Ý kiến bình luận: Thành phố Trung Quốc với lịch sử vi phạm nhân quyền trở thành điểm nóng COVID-19
SUY NGẪM VỀ TRUNG QUỐC
Bình luận
Vào dịp đầu năm mới này, một đợt bùng phát COVID-19 mới ở tỉnh Hà Bắc, thuộc miền đông bắc Trung Quốc đã bất ngờ khiến một thành phố ít được biết đến trở thành tâm điểm của dư luận. Thật ngẫu nhiên là thành phố này có một lịch sử rất đen tối, và đại dịch hiện nay là một thời điểm thích hợp để suy ngẫm về vấn đề này.
Hôm 02/01, một ca nhiễm virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới và [là tác nhân] gây ra bệnh COVID-19, đã được phát hiện tại làng Tiểu Quách Trang, quận Cảo Thành, thuộc thành phố Thạch Gia Trang ở Hà Bắc.
Chỉ trong vài ngày, toàn bộ quận Cảo Thành đã được tuyên bố là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao số một trong cả nước. Tính đến ngày 13/01, đã có 463 ca được xác nhận nhiễm bệnh ở Hà Bắc, với 195 ca nhiễm không có triệu chứng vẫn đang được theo dõi, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh tập trung ở Cảo Thành. Đột nhiên, Cảo Thành đã nhảy lên sân khấu thế giới.
Tuy nhiên, Cảo Thành có một lịch sử đen tối mà cho đến nay ít được công chúng biết đến: nó là một địa điểm chính nơi đã diễn ra các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Hoa bao gồm các bài tập thiền định đơn giản, chậm rãi và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập kỷ đó, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó.
Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của môn tu luyện này, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch loại bỏ có hệ thống [nhằm vào Pháp Luân Công] vào tháng 07/1999. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác, và hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã ghi lại cách các quan chức ở Cảo Thành tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Cộng – cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Vào ngày 01/02/2005, Phòng 610 của quận Cảo Thành đã ban hành một thông báo liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công vốn sẽ được phân phát đến mọi thị trấn, quận huyện và đơn vị làm việc trong thành phố này. Phòng 610 là một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật được thành lập vào năm 1999, với mục đích duy nhất là đàn áp Pháp Luân Công. Phòng này có quyền lực tuyệt đối ở mọi cấp quản lý trong hệ thống ĐCSTQ và tầm ảnh hưởng của nó áp đảo tất cả các tổ chức chính trị và tư pháp khác [ở Trung Quốc].
Thông báo này đã chỉ thị tất cả các nhà chức trách địa phương về tầm quan trọng của việc hoàn thành được các mục tiêu sau, được gọi là “Ba Không: không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện; không tụ tập đông người và biểu tình ở địa phương; không phát sóng bằng truyền hình cáp.”
“Đối với các học viên Pháp Luân Công, ‘Ba Không’ có nghĩa là mất đi tự do, bị sách nhiễu, phạt tiền, bắt giữ và bỏ tù, tẩy não, tra tấn, bị đuổi việc, mất lương hưu, các thành viên trong gia đình và nơi làm việc của họ bị cưỡng ép phải can thiệp vào, thậm chí là mất đi mạng sống và gia đình bị tan vỡ,” Minghui.org nêu trong một báo cáo vào tháng 03/2005.
Các nạn nhân bị lạm dụng
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 1,000 người tập Pháp Luân Công ở Cảo Thành vào khoảng năm 1999, Minghui.org đưa tin.
Sau đây là một số học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền Trung Cộng bức hại ở Cảo Thành. Các trường hợp này đã được trang tin Minghui.org ghi lại.
Ông Lý Trù Nhân (Li Chouren), một nông dân địa phương, và một số học viên Pháp Luân Công khác đã bị cảnh sát bắt cóc vào ngày 23/12/2001 và bị đưa đến Trung tâm Giam giữ Cảo Thành. Để buộc ông Lý từ bỏ đức tin của mình, họ đã đánh đập ông, bắt ông phải đứng trong một thời gian dài, không cho ngủ, trói ông lại ở những tư thế đau đớn, ép uống nước tiểu, và tiến hành những hành vi ngược đãi gây đau đớn và hèn hạ khác. Trước khi thả ông ra, trung tâm giam giữ này đã tống tiền gia đình chị gái ông hơn 1,500NDT (khoảng 232USD) – một số tiền đáng kể đối với gia đình nghèo này. Ông Lý đã qua đời do những thương tích vì bị tra tấn mười ngày sau đó.
Bà Võ Tú Cầm (Wu Xiuqin) đã thực hành Pháp Luân Công vì môn tu luyện này giúp bà phục hồi sức khỏe. Năm 2001, chính quyền đã lục soát nhà bà, bắt cóc bà và đưa bà đến một trung tâm tẩy não ở Cảo Thành, nơi bà bị ép phải từ bỏ đức tin của mình. Tẩy não thường bao gồm việc nạn nhân phải chịu đựng hàng giờ tuyên truyền vu khống, cùng với nhiều loại tra tấn khác nhau. Mục đích là để người đó ký một tuyên bố rằng họ sẽ ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi được thả, bà Võ đã tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bà lại bị bắt cóc vào ngày 03/11/2003 trong một đợt tẩy não và bức hại khác.
Cô Lý Văn Tố (Lee Wensu) là một giáo viên ở Cảo Thành và cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vì cô đã nghe về nhiều lợi ích sức khỏe mà mọi người đã trải qua. Năm 1999, Cục Văn hóa và Giáo dục Cảo Thành đã ra lệnh cho trường của cô Lý sa thải cô. Ngay sau đó, cô đã bị giam giữ bất hợp pháp 4 lần, và bị cục an ninh địa phương tống tiền 6,000NDT (khoảng 929USD). Ngoài ra, cô còn bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại lao động Thạch Gia Trang, nơi cô đã bị cưỡng bức lao động trong ba năm.
Anh Lạc Phong (Lu Feng) cũng là một giáo viên ở Cảo Thành. Chính quyền địa phương đã ra lệnh cho ban giám hiệu nhà trường gây áp lực buộc anh phải từ bỏ đức tin của mình. Bất cứ khi nào đến cái dịp gọi là “ngày nhạy cảm” – chẳng hạn như ngày 20/07, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc đàn áp Pháp Luân Công – nhà trường sẽ buộc thầy giáo này viết một “lá thư cam kết” rằng anh đã từ bỏ tu luyện, nếu không anh sẽ bị mất việc.
Cô Đổng Thúy Phương (Dong Cuifang) là một sinh viên cao học 29 tuổi, từng theo học Đại học Y Hà Bắc. Kể từ ngày 20/07/1999, cô liên tục bị công an địa phương quấy rối và đe dọa vì cô đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Đầu năm 2001, để trốn tránh bị bắt, cô quyết định bỏ nhà ra đi và sống trên các con phố ở ngoại ô Bắc Kinh. Nhưng vào mùa xuân năm 2002, cô Đổng bị bắt khi đang phân phát các cuốn sách nhỏ về Pháp Luân Công. Cô bị giam tại Trại lao động Đại Hưng Bắc Kinh, nơi cô bị tra tấn đến chết vào ngày 20/03/2003. Cơ thể cô có nhiều vết sẹo và một lỗ trên hộp sọ.
Tục ngữ có câu, “Gieo gió gặt bão” hoặc “Gieo nhân nào, gặt quả nấy.” Ở Trung Quốc, dân gian cũng có câu, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Kẻ hành ác thì tất gặp báo ứng, và người không trị thì trời trị.”
Kể từ ngày 21/02, các thành phố Cảo Thành và Thạch Gia Trang vẫn bị phong tỏa, với nhiều cư dân phải chịu đựng sự khốn khổ và đã biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa hà khắc này.
Mặc dù Cảo Thành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Trung Cộng và đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc gia, có lẽ đã đến lúc phải vạch trần những tội ác đã gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở thành phố này để mọi người cùng suy ngẫm về đức tin trong truyền thống Trung Hoa về thiện ác hữu báo.
Yuan Bin là một cây viết tự do và học giả độc lập về các vấn đề Trung Quốc đương đại.
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Yuan Bin thực hiện
Thanh Xuan biên dịch
Xem theâm: