Ý nghĩa của việc trở thành người cha
Năm người cha trong văn học xứng đáng để noi gương
Những người cha tốt vắng mặt một cách đáng ngạc nhiên trong các tác phẩm văn học vĩ đại. Sẽ dễ dàng hơn khi soạn ra một danh sách những người cha yếu đuối, độc đoán, hoặc đơn giản là những người cha luôn vắng mặt, biến mất khỏi các trang sách kinh điển hơn là biên soạn một danh sách các ví dụ nổi bật về tình phụ tử.
Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên. Động cơ căn bản thúc đẩy mọi câu chuyện chính là sự xung đột. Căng thẳng, đối lập, những vấn đề, sự rối rắm mà các nhân vật phải vượt qua hình thành nên cơ sở cho tất cả những gì chúng ta đọc. Bạn sẽ chẳng có câu chuyện nào nếu thiếu đi sự xung đột. Ví dụ, hãy tưởng tượng một câu chuyện, trong đó nhân vật chính quyết định trở thành tổng thống, thực hiện một số quảng cáo, được bầu chọn với thắng lợi lớn, và tại vị tám năm yên ổn ở văn phòng — thật kém hấp dẫn, phải không? Các nhân vật phải chịu đựng những đau khổ và bi kịch của cuộc sống, đấu tranh chống lại kẻ địch và những trở ngại; một câu chuyện kiểu như vậy sẽ khiến chúng ta quan tâm hơn, và chân thật hơn.
Xung đột thường có nguồn gốc từ các động lực và các mối quan hệ gia đình. Khoa học xã hội, tâm lý học, và văn học đều dạy cho chúng ta điều tương tự: khi những người cha tốt hiện diện, các vấn đề khó khăn trong gia đình và xã hội đều suy giảm đáng kể. Mặt khác, khi thiếu vắng những người cha tốt, nhiều vấn đề gia đình và xã hội nổi lên — điều này sẽ làm cho vở kịch hấp dẫn hơn — như vở “King Lear” (Vua Lear), hay bất kỳ vở nào khác? Vì vậy, có nhiều người cha tồi tệ hoặc vắng mặt trong những cuốn sách vĩ đại.
Nhưng tất nhiên là không phải tất cả những người cha trong văn học đều thất bại. Có nhiều tấm gương cảm động về những người cha đã hy sinh bản thân mình để đem lại điều tốt đẹp cho gia đình họ, và mang đến cho chúng ta những hình mẫu tiềm năng về sự trượng nghĩa trong tình phụ tử.
Theo như lời của nhà thơ người Pháp, Charles Péguy, “Chỉ có một nhà thám hiểm trên thế giới này, như có thể thấy rất rõ trong thế giới hiện đại ngày nay, đó là người cha của gia đình.” Sau đây là năm trong số các nhà thám hiểm đó từ những tác phẩm văn học vĩ đại.
Hoàng tử Hector trong trường ca ‘Iliad’
Theo lời của tác giả Homer, Hector là “người bảo vệ đơn độc của thành Troy” chống lại cuộc tấn công của quân Hy Lạp. Chàng dẫn đạo người dân thành Troy trong cuộc chiến, vun bồi lòng quyết tâm của họ, giữ vững sĩ khí, và tiêu diệt quân địch trong trận chiến.
Chàng cũng là một người đàn ông tận tụy với gia đình. Thật vậy, động lực để chàng trở thành nỗi khiếp sợ [của kẻ địch] trên chiến trường chính là tình yêu chàng dành cho gia đình mình. Những lời của nhà văn J.R.R Tolkien trong cuốn tiểu thuyết “The Two Towers” (Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn: Hai Tòa Tháp), hoàn toàn phù hợp để đặt lên đôi môi của Hector: “Tôi không hề yêu thích một thanh kiếm sáng vì độ sắc bén của nó, cũng không thích một mũi tên vì tốc độ của nó, cũng không phải làm chiến binh cho vinh quang của mình. Tôi chỉ yêu quý những điều mà chúng bảo vệ.”
Đây là phân cảnh nổi tiếng ở cuối bài thơ, khi hoàng tử Hector trì hoãn trận chiến để đến gặp vợ và con trai mình, những người mà chàng sẽ từ bỏ cả sinh mệnh để bảo vệ:
Nàng [phu nhân] đến bên chàng,
Theo sau nàng là người tỳ nữ
Bồng trước ngực bà – một bé trai
Con trai của Hector, người thân yêu trong mắt chàng,
lung linh như ánh sao trời.
Trong phút chốc người hùng nơi chiến trận nở một nụ cười
Thắm tươi và rạng rỡ
Trong thinh lặng chàng nhìn ngắm con trai,
Rồi lại bật cười vang vọng.
[Nàng Andromache] cũng tươi cười lay động,
Hector lỗi lạc buông chiếc mũ trên đầu,
và đặt xuống sân bỏng rát,
Chàng nhấc bổng con trai yêu, trao nụ hôn sâu lắng,
Rồi tung bé trai lên trời,
Và dâng lời nguyện cầu đến Ngài – Thần Zeus và những vị thần bất tử,
Nguyện cầu rồi trao bé trai trong vòng tay của người vợ yêu dấu.
Hiệp sĩ trong Truyện cổ Canterbury
Trong nhóm những người hành hương của tác giả Chaucer viết trong “The Canterbury Tales” (Truyện Cổ Canterbury) có một vị hiệp sĩ. Chaucer kể rằng ông ta là một nhà quý tộc, trân trọng “tinh thần hiệp sĩ, lòng trung thành, danh dự, tự do, và sự lịch thiệp.” Phong thái của ông nhã nhặn và lịch sự, mặc dù, giống như hoàng tử Hector, ông chiến đấu tàn bạo cho những điều mình yêu quý, và ông đã từng tham gia nhiều trận chiến.
Đi cùng ông trong hành trình này chính là con trai ông, chàng cận vệ. Chàng trai 20 tuổi, và như những người trẻ tuổi trong suốt chiều dài lịch sử, chàng say mê phong cách thời trang mới nhất. Mái tóc chàng được uốn xoăn để phù hợp với phong cách đương thời, và “chàng diện chiếc khăn thêu giống như một cánh đồng cỏ tươi sáng … Chiếc áo choàng của chàng ngắn, tay áo dài và rộng.” Hơn thế nữa, chàng rất say mê phụ nữ. “Một tình nhân và một chàng trai độc thân cường tráng, … chàng yêu rất nồng nhiệt.” Tình yêu hiệp sĩ phong nhã cũng là phong cách thời đó, và chàng cận vệ hoàn toàn hưởng ứng kiểu tình yêu này.
Bối cảnh của “The Canterbury Tales” (Truyện Cổ Canterbury) là mỗi người hành hương kể cho những người đồng hành của mình những câu chuyện để quên thời gian trên đường hành hương đến đền thờ Thánh Thomas Becket. “The Knight’s Tale” (Câu chuyện của người Hiệp Sĩ) là một trong số đó, nhưng theo cựu giáo sư người Anh tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, ông David Allen White đã chỉ ra, thính giả thật sự trong câu chuyện Hiệp sĩ lại chính là con trai của ông. Thực tế, đó là lời giáo huấn nhẹ nhàng của người cha. Vị hiệp sĩ kể câu chuyện về những điều phù phiếm và nguy hại của tuổi trẻ, tình yêu phi lý (hoặc ham muốn) trong câu chuyện về nhân vật Palamon, Arcite và Emily. Đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc về kiểu tình yêu chóng vánh sai trái và tính bốc đồng của tuổi trẻ — nhưng được truyền đạt theo cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, dành cho con trai ông.
Công tước Prospero trong vở kịch “The Tempest” (Giông Tố)
Nhân vật trung tâm trong vở kịch “The Tempest” (Giông Tố) của thi hào Shakespeare là pháp sư Prospero, người đã bị tước danh hiệu công tước một cách bất công ở Milan và bị lưu đày tới một hòn đảo bí ẩn cùng cô con gái nhỏ của mình. Pháp sư Prospero dàn dựng các sự kiện của vở kịch này, sử dụng phép thuật và linh hồn bầy tôi trung thành Ariel của mình. Ông thu hút các kẻ thù bị đắm tàu của mình tới hòn đảo và để hối lỗi.
Ông cũng đóng vai trò làm người mai mối khi đưa hoàng tử Ferdinand đến với cô con gái Miranda đã trưởng thành của mình, đồng thời thử thách nhân cách, đạo đức và quyết tâm của chàng trai — như điều mà một người cha nên làm — trước khi cho phép Miranda làm vợ chàng.
Kể lại câu chuyện lưu đày của mình trên một con thuyền nhỏ bé với rất ít của cải, từ thành Milan, ông Prospero đã cho thấy điều mà mọi người cha tốt đều hiểu. Việc nhìn ngắm con gái nhỏ có thể tạo ra động lực mãnh liệt để thực hiện hầu hết các nhiệm vụ phi thường cho sự an lành của cô bé. Trò chuyện với Miranda, ông nói: “Con, một tiểu thiên sứ / Người đã bảo vệ ta. Con đã mỉm cười / Ban sức mạnh cho ta từ thiên đường, / Khi ta bị đẩy đến một đại dương đầy muối, / Dưới gánh nặng lời rên rỉ lớn dần lên trong ta / Chịu đựng với cơn đau từ chiếc bụng sôi / Chống đỡ lại những gì sẽ diễn ra sắp tới.” Ông Prospero trở nên vững lòng và lấy lại được sức mạnh của mình trong thời khắc tăm tối nhất cuộc đời mình vì có sự hiện diện và tình yêu của cô con gái bé bỏng.
Và ông tiếp tục điều khiển các sự việc xuyên suốt vở kịch vì sự an lành của con gái: “Không có nguy hại nào. / Ta không làm gì khác ngoài việc chăm sóc cho con, / Cho chính con, người yêu quý của ta, con gái của ta.”
Nhân vật Bob Cratchit trong tiểu thuyết ‘A Christmas Carol (Hồn ma đêm Giáng Sinh)
Trong câu chuyện Giáng Sinh được yêu mến của tác giả Dicken, ông Bob Cratchit phải gồng mình làm việc nhiều giờ liền với vai trò là thư lại cho ông chủ độc đoán (Scrooge) với đồng lương ít ỏi — tất cả vì sinh kế của gia đình mình. Ông Cratchit đại diện cho tất cả những người cha trong suốt chiều dài lịch sử, những người có thể chưa bao giờ tỏa sáng trong khoảnh khắc của chủ nghĩa anh hùng phi thường hoặc lòng dũng cảm, mà thay vào đó, họ đã đạt được điều ý nghĩa không kém phần quan trọng, mặc dù ít được chú ý hơn, họ vẫn đạt được sự cao quý và sự hy sinh, bằng cách kiên trì vượt qua những công việc khó khăn thường nhật.
Hè sang đông tới, năm này qua năm khác, những người đàn ông này đưa đôi vai gánh vác hòn đá tảng trách nhiệm thường không được tôn vinh, để trợ giúp cho những người phụ thuộc vào họ. Chúng ta có thể gọi đây là “chủ nghĩa anh hùng bình dân,” điều mà mỗi người đàn ông của gia đình đều có thể khao khát đến.
Liên quan đến câu chuyện của ông Cratchit, người ta nghĩ đến thi phẩm “Those Winter Sundays” (Những Ngày Chủ Nhật Mùa Đông) của ngài Robert Hayden:
Ngày chủ nhật cha tôi cũng phải dậy sớm
Mặc lên bộ quần áo trong cái lạnh thẫm xanh
Rồi với đôi bàn tay nứt nẻ đầy đau nhức
Bởi những vất vả của công việc thường ngày
Để khơi lên những đám lửa bập bùng. Dù không ai từng cảm ơn ông.
[…]
[Tôi nói chuyện] với ông thờ ơ
Người đã xua tan cái lạnh mùa đông này
Và đánh bóng đôi giày của tôi.
Còn tôi đã hiểu điều gì, biết điều gì
Về những bổn phận khắc nghiệt và cô độc của tình yêu?
Tột cùng của sự khốn khó, Cratchit — cũng giống như rất nhiều những người cha bình thường khác — gánh vác thêm nhiều sự khó khăn về y tế cho gia đình. Con trai Tim của ông bị bệnh, nhưng nhà lại không có đủ tiền để chữa bệnh cho em. Mặc dù vậy, Cratchit vẫn cõng đứa con trai bệnh tật của mình trên lưng và chăm sóc cho bé tốt nhất có thể. Ông Cratchit sở hữu sự kiên nhẫn và sự lạc quan kiên trì khi đối mặt với khó khăn. Và đến lúc cuối cùng, sự nhẫn nại của ông đã được đền đáp.
Người cha trong tiểu thuyết ‘The Road’
Tác giả Cormac McCarthy lấy bối cảnh cho tiểu thuyết “The Road” (Con đường) của mình trong bối cảnh hậu tận thế vô cùng ảm đạm. Sau một sự kiện thảm họa đã xóa sạch nền văn minh mà chúng ta từng biết, một người cha và con trai thực hiện hành trình băng ngang nước Mỹ điêu tàn và hoang vu, vì người cha nghĩ rằng họ không thể nào sống sót qua mùa đông nữa ở vùng đất phía Bắc này. Họ muốn tìm kiếm nơi nào đó “tốt đẹp hơn.”
Tuy nhiên, phần sâu sắc của câu chuyện này, là việc người cha ở một mức độ nào đó biết rằng không có nơi nào để đi cả, chẳng còn nơi nào “tốt hơn.” Nhưng ông vẫn đấu tranh để giữ hy vọng sống cho con trai của mình, đứa con trai, [vì đó là] điều duy nhất ông còn lại trên thế giới cay đắng này.
Một số người sống sót hiếm hoi mà hai cha con bắt gặp trên đường hầu hết đều là những kẻ sát nhân, những người đã mất đi nhân tính trong cơn tuyệt vọng và vô vọng của họ. Tuy nhiên, người cha đã cố gắng hết mình để con trai mình thấm nhuần ý thức đạo đức khi ở trong một thời đại đã loại bỏ mọi tiêu chuẩn về đúng và sai: Ông nói với cậu con trai rằng họ là những “người tốt,” những người đang “truyền lửa.”
Sự khắc nghiệt của bối cảnh chỉ làm nổi bật thêm trọng tâm của câu chuyện. Bối cảnh càng đen tối, sự tương phản với ánh sáng ở cốt lõi của câu chuyện lại càng lớn hơn, và ánh sáng đó chính là tình yêu và sự hy sinh mà hai cha con dành cho nhau. Người cha chỉ có một đối tượng hướng tới duy nhất cho dù phải đối mặt với sinh tử: chăm sóc cho con trai của mình.
Những lời mà ông nói với con trai mình là những mà bất kỳ người cha nào nói với con của mình: “Con chiếm trọn trái tim cha. Luôn là như vậy. Con là đứa trẻ tuyệt vời nhất. Luôn là như vậy.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times