Chọn yêu thương thay vì sợ hãi
Làm thế nào để đáp lại bằng tình yêu thương chứ không phản ứng trong nỗi sợ hãi trước mối quan hệ của chúng ta.
Hãy từ bỏ sợ hãi, chọn lấy yêu thương. Đây là một điệp khúc phổ biến và là một lời khuyên tuyệt vời. Nhiều người tin rằng chỉ có hai cảm xúc căn bản trong con người là tình yêu và nỗi sợ hãi; và chúng ta không thể cảm nhận được chúng cùng một lúc. Giống như ánh sáng xua tan bóng tối, tình yêu có thể làm tan biến nỗi sợ hãi.
Nhiều người cho rằng từ bỏ nỗi sợ hãi và chọn lấy yêu thương sẽ giống như một điều gì đó chỉ áp dụng cho những thời điểm khủng hoảng, như khi chúng ta sắp kết thúc một cuộc hôn nhân, bắt đầu một công việc kinh doanh mới, hay đang chuẩn bị leo lên đỉnh núi Everest.
Nhưng trên thực tế, cơ hội để lựa chọn yêu thương và từ bỏ nỗi sợ hãi có mặt trong những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất của cuộc sống, đặc biệt là trong những mối quan hệ với những người thân thiết nhất của chúng ta.
Thực tế, dù vô tình hay cố ý, chúng ta làm tổn thương nhau trong các mối quan hệ thân thiết.
Đôi khi, nếu may mắn, chúng ta nhận ra mình đã làm tổn thương người khác khi họ bước đến và chia sẻ với chúng ta nỗi đau của họ, giãi bày trải nghiệm của họ vì những gì chúng ta nói hoặc làm đã khiến họ buồn lòng.
Nhưng thông thường, chúng ta phát hiện ra mình đã làm tổn thương họ qua một con đường khác, đó là khi họ chỉ trích chúng ta hoặc cho chúng ta biết chúng ta đang có vấn đề.
Trong những trường hợp này, chúng ta thường cảm thấy bị đổ lỗi hoặc bị công kích, và kết quả là, thật khó để lắng nghe hay hình dung được tình huống qua cách nhìn của họ. Chúng ta thường không thể đồng cảm với nỗi đau của họ.
Thay vào đó, chúng ta có xu hướng công kích lại và buộc tội họ, hoặc tự bào chữa và chứng minh rằng họ sai. Đó là một bản năng sinh tồn và nó khiến chúng ta cảm thấy như thể sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa.
Điều đang bị đe dọa không phải là sự tồn tại về mặt thể xác của chúng ta, mà là sự sống còn của một phiên bản khác của chính chúng ta. Con người mà người khác đang đối diện và trải nghiệm lúc này không phải là con người mà chúng ta dự định hay tin tưởng mình sẽ trở thành. Và vì vậy, chúng ta cố gắng bảo vệ cái tôi tốt đẹp đó, cái tôi vô tội, và không được đổ lỗi cho nó như những gì họ đang buộc tội.
Đó là một bản năng lành mạnh để nghi ngờ những lời buộc tội mà cái tôi cảm thấy không công bằng hoặc không có cơ sở. Nó cũng giúp thiết lập các ranh giới để ngăn chặn những phỏng đoán và sự sai lệch mà người khác quy chụp cho chúng ta.
Nếu bạn đang hứng chịu những thành kiến vô cớ, bạn phải nói rõ sự thật về mình. Bảo vệ bản thân bạn khỏi tổn thương trước những dạng tấn công cảm xúc như thế này là một hành động lành mạnh và cần thiết. Tấn công cảm xúc và lăng mạ nhằm cố ý gây tổn hại người khác là không đúng, và chúng ta cần phải chấm dứt nó. Đây không phải là một bài viết về việc học làm một người cam chịu phục vụ cho một mục tiêu tâm linh sai lầm nào đó.
Tuy nhiên, có một cơ hội to lớn ẩn trong khoảnh khắc khi ai đó mà chúng ta quan tâm bị tổn thương, và khi chúng ta dường như là cũng một phần trong nỗi đau của họ, dù ta có thừa nhận hay không. Trong những tình huống này, chúng ta có thể lựa chọn đáp lại bằng tình yêu thương thay vì phản ứng trong sợ hãi.
Khi chúng ta cảm thấy bị công kích, bị đổ lỗi hoặc bị chỉ trích theo một cách nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, ngay cả khi chúng ta không ý thức được điều đó. Bản ngã của chúng ta bị đe dọa. Cái danh của chúng ta bị đe dọa. Những câu chuyện kể về chúng ta đang bị đe dọa.
Sự tồn tại của sinh mệnh bản ngã này cảm thấy nguy hiểm trước những cuộc xung đột.
Kết quả là, nỗi sợ hãi đã thúc đẩy chúng ta phản ứng để bảo vệ cái tôi của mình hoặc công kích đối phương, cố gắng vô hiệu hóa mối đe dọa. Nỗi sợ vốn như là một cảm xúc căn nguyên, có thể quét qua chúng ta như một cơn sóng thần và khiến ta phản ứng mà không cần suy nghĩ hoặc tham khảo ý kiến của phần bản ngã lý trí và giàu tình cảm hơn. Phản ứng của chúng ta thường không nhất quán với những gì chúng ta cảm nhận trong tâm mình về người khác.
Nếu chúng ta muốn chọn yêu thương thay vì nỗi sợ hãi như một thói quen để thực hành trong cuộc sống, chúng ta không cần phải chờ đợi một cuộc khủng hoảng xảy ra. Chúng ta đơn giản có thể sử dụng cơ hội có trong những khoảnh khắc hằng ngày khi con người mà chúng ta tự tưởng tượng về mình không giống với những gì chúng ta thể hiện tại thời điểm đó.
Để lựa chọn yêu thương trong những tình huống này, trước tiên bạn nên tạm dừng và hít một hơi thật sâu trước khi làm bất cứ điều gì. Hãy dừng lại và im lặng, cố gắng hết sức để thực sự lắng nghe những gì người khác đang nói mà không bảo vệ cái tôi của mình hoặc điều mà mình hình dung đã xảy ra.
Nó cũng có nghĩa là hạn chế công kích lại trước những lời chỉ trích của người khác, hoặc với những điều họ đã làm hoặc nói (có liên quan hoặc không liên quan) gây tổn thương ta tương tự. Hãy cứ lắng nghe vô điều kiện.
Hành động xuất phát từ tình yêu thương là đặt cái tôi của chúng ta sang một bên đủ lâu để lắng nghe trải nghiệm của đối phương. Bạn cần có đủ dũng khí để thử nghiệm và thấu hiểu những gì người kia đang trải qua, cho dù nó có khác hoàn toàn với những gì chúng ta đã dự tính sẽ xảy ra hay cho rằng đã diễn ra hay chúng ta là nguyên nhân gây ra sự việc đó.
Hành động xuất phát từ tình yêu thương nghĩa là sử dụng sức mạnh con tim để thấu hiểu và mở lòng với những nỗi đau mà người khác đang cố gắng bày tỏ. Đáp lại từ tình yêu thương, mà không phải là phản ứng, nghĩa là lắng nghe nỗi đau của người khác như thể ta chỉ nghe bằng đôi tai, thuần túy bằng đôi tai, chứ không phải là đôi tai kèm theo khối óc, với bản ngã, với cái danh, với quan niệm cá nhân vẫn còn nguyên vẹn và bất biến.
Trên thực tế, sống với tình yêu thương không sợ hãi là chuyển từ mục tiêu bảo vệ cái tôi của mình, thích chiến thắng trong tranh luận, sang thực sự hành động tử tế và yêu thương.
Điều đó có nghĩa là sẵn sàng ngừng chứng minh rằng chúng ta là một người tốt mà hãy thực sự trở thành một người tốt.
Và thật tuyệt vời, trong những khoảnh khắc chúng ta có đủ sức mạnh để lựa chọn tình yêu thương thay vì nỗi sợ hãi, chúng ta nhận được món quà là trải nghiệm về tình yêu, và một điều gì đó vô hạn hơn cái tôi nhỏ bé, mong manh dễ vỡ mà ta tưởng đó là mình và rất cần được bảo vệ.
Chúng ta có được phẩm giá và lòng tự trọng khi biết rằng bản thân đã thực hiện một hành động đầy thách thức và vô cùng đẹp đẽ.
Chúng ta được trao tặng một thứ tự do vượt xa mọi quyền tự do khác.
Cuối cùng, điều đó có nghĩa là chúng ta sẵn sàng ngừng bảo vệ quan niệm về bản thân mình và khám phá ra chân ngã bất biến của chúng ta.
Tác giả: Nancy Colier là một nhà trị liệu tâm lý, công sứ của những người có tín ngưỡng khác nhau, tác giả, diễn giả trước công chúng, trưởng hội thảo và là tác giả của một số cuốn sách về chánh niệm và sự phát triển cá nhân. Cô cung cấp các liệu pháp tâm lý cá nhân, tập luyện chánh niệm, tư vấn tâm linh, thuyết trình trước đám đông và hội thảo, đồng thời cũng làm việc với khách hàng qua Skype trên khắp thế giới. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập NancyColier.com.
Nancy Colier
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: