Vụ đường hầm của Đại học Rochester bị chỉ trích vì ĐCSTQ gây ảnh hưởng lên thể chế Hoa Kỳ
Trung Quốc đã thâm nhập và gây ảnh hưởng đối với các trường đại học phương Tây thông qua các tổ chức sinh viên Trung Quốc trong nhiều năm, và hiện tại Đại học Rochester đang bị chú ý vì một vụ việc gần đây.
Trong khuôn viên Đại học Rochester (UR) ở tiểu bang New York, có một đường hầm dưới lòng đất, nối 2 cơ sở phía bắc và phía nam. Cách đây vài ngày, nhà trường đã đưa ra một thông báo rằng, vì COVID-19 nên học sinh bị cấm sơn lên tường của đường hầm.
Thông báo đã gây ra sự bất mãn trong một số sinh viên vì đây từng là “bức tường tự do” cho “Nhân quyền ở Trung Quốc” trong khuôn viên trường. Một số sinh viên tin rằng động cơ đằng sau “lý do có vẻ hợp pháp của trường đại học, là đáng nghi ngờ”, đặc biệt là khi xem xét một loạt các cuộc xung đột giữa sinh viên thuộc nhiều sắc tộc và sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục vào cuối năm ngoái.
Theo cơ quan truyền thông Campus Times của UR, vào ngày 2/9/2020, ông Matthew Burns, Trưởng Ban đào tạo [Dean of Academic Affairs], đã thông báo qua email rằng do lo ngại về COVID-19 liên quan đến “không gian và thông gió không đủ”, [việc vẽ lên] các bức tường dọc theo đường hầm ngầm giữa Eastman Quad và Hoyt, vốn được các sinh viên sử dụng để bày tỏ quan điểm chính trị và nghệ thuật cá nhân của mình, sẽ bị cấm vào mùa thu này.
Các kiểu hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, vào tháng 11 năm ngoái, Trung tâm Sinh viên Wilson của trường đại học, đã di chuyển các lá cờ của Đài Loan và Hồng Kông từ khu vực “cờ quốc gia” sang khu vực “cờ địa phương”, và đánh dấu riêng trên trang web của trường với tên gọi “Các thực thể Địa phương”, khiến cho những sinh viên, vốn ủng hộ quyền tự do và độc lập của Đài Loan và Hồng Kông thoát khỏi ĐCSTQ, tức giận.
Đáp trả, một số sinh viên đã vẽ lên tường của đường hầm dưới lòng đất vào tối ngày 21/11/2019, các khẩu hiệu “Vinh quang cho Hồng Kông”, “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”, “Đài Loan Tiến Lên”, v.v. để bày tỏ quan điểm của mình.
Khi Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) và Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc (CSA) tại UR biết tin, họ đã kêu gọi một nhóm sinh viên Trung Quốc đại lục trong vòng một ngày viết khẩu hiệu của ĐCSTQ bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, chèn lên đầu các thông điệp cũ, chẳng hạn như “Đại đoàn kết toàn dân muôn năm”, “Một thế giới, một ước mơ”, và “Tôi đến từ Tân Cương, tôi yêu Trung Quốc”, để che đậy tất cả các thông điệp trước đó.
Ngoài ra, vào mùa thu năm ngoái, các sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã cản trở một sự kiện học thuật về Tây Tạng trong khuôn viên trường, và quấy rối những người tham gia sự kiện này.
Các thành viên của “Đảng Cộng Hòa ở Đại học” đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo về nhân quyền ở Tây Tạng. Trước hội thảo, một sinh viên từ Trung Quốc đại lục phát tờ rơi, gọi sự kiện này là “khủng bố”.
Sau sự kiện này, một sinh viên Hoa Kỳ gốc Hàn tên là Se Hoon Kim và các thành viên khác, đã mời 3 nhà sư Tây Tạng đến gặp mặt tại [quán] Starbucks trong khuôn viên trường. Vào thời điểm đó, một sinh viên đại lục cầm khẩu hiệu “Tây Tạng là một phần của Trung Quốc”, đã chuyển ghế ngồi của mình đến cạnh các nhà sư, rồi đuổi họ ra ngoài.
Sau đó, anh Kim đã tố cáo một sinh viên Trung Quốc đại lục với trường đại học vì tội quấy rối.
Các tổ chức sinh viên Trung Quốc phục vụ kế hoạch của ĐCSTQ
CSSA đều tồn tại ở hầu hết các trường đại học phương Tây, nơi có sinh viên là Trung Quốc đại lục. CSSA được cho là có mối liên hệ với chính quyền Trung Quốc.
CSSA tại UR đã công khai thừa nhận rằng nó “thuộc quyền quản lý của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại New York” như được thể hiện trong hồ sơ Linked In của họ.
Sau sự cố vào tháng 11 năm ngoái với các bức tường trong đường hầm của UR, một số sinh viên đã khởi xướng kiến nghị trên Change.org, yêu cầu UR cấm vĩnh viễn CSSA.
Sau yêu cầu này, CSSA đã giữ lại tất cả các thông tin ban đầu khác và chỉ xóa đi câu viết về mối quan hệ của họ với lãnh sự quán Trung Quốc mà thôi.
Tuy nhiên, tổ chức sinh viên do ĐCSTQ lãnh đạo này không quá thận trọng như vậy trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Trong tuyên bố trên WeChat của UR-CSSA một tháng trước, tổ chức này đã nêu rõ bằng tiếng Trung Quốc rằng “Hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc của Đại học Rochester-UR-CSSA là tổ chức sinh viên Trung Quốc chính thức duy nhất, bao gồm sinh viên đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh và học giả tham cứu tại Đại học Rochester. Là cầu nối và gắn bó giữa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York và các bạn sinh viên Trung Quốc”.
CSA ít được biết đến hơn cũng phục vụ kế hoạch của ĐCSTQ. Sau cuộc hội thảo của UR về quyền con người ở Tây Tạng vào tháng 9 năm ngoái, Hao Simeng, lúc đó là chủ tịch của CSA, đã viết một lá thư khiếu nại về cuộc hội thảo này với Hội đồng Tư pháp Toàn trường, [trong đó] nêu lý do khiếu nại là sự kiện này không phải là “đối thoại học thuật” như người tổ chức gọi nó, mà là sự kiện “chính trị”. Anh ta yêu cầu nhà trường “hủy bỏ” một hội thảo nhân quyền khác của người Duy Ngô Nhĩ, sắp được tổ chức vào thời điểm đó.
Anh David, người đã tham gia hội thảo về Tây Tạng, nói với Epoch Times rằng các hoạt động vào thời điểm đó thực sự là một hoạt động học thuật “bởi vì nó cho mọi người trong trường cơ hội để lắng nghe và nghiên cứu, để quyết định điều gì là đúng và sai, và cho khán giả cơ hội đặt câu hỏi và tương tác với diễn giả tại cuộc họp”.
Anh và các sinh viên khác cũng đặt câu hỏi về vai trò của CSA. “CSA dành cho sinh viên Trung Quốc thuộc mọi thành phần, chẳng hạn như người Singapore hoặc người Trung Quốc gốc Hàn. Do đó, CSA không nên được kết nối với lãnh sự quán Trung Cộng. Họ không nên là một tổ chức chính trị,” anh David nói. “Nhưng dường như họ cũng đang tuân thủ nghiêm ngặt một số đường lối chỉ đạo nhất định. Điều này khiến tôi lo lắng,” anh cho biết thêm.
Anh Hao, chủ tịch của một tổ chức sinh viên tuân thủ nghiêm ngặt tư tưởng của ĐCSTQ, đã bị khai trừ khỏi tổ chức này vào năm ngoái vì đã nhận lời phỏng vấn với South China Morning Post, vốn bị Bắc Kinh coi là phương tiện truyền thông nước ngoài. Anh Hao bình luận ẩn ý về việc mình bị khai trừ rằng “nhiều người Trung Quốc bị chính phủ Trung Quốc tẩy não”.
CSSA ngay lập tức đưa ra một tuyên bố trên WeChat, làm rõ mối quan hệ của họ với CSA, nói rằng 2 hiệp hội không có liên quan gì với nhau, và hứa sẽ “tiếp tục làm hết sức mình để giúp đỡ quê hương và đồng bào Trung Quốc, và đóng góp cho vẻ đẹp phát triển của tổ quốc”.
Một bài báo của New York Times đã chỉ ra rõ năm 2017 rằng một số sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Hoa Kỳ hoặc là trực tiếp chấp thuận sự lãnh đạo của ĐCSTQ hoặc sẽ bị kiểm soát.
Một bài báo trên ‘American Thinker’ nêu rõ, “Thật kinh tởm khi thấy tất cả những điều này đang xảy ra ở Hoa Kỳ khi sinh viên Trung Quốc đến đây để sử dụng công nghệ và có được các kỹ năng để sử dụng chống lại chúng ta, sau đó công khai thể hiện sự ghê tởm của họ đối với dân chủ và tự do.”
Các trường đại học lo lắng về việc mất sinh viên Trung Quốc
Tuy nhiên, The Epoch Times được biết rằng ông Burns đã tiết lộ mối quan tâm thực sự của mình trong cuộc trò chuyện với nhà tổ chức trước Hội nghị Nhân quyền Tây Tạng năm ngoái.
Ông Burns nói tại cuộc họp rằng ông không muốn ngừng sự kiện này, nhưng lo lắng cho các sinh viên Trung Quốc. Ông nói, “Điều mà sinh viên Trung Quốc của chúng tôi lo sợ không phải là các bạn có ý kiến về Trung Quốc, mà là chính phủ Trung Quốc đang theo dõi họ”.
Ông Burns đề cập rằng sau khi Đại học Calgary ở Canada trao bằng danh dự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2009, Trung Quốc đã loại trường đại học này khỏi danh sách các trường đại học nước ngoài được công nhận. Nhiều sinh viên Trung Quốc đã phải chuyển trường vì họ lo lắng rằng họ sẽ không thể tìm được việc làm ở Trung Quốc trong tương lai, mặc dù sự công nhận của trường đã được phục hồi trong năm 2011.
Ông Burns cũng trích dẫn ví dụ về Đại học California ở San Diego. Năm 2017, trường đã mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến đọc diễn văn tại lễ tốt nghiệp. Hội đồng Học bổng Bộ Giáo dục Trung Quốc từ đó đã hủy bỏ việc cấp quyền cho các học giả Trung Quốc mới, theo học tại đại học này.
Theo dữ liệu công khai, có tới 370,000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đại học Hoa Kỳ vào năm 2019, chiếm gần 20% cộng đồng sinh viên [nước ngoài], và UR có 2,300 sinh viên Trung Quốc.
Do đó, ông Burns bày tỏ mối quan tâm thực sự của mình với các sinh viên “Đảng Cộng Hòa ở Đại học”, nói rằng các hội nghị nhân quyền về người thiểu số Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ này, có thể dẫn đến việc “chính phủ Trung Quốc không còn công nhận bằng cấp của Đại học Rochester nữa”.