Ý hạn chế ảnh hưởng của công ty Trung Quốc đối với đại công ty sản xuất lốp xe
Viện dẫn các lý do về an ninh quốc gia, Ý đã thông qua các biện pháp nhằm hạn chế sự kiểm soát của một cổ đông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đối với nhà sản xuất lốp xe Pirelli của Ý.
Quyết định của Rome được đưa ra sau khi công ty Sinochem, cổ đông lớn nhất của Pirelli với 37% cổ phần, đã thông báo cho chính phủ Ý hồi tháng Ba về các kế hoạch cập nhật một thỏa thuận cổ đông hiện tại với công ty Camfin, do Tổng giám đốc Pirelli, ông Marco Tronchetti Provera, kiểm soát.
Camfin là một công ty cổ phần với khoản đầu tư chính là 14% cổ phần vào Pirelli.
Quyết định này là một sự can thiệp hiếm hoi [của chính phủ Ý] vào một khoản đầu tư đã tồn tại 8 năm của chính quyền Trung Quốc. Hồi năm 2015, tập đoàn hóa chất của chính quyền này, ChemChina, đã mua phần lớn cổ phần của Pirelli, được xem là một trong những công ty lớn nhất của Ý, với giá 7.7 tỷ USD.
ChemChina là một công ty thuộc tập đoàn hóa chất nhà nước khác dưới chính quyền Trung Quốc.
Các hạn chế của chính phủ Ý liên quan đến các giới hạn tiếp cận và chia sẻ thông tin giữa Pirelli và Sinochem, đồng thời yêu cầu phải đạt được một đa số với tỷ lệ tán thành là 4/5 đối với một số quyết định “chiến lược” của hội đồng quản trị.
Văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết mục đích là để bảo vệ “thông tin liên quan đến chiến lược và bí quyết của công ty này.”
Các hạn chế trên là một phần trong sáng kiến của chính phủ mang tên “Quyền lực Vàng” nhằm bảo vệ các tài sản được xem là chiến lược của nước này, vào thời điểm các quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và các chính phủ phương Tây bước vào một giai đoạn căng thẳng hơn.
Chính phủ Ý cho biết họ đã chấp nhận một số đề xướng của Sinochem để giải quyết các mối lo ngại của mình, đồng thời đề cập đến các biện pháp cụ thể để bảo vệ công nghệ mạng cảm biến vốn có thể được tích hợp vào các lốp xe Pirelli.
Trích dẫn tuyên bố của văn phòng bà Meloni, Financial Times đưa tin một công nghệ cụ thể thông qua một vi mạch được lắp đặt trong các lốp xe có thể cho phép định vị địa lý và thu thập thông tin của người lái xe. Công nghệ này cũng có tầm quan trọng chiến lược quốc gia.
“Việc lạm dụng công nghệ như vậy có thể gây ra nhiều rủi ro cho khách hàng và an ninh quốc gia,” văn phòng trên cho biết.
Về công nghệ mạng cảm biến trong lốp xe, chính phủ cho biết: “Sự liên quan của một công nghệ như vậy có thể được xác định trong nhiều lĩnh vực: tự động hóa công nghiệp, giao tiếp giữa máy với máy, machine learning, sản xuất tân tiến, trí tuệ nhân tạo, cảm biến quan trọng, và công nghệ truyền động, Dữ liệu lớn và Phân tích.”
Financial Times đưa tin, ông Provera đã vận động hành lang Rome can thiệp vào thỏa thuận cổ đông của công ty này, đồng thời cảnh báo chế độ Trung Quốc đang kiểm soát nhiều hơn các quyết định kinh doanh của Pirelli.
Theo Financial Times, ông Provera đã cố gắng thuyết phục Sinochem bán một phần cổ phần của họ nhưng không thành công và những bất đồng cũng nảy sinh về khoản lương 20.5 triệu euro (hơn 20.5 triệu USD) hồi năm 2022 của ông.
Được thành lập hồi năm 1872, Pirelli là một trong những công ty lâu đời nhất của Ý. Công ty này chuyên về lốp xe cao cấp cho các nhà sản xuất xe sang như Ferrari, Porsche, và BMW và là nhà cung cấp duy nhất cho những chiếc xe Công thức Một.
Chính phủ của bà Meloni đã kiềm chế không áp đặt các điều kiện thậm chí còn nghiêm ngặt hơn đối với Sinochem, bao gồm cả việc ngăn chặn quyền biểu quyết của công ty này tại Pirelli. Tuy nhiên, các yêu cầu của chính phủ này sẽ buộc Sinochem và Camfin sửa đổi thỏa thuận cổ đông của họ.
Trước đó trong năm nay, tập đoàn Trung Quốc này đã xác nhận kế hoạch tiếp tục là một nhà đầu tư dài hạn vào Pirelli.
Công ty Ý này sẽ bổ nhiệm một hội đồng quản trị mới tại cuộc họp cổ đông vào ngày 31/07, với Phó Tổng Giám đốc đương nhiệm Giorgio Bruno sẽ trở thành Tân Tổng Giám đốc và ông Provera giữ chức phó chủ tịch điều hành.
Ông Provera đã điều hành Pirelli từ năm 1992.
Hành động của chính phủ Ý nhằm hạn chế sự kiểm soát của Sinochem đối với nhà sản xuất lốp xe này diễn ra trước một quyết định quan trọng khác về việc có nên tiếp tục quan hệ đối tác của Rome với chính quyền Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hay không.
Hồi năm 2019, Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong Nhóm Bảy nước (G-7) tham gia sáng kiến BRI của chính quyền Trung Quốc, sáng kiến này có thể cho phép Bắc Kinh giành quyền kiểm soát các công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Hồi tháng Năm, bà Meloni nói rằng có thể có mối bang giao tốt đẹp với Trung Quốc ngay cả khi không tham gia BRI.
Bà Meloni cho biết: “Đánh giá của chúng tôi rất tinh tế và đề cập đến nhiều mối quan tâm.” Thỏa thuận này hết hạn vào tháng 03/2024 và sẽ tự động được gia hạn trừ phi một trong hai bên thông báo cho bên kia rằng họ sẽ rút lui, và cần thông báo trước ít nhất ba tháng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi năm ngoái, trước khi giành được quyền lực trong một cuộc bầu cử hồi tháng Chín, bà Meloni đã nói rõ rằng bà không tán thành quyết định của năm 2019, đồng thời cho biết bà “không có ý chí chính trị … ủng hộ sự bành trướng của Trung Quốc sang Ý hoặc châu Âu.”
Bà Meloni lưu ý rằng mặc dù Ý là nước duy nhất trong số các nền dân chủ giàu có G-7 đã ký bản ghi nhớ Vành đai và Con đường, nhưng đây không phải là quốc gia Âu Châu hay phương Tây có quan hệ kinh tế và thương mại mạnh nhất với chính quyền Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times