Vùng Đông Bắc Trung Quốc ‘đi trước’ trong sự phát triển của Trung Quốc
Vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong lịch sử được gọi là Mãn Châu bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, và Hắc Long Giang, dường như luôn là điểm tựa cho sự phát triển của nước này, đặc biệt là về các xu hướng kinh tế, nhân khẩu, và xã hội.
Nhiều việc do người Đông Bắc làm vốn bị chế nhạo từ rất sớm, nay đã trở thành hiện tượng phổ biến trên khắp phần còn lại của Trung Quốc. Và vùng Đông Bắc ngày nay, một số người nói, có thể được coi là một mô hình thu nhỏ của tương lai Trung Quốc.
Hồi tháng Hai, một bài báo đã được phát hành trên cổng thông tin điện tử NetEase của Trung Quốc, có tên “Đông Bắc Trung Quốc là một chỉ số hàng đầu cho sự phát triển.” Bài báo này cho biết rằng, những năm trước, người ta cười nhạo tỷ suất sinh thấp ở Đông Bắc Trung Quốc nhưng hiện nay cả nước đều có tỷ suất sinh thấp; mọi người đã chế giễu người Đông Bắc vì nỗi ám ảnh của họ đối với các công việc ở cơ quan công quyền, điều mà phần còn lại của đất nước hiện đã có theo; và sau đó họ đã chế giễu người Đông Bắc vì kiếm sống bằng cách phát sóng trực tiếp và nướng thịt — thì giờ đây, những người phát sóng trực tiếp và quầy bán thịt nướng có mặt trên khắp đất nước.
Nơi đầu tiên phải chịu mức sinh thấp
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 17/01, chính sách hai con và ba con trên khắp Trung Quốc đã thất bại trong việc đảo ngược xu hướng giảm sinh, với tổng tỷ suất sinh vào năm 2022 ở mức dưới 1.1 — thấp hơn tỷ lệ 1.27 của Nhật Bản. Số ca sinh năm 2022 đạt mức thấp kỷ lục, với tổng dân số giảm lần đầu tiên sau 60 năm.
Tổng tỷ suất sinh đề cập đến số trẻ em trung bình do phụ nữ sinh ra ở một quốc gia hoặc khu vực trong những năm có thể sinh con của họ. Mức thay thế thế hệ bình thường yêu cầu tổng tỷ suất sinh ít nhất là 2.1, với 1.5 được coi là ngưỡng cảnh báo.
Ngay từ năm 2010, số liệu từ cuộc điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc cho thấy tỷ suất sinh của ba tỉnh Đông Bắc lần lượt chỉ là 0.75, 0.76, và 0.74. Do tỷ lệ sinh cực thấp và tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng, quá trình già hóa của Đông Bắc Trung Quốc diễn ra sớm hơn cả nước khoảng 12 năm.
Dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc đang già đi với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Năm 2021, dân số từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc chiếm 14.2%, đánh dấu sự tiến nhập vào một xã hội già hóa sâu sắc. Tỷ lệ này tăng lên 14.9% vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt quá 20% vào năm 2030, đánh dấu một xã hội siêu già hóa.
InquilineX, một blogger tài chính nổi tiếng ở Thượng Hải, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng giống Twitter của Trung Quốc, Weibo, rằng sự thay đổi nhân khẩu học ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đi trước cả nước khoảng 10 năm. Theo số liệu chính thức, dân số của ba tỉnh Đông Bắc đạt đỉnh vào năm 2010 và đã giảm kể từ đó. Blogger này lưu ý rằng dân số quốc gia hiện đã đạt đỉnh vào năm 2021 và giảm lần đầu tiên vào năm 2022.
Cấu trúc dân số là một biến số rất quan trọng, InquilineX viết, và nhiều thay đổi mà vùng Đông Bắc Trung Quốc đã trải qua sẽ dần dần diễn ra trên khắp đất nước. Bài đăng này đã bị cấm.
Nơi đầu tiên theo đuổi công việc trong các cơ quan công quyền
Ông Phó Lăng Huy (Fu Linghui), phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thừa nhận trong cuộc họp báo ngày 18/04 rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang tiếp tục tăng. Ông Phó Lăng Huy cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 trong tháng Ba đã là 19.6%, tăng 1.5% so với tháng trước, cho thấy một vấn đề nổi bật mang tính cấu trúc về việc làm.
Thống kê cho thấy 4.57 triệu người Trung Quốc ghi danh học thạc sĩ vào năm 2022 — tăng 800,000 người, tương đương với tăng 21% so với năm 2021. Ngoài kỳ thi tuyển sinh sau đại học, trong năm 2022, 2.5 triệu người Trung Quốc đã ghi danh tham gia kỳ thi công chức quốc gia, và 11.41 triệu người đã ghi danh cho kỳ thi chuẩn bị cho giáo viên, ghi nhận số lượng người ghi danh cho hai kỳ thi này lớn nhất trong lịch sử.
Trang web thi tuyển công chức tỉnh Sơn Đông cho thấy ngay từ năm 2011, hơn 60% người dân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc muốn trở thành công chức. Năm 2017, tạp chí nhà nước Phượng Hoàng Vệ Thị (Phoenix Weekly) có trụ sở tại Hồng Kông đưa tin rằng, ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, kế hoạch lớn nhất trong đời của sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp là “ăn cơm nhà nước.” Có người đã chín lần thi công chức; một số đã chi rất nhiều tiền cho các mối quan hệ; một số từ bỏ mức lương cao trong các doanh nghiệp tư nhân, và một danh sách dài các ứng cử viên sẽ cạnh tranh cho công việc quét dọn đường phố cho một tổ chức công.
Hôm 23/03, doanh nhân Trung Quốc Tào Đức Vượng (Cao Dewang) than thở trên Ifeng.com rằng giới trẻ Trung Quốc ngày nay khao khát được thi công chức, gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên Internet Trung Quốc. Bài báo đã được xem hơn 100 triệu lần trên Weibo.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến sẽ đạt 11.58 triệu vào năm 2023 — tăng 820,000 so với năm trước. Kỷ lục “mùa việc làm khó khăn nhất” liên tục được cập nhật. Với ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, theo đuổi một công việc trong cơ quan công quyền đã trở thành một xu hướng quốc gia.
Nơi đầu tiên ngành công nghiệp phát trực tiếp nở rộ
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp video ngắn của Trung Quốc đã phát triển và trở nên phổ biến. Với việc nổi tiếng trên mạng đang trở thành một lựa chọn nghề nghiệp mới, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia xu hướng này và bắt đầu kiếm thu nhập thông qua phát trực tiếp và làm video ngắn.
Theo một báo cáo nghiên cứu do Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố về việc thúc đẩy việc làm và tạo ra giá trị xã hội thông qua các nền tảng video ngắn, nền tảng video ngắn Kuaishou (Khoái Thủ) đã tạo ra khoảng 20 triệu cơ hội việc làm cho những người tự kinh doanh và những người phát trực tiếp vào cuối năm 2022.
Báo cáo cho biết các nền tảng video ngắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt áp lực kinh tế và ổn định việc làm kể từ khi nền kinh tế thực hứng chịu một đợt lao dốc hồi năm 2020.
Thực tế này đã được chứng minh trong nhiều năm tại nền kinh tế nổi tiếng trên Internet của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Kể từ năm 2014, nền kinh tế ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã rơi vào vòng xoáy đi xuống. Việc làm trong các doanh nghiệp công nghiệp của khu vực này đã giảm và việc làm trong ngành công nghiệp thứ ba (lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế) cũng đã giảm theo.
Năm 2015, các doanh nghiệp nhà nước ở vùng Đông Bắc Trung Quốc chiếm 50% nền kinh tế — cao hơn mức trung bình toàn quốc vào thời điểm đó là 30%. Cấu trúc kinh tế ở vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư công, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trung bình cao hơn.
Trong những năm gần đây, “phát trực tiếp” đã trở thành một trong số ít công việc “việc nhẹ lương cao” dành cho những người trẻ tuổi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng qua từng năm. Với cổ tức lưu lượng truy cập từ nền tảng, những người phát trực tiếp ở Trung Quốc có thể kiếm được hàng chục ngàn nhân dân tệ mỗi tháng. Thu nhập trung bình hàng tháng ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc là 3,000 đến 5,000 ngàn nhân dân tệ.
Trong số 10 người phát trực tiếp hàng đầu năm 2016 cho “Ngày Của Những Người Siêu Nổi Tiếng” do Weibo bình chọn, có sáu người đến từ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Theo Báo cáo nghề nghiệp Anchor năm 2017 do Momo, một nền tảng mạng xã hội di động, phát hành, 63.3% nam giới phát trực tiếp ở Trung Quốc đến từ vùng Đông Bắc Trung Quốc, với thời gian phát sóng trực tiếp trung bình hàng ngày hơn tám giờ.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia cao cấp về các vấn đề thời sự, nói với The Epoch Times hôm 11/05, “Trong quá khứ, dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, Quảng Đông là nơi đi đầu trong công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế và xã hội đã đạt được những bước nhảy vọt.”
“Khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, thì nhiều vấn đề và mâu thuẫn được che đậy. Một khi Trung Quốc rơi vào suy thoái, thì những vấn đề trước đây đã được che đậy lại nổi lên, như trường hợp ở vùng Đông Bắc.”
Ông nói, “Giờ đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách, ‘doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thoái lui’ (phiên âm Hán Việt ‘quốc xí tiến, dân xí thoái’), quay ngược bánh xe lịch sử và quay trở lại ‘nền kinh tế kế hoạch,’ điều này đang đẩy nhanh hơn nữa quá trình Đông Bắc hóa trên toàn quốc.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times