Warsaw: Tổng thống Biden tán dương Ba Lan, lặp lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Kyiv
Hôm 21/02, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã có một bài diễn văn tại Warsaw, trong đó ông ca ngợi nước chủ nhà Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh thêm một lần nữa về sự ủng hộ kiên định của Hoa Thịnh Đốn đối với nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Ông cũng thẳng thắn lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, vốn được phát động lần đầu tiên vào ngày 24/02/2022.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng được người đồng cấp Ba Lan, ông Andrzej Duda, ca ngợi. Ông Duda đã cảm ơn Hoa Kỳ và NATO vì đã hỗ trợ Ukraine và bảo vệ “thế giới tự do.”
“Ukraine muôn năm, NATO muôn năm, Mỹ quốc muôn năm, Ba Lan muôn năm,” ông Duda cảm thán. “Không có đoàn kết, thì không có tự do.”
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, thành viên NATO Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ nhiệt thành nhất của Kyiv, cung cấp cho Ukraine rất nhiều xe tăng chiến đấu.
Lên bục ngay sau đó, TT Biden gửi lời chào tới người dân Ba Lan, những người mà ông mô tả là “những đồng minh vĩ đại của chúng tôi.”
“Một năm trước, mọi người trên thế giới đã dự đoán là Kyiv sẽ thua,” ông tuyên bố. “Nhưng tôi vừa trở về từ Kyiv, và tôi có thể nói với quý vị rằng Kyiv vẫn đứng vững.”
Hôm 20/02, TT Biden đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, nơi ông gặp mặt TT Ukraine Volodymyr Zelensky và cam kết viện trợ thêm 500 triệu USD cho Kyiv.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, TT Biden đã tiếp đón TT Zelensky tại Tòa Bạch Ốc, nơi ông lặp lại sự ủng hộ “không lay chuyển” mà chính phủ của mình dành cho Ukraine.
Kể từ khi TT Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 25 tỷ USD viện trợ an ninh.
Trong bài diễn thuyết tại Warsaw, TT Biden nói rằng khi TT Nga Vladimir Putin “ra lệnh cho xe tăng của ông ấy lăn bánh vào Ukraine, ông ấy nghĩ rằng chúng tôi sẽ để yên cho xe lăn qua.”
“Ông ấy đã sai,” TT Biden khẳng định. “Thay vào đó, ông ấy thấy mình đang giao chiến với một người có lòng quả cảm được tôi luyện trong lửa và thép: ông Volodymyr Zelensky.”
“Ông Putin nghi ngờ sức mạnh bền bỉ của chúng tôi,” ông cho biết thêm. “Nhưng sự ủng hộ mà chúng tôi dành cho Ukraine sẽ không dao động.”
Vào trước đó, hôm 21/02, TT Biden cũng đáp lại những tuyên bố mà TT Putin đưa ra trong một bài diễn văn ở Moscow.
“Chúng tôi không tìm cách kiểm soát Nga. Chúng tôi không có âm mưu tấn công Nga, như ông Putin đã nói hôm nay,” TT Biden cho hay. “Ông Putin đã chọn cuộc chiến này, và ông ấy có thể kết thúc cuộc chiến ấy ngay hôm nay bằng một lời nói.”
Đề cập đến các chiến dịch phản công của Ukraine năm ngoái, ông cho biết thêm: “Từ Kherson đến Kharkov, quân đội Ukraine đã giành lại được lãnh thổ của họ. Quốc kỳ vàng xanh lại tung bay một lần nữa.”
Như đã làm ở Kyiv ngày hôm trước, TT Biden cũng nhân cơ hội này để nhắc lại sự ủng hộ không ngừng của Hoa Thịnh Đốn đối với Ukraine.
Ông cho biết, Hoa Kỳ đi đầu trong “liên minh 50 quốc gia” nhằm hỗ trợ Kyiv và bảo đảm rằng nước này “có những thứ mà họ cần để tự vệ.”
TT Biden cũng ca ngợi tính lưỡng đảng trong sự ủng hộ của Hoa Kỳ, đồng thời cho biết rằng, “Cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đã cùng nhau ủng hộ Ukraine.”
Khi đề cập đến một loạt các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với nền kinh tế Nga, TT Biden cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.”
TT Biden kết luận bằng cách tán dương liên minh NATO gồm 30 thành viên, mà ông mô tả là “liên minh phòng thủ mạnh nhất thế giới.”
Ông cũng tuyên bố liên minh này “đoàn kết hơn bao giờ hết.”
“Tấn công vào một thành viên tức là tấn công vào tất cả mọi thành viên,” TT Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ có “một lời thề thiêng liêng là phải bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO.”
Mặc dù Ukraine không phải là thành viên NATO, nhưng Kyiv được cho là đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh Tây phương này.
Hôm 22/02, TT Biden dự kiến sẽ nhóm họp với các nhà lãnh đạo của nhóm đồng minh được gọi là Bucharest Nine (B9), một nhóm thành viên sườn phía Đông của NATO được thành lập vào năm 2015.
Ngoài Ba Lan, vốn đã gia nhập liên minh này vào năm 1999, B9 gồm có Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Romania, và Slovakia.
TT Biden đã đến thăm Ba Lan hồi đầu năm ngoái, ngay sau cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Ukraine. Trong chuyến thăm đó, ông đã công khai tuyên bố rằng TT Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” — một khẳng định sau đó đã được Tòa Bạch Ốc rút lại.
Chuyến công du mới nhất của tổng thống Hoa Kỳ tới Warsaw là để tập hợp các đồng minh của Kyiv trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất mãn với cuộc xung đột kéo dài một năm này — một cuộc chiến khiến cho chi phí năng lượng tăng cao và kho vũ khí Âu Châu cạn kiệt.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ đối với cuộc chiến này đang giảm dần ở cả Âu Châu và Hoa Kỳ.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ở Hoa Thịnh Đốn, những người giành được quyền kiểm soát Hạ viện hồi năm ngoái, đã lên tiếng phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Kyiv.
Ngay từ đầu cuộc xâm lược, Nga đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Donbas phía đông và vùng duyên hải phía nam Hắc Hải của Ukraine.
Sau khi giám sát các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hồi tháng Mười năm ngoái, Moscow đã tuyên bố đơn phương sáp nhập bốn vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson với Nga.
Kyiv và các nước đồng minh bác bỏ tính hợp pháp của hành động này, trong khi các quan chức quân đội Ukraine — được những người ủng hộ phương Tây khích lệ tinh thần — đã tuyên bố sẽ giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đoạt bằng vũ lực.
Moscow nói rằng cuộc xâm lược của họ và các cuộc sáp nhập sau đó là nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga ở khu vực Donbas khỏi những hành vi lạm dụng được cho là do chính phủ Kyiv gây ra.
Về phần mình, Kyiv bác bỏ cáo buộc này, nói rằng các hành động này là một cuộc xâm chiếm lãnh thổ bất hợp pháp.
Dù cho các chiến dịch phản công của Ukraine vào mùa thu năm ngoái có thành công, nhưng kể từ đó quân Nga dường như đã giành lại thế chủ động.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times