Vương Hỗ Ninh: Giám đốc Tiếp thị của Bắc Kinh
Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – Trung Cộng) thì những phương châm hành động được công nhận là chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa Mao, học thuyết của Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện, Quan điểm Phát triển Khoa học, và tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với các Đặc trưng Trung Quốc trong Kỷ nguyên Mới (Tư tưởng Tập), như đã nêu trong hiến pháp của quốc gia này.
Ở đằng sau các phương châm của Đảng, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) là cây bút chính cho Ba đại diện, Quan điểm Phát triển Khoa học, và Tư tưởng của ông Tập.
Ông Vương, chiến lược gia phục vụ qua ba đời lãnh đạo của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình, đã giúp đúc kết những tư tưởng của lãnh đạo khi họ định hướng cho các đảng viên. Trên thực tế đã có một số người đặt biệt hiệu cho các bài viết [của ông Vương] là “Tư tưởng Vương Hỗ Ninh.”
Xuất xưởng nhanh chóng
Ông Vương vốn là một giáo sư về Chính trị Quốc tế. Năm 1995, ông Giang Trạch Dân đưa ông ta vào Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương (Văn phòng). Ông Vương trở thành giám đốc Văn phòng và giữ chức vụ này trong 26 năm, nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử ĐCSTQ, cho đến tháng 10/2020.
Ông Đặng Tiểu Bình, cốt cán lãnh đạo thế hệ thứ hai của ĐCSTQ, đã qua đời năm 1997.
Sau khi ông Đặng qua đời, trong cuộc họp năm 1997 của cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ, lãnh đạo lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã quảng cáo học thuyết Đặng Tiểu Bình là phương châm duy nhất cho số phận và tương lai của Đảng.
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, ông Giang đã đề ra cho các đảng viên phương châm của riêng mình, đó là Thuyết Ba đại diện.
Phải mất đến 24 năm để chính thức thiết lập nên chủ nghĩa Mao, tính từ khi ĐCSTQ được thành lập vào năm 1921 và công khai năm 1945; Phải mất đến 20 năm để hình thành Học thuyết Đặng Tiểu Bình, tính từ năm 1977 khi ông Đặng lên nắm quyền cho đến khi phương châm của ông ta được thể chế hóa thành Hiến pháp ĐCSTQ năm 1997.
Ông Giang Trạch Dân đã giành được tín nhiệm của ông Đặng vì công lao trong vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cho đến năm 1997, ông Giang đã tuân theo Học thuyết của Đặng.
Do đó, chỉ mất 5 năm (1997–2002) để hình thành thuyết Ba đại diện của ông Giang, 5 năm (2002–2007) để xây dựng Quan điểm Phát triển Khoa học của ông Hồ Cẩm Đào, và 5 năm nữa để biên soạn Tư tưởng Tập.
Ông Mao có địa vị độc tôn trong ĐCSTQ. Không ai trong số những người kế nhiệm có thể vượt qua ông ta về tầm ảnh hưởng cũng như thâm niên trong lịch sử của Đảng. Tuy nhiên, các lãnh đạo Giang, Hồ và Tập đã đánh bại Mao trong việc xuất xưởng một cách nhanh chóng các phiên bản đường lối ĐCSTQ mang dấu ấn cá nhân của riêng mình.
Thực ra, những đường lối này của ĐCSTQ là các bản sửa đổi của ông Vương — thông qua việc tổng kết những cụm từ mới chứa đựng những khái niệm cũ của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ông Tập Cận Bình sinh năm 1953. Hàng loạt các cuộc vận động chính trị của ông Mao đã dẫn đến việc ông Tập bị khiếm khuyết văn hóa bẩm sinh do không có nền tảng giáo dục.
Năm 1975, ông Tập được nhận vào Đại học Thanh Hoa với tư cách là một sinh viên công nhân-nông dân-binh sĩ. Nghĩa là, việc ông được nhận vào học không dựa trên thành tích học tập, mà dựa vào “giai cấp” của cha mẹ ông ta. Về con đường chính trị của ông Tập, từ các chính quyền địa phương ở Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang, cho đến Thượng Hải và Bắc Kinh, thì chỉ có thể được mô tả là tầm thường.
Tôi tin rằng có ba lý do khiến ông Tập trở thành một lãnh đạo ĐCSTQ: Thứ nhất, cha ông ta Tập Trọng Huân là một cựu chiến binh giải phóng; thứ hai, ông Tập không quá phô trương; thứ ba, Bạc Hy Lai, một người kế nhiệm khả dĩ khác và là một thái tử đảng, lại quá khoe khoang.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (2012-2017), ông Tập chủ yếu tập trung vào việc thâu tóm quyền lực từ tay Giang Trạch Dân thông qua chiến dịch chống tham nhũng, từ chối làm bù nhìn cho ông Giang như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Các bài diễn văn khác nhau của ông về chủ nghĩa Marx vào thời điểm đó có thể do ông Vương Hỗ Ninh soạn thảo.
Sau khi ông Vương trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng vào năm 2017, ông ta bắt đầu khiến ông Tập say mê với chủ nghĩa Marx.
Kể từ đó, ĐCSTQ đã “tuyên chiến” với tất cả những người tin vào thần, và với cả tư bản Hồng Kông, tư bản Đài Loan và tư bản Hoa Kỳ; cũng như tham gia vào chính sách ngoại giao chiến lang, đàn áp tàn bạo trong nước và tuyên bố rằng [họ] “dám chiến đấu và rất giỏi chiến đấu.”
Giám đốc Tiếp thị của Chủ nghĩa Marx
Hôm 23/04/2018, Bộ Chính trị đã tổ chức một phiên nghiên cứu tập thể về “Tuyên ngôn Cộng sản và ý nghĩa đương đại của nó,” trong đó đề cao chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa chống tư bản, và triết học bạo lực và đấu tranh của Marx.
Hôm 04/05/2018, ông Tập đã đưa ra nhận định về lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Marx: “Một sự tôn kính vĩ đại” đối với “nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời hiện đại,” và “một học thuyết khoa học được ĐCSTQ tuân thủ vững chắc.”
Tôi khá chắc chắn rằng ông Vương đã soạn thảo và hoàn thiện bài diễn văn của ông Tập.
Trong Nghị quyết Lịch sử Lần thứ Ba được ĐCSTQ thông qua vào hôm 11/11, nhân vật nổi bật nhất không phải là ông Tập, mà là Marx. Trong nghị quyết này, tên của ông Tập xuất hiện 22 lần trong khi tên của Marx xuất hiện 44 lần.
Nghị quyết này chắc chắn do một đội ngũ các tác giả do ông Vương dẫn đầu soạn thảo ra.
Marx tuyên bố trong Tuyên ngôn Cộng sản của mình rằng: “Những người cộng sản khinh bỉ việc che giấu quan điểm và mục tiêu của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách cưỡng bức lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện tại.”
Nói trắng ra, những người cộng sản nhắm đến việc tiêu diệt tất cả các chính phủ trên thế giới bằng bạo lực.
Có thể nói, hơn 170 năm trước, Marx là kẻ thù của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, hơn 170 năm sau, Vương Hỗ Ninh, nhà lãnh đạo tư tưởng chủ chốt của ĐCSTQ, đã trở thành người kế thừa của Marx. Ông ta đã tạo ra các cụm từ mới để lồng ghép lý thuyết của Marx vào thuyết Ba đại diện, Quan điểm Phát triển Khoa học, và Tư tưởng Tập.
Trong khi ĐCSTQ chào mừng 100 năm thành lập, ĐCSTQ vẫn tiếp tục rêu rao nhiều cụm từ mới khác nhau, và tiếp tục là một tín đồ kiên định của chủ nghĩa Marx.
Ông Robert O’Brien, lúc đó là Cố vấn An ninh Quốc gia của chính phủ TT Trump, đã đưa ra nhận xét hôm 24/06/2020, phản ánh “thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ những năm 1930”, là “vì chúng ta không chú ý đến hệ tư tưởng của ĐCSTQ.”
Ông nói rằng, “Chúng ta hãy nói rõ, ĐCSTQ là một tổ chức theo chủ nghĩa Marx-Lenin.”
Đúng thế, ĐCSTQ chính xác là một chế độ đề cao lý tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin, với mục đích là “cưỡng bức lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện tại,” và thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản.
Hơn 170 năm phong trào cộng sản quốc tế cuối cùng đã thất bại khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên, bóng ma của Marx vẫn hiện diện qua tâm trí của Vương Hỗ Ninh và ngòi bút của ông ta, cũng như được thổi vào đường lối [chính trị] của các lãnh đạo như ông Giang, ông Hồ và ông Tập, và cuối cùng là một cụm từ mới — cộng đồng tương lai chung cho nhân loại.
Cộng đồng tương lai chung cho nhân loại là phiên bản hiện đại của George Orwell năm “1984.”
Ngày nay trong thế kỷ 21, ĐCSTQ đã biến câu chuyện hư cấu năm 1984 thành sự thật: 1.4 tỷ người Trung Quốc bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do thờ phụng, tự do mong muốn, và quyền được sống mà không sợ hãi. Trung Quốc đã bị biến thành một “nhà tù lớn” của ĐCSTQ.
Ông Vương Hỗ Ninh là giám đốc tiếp thị thời hiện đại của chủ nghĩa Marx, một hệ tư tưởng đang tìm cách thực hiện sứ mệnh hủy diệt thế giới.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun) có bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người viết diễn văn cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997 đến năm 2002.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: