2 cư dân NY dính líu tới Trung Quốc bị bắt vì cáo buộc lừa đảo thẻ xanh, bán quyền tiếp cận chính khách nổi tiếng
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo hôm 18/07, hai cư dân New York đã bị bắt vì bị cáo buộc lừa đảo 27 triệu USD của các nhà đầu tư, một phần thông qua việc hứa hẹn quyền tiếp cận với các chính trị gia nổi tiếng như cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo một đơn kiện được tiết lộ hôm thứ Hai (18/07), hai cá nhân, bà Lý Tuyết Nhuệ (Sherry Xue Li) và ông Vương Liên Ba (Lianbo Wang), hay còn gọi là Mike Wang, đã liên tục duy trì một kế hoạch kéo dài gần một thập niên từ đầu tháng 05/2013 để thu hút các nhà đầu tư vào một dự án ma nhằm phát triển một cơ sở giáo dục tư nhân nơi bà Lý là chủ tịch.
Theo hồ sơ, tổ chức này, được gọi là Trung tâm Giáo dục Thompson hoặc Dự án TEC ở Quận Sullivan của New York, đã trở thành bình phong cho bà Lý và những người khác bòn rút tiền từ hơn 150 nhà đầu tư là nạn nhân.
Thông qua Dự án TEC, bà Lý 50 tuổi và ông Vương 45 tuổi cùng các đồng phạm, đã huy động được 16.5 triệu USD từ các nhà đầu tư được hứa cấp thẻ xanh để đổi lại khoản đầu tư 500,000 USD thông qua chương trình thị thực đầu tư EB-5, cũng như 11 triệu USD từ các nhà đầu tư cổ phiếu trong đợt IPO của dự án này mà họ đã được bảo đảm sẽ diễn ra.
Theo hồ sơ, bà Lý và những người khác đã chiếm đoạt và rửa ít nhất 2 triệu USD trong số tiền kể trên, và chi ra một khoản tiền khác ít nhất là 2.5 triệu USD cho “nhiều chi phí cá nhân khác nhau mà không có mục đích kinh doanh rõ ràng.”
Các chi phí cá nhân bao gồm quần áo, phụ kiện, đồ trang sức, nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống cao cấp, và các khoản đóng góp chính trị cho các quan chức nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Bà Lý và ông Vương bị buộc tội âm mưu lừa đảo điện tử, âm mưu rửa tiền, và âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ bằng cách gây trở ngại cho việc thực thi luật liên bang về tài chính chiến dịch. Cả hai người này đều là công dân Hoa Kỳ đã nhập tịch gốc Trung Quốc.
Biện lý Hoa Kỳ Breon Peace đã yêu cầu hai người này bị giam giữ mà không được bảo lãnh tại ngoại, lưu ý rằng do mức độ nghiêm trọng của các hành vi phạm tội và “bằng chứng quá lớn về tội của họ” nên “rủi ro đào thoát là đáng kể.” Ông cho biết, cả hai người này cũng có “mối quan hệ lâu dài và đáng chú ý” với Trung Quốc, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) trong trường hợp của ông Vương, và hai nước này đều không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ nếu họ bỏ trốn.
Bán quyền tiếp cận cựu tổng thống
Các công tố viên cáo buộc, bà Lý và ông Vương đã sử dụng số tiền họ nhận được để tài trợ cho các hoạt động chính trị nhằm tiếp cận các sự kiện chính trị và chụp ảnh với các quan chức được bầu. Những bức ảnh như vậy ngược lại lại trở thành mồi nhử của họ để thu hút thêm vốn đầu tư vào Dự án TEC.
Hồ sơ cho biết, hai người này và 12 người ngoại quốc khác đã tham dự một sự kiện gây quỹ ngày 28/06/2017 và chụp ảnh với tổng thống đương thời. Bộ Tư pháp cho biết, các vị khách ngoại quốc — gồm 11 công dân Trung Quốc và một công dân Singapore — đã bị tính phí vào cửa 93,000 USD mỗi người. Sau đó, hai người này đã sử dụng số quỹ này để quyên góp bất hợp pháp 600,000 USD cho chiến dịch quyên góp cho Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa, nơi tổ chức sự kiện này.
Tài liệu của tòa án cho biết, một bức ảnh chụp bà Lý tươi cười bên cạnh ông Trump và Đệ nhất phu nhân đương thời Melania Trump đã xuất hiện trong một tập tài liệu tiếp thị của TEC. Năm 2018, ông Vương nói với một công dân Trung Quốc rằng họ có thể trả 220,000 USD nếu muốn gặp tổng thống và các thành viên Quốc hội.
Theo hồ sơ, năm 2019, ông Vương đã gửi vào một cuộc trò chuyện nhóm một bức ảnh chụp một công dân Trung Quốc và ông Trump tại một cuộc gây quỹ hồi tháng 08/2019 và nói với nhóm này rằng họ đã sắp xếp “mọi thứ” cho cuộc gặp giữa người đó và ông Trump. Khoảng hai tuần sau, một người trong cuộc trò chuyện này đã đầu tư hơn 200,000 USD vào Dự án TEC.
‘Disneyland kiểu Trung Quốc’
Theo tài liệu của tòa án, vào khoảng năm 2011, bà Lý và ông Vương đã công bố kế hoạch xây dựng một công viên theo chủ đề văn hóa Trung Quốc có tên là Thành phố Trung Quốc của Hoa Kỳ (CCOA). Bà Lý đã giới thiệu dự án này như một “Disneyland kiểu Trung Quốc” gồm có công viên giải trí, biệt thự, trung tâm thương mại, cơ sở y tế, trường đại học, và khu dân cư, với tiềm năng thu hút 1.5 triệu du khách hàng năm và tạo ra 3,000 việc làm.
Hồ sơ cho biết, đề nghị đó đã bị từ bỏ sau khi bị các quan chức và người dân địa phương nghi ngờ. Thay vào đó, bà Lý bắt đầu thúc đẩy tầm nhìn cho một trường đại học vì lợi nhuận gọi là Dự án TEC.
Theo hồ sơ, mặc dù không có chấp thuận của thị trấn Thompson để khởi công xây dựng, bà Lý và ông Vương tiếp tục bảo đảm với các nhà đầu tư rằng dự án này đang trên đà phát triển.
Khi yêu cầu cập nhật tình hình dự án năm 2019, bà Lý đã hồi âm bằng cách gửi hình ảnh và video công khai cho thấy quá trình xây dựng của dự án, trong khi thực ra chúng là cảnh quay về dinh thự dành riêng cho một gia đình mà bà Lý đang xây dựng ở thị trấn Fallsburg gần đó.
Các công tố viên cho biết cả dinh thự ở thị trấn Fallsburg và tài sản ở thị trấn Thompson nói trên đều không hoàn thiện bất kỳ cấu trúc nào kể từ tháng 03/2022.
Những lời hứa giả dối về thẻ xanh
Đơn kiện cho biết, cho đến nay chưa có nhà đầu tư EB-5 nào nhận được thẻ xanh tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong đơn nói rằng, thay vào đó, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) giám sát dự án EB-5 đã đưa ra thông báo cho các nhà đầu tư của Dự án TEC kể từ tháng 03/2017 rằng sở có thể từ chối các yêu cầu cấp thẻ xanh “bởi vì USCIS không nhận thấy kế hoạch kinh doanh của TEC đáng tin cậy.”
Theo các công tố viên, Dự án TEC hứa hẹn sẽ xây dựng hai tòa nhà giảng đường đại học, hai trung tâm hoạt động cho sinh viên đại học, một trung tâm thể thao, một trung tâm cộng đồng, và sáu ký túc xá sinh viên bao gồm 132 đơn vị nhà ở kiểu nhà mặt phố liền kề, 200 căn hộ hai phòng ngủ, và 50 căn hộ ba phòng ngủ.
Theo hồ sơ, USCIS đã đặt câu hỏi rằng liệu một kế hoạch như vậy có khả thi hay không ở Quận Sullivan, một “quận nông thôn không có sẵn cơ sở hạ tầng cho các dự án mật độ cao.”
Theo đơn kiện, USCIS đã viết trong thông báo, “Việc không có kế hoạch giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản của một dự án quy mô như thế này ở một quận nông thôn không mang đến độ tin cậy cho cả kế hoạch kinh doanh và đánh giá tạo việc làm.”
Có ít nhất 26 nhà đầu tư vào Dự án TEC đã nhận được những thông báo như vậy, và 16 nhà đầu tư trong số đó cuối cùng đã từ bỏ đơn đăng ký cấp thẻ xanh của họ.
Mặc dù vậy, bà Lý và ông Vương vẫn tiếp tục kêu gọi vốn và liên tục cam đoan với các nhà đầu tư rằng khoản đầu tư của họ sẽ bảo đảm cho một thẻ xanh, và nói với một số người trong số họ rằng họ có thể nhận được thẻ xanh trong vòng 9 tháng.
Hồ sơ cho thấy, ông Vương đã nêu ra các mối lo ngại về kế hoạch của họ, viết trong một tin nhắn văn bản hồi tháng 07/2016: “Luật nhập cư Hoa Kỳ không cho phép các thỏa thuận bảo lãnh … Điều này là bất hợp pháp.”
“Hàng chục triệu USD đến từ các nhà đầu tư và các nhà tài trợ không chính chủ, những người mong đợi tiền của họ sẽ mang đến hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ có một lời hứa đã thành hiện thực, đó là sự tiếp cận quyền lực chính trị,” trợ lý giám đốc thường trực FBI Michael Driscoll cho biết trong một tuyên bố. “Tiền từ ngoại quốc làm hỏng các quy trình nhập cư và dân chủ của chúng ta, và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các quy trình này.”
The Epoch Times đã liên lạc với ông Trump, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa, cũng như luật sư của bà Lý là bà Nora Hirozawa để yêu cầu bình luận. Luật sư của ông Vương là ông James Roth không thể liên hệ được tức thì để đưa ra bình luận.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].