Xâm lược Đài Loan: Một mục tiêu mà ông Tập Cận Bình không bao giờ có thể đạt được
Phần 1/2
Sau khi ông Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng Toàn quốc khóa 20 hồi tháng Mười, nhiều người đã suy đoán ông sẽ làm những gì tiếp theo. Một hành động đáng lo ngại nhất đó là ông sẽ dùng vũ lực để xâm chiếm Đài Loan.
Đặc biệt là sau chiến tranh Nga-Ukraine, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và các viện nghiên cứu chính sách ở nhiều quốc gia đã chuyển sự chú ý của họ sang Trung Quốc, lo sợ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhân cơ hội này để phát động một cuộc chiến tranh chống lại Đài Loan.
Một số chuyên gia về Trung Quốc cũng cảnh báo rằng giấc mơ của ông Tập là duy trì quyền lực suốt đời và do đó, phải lập nên một công trạng mà dường như là một kỳ tích lịch sử quan trọng đối với ĐCSTQ, đó là thống nhất Đài Loan bằng vũ trang. Nhưng chúng ta phải xem xét bốn lý do tại sao việc ông Tập phát động cuộc chiến này lại là phi thực tế.
Công nghệ
Mặc dù Trung Quốc là một quốc gia sản xuất lớn, nhưng không phải là một cường quốc sản xuất. Hầu như tất cả các công nghệ chủ chốt đều nằm trong tay các quốc gia khác.
Ví dụ, vào ngày 16/04/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một lệnh cấm bảy năm, trong đó nghiêm cấm các công ty Hoa Kỳ bán linh kiện cho Tập đoàn ZTE, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của ZTE ngay lập tức bị xáo trộn. Theo bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA) ông Tập đã gọi điện cho Tổng thống đương thời Donald Trump và hỏi liệu ông Trump có thể giúp đưa ZTE trở lại hoạt động kinh doanh bình thường hay không.
Ông Trump hỏi ông Tập điều ông sẵn sàng đánh đổi là gì. Ông Tập trả lời rằng ông sẽ nộp phạt 500 triệu USD, đồng thời sa thải ban quản lý và ban giám đốc của công ty này. Ông Trump đáp lại với [mức phạt] 1.5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Trump muốn có được một mức độ bảo đảm an ninh cao và ZTE phải mua một số lượng lớn linh kiện của Hoa Kỳ. Sau một hồi thương lượng, ông Tập đã giảm khoản tiền phạt 1.5 tỷ USD mà ông Trump đề nghị xuống còn 1.3 tỷ USD.
Một ví dụ khác là Huawei. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã khiến hoạt động kinh doanh điện thoại di động của tập đoàn sụt giảm nghiêm trọng. Riêng năm 2021, công ty này chỉ bán được khoảng 35 triệu chiếc điện thoại, giảm 81.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái (tức 2020).
Chúng tôi biết rằng ĐCSTQ duy trì ổn định [xã hội] thông qua các camera giám sát ở khắp mọi nơi, nhận dạng khuôn mặt, thu thập dữ liệu lớn, v.v. Chính quyền này còn dựa vào sức mạnh điện toán và lưu trữ; không có vi mạch bán dẫn, ĐCSTQ không thể kiểm soát xã hội. Do đó, một lệnh cấm vận đối với lĩnh vực công nghệ cao sẽ gây nguy hiểm trực tiếp cho chính quyền ĐCSTQ.
Một số người có thể lập luận rằng trong suốt thời kỳ cai trị của ông Mao Trạch Đông, ĐCSTQ đã đạt được sự kiểm soát xã hội chặt chẽ mà không cần đến công nghệ tân tiến. Hơn nữa, tại sao Bắc Hàn có thể giành được toàn quyền kiểm soát đối với người dân của mình mặc dù nước này rất nghèo?
Chúng ta cần hiểu một điều — bất kỳ sự cai trị nào cũng phải trả giá. Hình thức cai trị ít tốn kém nhất là sự tuân thủ vô điều kiện của người dân. Nói cách khác, một hiện tượng phổ biến ở các quốc gia cộng sản là chế độ cai trị này làm cho nhà lãnh đạo tối cao giống như một vị thần. Bằng cách làm cho nhà lãnh đạo trở thành một người đầy thuyết phục, thông suốt, giống như một vị thần, người mà người dân phục tùng một cách ngớ ngẩn, điều đó hầu như không gây ra tổn thất gì nhiều bởi vì vị lãnh đạo này đã chinh phục được lòng dân. Nhưng hiện tại, Trung Quốc hoàn toàn không ở trong vị thế để có thể làm được điều đó.
Quá nhiều người Trung Quốc đã đặt cho ông Tập đủ loại biệt danh gièm pha chỉ trích. Nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Xiaohongshu (có nghĩa là “tiểu hồng thư,” giống như những gì Hồng vệ binh nắm giữ trong Đại Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao chủ tịch) đã tiết lộ 564 từ nhạy cảm liên quan đến ông Tập mà ĐCSTQ cố gắng kiểm duyệt, chẳng hạn như “Tập Bánh Bao” (“Baozi” là một loại bánh bao hấp của Trung Quốc) và “Tập Đầu Heo” (“Zhutou” có nghĩa là đầu heo rừng).
Do đó, ĐCSTQ chỉ có thể dựa vào các thế lực bên ngoài như công nghệ cao để duy trì sự cai trị của mình. Nếu ông Tập giao chiến với Đài Loan, thì điều đó có thể phá hủy quyền lực của ông ta.
Nền kinh tế
Nếu sự cai trị của ĐCSTQ chủ yếu dựa vào công nghệ cao, vốn cũng tốn kém không ít tiền của, thì ĐCSTQ không thể khiến nền kinh tế suy sụp hoàn toàn. Trong ngân sách hàng năm của chính quyền này, có một khoản lớn được gọi là “chi phí duy trì sự ổn định” để duy trì hoạt động của bộ máy đàn áp, chẳng hạn như tiền lương, và trang thiết bị của cảnh sát vũ trang, chi phí cho các cơ quan tình báo, cùng những thứ khác.
Kể từ năm 2011, các chi phí duy trì ổn định của ĐCSTQ đã vượt quá chi tiêu quân sự của chính quyền này, vốn tương đương với tiến hành chiến tranh chống lại người dân của chính chế độ này mỗi năm. Nếu nền kinh tế sụp đổ, hệ thống duy trì ổn định này sẽ ngừng hoạt động bởi vì cảnh sát vũ trang không bảo vệ ĐCSTQ vì lòng trung thành và sứ mệnh, mà vì để nhận lương.
Nếu ĐCSTQ tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ lũ lượt kéo đến và việc cộng đồng quốc tế ngừng giao thương với Trung Quốc sẽ không chỉ khiến nền kinh tế của nước này lao dốc, mà còn khiến cuộc sống của người dân trở nên bấp bênh.
Sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ đã và đang sử dụng việc cai trị hiệu quả của mình để trở thành một [đảng] chính thống; điều đó tức là chế độ này chưa được ủy quyền hợp pháp. Nhưng vì cuộc sống của người dân đã được cải thiện nhờ chính sách cải tổ và mở cửa cũng như việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nên người dân không đặt câu hỏi tại sao ĐCSTQ lại là đảng cầm quyền duy nhất. Thế nhưng, một cuộc suy thoái kinh tế sẽ biến quyền cai trị tựa hồ là danh chính ngôn thuận của ĐCSTQ thành một vấn đề nổi cộm. Đó là lý do tại sao ông Tập không đủ khả năng để xâm lược Đài Loan.
Lý do thứ ba là ông Tập lo cho sự an nguy của ngai vàng quyền lực. Lý do thứ tư là liệu ông ấy có thể chiến thắng cuộc chiến này hay không. Hai vấn đề này sẽ được khám phá trong phần thứ hai của bài xã luận này.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times