WHO: Bệnh lạ khiến 89 người Phi Châu tử vong ở Nam Sudan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã cử một đội phản ứng nhanh tới Nam Sudan sau khi nước này chứng kiến gần 100 ca tử vong vì một căn bệnh chưa được xác định.
Cô Sheila Baya, một phát ngôn viên của WHO, nói với BBC hôm 14/12 rằng căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 89 người ở tiểu bang Jonglei của Nam Sudan.
Cô Baya cho biết, “Chúng tôi đã quyết định cử một đội phản ứng nhanh đi điều tra và đánh giá rủi ro; điều đó là khi họ có thể thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những người bệnh… nhưng tạm thời, con số mà chúng tôi nhận được là 89 ca tử vong.”
Tuy nhiên, cô Baya cho hay hoạt động ứng phó của WHO đã gặp trở ngại do thời tiết khắc nghiệt gần đây và lũ lụt ở Fangak, tâm chấn của căn bệnh mới bí ẩn này. Một quan chức y tế địa phương của Nam Sudan nói với cô Baya rằng các mẫu ban đầu được thu thập trong khu vực cho kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tả, một bệnh do vi khuẩn thường liên quan đến lũ lụt.
WHO chưa đưa ra tuyên bố về căn bệnh này, và cô Baya không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào khác.
Tổ chức từ thiện quốc tế Medecins Sans Frontieres (MSF), hay Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, hoạt động ở Nam Sudan, cho biết trận lũ lụt này đã dội thêm áp lực lên các cơ sở y tế.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại về tình trạng suy dinh dưỡng, với các mức độ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng cao gấp hai lần ngưỡng của WHO,” MSF cho biết. “Và số trẻ em nhập viện của chúng tôi với tình trạng suy dinh dưỡng nặng đã tăng gấp đôi kể từ khi các trận lũ bắt đầu.”
Liên Hiệp Quốc cũng đã mô tả trận lũ lụt mới xảy ra này là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, khiến hơn 780,000 người trong khu vực này bị ảnh hưởng.
“Phụ nữ, trẻ em, và người cao tuổi đến trong tình trạng kiệt sức và đói,” ông Arafat Jamal, đại diện Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Nam Sudan, cho biết hồi tháng Mười về đợt lũ này.
“Một số người đã không ăn uống trong nhiều ngày. Những người khác mắc kẹt trên những hòn đảo ngập trong nước, trú ẩn dưới những tán cây, và không thể băng qua để đến nơi an toàn. Những người phụ nữ vô cùng lo lắng cho sức khỏe của con em họ, với nguy cơ bị nhiễm trùng từ các bệnh gây tử vong qua đường nước ngày càng tăng.”
Ông Shumon Sengupta, giám đốc quốc gia tại Nam Sudan của tổ chức nhân đạo Concern Worldwide, nói rõ hơn về tình hình của đất nước, vốn bị chia tách khỏi Sudan khoảng một thập niên trước.
Ông nói trong một tuyên bố, “Mức độ nghiêm trọng của trận lũ năm nay là vô cùng lớn. Hơn 200,000 người, hơn một phần tư dân số địa phương ở Tiểu bang Unity đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do nước lũ dâng cao.”
“Các gia đình đã phải di dời và đang trú ẩn trên vùng đất cao hơn, trong các tòa nhà công cộng, hoặc với hàng xóm hay gia đình. Việc tiếp cận các dịch vụ căn bản bao gồm hỗ trợ y tế và dinh dưỡng đã bị gián đoạn do các trạm y tế bị hư hại, ngập trong nước lũ, hoặc không thể tiếp cận được.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: