Vô trách nhiệm về tài khóa khiến Hoa Kỳ tiến tới một cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hơn
Ông Joel Griffith đến từ Quỹ Di sản: Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa cần kiềm chế chi tiêu
Với việc lạm phát hoành hành và Quốc hội do Đảng Dân Chủ lãnh đạo thu thập đủ sự ủng hộ của Thượng viện để thông qua nhiều tỷ dollar chi tiêu hơn nữa, ông Joel Griffith, một nhà nghiên cứu tại Viện Thomas A. Roe chuyên về các nghiên cứu chính sách kinh tế tại Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), nói với Đài truyền hình NTD rằng nếu Hoa Kỳ không kiềm chế các hành động tài khóa vô trách nhiệm của mình, quốc gia này sẽ tiến tới một cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hơn.
Ông Griffith nói rằng việc tăng thuế đối với người giàu sẽ không giúp chính phủ liên bang thoát khỏi hố sâu tài chính mà họ đã tự đào cho chính mình trong vài thập niên qua, đặc biệt là hành động chi tiêu trong hai năm qua.
“Cách duy nhất để bù đắp cho tất cả những điều này là in tiền, vay tiền, hoặc tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu. Không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi tình trạng này,” ông Griffith nói trong cuộc phỏng vấn. “Và các chính trị gia không muốn sửa chữa vấn đề. Vì vậy, sẽ có một cuộc khủng hoảng nếu chúng ta không sửa chữa đường hướng của mình. Đó chỉ là vấn đề thời gian.”
Theo định nghĩa kỹ thuật, Hoa Kỳ đã bước vào thời kỳ suy thoái, nhưng chính phủ TT Biden vẫn tiếp tục phủ nhận thực tế này.
Ông Griffith nói: “Mọi người đều yêu thích những thứ ngọt ngào, và bây giờ chúng ta đang gánh chịu hậu quả. Và điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng sự khốn khó về kinh tế mà chúng ta đang cảm thấy ngay bây giờ liên quan trực tiếp đến những sai lầm đã mắc phải trong hai năm qua, với việc phong tỏa, chi tiêu, và in tiền.”
Ông Griffith cho biết khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ hiện lên tới hơn 30 ngàn tỷ USD, tức là mỗi người phải gánh khoản nợ 100,000 USD, và với lãi suất hiện tại, thì mỗi năm mỗi người sẽ gánh nợ thêm 1,000 USD.
Dự luật ‘Giảm Lạm Phát’ của Đảng Dân Chủ
Các thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) hôm 27/07 đã thông báo rằng họ đã có đủ số phiếu bầu để thông qua một dự luật gọi là “Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022” (pdf), nhằm tìm cách chi khoảng 433 tỷ USD — khoảng 369 tỷ USD cho các chương trình năng lượng và khí hậu trong 10 năm tới, và 64 tỷ USD cho việc mở rộng trợ cấp liên bang trong ba năm nữa cho một số người mua bảo hiểm y tế tư nhân.
Trong khi đó, nhiều người từ cả lưỡng đảng đã coi ông Manchin là một người ôn hòa về tài chính, một người sẽ không ủng hộ chi tiêu chính phủ thêm nữa, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, ông Griffith nói rằng ông không ngạc nhiên khi ông Manchin ủng hộ luật thiên tả vốn sẽ mở rộng chính phủ liên bang, và làm tổn hại đến tiểu bang West Virginia của chính ông, bởi vì ông nhận thấy rằng vị thượng nghị sĩ này ủng hộ các chính sách thiên tả.
Ông Griffith nói: “Chúng tôi biết những gì [ông Manchin] đã ủng hộ trước đây. Và ông ấy đã đang ủng hộ việc mở rộng quy mô và phạm vi của chính phủ. Vì vậy, tôi thất vọng vì ông ấy đã đồng ý với một gói sẽ tăng đáng kể thuế đối với các doanh nghiệp, một gói sẽ thực sự bao gồm nhiều thuế hơn đối với nhiên liệu hóa thạch. Và nó sẽ thậm chí còn xã hội hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của chúng ta.”
Ông Griffith cho biết, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã đang phải trả hàng ngàn tỷ dollar, qua các khoản thuế và lạm phát, mà chính phủ đã chi ra và in ra dưới danh nghĩa cứu trợ đại dịch. Gói chi tiêu mới này sẽ chỉ khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Ông Griffith nói: “Chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả của việc chi tiêu quá nhiều… và khi chứng kiến Thượng viện hiện đang hướng tới một gói chi tiêu mà sẽ khiến tăng thuế và tăng chi phí sản xuất nhiên liệu, thì điều này thật là bất hạnh.”
Không phải lỗi của ông Putin
Ông Griffith nói rằng, đối với một gia đình có thu nhập trung lưu, “Chúng ta đã thấy mức lương thực nhận của quý vị giảm hơn 6,000 USD mỗi năm bởi vì toàn bộ cuộc lạm phát này.”
Ông nói, và ngay cả khi lạm phát trở lại bình thường vào ngày mai, tức là khoảng 2% hàng năm, thì điều đó sẽ không xóa đi thiệt hại kinh tế, mà chỉ làm giảm bớt thiệt hại cho tương lai.
Ông Griffith nói: “Việc đổ lỗi cho [ông Putin] và những hành động của ông ấy trong cuộc chiến ở Ukraine vì đã làm cho giá cả tăng cao — điều đó đơn giản là, phần lớn là không đúng sự thật.”
Giá xăng đã tăng từ lâu trước khi Tổng thống Nga Putin xâm lược Ukraine, ông Griffith nói, đồng thời cho biết thêm, “Điều tương tự cũng xảy ra với chi phí thực phẩm, chi phí hàng hóa, chi phí phân bón của chúng ta — tất cả đều đã tăng nhanh chóng từ lâu trước khi ông Putin quyết định xâm lược Ukraine.”
“Hãy nhớ rằng, chính các chính trị gia của chúng ta đã đóng cửa nền kinh tế của chúng ta. Chính Quốc hội của chúng ta ở Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chi 6 ngàn tỷ USD mà chúng ta không có. Và chính ngân hàng trung ương của chúng ta, Cục Dự trữ Liên bang của chúng ta, đã in ra 6 ngàn tỷ USD từ hư không. Đó là nguyên nhân chính gây ra cuộc lạm phát này, chứ không phải ông Vladimir Putin,” ông Griffith cho biết.
Ông Griffith nói, một yếu tố khác góp phần vào nền kinh tế tồi tệ hiện tại là một khía cạnh của tỷ lệ việc làm được gọi là tỷ lệ tham gia lao động (tức là tỷ lệ phần trăm những người trong độ tuổi lao động và đang làm việc hoặc đang tìm việc), vốn mô tả chính xác hơn những ai đang làm việc.
“[Tỷ lệ tham gia lao động] gần ở mức thấp nhất mọi thế hệ. Trên thực tế, nếu chúng ta có được tỷ lệ tham gia lao động mà được duy trì ổn định trong ba năm qua… thì điều đó cho thấy rằng hơn một triệu người đã thực sự từ bỏ hoàn toàn lực lượng lao động của chúng ta.”
“Đó là một phần lý do tại sao nếu quý vị đến một nhà hàng, một quán bar, một cửa hàng bán lẻ, thì quý vị sẽ nhận thấy dịch vụ hiện nay không được tốt lắm.” ông Griffith nói thêm. “Và đó là bởi vì so với tổng dân số của chúng ta, ngày nay chúng ta có ít người làm việc hơn so với chỉ hai năm rưỡi trước đây.”
Ông Griffith cho biết tỷ lệ tham gia lao động ở Hoa Kỳ đã tăng lên, bởi vì “khi mọi người dần dùng hết các khoản tiết kiệm đó [tích lũy được trong thời gian chính phủ đưa ra các quỹ cứu trợ đại dịch], thì họ thấy cần thiết phải quay trở lại lực lượng lao động.”
Tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng nhiều nhất
Ông Griffith cho biết số tiền mà chính phủ chi tiêu đến từ người đóng thuế và điều này sẽ ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu nhiều nhất vì họ sẽ không thể tiết kiệm và “tích lũy của cải” do lạm phát hiện tại đang tràn lan.
Ông Griffith nói: “Và đó là điều tôi rất sợ — khi chúng ta tiếp tục chi tiêu vượt quá khả năng của mình, điều này sẽ không chỉ có tác động trong năm nay, và năm sau, [mà là] 10 năm và 15 năm nữa, [và] chúng ta sẽ thấy có ít cơ hội hơn nữa [như tạo việc làm mới] cho các gia đình Mỹ thông thường.”
Cô Masooma Haq đã bắt đầu đưa tin từ Pakistan cho The Epoch Times từ năm 2008. Hiện tại, cô chuyên viết về nhiều chủ đề bao gồm chính phủ, văn hóa, và giải trí của Hoa Kỳ.