Ý nghĩa thật sự của Giáng Sinh trong Đệ nhất Thế Chiến
Khi đêm Giáng Sinh buông xuống vào năm 1914, những binh lính ngồi trong chiến hào bị băng tuyết bao phủ, cảm thấy lạnh lẽo, nhớ nhà, và mệt mỏi vì chiến tranh. Trong khi đó, các chính trị gia và tướng lĩnh đang nghỉ ngơi thoải mái ấm áp ở nhà hay nhấp môi những ly rượu trong một căn phòng được sưởi ấm, họ đã nói với các binh lính rằng chiến tranh sẽ kết thúc “trước mùa lá rụng.”
5 tháng trước, các chỉ huy của họ đã thông báo rằng họ phải ra chiến trận để cứu chính mình, cứu lấy gia đình và đất nước. Người dân đã cổ vũ khi họ diễn hành trên đường và quảng trường của thị trấn. Rốt cuộc, họ vẫn là người thực hiện chính nghĩa, kẻ thù của họ mới là người xấu và năm 1914 là thời kỳ huy hoàng để được sống!
Một đêm khác lạ
Trong 5 tháng, những người tốt đã loại bỏ những kẻ xấu. Một tuần trước đêm Giáng Sinh, những binh sỹ tấn công thuộc phe Đồng minh đã bị bắn hạ không thương tiếc bởi hỏa lực súng máy từ phòng tuyến của quân đội Đức. Nhưng đêm nay là một đêm khác biệt. Cây thông Noel bất ngờ xuất hiện trên đỉnh thành lũy của phòng tuyến Đức. Chính những người lính đã bắn ra thứ vũ khí người để tiêu diệt bạn bè của họ giờ đây đang hát vang bài hát “Stille Nacht” (tạm dịch: “Đêm yên tĩnh”) và hô vang lời chúc mừng Giáng Sinh đến những người bạn ấy trên khắp vùng đất hoang vu.
Các binh lính Đồng minh hát bài thánh ca Giáng Sinh của họ và đáp lại bằng những lời chúc mùa lễ. Chẳng bao lâu, những người lính bắt đầu xuất hiện. Chậm rãi và cẩn thận, họ trèo ra khỏi chiến hào của mình để gặp gỡ kẻ thù và dàn xếp một cuộc đình chiến. Mọi người bắt tay nhau, tặng quà Giáng Sinh, đồng ý giúp đỡ nhau chữa trị và chôn cất thi thể. Các phe đối lập cùng nhau khiêng thi thể của những người đã hy sinh. Những binh lính khác thì trao đổi quà Giáng Sinh như socola, thức ăn, thuốc lá và đồ uống, và cả những câu chuyện. Ở khu vực khác của mặt trận, mọi người ngồi trên thành lũy và hát cho kẻ thù của mình nghe, sau đó là tiếng vỗ tay và cổ vũ. Trước đó, họ đã thi đấu bóng đá. Họ ăn, uống và cầu nguyện cùng nhau. Một người lính Đức cắt tóc cho một người lính Anh. Và một điều đã biến mất trong khung cảnh huyền thoại như thế này là lòng căm thù giữa binh lính hai nước, họ hành xử như những người bạn thân từ trường cũ.
Một phép màu
24 giờ tiếp theo, một phép màu bất ngờ xảy ra trên chiến trường của Bỉ và Pháp, tất cả là nhờ mọi người cùng chia sẻ một đức tin và mong muốn chúc mừng sự ra đời của Chúa và Đấng Cứu Thế trong hòa bình. Những cảnh tượng như thế này không chỉ xảy ra ở Mặt trận phía Tây, mà còn ở Mặt trận phía Đông. Giáo hoàng Benedict XV đã cầu xin cả Lực lượng Trung ương và Đồng minh cho phép đình chiến đến hết ngày lễ, và ngay cả ông cũng đã rơi lệ trước những cảnh tượng đang xảy ra dọc theo các chiến tuyến.
Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo đã gây chiến với nhau trong hằng thế kỷ vì những hệ tư tưởng Cơ Đốc khác nhau, nhưng rốt cuộc, khi mọi thứ trầm lắng xuống, thì họ vẫn cùng thờ phụng một vị Thần. Điều đó gắn kết mọi quốc gia Âu Châu lại với nhau, cứu cộng đồng người Do Thái sống rải rác khắp lục địa và những người Hồi Giáo Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, và các tỉnh Bosnian của Áo-Hungary. Nhà thơ Hilaire Belloc có một câu nói nổi tiếng rằng “Đức tin là Âu Châu và Âu Châu là đức tin.” Mặc dù ông đang đề cập đến đức tin Công Giáo, nhưng nó cũng đúng cho tất cả các đức tin Cơ Đốc Giáo.
Đối với phần lớn người Âu Châu, Chúa Jesus là Chúa và Đấng Cứu Thế của họ, và ngày Chúa ra đời đã mang đến sự bình yên và hòa hợp trong một khoảnh khắc của cuộc chiến khủng khiếp này. Nó là thứ mà những chỉ huy chính trị của họ không thể hoặc thậm chí không có ý định thực hiện cho tới khi họ chiến thắng được kẻ thù.
Sau Giáng Sinh
Sau khi Giáng Sinh năm 1914 kết thúc, các binh lính miễn cưỡng tiếp tục cuộc chiến bởi vì họ đã trải nghiệm khoảng thời gian vui vẻ cùng những người anh em tội nghiệp bên kia chiến tuyến. Trên thực tế, sau cuộc đình chiến, có trường hợp những người lính nổ súng lên cao quá đầu để tránh thanh trừ những người được gọi là kẻ thù của họ. Chuyện này không giống như những gì được kể bấy lâu nay. Nếu ở hoàn cảnh khác, hẳn họ sẽ rất hoà thuận với nhau. Có thể là họ sẽ ăn mừng đêm Giáng Sinh cùng nhau trong một chiếc lều hay tại nhà nhau hoặc ở nhà thờ. Một sự hòa thuận như vậy đã tồn tại vào buổi tối [Giáng Sinh] đó, thậm chí đã có những cuộc thảo luận trong các trung đội về một cuộc đình chiến vào tiệc Năm Mới.
Chỉ huy quân đội đóng quân một cách thoải mái ở xa chiến tuyến, nhưng dù vậy, ông vẫn nổi cơn thịnh nộ khi nghe về cuộc đình chiến đêm Giáng Sinh. Ông không những quyết định trừng phạt những người có trách nhiệm mà còn lên kế hoạch để ngăn ngừa kiểu tình anh em không thể chấp nhận này trong tương lai. Tình yêu và hòa bình sẽ làm suy yếu tinh thần chiến đấu của những người lính. Làm sao mà quân đội có thể duy trì chiến tranh nếu những binh lính của họ cảm nhận được tình anh em thay vì sự thù hận đối với kẻ thù của mình? Ngài John French, Tổng tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Vương quốc Anh đã hồi tưởng trong nhật ký của mình rằng:
“Khi tin tức này đến tai, tôi đã ra lệnhngay lập tức ngăn chặn mọi hành vi như vậy tái diễn, và gọi các chỉ huy địa phương nghiêm túc giải trình sự việc sẽ dẫn đến nhiều rắc rối này.”
Trong 12 tháng sau đó, sự tàn bạo chống lại nhân tính tiếp tục xảy ra khi chiến tranh lan rộng đến các khu vực hoạt động mới với sự bổ sung thêm nhiều binh lính vào cuộc chiến. Điều này để bảo đảm rằng sẽ không có bất kỳ tình hữu nghị nào tồn tại sau lễ Giáng Sinh hoặc trong những ngày lễ sau đó, và chiến tranh cùng sự tàn bạo tiếp tục diễn ra đến ngày 11/11/1918.
Ngày nay, chúng ta có thể chứng kiến cảnh tượng các thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi đến từ các quốc gia trước đây thuộc Mặt trận phía Tây của Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Bỉ, Luxembourg, và Ireland, cũng như các quốc gia Âu Châu khác bình yên cùng nhau tụ họp trong các nhà hàng, quán cà phê, tiệc đêm, bãi biển, tiệm quần áo, và đêm nhạc hội. Thật trớ trêu và không may, việc đi lễ nhà thờ của người Âu Châu lại giảm mạnh và những người sống ở lục địa này không còn cảm thấy cần thiết để tôn vinh ý nghĩa thật sự của lễ Giáng Sinh. Vào năm 1914, nó đã mang đến hoà bình và thiện chí một cách thần kỳ ở những nơi tưởng chừng như không thể. 105 năm sau, tất cả chúng ta nên thực hiện điều này thật tốt để tưởng nhớ những người lính năm xưa, ngày lễ này và ý nghĩa thật sự của nó.
Alan Wakim là người đồng sáng lập của The Sons of History, một chuỗi video trên Youtube và một kênh podcast hằng tuần. Ông đi du lịch để phỏng vấn và ghi lại các nhân vật và địa điểm lịch sử cho loạt video của mình. Ông có bằng kinh doanh của Đại học Texas A&M.
Alan Wakim
Anh Đặng biên dịch
Mời các bạn nghe bài viêt qua giọng đọc Thy Nguyễn
Xem thêm: