Vượt qua sợ hãi: ‘Những gì gia đình tôi đã trải qua chỉ là phần nổi của tảng băng trôi’
Cô Trương Hồng Ngọc (Hongyu Zhang) sẽ không bao giờ quên cái ngày vào năm 2014 đó, khi mà cô đào thoát khỏi Trung Quốc, bỏ lại cha cô một mình. Chỉ sáu tháng trước khi cô đi, mẹ cô đã qua đời vì tra tấn trong quá trình bị công an giam giữ. Cô Trương, hiện là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, cho biết rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của cô là mất liên lạc với cha cô ở Trung Quốc. Hôm 13/08, khi cô không thể liên lạc với cha mình qua điện thoại, cô biết rằng đó là lúc cô đối mặt với nỗi sợ hãi lớn nhất của mình.
Cô Trương và cha mẹ cô đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức. Môn tu luyện này đã thu hút hơn 70 triệu người theo học vào cuối những năm 1990 ở Trung Quốc vì những lợi ích về sức khỏe và sự thăng hoa về đạo đức của môn này. Chính quyền Trung Quốc, vì lo sợ trước sự phát triển nhanh chóng và phổ biến của Pháp Luân Công, đã tiến hành một cuộc đàn áp môn tu luyện này hồi tháng 07/1999.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Qua những người họ hàng, hôm 10/08 cô Trương phát hiện rằng cha cô đã bị cảnh sát bắt đi, họ cũng lục soát căn nhà cha cô ở. Cha của cô Trương tên là Trương Minh đang bị giam tại đồn cảnh sát địa phương ở thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Đồn cảnh sát này không cho phép họ hàng của ông Trương tới thăm ông.
Ông Trương Minh, 64 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Tình trạng sức khỏe của ông được cải thiện đáng kể ngay sau khi ông bước vào tu luyện. Ông đã bỏ hút thuốc lá và uống rượu. Ông làm việc tại Ngân hàng Trung Quốc, sau đó chuyển sang làm việc tại tòa án quận ở thành phố Đan Đông. Trong thời gian làm việc ông đã nhận được sự tán dương của đồng nghiệp và cấp trên.
Cả nhà cô đều được hưởng phúc thọ khi tu luyện chiểu theo các bài giảng đạo đức của Pháp Luân Công lấy nguyên lý chân, thiện, và nhẫn làm kim chỉ nam.
Những năm tháng đầy biến động dưới cuộc bức hại
Cô Trương kể lại rằng sau đó cuộc bức hại này bắt đầu khiến “mọi chuyện đảo lộn”, “nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ tín tâm của mình. Từ những năm tháng thiếu thời, tôi đã nhiều lần phải chịu cảnh sống xa cha mẹ.”
Năm 2001, cha của cô Trương đến Bắc Kinh chỉ để nói với chính quyền Trung ương rằng Pháp Luân Công là tốt. Nhưng ông đã bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong ba năm.
Năm 2007, mẹ của cô Trương bị bỏ tù và tra tấn dã man tại Trại lao động Mã Tam Gia khét tiếng. Sau hơn ba tháng bị tra tấn trong trại lao động, bà tưởng chừng như mất đi sinh mạng. Vì lo sợ bà sẽ qua đời ngay trong trại nên trại lao động này đã thả bà về.
Hồi tháng 09/2013, mẹ của cô Trương lại bị bắt lúc bà đang nói sự thật về Pháp Luân Công cho mọi người ở bên ngoài nhà của bà. Sau đó, công an cũng bắt cô Trương và ba cô. Họ đã bị thẩm vấn rất khắc nghiệt. Cô Trương đã tận mắt chứng kiến cảnh mẹ cô bị tra tấn. Bà bị bắt ngồi im trên một chiếc ghế sắt trong một thời gian dài, cổ tay cổ chân bị trói chặt vào ghế.
Cuối cùng, khắp cơ thể của mẹ cô Trương trở nên sưng tấy. Bà xuất hiện chứng tiểu không tự chủ, huyết áp tăng vọt đến 230. Một lần nữa, khi bà ở trong tình trạng nguy kịch, công an mới thả bà về. Nhưng lần này bà đã không qua khỏi.
Mẹ của cô Trương đã qua đời vào tháng Mười Một năm đó, hai tháng sau khi bà bị bắt.
Đó là lúc cô Trương buộc phải đưa ra quyết định khó khăn, đó là rời khỏi Trung Quốc. Nếu làm vậy, cô có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại này bằng cách kể cho mọi người biết câu chuyện của gia đình cô.
Hồi tháng 06/2018, ba của cô Trương đã bị bắt khi đang phân phát những cuốn sách nhỏ giới thiệu về Pháp Luân Công. Ông bị kết án một năm tù. Cô Trương đã diễn thuyết tại các cuộc mít-tinh về nhân quyền, biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc, và viết thư cho các quan chức Hoa Kỳ về hoàn cảnh của cha cô.
‘Chỉ là phần nổi của tảng băng trôi’
Lo sợ rằng người cha tuổi già sức yếu của mình sẽ không thể chịu được những đòn tra tấn đó, cô Trương đã khẩn nài sự giúp đỡ của các quan chức dân cử. “Tôi đã mất đi người mẹ của mình vì cuộc bức hại này. Tôi không muốn điều đó lại một lần nữa xảy ra với cha tôi.”
Cô Trương nói: “Những gì cả nhà tôi đã trải qua chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong cuộc đàn áp mang tính diệt chủng và phi nghĩa đối với những người vô tội. Tại Trung Quốc, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị mất việc làm, mất đi người thân, hoặc gia đình tan nát.”
“Tuy nhiên, theo Hiến pháp và luật pháp Trung Quốc, tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc là hợp pháp. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã kéo dài cuộc đàn áp này thông qua tuyên truyền, bạo lực, và cưỡng bức.”
“Tôi cảm thấy rất may mắn khi được đến vùng đất tự do Hoa Kỳ này. Tôi mong rằng qua câu chuyện của gia đình tôi, mọi người có thể có một cái nhìn thoáng qua về sự tà ác của chủ nghĩa cộng sản,” cô Trương nói. “Tôi mong là có thể sớm liên lạc được với cha.”
Cô Kelly Song là một cây viết của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.