Vượt qua cửa khảo nghiệm sắc dục, chàng trai thoát sinh tử đắc phúc lành
Vào thời Vạn Lịch triều Minh, ở huyện Ngân tỉnh Chiết Giang (nay thuộc thành phố Ninh Ba) có một tú tài tên là Lục Thế Khoa, là một danh sĩ có tiếng. Ở Hàng Châu có một phú hộ họ Mã, trong tâm thường hối hận vì đã không đọc sách dù chỉ một ngày. Ông ấy có một cậu con trai bốn tuổi tên là Mã Ký Lương, muốn tìm một người thầy tốt để dạy học cho cậu bé. Khi nghe danh tiếng của Lục tú tài, ông liền chuẩn bị một mức lương hậu hĩnh và mời tú tài đến dạy học cho con mình.
Lục Thế Khoa đã đến học quán nhà họ Mã làm thầy giáo, và được chủ nhà rất kính trọng. Thường ngày, Lục Thế Khoa luôn nghiêm khắc ước thúc bản thân. Nhũ mẫu và nô tỳ trong Mã phủ chăm sóc cho Mã Ký Lương, mỗi ngày đều đi đi lại lại giữa chỗ của Mã phu nhân và học quán. Tuy nhiên, Lục Thế Khoa luôn chính tâm đoan tọa, tâm dường như bất động. Ngoại trừ việc dạy học, anh không quan tâm đến các chuyện lớn nhỏ của nhà họ Mã.
Một ngày nọ, tỳ nữ Tương Thanh đem trái mơ tặng cho các học trò trong học quán. Tương Thanh bèn lấy một trái mơ và nói với Lục Thế Khoa rằng: “Tiên sinh, mời dùng mơ”. Lục Thế Khoa lắc đầu nói: “Không cần”. Tỳ nữ Tương Thanh liếc mắt cười nói: “Không dùng mơ, vậy dùng ‘hạnh’ của thiếp nhé?”
(Chữ Thanh “青” và Hạnh “杏” – trái hạnh (giống cây mận) là đồng âm với nhau)
Lục Thế Khoa lập tức nhặt cây thước lên và đập một cái xuống bàn, âm thanh rền vang. Tỳ nữ Tương Thanh sắc mặt tái xanh, sợ hãi bỏ đi. Kể từ đó, những người hầu khi vào đại sảnh đều đi chậm rãi, thái độ nghiêm cẩn, đối với Lục Thế Khoa càng thêm cung kính.
Lục Thế Khoa dạy trong học quán nhà họ Mã được nửa năm, các học trò của anh đều ngôn hành đoan chính, một mực tuân theo các quy phạm của thầy. Mỗi lần sau giờ học, Lục Thế Khoa đều yêu cầu Ký Lương ngồi vào một góc, kể cho cậu bé nghe những câu chuyện cổ kim về lòng hiếu thảo. Dần dà như vậy, Ký Lương ngày càng ham thích học tập, không có cảm giác buồn chán.
Lục Thế Khoa nói với Mã phú hộ rằng: “Giáo dục vỡ lòng là nền tảng bồi dưỡng phẩm cách chính trực, là khởi đầu để sau này thành tựu đại nghiệp. Đây chính là thời kỳ mấu chốt cho thành công hay thất bại trong cả đời. Vậy nên, trước khi trau dồi tài năng văn học nghệ thuật, cần tu sửa tâm tính, nếu nền tảng không chính, thì dù tài năng sau này chấn động thiên hạ, nhưng tiết tháo có khuyết điểm, vậy có ích lợi gì đây?”. Vợ chồng nhà họ Mã đều rất hài lòng về công phu chỉ dạy từng bước của Lục tiên sinh.
Đến một năm nọ vào cuối thu, trời mưa liên miên, Lục Thế Khoa thỉnh thoảng mắc bệnh cảm lạnh, thường nằm nghỉ ngơi trên giường. Sau giờ học, Ký Lương kể lại sự tình với mẹ của mình. Mã phu nhân sợ Lục Thế Khoa đắp chăn không đủ ấm, bèn sai thị nữ bọc một tấm lụa mới gửi vào phòng của tiên sinh. Sáng sớm hôm sau, Mã phú hộ đến thăm tình trạng của Lục Thế Khoa, khi đó Lục Thế Khoa vẫn còn chưa dậy. Mã phú hộ nhìn thấy một đôi giày nữ màu đỏ bên cạnh giường, lặng lẽ nhặt lên thì thấy đó chính là giày của vợ mình, liền nhét chiếc giày vào trong tay áo rồi quay về.
Quay trở lại phủ, Mã phú hộ vặn hỏi tại sao đôi giày của vợ lại ở trong phòng của Lục Thế Khoa? Vợ ông nói rằng nô tỳ khi gói lụa tặng, không cẩn thận đã bọc nó vào trong. Mã phú hộ vẫn không tin. Đến tối, Mã phú hộ sai tỳ nữ giả vờ thừa lệnh bà chủ mời tiên sinh đến gặp mình, còn ông ấy cầm dao đi sau. Ông thầm nghĩ nếu Lục Thế Khoa mở cửa, sẽ lập tức giết hắn ta.
Khi Lục Thế Khoa nghe tỳ nữ truyền lại mệnh lệnh của bà chủ, anh vô cùng tức giận, quát to: “Này, cô đang nói cái gì vậy? Đến khi trời sáng tôi sẽ nói lại với chủ nhân của cô, ông ấy sẽ đánh chết cô”.
Lần này khi Mã phú hộ trở lại phủ, ngờ vực trong lòng vẫn chưa được tiêu tan. Lần này ông bắt vợ phải đến gõ cửa phòng Lục Thế Khoa vào giữa đêm. Khi Lục Thế Khoa nghe thấy tiếng gõ cửa, liền hỏi là ai. Ngoài cửa có giọng của Mã phu nhân vọng vào.
Thế Khoa nói: “Tôi được hiền phu mời làm thầy giáo, làm sao có thể trong đêm làm bại hoại phẩm đức được? Trong đêm tối nào có chuyện gì để phu nhân gặp tôi?”
Đối phương trả lời: “Xin chàng mở cửa, thiếp có chuyện muốn nói với chàng”.
Thế Khoa nói tiếp: “Phu nhân và tôi liệu có gì để nói? Ngay cả khi có điều gì muốn nói, mời ngày mai hãy đi cùng ông chủ. Cánh cửa này là quan sinh tử, là ranh giới giữa người và thú, nhanh mời lùi bước! Danh nghĩa hiền phu cả đời đã bị phu nhân phá hỏng rồi! Công việc thầy giáo này tôi không làm nữa, tuyệt sẽ không mở cánh cửa này cho phu nhân!”
Thế Khoa chính trực bất dâm, ông chủ họ Mã biết điều đó, bèn buông con dao nhọn xuống. Một kiếp nạn sinh tử giữa họ cũng đã được giải quyết xong.
Sáng sớm hôm sau, Lục Thế Khoa liền xin rời khỏi học quán. Ông chủ họ Mã xin lỗi Lục Thế Khoa, thốt lên rằng: “Tiên sinh chính là bậc quân tử.”
Cửa dâm dục thực sự là cửa sinh tử, là ranh giới giữa người và thú! Một khi cánh cửa này được mở ra, hậu họa cũng sẽ theo đó mà tới! Có thể qua được khảo nghiệm này sẽ đắc phúc báo trong tương lai. Vào năm Vạn Lịch thứ 35 (năm 1607), Lục Thế Khoa lọt vào bảng vàng của kỳ thi Đình, làm quan đến Đại Lý Khanh. Khi Ngụy Trung Hiền (một trong những đại hoạn quan tai tiếng nhất và nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc) làm mưa làm gió trong triều đình, hầu hết mọi người trong triều đều ngả theo ông ta, nhưng Lục Thế Khoa vẫn đứng vững, cả đời không đánh mất tiết tháo của mình.
Vào năm Sùng Trinh thứ 3 triều Minh (năm 1630), cây cầu “Sung Sung Đông Kiều” nối Liễu Đinh và bờ Tây của Hồ Nguyệt ở Ninh Ba (cây cầu được tăng nhân Uẩn Trăn xây dựng vào năm Thiên Hi thứ 5 thời Bắc Tống) đã được đổi tên thành “Lục Điện Kiều” để tưởng nhớ Lục Thế Khoa. Gia tộc họ Lục đã xây dựng miếu Quan Đế bên cạnh cây cầu, thường được người dân gọi là “Hồ Tây Lục Điện”.
Tài liệu tham khảo:
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ