WTA: Cuộc gọi giữa siêu sao quần vợt Trung Quốc và IOC không làm hết lo ngại
‘Video này không làm thay đổi lời kêu gọi của chúng tôi về một cuộc điều tra minh bạch đối với cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy’
Hôm 22/11, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) cho biết, cuộc gọi video giữa tay vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không giải quyết hay giảm bớt mối lo ngại của WTA về tình trạng sức khỏe của cô.
Mối quan tâm trên toàn cầu về cựu vận động viên quần vợt đánh đôi số một thế giới đã ngày một gia tăng sau cáo buộc tấn công tình dục công khai hiếm hoi mà cô đã đưa ra chống lại một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng), người đã nghỉ hưu vào ngày 02/11 vừa qua. Bài đăng dài 1,500 ký tự trên tài khoản Weibo giống với Twitter đã được xác minh của cô đã biến mất chỉ sau nửa giờ đăng tải, và nữ vận động viên 35 tuổi này cũng đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong gần ba tuần qua.
Hôm 21/11, các ký giả của kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đã đăng tải hình ảnh và video cho thấy khuôn mặt tươi cười của cô Bành tại một giải đấu quần vợt dành cho trẻ em ở Bắc Kinh. Trước đó một ngày, tổng biên tập Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) của tờ báo khổ nhỏ này đã đăng tải một video lên Twitter, cho biết cô Bành đang ăn tối với huấn luyện viên và bạn bè của mình.
Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn không thể xua tan đi những lo ngại.
Một phát ngôn viên của WTA nói rằng, “Thật tốt khi nhìn thấy cô Bành trong các video gần đây, nhưng chúng không làm giảm bớt hoặc giải quyết mối lo ngại của WTA về tình trạng sức khỏe và khả năng của cô ấy trong việc giao tiếp mà không bị kiểm duyệt hay ép buộc.”
Khi được hỏi về cuộc trò chuyện với IOC, vị phát ngôn viên này cho biết: “Video này không thay đổi lời kêu gọi của chúng tôi về một cuộc điều tra đầy đủ, công bằng và minh bạch, không kiểm duyệt, đối với cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy, vốn là vấn đề làm dấy lên lo ngại ban đầu của chúng tôi.”
Trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (21/11), IOC cho biết cô Bành đã thực hiện một cuộc gọi kéo dài 30 phút với chủ tịch Thomas Bach. Trong cuộc gọi, cô Bành nói rằng cô vẫn an toàn và khỏe mạnh tại nhà riêng ở Bắc Kinh và mong muốn sự riêng tư của bản thân được tôn trọng trong khoảng thời gian này.
Tuyên bố [của IOC] không đề cập đến các cáo buộc lạm dụng tình dục của cô Bành. Thay vào đó, tuyên bố đưa ra một bức ảnh chụp cuộc gọi video cho thấy khuôn mặt tươi cười của cô Bành.
Trong các bình luận hiện đã bị xóa của mình, cô Bành đã cáo buộc cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) ép buộc cô quan hệ tình dục vài năm trước, và sau đó họ đã thiết lập một mối quan hệ đồng thuận trái với mong muốn của cô.
“Tôi không thể diễn tả nổi mình đã cảm thấy kinh tởm như thế nào… Tôi thấy mình như một xác chết không hồn,” cô bày tỏ trong bài đăng của mình.
Cuộc trò chuyện giữa IOC và cô Bành diễn ra khi IOC đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng Hai tới. Ủy ban Olympic đã gây chú ý với việc thúc đẩy Thế vận hội trong bối cảnh các nhóm nhân quyền toàn cầu và các quốc gia khác lo ngại về những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản này, kể cả những vi phạm đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Theo Reuters, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Alkan Akad cho biết hôm thứ Hai rằng, “IOC đang tiến vào lãnh địa nguy hiểm. Họ nên vô cùng thận trọng để không tham gia vào bất kỳ sự biện minh nào cho các vụ vi phạm nhân quyền có thể xảy ra.”
Ông nói rằng: “Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự mà mọi người hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc nói ra những gì họ bị ép phải nói.”
Trái ngược với lập trường của IOC, giải đấu quần vợt chuyên nghiệp nữ này đã quyết định phản đối nhà cầm quyền, đe dọa rút các giải đấu trị giá hàng chục triệu USD ra khỏi Trung Quốc vì vấn đề này.
Ông Steve Simon, Giám đốc Điều hành của WTA cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật: “Tôi đã nói minh bạch về những điều cần diễn ra và mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc đang ở ngã rẽ.”
Các cộng đồng quần vợt toàn cầu, kể cả Wimbledon (AELTC) và Hiệp hội Quần vợt Sân cỏ (LTA), đã tham gia chiến dịch của WTA nhằm kêu gọi minh bạch về sự an nguy của cô Bành.
Gần đây nhất, ông Nicolas Mahut đã cùng một nhóm các tay vợt như Roger Federer, Rafael Nadal, và Naomi Osaka bày tỏ mối lo ngại với hashtag Bành Súy Ở Đâu (#WhereIsPengShuai) trên các nền tảng mạng xã hội. Tay vợt đánh đôi người Pháp đã viết “Bành Súy ở đâu” trên một ống kính máy quay truyền hình sau khi anh và đồng đội của mình giành chức vô địch ATP World Tour Finals ở Turin vào hôm Chủ Nhật.
https://twitter.com/TennisTV/status/1462442139749658628
Liên Hiệp Quốc cũng đã bày đã tỏ lo ngại hôm 19/11, kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về các cáo buộc lạm dụng tình dục của cô Bành. Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng muốn có bằng chứng xác thực về nơi ở của cô Bành. Hôm Chủ Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc hãy để cô Bành trò chuyện công khai.
Chính quyền Trung Quốc đã không thừa nhận hoặc bình luận về cáo buộc này, nhưng các cuộc thảo luận về chủ đề đó đã bị chặn trên mạng internet bị kiểm duyệt gắt gao của nước này.
Đảng cộng sản cầm quyền (Trung Cộng) có “thành tích” trong việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến vì cái gọi là ổn định xã hội. Các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư hoặc những người tiết lộ đời tư của các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có thể bị buộc phải biến mất.
Cô Dorothy Li là một ký giả của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Doanh Doanh biên dich
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: