Vương quốc Anh: Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp kêu gọi việc thiết lập lại quan hệ thương mại với EU
Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của Vương quốc Anh đã kêu gọi thủ tướng sắp tới thiết lập lại các quan hệ thương mại của Anh với Liên minh Âu Châu (EU), vốn vẫn là thị trường xuất cảng sản xuất thống trị của Anh.
Trong một báo cáo được công bố hôm 18/07, Make UK, một nhóm kinh doanh đại diện cho các nhà sản xuất của Anh và công ty tư vấn kinh doanh BDO, cho biết thị trường Âu Châu vẫn là điểm đến rất được ưa chuộng đối với lĩnh vực sản xuất của Vương quốc Anh, với một nửa lượng xuất cảng hàng hóa sản xuất của Anh đến EU trong năm ngoái.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng các khu vực đã bỏ phiếu cho Brexit, trong đó có Wales, đông bắc, và Trung du phía Đông, đã gia tăng sự phụ thuộc của họ vào EU về xuất cảng hàng hóa sản xuất.
‘Điểm đến chính’
Make UK cho biết thủ tướng mới, người sẽ thay thế ông Boris Johnson ở Downing Street vào đầu tháng Chín tới, nên lập tức thực hiện các bước để đổi mới quan hệ thương mại với EU, vì “ở mức độ nào đó” thì khối 27 quốc gia này vẫn là điểm đến quan trọng nhất cho việc xuất cảng hàng hóa của Vương quốc Anh.
Cô Verity Davidge, giám đốc chính sách của nhóm, cho biết: “Bất chấp những thảo luận về ‘Nước Anh Toàn cầu’, lịch sử cho thấy địa lý luôn là yếu tố quyết định chính của thương mại. EU luôn là điểm đến chính của các nhà sản xuất, những người dường như ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn chứ không phải ít hơn vào EU như một thị trường.
“Do đó, điều quan trọng là chính phủ hiện phải thực hiện các bước để thiết lập lại mối quan hệ thương mại với khối và, nếu có thể, nới lỏng và đơn giản hóa giao dịch để đặc biệt thúc đẩy xuất cảng cho các SME [ các doanh nghiệp vừa và nhỏ].”
Ông Richard Austin của BDO cho biết, “Các doanh nghiệp sản xuất đã làm rất tốt trong việc thích ứng với các quy tắc mới hậu Brexit để giao dịch với EU, nhưng sự hỗ trợ liên tục của chính phủ cũng có thể cần thiết, đặc biệt là đối với các công ty quy mô nhỏ hơn.”
Tranh cãi về Bắc Ireland
Vương quốc Anh hiện đang vướng vào một cuộc tranh cãi gay gắt với EU về các thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa lục địa Anh và Bắc Ireland, một tỉnh của Vương quốc Anh có chung đường biên giới trên bộ với Cộng hòa Ireland, một quốc gia thành viên EU.
Ông Johnson đã ký Nghị định thư Bắc Ireland với EU vào năm 2019 như một phần của thỏa thuận rút khỏi Brexit, với các biện pháp nhằm ngăn chặn một biên giới cứng trên đảo Ireland.
Nhưng nghị định thư này đã bị các nghiệp đoàn viên ở tỉnh của Anh, những người phàn nàn rằng nghị định đó giữ Bắc Ireland nằm trong thị trường đơn nhất EU trong khi xây dựng một biên giới ở Biển Ireland giữa tỉnh này và lục địa Anh, phản đối dữ dội.
Tháng trước, chính phủ của ông Johnson đã tiết lộ kế hoạch loại bỏ các phần của nghị định thư. Đáp lại, EU đã tiến hành hành động pháp lý và chỉ trích Vương quốc Anh vì có ý định “đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế”.
Bản tin có sự đóng góp của PA Media.