Việt Nam ngày 22/1: Hơn 15,000 ca nhiễm mới, thêm 2 ca Omicron tại Hà Nội, Sài Gòn tuần thứ 3 liên tiếp là ‘vùng xanh’
Việt Nam ngày 22/1 ghi nhận hơn 15,000 ca nhiễm mới, 153 ca tử vong, thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron tại Hà Nội.
Hơn 15,000 ca nhiễm mới, thêm 2 ca Omicron tại Hà Nội
Tối 22/1, Bộ Y tế thông báo về 15,707 ca nhiễm mới gồm 49 ca nhập cảnh và 15,658 ca ghi nhận tại 61 tỉnh/thành, trong đó có 10,986 ca nhiễm cộng đồng.
Có 5 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,945), Đà Nẵng (973), Hải Phòng (745), Hưng Yên (693), Bến Tre (555).
Ngày 22/1, Việt Nam có 3,512 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 153 ca tử vong tại 31 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (16), Vĩnh Long (12), Tiền Giang (11), Đồng Nai (10), Sài Gòn (10),… nâng tổng số ca tử vong toàn quốc tính đến nay lên 36,596 ca.
Hiện số ca nặng đang được điều trị là 4,680 ca, trong đó có 3,923 ca thở oxy, 757 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 2,126,444 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 2,119,854 ca. Tổng có 1,800,692 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 22/1, Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 ca Omicron tại Hà Nội, nâng tổng số F0 mang biến chủng mới này lên 135 ca. Trong đó, 3 ca cộng đồng ghi nhận tại Sài Gòn, 132 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Sài Gòn (65), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1).
Sài Gòn tuần thứ 3 liên tiếp là ‘vùng xanh’, một huyện ‘vùng vàng’
Hôm 22/1 tại Sài Gòn, thành phố cập nhật về cấp độ dịch. Theo đó, tính đến ngày 20/1, thành phố tuần thứ 3 liên tiếp trở thành ‘vùng xanh’.
Ở cấp quận huyện, Sài Gòn chỉ còn huyện Nhà Bè có dịch cấp 2 (vùng vàng), còn lại đều ở cấp 1. Như vậy so với tuần trước, tuần này thành phố không ghi nhận quận huyện nào tăng cấp độ dịch. Có 2 khu vực giảm cấp độ từ cấp 2 xuống cấp 1 là quận 1 và huyện Cần Giờ.
Ở cấp phường xã, có 276 đơn vị ‘vùng xanh’, 36 đơn vị ‘vùng vàng’, không còn đơn vị ‘vùng cam’ và ‘đỏ’.
Hà Nội hơn 2,900 ca nhiễm mới, có 640 F0 trở nặng, nguy kịch
Tối 22/1, Hà Nội ghi nhận thêm 2,945 ca dương tính mới, trong đó có 605 ca cộng đồng.
Số F0 mới trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó nhiều nhất tại Hoàng Mai (137), Đống Đa (132), Thanh Trì (125), Gia Lâm (123).
Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4), số F0 tại Hà Nội là 108,806 ca. Hiện thành phố có 66,618 trường hợp đang được điều trị.
Cập nhật đến 21/1, Hà Nội có 640 bệnh nhân nặng, nguy kịch, trong đó có 564 bệnh nhân thở oxy, 76 trường hợp thở máy.
Điện Biên xây mới sân bay gần 1,500 tỉ đồng
Sáng 22/1, tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,467 tỉ đồng, chủ đầu tư là ACV, chi phí giải phóng mặt bằng là 1,555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành và khai thác vào quý 3/2023.
Mục tiêu của dự án là nâng cấp hạ tầng sân bay, đáp ứng được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác các máy bay nhỏ như trước. Đồng thời nâng cấp nhà ga hành khách từ 300,000 khách/năm lên 500,000 khách/năm.
Cảng hàng không Điện Biên là một trong những sân bay chính của Phòng không – Không quân tại khu vực Tây Bắc, là nơi duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc có sân bay.
Thanh Hóa: Hơn 150 tấn ngao chết trắng bãi biển Hậu Lộc
Tại Thanh Hóa, từ ngày 5/1 đến nay, vùng nuôi ngao ở các xã bãi ngang ven biển huyện Hậu Lộc xảy ra hiện tượng ngao nuôi thương phẩm chết bất thường. Ước tính, số lượng ngao chết là hơn 150 tấn trên diện tích 300 hecta tại xã Đa Lộc (200 hecta), xã Hải Lộc (100 hecta).
Sau khi lấy mẫu phân tích, giới chuyên môn kết luận, hiện tượng ngao chết không phải do dịch bệnh mà có thể do tác động cộng gộp của một số yếu tố môi trường bất lợi và mật độ nuôi quá dày.
Theo đó, tỉnh đã hướng dẫn các chủ hộ thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi. Với ngao đạt kích cỡ thương phẩm, người dân được khuyến cáo nên thu hoạch sớm, tránh thiệt hại. Với ngao còn nhỏ hoặc nuôi mật độ dày, người dân cần san thưa hay di chuyển đến vùng nuôi có môi trường ổn định.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm