Vương Hách: Mở rộng G7 là một hành động quan trọng để chống lại Trung Cộng
Từ ngày 3/5 đến ngày 5/5, cuộc họp trực tiếp đầu tiên trong vòng 2 năm trở lại đây giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thuộc nhóm G7 đã diễn ra tại thủ đô London, Anh quốc, và sau cuộc họp, họ đã đưa ra một tuyên bố chung dài 12,000 từ. Cuộc họp lần này giống như một cái dằm trong tim Trung Cộng.
Thứ nhất, G7 lần đầu tiên công khai chỉ trích Trung Cộng, tuyên bố rằng Trung Cộng không chỉ “vi phạm nhân quyền”, mà còn “sử dụng ảnh hưởng kinh tế để bắt nạt các nước khác”; G7 kêu gọi Trung Cộng tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, và bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chung để ngăn chặn “Chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép” của Trung Cộng.
Thứ hai, G7 lần đầu tiên đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình xung quanh eo biển Đài Loan, và lần đầu tiên ủng hộ Đài Loan tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA, WHA năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 24/5 đến ngày 1/6).
Trung Cộng đã bị chọc vào đúng chỗ đau, và “lên án mạnh mẽ đối với việc này.” Tuy nhiên, sự căm ghét và nỗi sợ hãi thực sự của Trung Cộng đối với cuộc họp lần này có thể còn ở chỗ: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và ASEAN (Chủ tịch luân phiên Brunei) đều được mời tham gia. Điều này cho thấy G7 đã phục hồi tầm ảnh hưởng và lực răn đe của mình, việc mở rộng thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự của G7.
Như chúng ta đã biết, G7 là một diễn đàn quan trọng để các nước phương Tây phát huy tầm ảnh hưởng đối với toàn cầu. Năm 1973, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản đã thành lập lên nhóm G5, năm 1975 đổi tên thành Nhóm G6 do sự gia nhập của Ý, và đến năm 1976 đổi thành Nhóm G7 với sự tham gia của Canada. Sau đó, từ năm 1997 đến năm 2014, Nga đã tham gia vào và đổi thành Nhóm G8, nhưng vì cuộc khủng hoảng Crimea (năm 2014), Nga bị các lệnh trừng phạt quốc tế và bị loại trừ, và tổ chức lại được gọi là G7. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng được mời trở thành thành viên không chính thức.
Về sau, hội nghị G7 vẫn được tổ chức hàng năm nhưng ảnh hưởng của nó đã bị suy giảm do Nhóm G20 ( bao gồm Nhóm G7 + khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) + 7 nền kinh tế quan trọng (Mexico, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, Hàn Quốc , Indonesia, Australia) + Liên minh Châu Âu) được thành lập vào năm 1999, và đã có các hội nghị thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2009. Tại Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh của Nhóm G20 ở Hoa Kỳ vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rằng, G20 đã thay thế chức năng chính của G7 và trở thành một diễn đàn quan trọng để điều phối hợp tác kinh tế quốc tế.
Trung Cộng đã được hưởng lợi nhiều nhất từ việc thành lập G20. Trước đây, Trung Cộng có quyền lực trong nền chính trị và an ninh của quốc tế vì nó chiếm một ghế trong các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng lại có rất ít ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu. Việc thành lập cơ chế thượng đỉnh G20 đã bắt đầu thay đổi mô hình quản trị toàn cầu vốn do các nước phát triển phương Tây thống trị kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến, khiến Trung Cộng bước đầu sở hữu được những quyền lực thể chế cốt lõi trong nền kinh tế và tài chính của thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống vào năm 2017, ông đã từ bỏ các chính sách mềm mỏng đối với Trung Cộng, và tích cực chống lại tham vọng toàn cầu của nó. Ông thực hiện một thay đổi lịch sử trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc: Mỹ-Trung từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang một cuộc chiến tranh lạnh mới, Hoa Kỳ bắt đầu tách rời một số lĩnh vực khỏi mối liên hệ với Trung Cộng, và hình thế quốc tế nhanh chóng phát triển theo hướng đối đầu lưỡng cực giữa Mỹ và Trung.
Dưới bối cảnh đó, Hoa Kỳ và xã hội phương Tây đã xem xét và thiết kế lại toàn diện chiến lược đối với Trung Quốc của họ. Một trong những biện pháp chính là khôi phục ảnh hưởng và lực răn đe vốn có của G7, đồng thời tăng cường cải tạo, chuyển đổi G7 thành một cơ chế hợp tác quốc gia dân chủ, hay còn gọi là mô hình của Nhóm Dân chủ D10.
Ngay từ năm 2020, Tổng thống Trump đã đề xuất chuyển đổi G7: ngày 30/5, ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc máy bay “Không lực Một” rằng G7 đã “lỗi thời”. Ông Trump từng có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga tham gia G7 (trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần đề xuất khôi phục tư cách thành viên G7 của Nga), và từng gọi hội nghị thượng đỉnh lần thứ 46 của G7 là “G10” và “G11.” TT Trump nói ông hy vọng các nước được mời sẽ thảo luận về “Tương lai của Trung Quốc” với G7. Bốn quốc gia được mời nằm ở phía Đông, Tây, Nam và Bắc của Trung Quốc, bao bọc lấy Trung Quốc ở giữa.
Lúc đó Thủ tướng Australia Morrison và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ sẵn sàng nhận lời mời tham dự cuộc gặp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ và các nước khác để đảm bảo sự thành công của hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tuy nhiên, sự tham gia của Nga đã bị chặn bởi các nước thành viên G7 khác: Anh, Canada và Liên minh châu Âu đều bày tỏ sự phản đối của họ, nói rằng hành vi của Nga chưa có thay đổi từ năm 2014. Nga cũng dè dặt trước lời mời của ông Trump.
Vì các loại nguyên nhân, kế hoạch chuyển đổi G7 của ông Trump đã không thực hiện được. Tuy nhiên, phương hướng mà ông Trump nêu ra đã được Anh quốc chấp nhận phần lớn (kể từ nửa cuối năm 2020, Anh quốc đã trở thành nước đi đầu chống lại Trung Cộng). Anh quốc và Hoa Kỳ đang có kế hoạch mời các nước G7 cùng với Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ thành lập liên minh dân chủ D10, để phát triển công nghệ và sản phẩm 5G của riêng họ, đồng thời loại bỏ áp lực của việc dựa vào các sản phẩm Huawei của Trung Quốc.
Lần này, với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị G7 vào năm 2021, Anh quốc đương nhiên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi G7, biến G7 thành một diễn đàn quan trọng cho các nền dân chủ lớn. Điều này cũng được các quốc gia thành viên khác ủng hộ. Đơn cử là vào ngày 4/5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Maas đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với kế hoạch của Anh. Ông nói, “Các quốc gia chuyên quyền hoặc những kẻ cầm quyền độc tài luôn không ngừng cố gắng thách thức tự do và dân chủ bằng các mô hình chính trị của riêng họ”, vì vậy, việc thiết lập các giá trị quan và xây dựng chiến lược chung trong khuôn khổ của G7 là một việc rất tốt.
Hiện tại, Anh quốc đã nhân cơ hội đảm nhiệm vị trí chủ tịch của G7 để mời Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và ASEAN tham dự cuộc họp. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi của G7, nhưng nó đã đủ để khiến Trung Cộng sợ hãi.
Thứ nhất, Ấn Độ, Hàn Quốc và ASEAN đều nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc mời họ tham dự cuộc họp rõ ràng là phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Anh quốc và Hoa Kỳ.
Thứ hai, sự mở rộng của G7 làm nổi bật sự đối kháng về giá trị giữa các nước dân chủ và chế độ Cộng sản của Trung Cộng, Trung Cộng giống như bơi ngược dòng, chắc chắn sẽ trở thành kẻ đơn độc.
Thứ ba, sự mở rộng của G7 và sự hợp tác của các nước công nghiệp dân chủ sẽ làm tăng ảnh hưởng của G7, điều này đương nhiên sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Cộng trong G20.
Thứ tư, mục tiêu quan trọng của việc mở rộng G7 là chống lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Cộng, tìm cách thiết lập một hệ thống xây dựng thay thế, khuyến khích thúc đẩy dự án của các tổ chức tư nhân, và chứng minh cho các nước đang phát triển thấy rằng họ vẫn có thể hưởng lợi từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại bằng những lựa chọn khác ngoài tiền vốn của Trung Cộng.
Điều khiến Trung Cộng vô cùng lo lắng là, sự chuyển đổi của G7 sẽ không chỉ dừng lại ở bước này. Các hành động tiếp theo của họ sẽ là gì đây?
Chuyên gia bình luận: Vương Hách
Biên tập: Gao Yi
Xuân Hoàng biên dịch
Xem thêm: