Việt Nam ngày 8/2: Số ca nhiễm mới tăng cao đột ngột, vaccine Covivac thử nghiệm giai đoạn 3, xe ôm công nghệ Hà Nội hoạt động trở lại
Việt Nam ngày 8/2 số ca nhiễm tăng mạnh với hơn 21,900 ca, trong đó có tới gần 15,000 F0 cộng đồng.
Hơn 21,900 ca nhiễm mới, số F0 cộng đồng tăng cao
Tối 8/2, Bộ Y tế thông báo về 21,909 ca nhiễm mới gồm 8 ca nhập cảnh và 21,901 ca ghi nhận tại 63 tỉnh/thành, trong đó có 14,982 ca nhiễm cộng đồng.
Hôm nay có 13 tỉnh trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,903), Nghệ An (1,717), Hải Dương (1,245), Thanh Hóa (998), Hòa Bình (944), Bắc Ninh (897), Vĩnh Phúc (891), Nam Định (886), Đà Nẵng (854), Hải Phòng (830), Phú Thọ (769), Thái Nguyên (649), Bình Định (571).
Ngày 8/2, Việt Nam có hơn 4,397 bệnh nhân khỏi bệnh, 97 ca tử vong tại 29 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 19 ca, nâng tổng số tử vong tại Việt Nam lên 38,521 trường hợp, chiếm 1.6% so với tổng số ca nhiễm.
Hôm nay, số ca bệnh nặng đang điều trị là 2,263 ca, trong đó có 1,854 ca thở oxy, 409 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.380 triệu ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là hơn 2.373 triệu ca. Hiện tổng có gần 2.127 triệu bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Vaccine Covivac của Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3
Trong cuộc họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Covivac, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cho hay, vaccine Covivac đủ điều kiện chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 3 với mức liều được khuyến cáo là 10 mcg.
Theo đơn vị nghiên cứu, phát triển Covivac, giai đoạn 2 thử nghiệm trên 374 người tình nguyện tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho kết quả đạt yêu cầu về tính an toàn, dung nạp tốt và sinh kháng thể trung hòa ở mức cao hơn so với vaccine AstraZeneca.
Những quan sát này là cơ sở cho việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để khẳng định tính an toàn và tính sinh miễn dịch.
Xe ôm công nghệ ở Hà Nội hoạt động trở lại, chùa Hương mở cửa từ 16/2
Sau hơn 6 tháng tạm dừng, hôm 8/2, Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại. Theo đó, các tài xế phải được chích đủ vaccine COVID-19.
Trong ngày này, các ứng dụng đặt xe như Grab, Be đã mở lại hoạt động chở khách bằng xe 2 bánh.
Cũng trong tối cùng ngày, thành phố đồng ý với đề nghị của huyện Mỹ Đức, mở cửa đón khách tới chùa Hương nhưng không tổ chức phần lễ hội.
Các năm trước chưa có dịch, Hội chùa Hương khai hội vào mùng 6 tháng giêng. Đây là lễ hội có quy mô và thời gian kéo dài nhất miền Bắc, từ đầu tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
23 cây xăng ở An Giang ngưng hoạt động
Chiều 8/2, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đã yêu cầu lực lượng chuyên trách tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các cơ sở có dấu hiệu đầu cơ, tích trữ xăng dầu.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, từ ngày 29/1 đến ngày 7/2, có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú và An Phú ngưng hoạt động. Trong đó, tạm ngưng nhiều nhất là các cửa hàng thuộc hệ thống của PVoil cung ứng nguyên liệu.
Về nguyên nhân, các cửa hàng này cho hay, do thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác…
Cửa khẩu phía Bắc tiếp tục mắc kẹt gần 1,800 xe hàng
Ngày 8/2 tại Quảng Ninh, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ ngày 3/2, cầu phao tạm km3+4 đã thông quan trở lại, còn cầu Bắc Luân 2 thông quan từ ngày 5/2. Hiện 2 khu vực này còn tồn khoảng 570 xe hàng.
Tuy nhiên, hiện xe hàng ở các tỉnh tiếp tục ra cửa khẩu nên số mắc kẹt lên khoảng 570.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, sau nghỉ Tết, từ ngày 3/2, cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh đã thông quan trở lại. Tính đến ngày 6/2, tổng lượng xe thông quan qua 2 cửa này là 313, trong khi đó, lượng xe hàng lên cửa khẩu tăng cao. Đến sáng 7/2, số xe mắc kẹt tăng lên 1,221.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm