Ý thức được nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, các nhà lập pháp Anh Quốc điều chỉnh dự luật thuốc
Ý thức được nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, các nhà lập pháp Anh Quốc đã bổ sung một sửa đổi luật thuốc có thể yêu cầu bằng chứng về sự đồng thuận của người cho trong việc sử dụng các mô người lấy từ nước ngoài.
Những người ủng hộ sửa đổi luật – một biện pháp chỉ giải quyết vấn đề sử dụng mô người trong y học – thừa nhận rằng nó chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng mô tả nó là một bước đi đầu tiên nhỏ nhưng quan trọng của Anh Quốc nhằm khắc phục tình trạng đồng lõa tiềm ẩn trong các tội ác ở nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên các nhà lập pháp Anh Quốc ban hành bất kỳ đạo luật nào đề cập đến vấn đề đồng thuận của người cho trên mô người từ nước ngoài.
Bản sửa đổi, được Thượng nghị sỹ Hunt đưa ra tại Thượng viện và thông qua tại Hạ viện hôm 27/01, dự kiến sẽ trở thành luật vào tháng tới.
Dự luật Thuốc và Thiết bị Y tế được dự kiến sẽ là một sự thay thế hậu Brexit cho khuôn khổ quy định của EU. Các nhà lập pháp lo ngại về buôn bán nội tạng đã nhân cơ hội này để cố gắng đưa ra một sửa đổi cụ thể về sự đồng thuận của người cho mô.
Trong các cuộc tranh luận, nhiều người nêu chi tiết mối quan ngại về nguồn gốc của các cuộc triển lãm thi thể được nhựa hóa, và bằng chứng từ một tòa án đã kết luận rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Còn nhiều việc phải làm
Bản sửa đổi trao quyền cho nhưng không bắt buộc chính phủ phải quy định để yêu cầu bằng chứng về nguồn gốc của mô người được sử dụng làm thuốc.
“Nó cho các Bộ trưởng quyền hạn để làm điều đúng đắn,” Nghị sỹ Marie Rimmer nói trước Hạ viện.
“Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bản sửa đổi này KHÔNG đề cập đến vấn đề du lịch cấy ghép nội tạng, cũng như vấn đề các thi thể vô chủ được nhựa hóa, nhập cảng và trưng bày thương mại mà chúng ta chứng kiến ở Birmingham,” bà nói.
“Trong khi sửa đổi này là một bước đi đầu tiên đáng hoan nghênh, nó mới chỉ là khởi đầu. Còn nhiều việc phải làm nữa.”
Quan điểm đó được nhắc lại bởi ông Adnan Sharif, một bác sỹ phẫu thuật ghép thận, người đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình cho công trình của mình trong việc giáo dục các đồng nghiệp y tế, các nhà lập pháp, và công chúng về bằng chứng thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông Sharif, người làm việc tại Bệnh viện QE ở Birmingham, thừa nhận rằng tác động thực chất của luật là rất nhỏ.
“Quý vị có thể đếm trên đầu ngón tay các loại thuốc sử dụng mô người,” ông nói với The Epoch Times. “Bây giờ tôi nghĩ luật này chỉ là hình thức thôi, chứ không hề nguy hiểm như bề ngoài của nó.”
Tuy nhiên, ông vẫn coi đó là một bước đi mang tính biểu tượng rất tích cực.
“Đây không phải là mục tiêu cuối cùng,” ông nói.
Những phát hiện của Tòa án về Trung Quốc
Theo ông, điều quan trọng là bản sửa đổi đã tạo cơ hội cho các nhà lập pháp nêu lên chi tiết những mối quan ngại rộng lớn hơn của họ tại Thượng viện và Quốc hội. Đáng chú ý, ông Sharif nói, nhiều thành viên của Thượng viện đã trích dẫn các phát hiện năm 2020 của Tòa án về Trung Quốc (China Tribunal).
Sau một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng, tòa án đã kết luận vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra trong nhiều năm ở Trung Quốc “trên quy mô đáng kể” và hiện vẫn đang diễn ra.
Theo tòa án, nguồn cung nội tạng chính đến từ các học viên bị giam giữ của nhóm tu luyện tinh thần bị bức hại Pháp Luân Công.
Ban hội thẩm độc lập do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tịch, người trước đây đã dẫn đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic về tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ông Sharif nói rằng sau khi phiên tòa được tổ chức ở London, các thượng nghi sỹ và các thành viên Hạ viện dường như nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
“Nhưng vẫn chưa đủ nhận thức,” ông nói. “Ngay cả trong cộng đồng cấy ghép, có rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ các cáo buộc là gì, và bằng chứng là gì, họ có thể vẫn chưa nghe về Tòa án về Trung Quốc.”
Ông Sharif nói rằng hiện không có luật hoặc cơ chế nào ngăn cản một trong những bệnh nhân của ông đến Trung Quốc và trở về với một quả thận ghép từ một tù nhân lương tâm, rồi chỉ cần quay trở lại hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh Quốc như thường.
Một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Đài Loan, Ý, và Israel, đã thông qua luật nhằm ngăn cản công dân của họ ra nước ngoài để cấy ghép.
Simon Veazey
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: