cựu Cố vấn Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã dùng tiếng Trung để đáp trả lại Triệu Lập Kiên rằng: “Vớ vẩn!” Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley đã chế nhạo Triệu Lập Kiên là “thằng hề” và nói thẳng: “Trung Cộng đã lừa dối người dân của mình và thế giới về loại virus này. Họ phải chịu trách nhiệm.”
Ngày 17/3, Tổng thống Trump lần đầu tiên sử dụng từ “virus Trung Quốc” trong dòng tweet của mình để chỉ ra nguồn gốc của virus.
Triệu Lập Kiên đã trực tiếp gây ra cuộc chiến ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tối ngày 27/3, TT Trump có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ, ông Tập Cận Bình cam kết với TT Trump rằng sẽ giảm thiểu các quan chức chính thức của Trung Cộng trong việc truyền bá thuyết âm mưu. Sau đó, TT Trump cũng không còn dùng thuật ngữ virus Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng đã ít sử dụng cách nói “âm mưu đầu độc của quân đội Hoa Kỳ” ở các cuộc họp báo.
Nhưng đến ngày 20/5, Triệu Lập Kiên lại tuyên bố Hoa Kỳ “bóp méo sự thật, đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm,” và bị TT Trump đáp trả là “một kẻ mất trí nào đó” của Trung Cộng. TT Trump lại lần nữa nhấn mạnh: “Xin giải thích cho tên ngu ngốc này (dope) một chút, đó là do Trung Cộng không đủ năng lực chứ không phải là do người khác gây ra ‘cái chết quy mô toàn cầu’ lần này!”
Ngày 30/11, Triệu Lập Kiên lại đăng tweet lên án “binh lính Australia tàn sát dân thường Afghanistan,” cùng với đó là một bức ảnh cắt ghép, đã gây nên sóng gió cho ngoại giao Trung Quốc-Australia, làm mối quan hệ của hai nước nhanh chóng lâm vào cảnh nguội lạnh. Thủ tướng Australia Scott Morrison lên án Triệu Lập Kiên phát tán tin tức và hình ảnh sai sự thật, mang tính khiêu khích, đây là hành vi “khiến cho người người căm phẫn”. Tờ “Daily Telegraph” của Australia đáp trả bằng cách đăng tải bức ảnh một người đứng chặn trước đoàn xe tăng trong sự kiện Lục Tứ, và nói rõ bức ảnh người đàn ông xe tăng mới là bức ảnh thật. Hình tượng của Trung Cộng lần nữa “nhanh chóng tụt dốc” trong công chúng Australia.
Hoa Xuân Oánh – Chiến lang kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Trung Cộng
Hoa Xuân Oánh hiện là Cục trưởng kiêm Phát ngôn viên Cục Thông tin Bộ Ngoại giao, kiêm Giám đốc Văn phòng Công vụ Bộ Ngoại giao. Bà ta là cấp trên của Triệu Lập Kiên, cũng là một chiến lang kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Trung Cộng. Trong suốt năm 2020 đã diễn ra nhiều sự kiện trong đó bà Hoa có những phát ngôn “khó đỡ”.
Ngày 07/4, bà Morgan Ortagus, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đăng tweet nhắm vào việc Trung Cộng che giấu sự thật về tình hình dịch bệnh, yêu cầu Bắc Kinh “chia sẻ tất cả số liệu về virus, để cho các tổ chức quốc tế điều tra cách dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, và cho phép người dân Trung Quốc tự do ngôn luận.”
Ngày 09/4, Hoa Xuân Oánh khiêu khích bà Ortagus trên Twitter, nói rằng: “Chào mừng bạn đến Trung Quốc bất cứ lúc nào, trên đường đi thoải mái tìm người nói chuyện phiếm, hưởng thụ tự do.”
Cùng ngày, ông Brendan Carr, Ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC), đã đăng dòng tweet đáp trả, yêu cầu được “nói chuyện phiếm” với những người được liệt kê như bác sỹ Ngải Phân, Trần Thu Thực, Phương Bân, Lý Trạch Hoa, Nhậm Chí Cường v.v.
Ngày 30/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án Trung Cộng đã thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, chỉ trích Trung Cộng “vi phạm cam kết với người dân Hồng Kông.” Hoa Xuân Oánh đáp lại: “Tôi không thể thở (I can’t breathe)”, ám chỉ cuộc bạo loạn ở Hoa Kỳ từ cái chết của người đàn ông gốc Phi tên là Freud. Dân mạng lập tức đáp trả, “Người dân Hồng Kông có thể thở được sao?” “Người dân Trung Quốc có thể thở được sao?”
Ngày 26/9, Hoa Xuân Oánh đã tweet chế nhạo số người chết trong dịch bệnh ở Mỹ, tuyên bố rằng “Không có quyền sinh tồn, nhân quyền chỉ là điều viển vông và vô nghĩa.” Một cư dân mạng trả lời, “Có bao nhiêu người chết ở Vũ Hán mà không có con số! Tôi thà có nhân quyền còn hơn quyền sống sót. Quyền sống sót là do chính mình trao cho chứ không liên quan gì đến người khác.” “Cái bà Hoa điên khùng này, sớm muộn gì cũng bị tinh thần phân liệt!”
Ngày 02/10, Tổng thống Trump nhập viện điều trị sau khi được chẩn đoán bị nhiễm virus Vũ Hán. Ngày 05/10, Hoa Xuân Oánh tweet rằng, “Tôi chân thành hy vọng tất cả những người mắc bệnh này có thể được điều trị y tế tốt như tổng thống Hoa Kỳ.” Các cư dân mạng đồng loạt phản đối, yêu cầu Trung Cộng cũng phải đối xử bình đẳng, hủy bỏ quyền lợi đặc biệt về y tế dành cho cán bộ cao cấp và đảng viên Trung Cộng.
Ngày 10/10, đối mặt với lệnh chế tài của Hoa Kỳ, Hoa Xuân Oánh đã khiêu khích trên Twitter: “Kế tiếp Hoa Kỳ sẽ cấm ai?” Đông đảo cư dân mạng trả lời: “(cấm) đảng cộng sản Trung Quốc.”
Hoa Xuân Oánh bắt đầu làm việc tại Vụ Tây Âu của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1993 và thăng tiến vượt bậc; năm 2012, bà ta giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin kiêm Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Năm 2019, được thăng chức Cục trưởng Cục thông tin Bộ Ngoại giao. Hoa Xuân Oánh thực sự xứng với danh xưng của mình là sói chiến lão luyện, hoàn toàn phù hợp với phong cách chiến lang của Bộ Ngoại giao Trung Cộng.
Cảnh Sảng – Thăng chức nhờ “ngoại giao chiến lang”
Trước khi Triệu Lập Kiên trở thành một chiến lang thì có một phát ngôn viên khác trong Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng luôn là tâm điểm chú ý của ngoại giới, đó là Cảnh Sảng. Trước khi chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Cộng nổi danh, thì câu “Cảnh có sảng hay không?” từng là một câu nói đùa phổ biến.
Tháng 11/2019, Cảnh Sảng với tư cách là phát ngôn viên, đã không ngừng nhắc đi nhắc lại những câu từ như “lên án mạnh mẽ”, “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “bưng bít sự thật” để nhằm vào ngoại giới quan tâm đến các vấn đề như Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Một số cư dân mạng đã lập trình một phần mềm “mô phỏng Cảnh Sảng”, khi nhập các từ khóa cần thay thế, thì có thể tạo ra hình thức hỏi và trả lời bắt chước những câu từ sáo rỗng của Cảnh Sảng, điều này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng. Nhưng vào ngày 30/12/2019, phần mềm này đã bị gỡ bỏ.
Ngày 20/4/2020, khi đối mặt với sự truy vấn nguồn gốc của virus Trung Cộng, Cảnh Sảng đã ngụy biện rằng cúm H1N1, HIV và cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008 đều “bắt nguồn từ Hoa Kỳ”, nhưng lại không thấy có người nào yêu cầu Hoa Kỳ chịu trách nhiệm.
Trên thực tế, virus cúm H1N1 và AIDS đều không có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lại càng không phải. Nhà phân tích bình luận An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Noonan, đã đăng dòng tweet châm biếm rằng, “Không biết là do tôi hay là do Trung Cộng tuyên truyền ngày càng trở nên lười biếng hơn?”, “Có lẽ bọn họ không ý thức được rằng internet của chúng ta không bị người của chủ nghĩa cộng sản kiểm duyệt. Người dân Hoa Kỳ chỉ cần mất 11 giây tra Google là có thể hiểu được bệnh AIDS bắt nguồn từ Congo (một quốc gia Châu Phi) cách đây một thế kỷ khi đang còn là thuộc địa của Bỉ.”
Ngày 27/4, nhằm đẩy trách nhiệm về nguồn gốc phát sinh dịch bệnh của Trung Cộng, Cảnh Sảng đã tuyên bố rằng, “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo về dịch bệnh viêm phổi virus corona mới, nhưng không có nghĩa Trung Quốc chính là nguồn gốc phát sinh ra chủng virus corona mới.”
Sau khi Cảnh Sảng được điều chuyển sang nhận chức Phó đại diện Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc, anh ta vẫn không ngừng thể hiện phong thái chiến lang của mình.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng luôn lấy phương thức lảng tránh, đổi trắng thay đen và chuyển trọng tâm để đối phó với phóng viên. Cư dân mạng ví von: “Thứ hai: bày tỏ sự không hài lòng; Thứ ba: phản đối; Thứ tư: lên án mạnh mẽ; Thứ năm: nghiêm chỉnh giao thiệp; thứ sáu: tiếc nuối sâu sắc; Thứ bảy, Chủ nhật: nghỉ ngơi.”
Đầu sỏ của “ngoại giao chiến lang” Trung Cộng – Vương Nghị gặp trắc trở khắp nơi trong các chuyến viếng thăm nước ngoài
Năm 2020, Trung Cộng nổi bật với chính sách “ngoại giao chiến lang”, hiển nhiên là gặp phải sự cô lập của quốc tế. Vương Nghị là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, cũng tự nhiên trở thành con sói đầu đàn của bầy chiến lang.
Ngay từ ngày 01/6/2016, khi Vương Nghị đến thăm Canada, trong một cuộc họp báo chung ông đã gây chú ý bởi một câu nói. Khi đó, một phóng viên đã hỏi Ngoại trưởng Canada một vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Trung Quốc và Hồng Kông. Vương Nghị đứng bên cạnh sau khi nghe xong thì tỏ ra khó chịu, lập tức liên tục chất vấn phóng viên đó, “Anh đã đến Trung quốc chưa, có hiểu Trung Quốc không? Nhân quyền của Trung Quốc, anh không có quyền lên tiếng, người Trung Quốc mới có quyền lên tiếng.” Hành vi quá giới hạn này của ông đã gây xôn xao trong dư luận quốc tế.
Ngày 21/7/2020, Hoa Kỳ ra hạn định trong vòng 72 giờ sẽ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, lộ ra việc nhân viên Tổng lãnh sự quán vội vàng thiêu hủy tài liệu. Vương Nghị đã đích thân ra sân bay để chào đón “toàn thể thành viên” tổng lãnh sự quán tại Houston bị trục xuất về nước. Vương Nghị khen ngợi những người này là “chiến sỹ ngoại giao” và trao tặng danh hiệu “công lao tập thể hạng 3”. Có cư dân mạng nói: “Nhóm người này lập được công lao gì? Công lao đốt tài liệu, chặn nhà vệ sinh, khóa trái cửa và phá hoại hạ tầng…?”
Trung Cộng bị dư luận quốc tế bao vây lên án. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2020, Vương Nghị lần lượt có chuyến viếng thăm các nước Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức, nhưng bị các chính khách Âu Châu liên hoàn vỗ mặt, để lại tiếng xấu khắp nơi. Các quốc gia này đều kêu gọi Trung Cộng thu hồi “Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông”, đồng thời chú ý đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Khi Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Czech dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan, Vương Nghị đã đe dọa Cộng hòa Czech nên chuẩn bị tốt cho việc chịu trả giá nặng nề. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cứng rắn tuyên bố: “Đe dọa không phù hợp ở đây.” Ông Heiko Maas không những không hề nở một nụ cười khi gặp Vương Nghị mà cả những động tác cơ thể của ông cũng như muốn nói “không hoan nghênh”.
Gặp nhiều trắc trở ở Hoa Kỳ và Âu Châu, Vương Nghị cố sửa chữa mối quan hệ với các quốc gia Á Châu, thế nhưng bài phát biểu về quần đảo Điếu Ngư đã khiến ông ta trở thành mục tiêu của dư luận Nhật Bản.
Ở Hoa Kỳ, Vương Nghị không nói được lời nào, ở Âu Châu không ai nể ông ta nữa, Ở Á Châu, nơi ông ta có sở trường nhất, thì đã không lập được thành tích gì, lại còn sinh sự. Vương Nghị đã dần mờ nhạt trên truyền thông của Trung Cộng, trong khi cấp dưới của ông vẫn tiếp tục “ngoại giao chiến lang”.
Tác giả: Yang Wei
Lin Shiyuan biên tâp
Tiểu Minh biên dịch
Xem thêm: