Việt Nam ngày 23/11: Hơn 11,000 ca nhiễm, Hà Nội vận hành Trạm y tế lưu động đầu tiên, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số F0 cao kỷ lục
Tin Chiều
Chiều 23/11, tại Việt Nam, Sài Gòn có 180 chợ hoạt động lại, Bình Dương xin bổ sung 28,000 F0, Hà Nội tìm người tại quán vịt có 6 ca nhiễm, Gia Lai thêm 110 ca dương tính, Tp Vũng Tàu phong tỏa 1 xã, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trả lại tiền tỷ do thu sai nhiều năm.
Sài Gòn có 180 chợ hoạt động lại, có tình trạng F0 không thông báo
Tại Sài Gòn, mới đây, Sở Công thương thành phố cho biết, tính đến ngày 22/11, đã có 180/234 chợ truyền thống hoạt động lại, tăng 112 chợ so với hơn 1 tháng trước đó.
Số chợ hoạt động lại tập trung chủ yếu ở Tp Thủ Đức (26 chợ), quận Tân Bình (13 chợ), quận 8 (15 chợ)…
Đáng chú ý, ngoài các ngành hàng thiết yếu, hiện một số chợ đã cho mở rộng nhiều ngành hàng khác như thời trang, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm… với thời gian hoạt động như bình thường.
Tuy nhiên, do sức mua chưa cao, đặc biệt vắng bóng khách du lịch, nên những ngành hàng mở rộng… có số sạp hoạt động còn khá khiêm tốn.
Dự kiến đến ngày 25/11, thành phố sẽ mở thêm 3 chợ ở Tp Thủ Đức, quận 10, huyện Củ Chi. Khả năng sang tháng mới, phần lớn các chợ chưa mở sẽ được hoạt động trở lại.
Cũng tại Sài Gòn, mới đây, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho hay, vừa qua, có tình trạng người dân tự xét nghiệm tại nhà, phát hiện dương tính nhưng không thông báo cho ngành y tế hoặc không liên hệ được với y tế địa phương.
BS Tâm cho rằng, nguyên nhân là do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân lực, đường dây nóng hoạt động không thông suốt nên không ghi nhận kịp thời.
Theo HCDC, việc F0 không thông báo hay không được ghi nhận dễ gây nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, thiệt thòi cho chính bản thân và gia đình.
HCDC khuyến cáo, ngay khi phát hiện nhiễm COVID-19 tại nhà, bệnh nhân hoặc người nhà nên gọi điện đến các cơ sở y tế cố định hoặc lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận kiểm tra xét nghiệm, xem xét điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và hướng dẫn cách ly cho F1.
Bình Dương xin bổ sung 28,000 F0, giải thích việc chưa gắn mã số BN
Ngày 23/11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa đề nghị Bộ Y tế công bố bổ sung 28,000 ca nhiễm COVID-19.
Số F0 này là rất lớn, làm tổng số F0 tại Bình Dương tính đến hết ngày 22/11 lên hơn 245,000 ca.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, 28,000 F0 này được ghi nhận trong hơn 4 tháng, từ 10/7 đến 3/11.
Về lý do khiến Bình Dương bất ngờ xin bổ sung số F0 lớn như trên, ông Chương cho hay, do thời điểm đầu tháng 7, dịch bùng phát, ngành y tế phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ.
Trong khi đó, ca bệnh dồn dập lại thiếu và trùng thông tin ca bệnh. Hơn nữa, việc xét nghiệm có nhiều đơn vị tư nhân tham gia. Số ca nhiễm lớn, khiến tỉnh không xử lý kịp.
Ông Chương khẳng định, Bình Dương ‘không giấu dịch’. Tới nay khi dịch đã tạm lắng, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế cấp mã bệnh cho số F0 nói trên để làm cơ sở thanh toán chi phí xét nghiệm, thanh toán chi phí điều trị theo quy định.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, 28,000 F0 này hiện đều đã khỏi bệnh.
Hà Nội tìm người tại quán vịt có 6 ca nhiễm
Chiều 23/11, CDC Hà Nội thông báo khẩn tìm người đến quán Vịt Ngon sạch tại số 68 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân trong thời gian từ ngày 10-23/11.
Liên quan đến nhà hàng này, hiện đã xác định được 6 ca dương tính.
Trước đó, tối 22/11, quận Ba Đình cũng thông báo khẩn, tìm người từng đến quán phở, quán cơm, hàng thuốc, sân bóng liên quan COVID-19.
Trong ngày 22/11, Hà Nội ghi nhận 286 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp thành phố vượt mốc 200 ca/ngày.
Gia Lai thêm 110 ca dương tính, 50 mẫu nghi nhiễm
Tại Gia Lai, từ ngày 22/11 đến 9h ngày 23/11, sau khi lấy mẫu xét nghiệm hơn 5,900 người, tỉnh ghi nhận 110 ca dương tính mới, 2 ca tái dương tính về từ vùng dịch và 50 mẫu nghi nhiễm hiện đang xét nghiệm lại.
Hiện tỉnh Gia Lai có hơn 1,200 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hơn 1,200 công dân đang cách ly tập trung tại 19 cơ sở.
Vũng Tàu phong tỏa 1 xã, người chưa tiêm vaccine không được rời khỏi
Từ hôm nay (23/11), Tp Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng phong tỏa theo cấp độ 4 đối với toàn xã Long Sơn.
Trong thời gian phong tỏa, người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được đi đến các vùng khác nhưng phải có kết quả xét test nhanh âm tính hoặc xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ, khi đến nơi phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Người tiêm 1 liều hoặc chưa tiêm không được dời khỏi nơi cư trú, trừ đi khám, chữa bệnh theo giấy chuyển viện của bệnh viện, đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, một số trường hợp cấp bách khác… và phải có giấy xác nhận của xã.
Người vào xã từ khu vực có dịch cấp 1, cấp 2 thì không cần kết quả xét nghiệm âm tính.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trả lại tiền tỷ do thu sai nhiều năm
Ngày 23/11, Bệnh viện trên cho biết, đã thông báo trên website về việc trả lại phí dịch vụ xét nghiệm đã thu vượt của bệnh nhân, tổng cộng hơn 3.34 tỉ đồng.
Thời gian hoàn trả: từ 23/11/2021 đến 23/11/2022; buổi sáng từ 7-12h, buổi chiều từ 13-16h (từ thứ 2 đến thứ 6).
Bệnh nhân khi đến nhận tiền mang theo CMND/CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, hóa đơn đóng tiền. Trường hợp thân nhân nhận thay thì mang theo CMND.
Theo danh sách hoàn trả, Bệnh viện đã thu vượt 286,785 lượt bệnh nhân, cao nhất khoảng 85,000 đồng, thấp nhất là 2,500 đồng.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức bị tố là thu thêm tiền xét nghiệm sai quy định.
Qua kiểm tra, Sở Y tế thành phố xác định, từ ngày 20/9/2018 đến ngày 31/1/2019, Bệnh viện đã thu thêm tiền xét nghiệm của 58 dịch vụ với tổng số tiền là hơn 3.349 tỷ đồng.
Trong đó, thu thêm của bệnh nhân có BHYT hơn 2,8 tỉ đồng và của bệnh nhân không có BHYT là 473.8 triệu đồng. Sở Y tế kết luận, nội dung tố cáo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với nội dung trên là đúng.
Xem thêm