WeChat: Công cụ đắc lực nhất của ĐCSTQ để kiểm soát người Mỹ gốc Hoa
Trong khi người dân toàn thế giới đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa TikTok, thì một nền tảng truyền thông xã hội khác của Trung Quốc là WeChat lại đang xâm nhập và theo dõi một cộng đồng Hoa kiều rộng lớn ở hải ngoại.
Một người Mỹ gốc Hoa tên là Lyida Liu thấy mình đang trở thành một nạn nhân của sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) qua WeChat, một ứng dụng chia sẻ video trên mạng xã hội do Trung Quốc sở hữu.
Cô tạo lập tài khoản Mạch Thượng Mỹ Quốc (MoshangUSA) để làm một nguồn tin tức và bình luận về cuộc sống ở Mỹ quốc cho người Mỹ gốc Hoa. Cô đã cẩn thận về cái gọi là “lằn ranh đỏ” của ĐCSTQ, và tài khoản chính thức mà cô ấy ghi danh trên WeChat chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan đến nước Mỹ.
Khi WeChat cấm tài khoản chính thức của cô, cô có cảm giác là ĐCSTQ đã tước đi quyền của cô với tư cách là một người Mỹ được tự do nói về các vấn đề của nước Mỹ. “Cánh tay dài của ĐCSTQ đã vươn quá xa,” cô nói với The Epoch Times hôm 21/03.
Một tổ hợp kiểm soát xã hội
Ứng dụng của WeChat bao gồm hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống trực tuyến thường nhật của người Trung Quốc, với các tính năng từ nhắn tin và hội nghị truyền hình đến thực hiện cuộc gọi, thanh toán hóa đơn, đặt chỗ, chia sẻ hình ảnh và video trực tuyến, cũng như lan truyền tin tức. Tuy nhiên, ứng dụng này không hẳn là nơi an toàn cho quyền tự do ngôn luận hoặc tranh luận chính trị.
Anh Trương Tuấn Kiệt (Zhang Junjie), một sinh viên chuyên ngành lịch sử tại Đại học Mt. San Antonio ở California, là một người dùng WeChat. Anh nói rằng ứng dụng này là phương tiện duy nhất để anh giao tiếp với mọi người bên trong Trung Quốc. “Bởi vì họ không thể sử dụng phần mềm của ngoại quốc như Facebook và Line, nên tôi chỉ có thể sử dụng WeChat,” anh nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 20/03.
Bằng cách loại trừ những đối thủ ngoại quốc như Twitter, Facebook, WhatsApp, Instagram, và PayPal khỏi thị trường Trung Quốc, ĐCSTQ đã sử dụng WeChat — một tổ hợp phức tạp lồng ghép toàn bộ các tính năng của những ứng dụng nêu trên — như một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội. Ứng dụng này kiểm soát những nội dung mà người dùng nhìn thấy, những gì họ nói, và thậm chí cả sức mua của họ trong thế giới nói tiếng Hoa.
Anh Chung Sơn (Zhong Shan), một kỹ sư ở Thung lũng Silicon, cho biết về mặt kỹ thuật, WeChat là một công cụ có khả năng kiểm soát thông tin cao. Sau khi tiến hành các thử nghiệm của riêng mình, anh nói rằng “phạm vi giám sát của WeChat có thể tiếp cận toàn bộ các từ khóa trong 12 năm qua. Điều đó có nghĩa là, WeChat đã chặn tất cả các từ khóa bất lợi liên quan đến các sự kiện xã hội của Trung Quốc kể từ năm 2010.”
WeChat theo dõi, phân tích, và kiểm duyệt người dùng, cũng như chuyển giao dữ liệu cho nhà cầm quyền cộng sản. Điều này xảy ra là do ứng dụng này chịu sự chi phối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó các thuật toán được điều chỉnh để thúc đẩy luận điệu chống Mỹ của Đảng này. Phần mềm này kiểm duyệt bất kỳ thông tin nào trái ngược, và truyền bá hệ tư tưởng của ĐCSTQ trên toàn cầu — đặc biệt là tiêm nhiễm những tư tưởng đó trực tiếp vào cuộc sống của người Hoa ở hải ngoại.
Hệ thống kiểm duyệt toàn cầu của ĐCSTQ
Ứng dụng mạng xã hội đa chức năng WeChat có hơn 1.3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối năm 2022. Điều đó có nghĩa là hầu hết mọi gia đình, người thân, bằng hữu, và đồng nghiệp của người Trung Quốc đều sử dụng ứng dụng này.
Nhiều Hoa kiều — sinh viên, người nhập cư, và thế hệ Hoa kiều đầu tiên — dùng ứng dụng WeChat có trụ sở tại Trung Quốc này như nguồn thông tin của họ, cũng như để giữ liên lạc với bằng hữu và thân nhân của họ ở Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát năm 2018 về mức độ ảnh hưởng của chính quyền đối với cộng đồng nói tiếng Quan thoại ở Úc, 60% người tham gia khảo sát đã xác định WeChat là nguồn tin tức và thông tin chính của họ. Chỉ 21% nói rằng họ đọc tin tức trực tiếp từ trang web riêng của các hãng thông tấn.
Anh Chung Sơn nói rằng có tương đối ít người Hoa ở hải ngoại thực sự có trình độ công nghệ cao, trình độ học vấn cao, và trình độ tiếng Anh tốt. Anh ấy nói: “Trong giới người Hoa mà tôi đã tiếp xúc, hầu như đa số mọi người đều không sử dụng tiếng Anh làm công cụ để tiếp cận với thông tin. Họ không thể sống thiếu tài khoản chính thức trên WeChat. Tỷ lệ người đại lục ở Đài Loan sử dụng WeChat cũng rất cao.”
WeChat đã thiết lập một hệ sinh thái thông tin Hoa ngữ để giúp cho hoạt động tuyên truyền và kiểm duyệt của Bắc Kinh có được chỗ đứng trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Rõ ràng là, nhiều Hoa kiều đã hình thành các quan điểm tương tự như quan điểm mà chính quyền này đưa ra, và nhiều người dùng WeChat có khả năng tự kiểm duyệt một cách vô thức để tránh kích hoạt chức năng kiểm duyệt và giám sát của ứng dụng này.
Anh Trương Tuấn Kiệt đã quá quen thuộc với hoạt động kiểm duyệt của WeChat. Anh cho biết bất kỳ ai bày tỏ hoặc chia sẻ ý kiến về chính trị của Trung Quốc hoặc các chủ đề nóng khác — chẳng hạn như các vấn đề xã hội của Trung Quốc — sẽ được trải nghiệm điều đó. Anh Trương nói: “Đặc biệt là đối với những người nằm trong các nhóm chính sự đông thành viên.”
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016 bởi Phòng thí nghiệm Công dân tại Trường Munk về Chính sách Công & Các vấn đề Toàn cầu tại Đại học Toronto, WeChat đã áp dụng chính sách “Một Ứng dụng, Hai Hệ thống” cho phép công ty này đối xử khác biệt với người dùng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019, người dùng ở hải ngoại đã phải chịu sự kiểm duyệt tương tự, cũng như các chính sách khóa tài khoản giống như những gì mà người dùng tại hoa lục phải chịu đựng.
Một báo cáo năm 2019 cho thấy cách Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để kiểm duyệt người dân ở Hoa Kỳ thông qua WeChat.
Theo trang web công nghệ The Verge, ông Tạ Bân (Bin Xie), một nhà phân tích bảo mật thông tin tại Bệnh viện Nhi Texas, đã bị khóa tài khoản sau khi viết “Các ứng cử viên thân Trung Quốc đã hoàn toàn thua cuộc” liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019.
Anh Trương Tuấn Kiệt đồng cảm với những gì mà ông Tạ Bân gặp phải. Anh nói: “Trong phong trào dân chủ của Hồng Kông vào năm 2019, WeChat kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Tôi đã bị chặn ba lần: lần đầu tiên là do tôi phản đối nhận xét của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn lần thứ hai và thứ ba là vì tôi chia sẻ nội dung nhạy cảm.”
Chia sẻ của anh về phong trào Giấy Trắng ở Thượng Hải đã bị công nghệ lọc tin nhắn của Ứng dụng này kiểm duyệt, và không ai có thể xem được thông tin đó. Anh Trương cũng đã chia sẻ một đoạn phim ngắn về phong trào này, nhưng đoạn phim đó đã biến mất khỏi tài khoản của anh sau một giờ.
Anh Trương đã vài lần thử chia sẻ một video về cách Hồ Cẩm Đào bị đưa ra ngoài trong cuộc họp toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nhưng không ai trong danh sách liên lạc của anh có thể xem được video đó. Anh Trương nói, “Quý vị có thể thấy rằng bộ phận kiểm duyệt WeChat rất nghiêm ngặt đối với nội dung của video này.”
Người sáng lập MoshangUSA Lydia Liu cũng đã bị chặn tài khoản công khai của mình hồi tháng 10/2022, khi WeChat vô hiệu hóa hàng trăm ngàn tài khoản trong cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông, diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 10/2022. Cô nói: “Tôi không thích cũng không bình luận, nhưng tài khoản của tôi cũng bị chặn vào ngày hôm đó.
Kiểm duyệt kép của WeChat
Cách phổ biến nhất mà WeChat kiểm duyệt người dùng ở ngoại quốc là ẩn nội dung của họ mà họ không hề hay biết. Người dùng không biết nội dung của họ đã bị kiểm duyệt trừ khi họ tự kiểm tra nội dung đó.
Aaron Trương, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Sydney ở Úc, nói rằng anh đã trải nghiệm việc những người bạn của anh ở Trung Quốc sẽ không thể xem các bình luận nhạy cảm của anh cho đến vài ngày sau ra sao — sau khi nội dung nhạy cảm này bị xóa. “Tuy nhiên, chỉ mỗi tôi là thấy được nội dung đó,” anh nói.
Anh Trương Tuấn Kiệt giải thích rằng việc kiểm duyệt của WeChat [có mục tiêu] rất cụ thể và chính xác. Có những lúc bằng hữu của anh ở Trung Quốc không nhìn thấy bình luận của anh, trong khi những người có tài khoản ở ngoại quốc vẫn có thể nhìn thấy bình luận của anh. Anh nói: “Điều đó cho thấy sự kiểm duyệt của nhóm trò chuyện này đã được nhắm mục tiêu cụ thể đến người dùng trong nước
Cô Lydia Liu cho biết đây là một kiểu “ẩn bài đăng”, nghĩa là về lý thuyết, người dùng ngoại quốc có thể xem các bài đăng đó, nhưng người dùng trong nước thì không thể. Tuy nhiên, cô Liu cho biết cô thấy rằng việc kiểm duyệt người dùng Trung Quốc ở hải ngoại của WeChat không khác gì so với việc kiểm duyệt người dùng ở Trung Quốc.
Anh Trần là một người dùng WeChat ở San Francisco. Anh mô tả việc kiểm duyệt này thậm chí còn quỷ quyệt hơn là chỉ xóa các bài đăng. “Khi các bài đăng bị xóa, chúng tôi sẽ tìm cách khác để thể hiện,” anh nói. “Tuy nhiên, cách làm ẩn bài đăng này khiến chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào và khiến những nỗ lực của chúng tôi trở nên hoàn toàn vô ích.”
Anh Trần đã ở Trung Quốc vào thời gian ĐCSTQ áp đặt lệnh phong tỏa. Bài đăng của anh mô tả chính sách phong tỏa là vô nhân đạo đã bị chặn khỏi tầm nhìn của những tài khoản WeChat của bạn bè anh và anh ấy là người duy nhất có thể nhìn thấy nội dung đó. Anh ấy đã cố chụp ảnh màn hình của đoạn văn bản đó, nhưng nó lại bị chặn. Sau đó anh chụp lại nội dung đó dưới dạng viết tay, nhưng vẫn không được.
Sau khi trở về Hoa Kỳ, anh thấy mình nằm trong danh sách theo dõi của WeChat. Anh không còn có thể gửi bất kỳ bình luận nào liên quan đến chính trị — dù là nói bóng gió hay nói kiểu hài hước.
WeChat đã trở thành một bức tường lửa thông tin chỉ cho phép luồng thông tin một chiều. Ứng dụng này cho phép thông tin bị kiểm duyệt trong nước được hiển thị tự do với thế giới bên ngoài, nhưng ngăn không cho thông tin bên ngoài xâm nhập vào nền tảng. Theo nghĩa này, ứng dụng này đang tạo thuận lợi cho sự kiểm duyệt của ĐCSTQ đối với thế giới.
Thuật toán chống Mỹ
Cô Lydia Liu đã bị chặn bài đăng đầu tiên trong Thế vận hội Olympic vừa qua. WeChat đã vô hiệu hóa tài khoản của cô trong hai tuần vì bình luận của cô về việc đội Mỹ giành được nhiều huy chương vàng hơn đội Trung Quốc.
Một bài viết khác của cô — khuyên mọi người đừng hoảng sợ về đại dịch COVID-19 — đã khiến cô bị khóa tài khoản trong sáu tháng.
Việc tự kiểm duyệt của cô đã không ngăn được WeChat loại hàng chục bài viết của cô trước khi đăng tải, mà tính đến nay đã có hơn 40 bài viết đã bị xóa. Ngay cả khu vực bình luận cũng bị kiểm duyệt.
Các tài khoản của cô đã bị sách nhiễu và tấn công trực tuyến nhiều lần.
Trải nghiệm của cô Liu với tài khoản công khai của mình đã thuyết phục cô rằng WeChat không chỉ hạn chế bất kỳ và tất cả các bình luận bất lợi về ĐCSTQ, mà còn nhắm vào những người ủng hộ tự do và dân chủ.
Cô nhận ra rằng từ năm 2020, WeChat đã cấm bất kỳ tài khoản nào — và thường là vì những lý do không thể lý giải.
Theo quan sát của cô, WeChat sẽ loại bỏ các tài khoản có rất ít bình luận về ĐCSTQ, có lẽ với tỷ lệ 5%, trước khi dần dần mở rộng ảnh hưởng của mình. Cô ấy nói: “Việc kiểm duyệt diễn ra “từ tài khoản cá nhân, đến tài khoản nhóm, và tài khoản chính thức của WeChat.”
Đối với các tài khoản chính thức WeChat còn tồn tại, những kẻ lừa đảo trực tuyến thường can nhiễu tài khoản đó bằng cách đăng những bình luận khó chịu. Cô Liu nói rằng với tư cách cá nhân, thật khó để một mình đương đầu với “nguồn nhân lực và vật lực lớn mạnh mà ĐCSTQ đã đầu tư vào cuộc chiến thông tin nhằm vào người Mỹ gốc Hoa này.”
Một blogger Trung Quốc có biệt danh “Thisistheway” cũng cho biết gần đây WeChat đã khóa vĩnh viễn tài khoản của ông. Điều này là do một bài đăng hồi tháng Hai mà ông viết về khinh khí cầu do thám Trung Quốc, giải thích rằng chiếc F-22 của Mỹ chỉ bắn một quả Sidewinder là hạ được khinh khí cầu, chứ không phải điều mà cỗ máy tuyên truyền mạng theo chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ rao giảng là phải cần đến “ba hỏa tiễn”.
Một bài báo trước đây của ông có tiêu đề “Bắt đầu từ quả bóng bàn, kết thúc bằng khinh khí cầu,” đã mô tả mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc và mối liên hệ này đã phát triển đến mức “ngay cả một quả khí cầu bay lạc cũng không thể dung thứ được”. Bài viết này không vượt qua được bộ lọc nội dung của WeChat.
Ông giải thích rằng Thisistheway hoàn toàn nhận thức được tính nhạy cảm của bài viết đó. Nhưng ông nói rằng ông không hề hay biết rằng ngay cả số lượng hỏa tiễn cũng không thể được thảo luận.
Mặc dù WeChat sẽ kiểm duyệt hoặc chê bai nội dung có lợi cho Hoa Kỳ, các bài đăng tiêu cực về cuộc sống ở Hoa Kỳ vẫn lan truyền hàng ngày, bao gồm cả các bài báo cho rằng Hoa Kỳ đối xử với người Trung Quốc như công dân hạng hai, rằng người da trắng luôn phân biệt đối xử với người Trung Quốc, rằng bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ đang vượt ngoài tầm kiểm soát, v.v.
Anh Trương Tuấn Kiệt đã đưa ra một số ví dụ. Anh cho biết WeChat chắc chắn sẽ xóa bất kỳ bình luận nào có lợi cho nước Mỹ, chẳng hạn như cách cảnh sát Mỹ đối xử với một người mẹ bế con so với cảnh sát Trung Quốc, hay sự khác biệt về chất lượng không khí giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times