6 tiểu bang sẽ hưởng lợi từ các dự án tăng cường lưới điện trị giá 1.3 tỷ USD ở Hoa Kỳ
Chính phủ Tổng thống Biden công bố nguồn tài trợ mới cho ba đường dây truyền tải lớn
Chính phủ Tổng thống Biden đã thông báo rằng chính phủ sẽ chi 1.3 tỷ USD vào việc tạo ra ba đường dây truyền tải điện trên khắp sáu tiểu bang để củng cố mạng lưới điện nhằm trợ giúp cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của quốc gia.
Các đường dây sẽ chạy từ Nevada đến Utah, từ Arizona đến New Mexico, qua New Hampshire và Vermont, rồi đến Canada.
Các dự án này dự kiến sẽ tạo ra hơn 13,000 việc làm và tăng thêm 3.5 gigawatt công suất lưới điện trên khắp nước Mỹ, đủ để cung cấp điện cho khoảng 3 triệu gia đình.
Trong một tuyên bố hôm 30/10, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết: “Để hiện thực hóa trọn vẹn lợi ích của mục tiêu quốc gia là có 100% điện sạch vào năm 2035, chúng ta cần tăng hơn gấp đôi công suất lưới điện, và nghị trình Đầu tư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Biden đã giúp chúng ta có thể làm được điều đó.”
Bà Granholm nói thêm: “Nỗ lực mang tính lịch sử trong việc tăng cường khả năng truyền tải của quốc gia này sẽ giảm chi phí cho các gia đình ở Mỹ và mang lại hàng ngàn việc làm tốt có lương cho người lao động Mỹ, giúp các cộng đồng tiếp tục có điện chiếu sáng trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.”
Các dự án này được đề ra dựa trên kết quả của một nghiên cứu của Bộ Năng lượng trong việc xem xét nhu cầu truyền tải điện hiện tại và tương lai của các khu vực trên toàn quốc.
Các hợp đồng cho dự án này sẽ được thỏa thuận thông qua Chương trình Trợ giúp Truyền tải của Bộ Năng lượng, với các tuyến Tây Nam sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2025. Việc xây dựng tuyến New England dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2026.
Nguồn tài trợ sẽ được lấy từ các khoản phân bổ được thực hiện theo Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng.
Nâng cấp mạng lưới
Khoản tài trợ mới sẽ được cung cấp theo khuôn khổ thông báo của chính phủ hồi tuần trước về khoản đầu tư 3.5 tỷ USD vào 58 dự án trên 44 tiểu bang nhằm tăng cường khả năng phục hồi và độ tin cậy của lưới điện quốc gia.
Theo bà Granholm, khoản đầu tư đó là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của liên bang vào cơ sở hạ tầng lưới điện, giúp cho các dự án nhằm mục đích củng cố hệ thống điện và cải thiện độ tin cậy cũng như giá cả phải chăng của năng lượng.
Bà nói thêm, kết hợp với nguồn vốn từ các đối tác tư nhân, khoản chi này có thể mang lại khoản đầu tư lên tới 8 tỷ USD để nâng cấp lưới điện.
Bà Granholm nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng: “Lưới điện hiện tại không được trang bị để đáp ứng tất cả các nhu cầu mới.” Bà nói thêm rằng thiên tai và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt chỉ làm vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
“Chúng ta cần một lưới điện lớn hơn, mạnh hơn, và thông minh hơn.”
Chương trình Đối tác Đổi mới và Phục hồi Lưới điện Liên bang tài trợ cho các dự án được công bố hôm 18/10 để dự kiến bổ sung thêm 35 gigawatt điện vào lưới điện này.
Trọng tâm của những dự án này là thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo như phong năng và và quang năng, đồng thời khắc phục các vấn đề có thể góp phần gây ra cháy rừng và các thảm họa khác.
Bà Granholm cho biết thêm trong một thông cáo báo chí: “Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho hệ thống truyền tải cũ kỹ của quốc gia, nhưng nghị trình Đầu tư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Biden sẽ bảo đảm lưới điện của Hoa Kỳ có thể cung cấp nguồn điện đáng tin cậy, giá cả phải chăng.”
Biến đổi khí hậu hay sự thờ ơ?
Đảng Dân Chủ cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như vụ cháy rừng kinh hoàng khiến 97 người ở Hawaii thiệt mạng gần đây, là do tác động của biến đổi khí hậu. Họ nói, những sự việc như vậy là một trong những lý do chính khiến việc chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo là cần thiết.
Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa cho rằng việc thiếu các biện pháp giảm thiểu hỏa hoạn thích hợp đã tạo ra môi trường hoàn hảo cho các vụ cháy rừng lan rộng.
Trong trường hợp vụ cháy rừng ở Maui, công ty Điện lực Hawaii (Hawaiian Electric) đã thừa nhận rằng các đường dây điện bị rơi dường như đã gây ra đám cháy ban đầu, mặc dù công ty này đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn về các quy trình phòng cháy.
Theo Wall Street Journal, công ty Điện lực Hawaii đã đầu tư ít hơn 245,000 USD vào các dự án chống cháy rừng ở Maui từ năm 2019 đến năm 2022, cho dù 2019 là một trong những năm tồi tệ nhất được ghi nhận về cháy rừng trên hòn đảo này.
Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian đó, công ty Điện lực Hawaii đã bắt đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo theo yêu cầu của chính phủ vào năm 2015.
Khi nhắc đến việc này, Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida) nói với tờ Fox Business vào ngày 30/08 rằng việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Ông nói: “Các quan chức địa phương ở Hawaii cũng như chính phủ liên bang đã gây nhiều áp lực lên công ty điện trong việc theo đuổi năng lượng tái tạo.”
“Họ không chú ý đến những điều căn bản, chẳng hạn như bảo đảm rằng người ta không để tay chân chạm vào đường dây điện và rằng những bụi cây gỗ tươi hay những thứ khác tương tự như vậy được gom lại để làm nhiên liệu đốt sẽ thực sự được dọn sạch mà không nằm rải rác để bắt lửa và suýt thiêu rụi một khu vực.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times