Việt Nam kêu gọi Trung Quốc nới lỏng biên giới trong bối cảnh hàng hóa ùn tắc do chính sách ‘zero COVID’
Bộ Công thương Việt Nam đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp biên giới, nói rằng chính sách không COVID-19 (zero COVID) của chính quyền Trung Quốc là “thái quá” và đã gây ra tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới kể từ đầu tháng trước.
Trung Quốc đã duy trì chiến lược “không COVID-19” của mình là xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa hàng loạt, và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, ở Trung Quốc.
Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt phong tỏa đối với thành phố Tây An và cấm người dân rời khỏi nhà sau khi phát hiện một loạt các ca nhiễm mới ở đó. Nhiều cư dân đã phàn nàn về những khó khăn chỉ để có được những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm và thuốc men.
Trung Quốc cũng đã áp đặt các hạn chế đối với xuất cảng hàng hóa của họ và giảm công suất thông quan tại biên giới, với tất cả các lái xe và nhân viên hải quan phải chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 tại các khu vực cửa khẩu.
Các nhà xuất cảng Việt Nam cũng được thông báo rằng tất cả các mặt hàng xuất cảng đông lạnh sẽ không được thông quan trong 14 ngày trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, để các quan chức Trung Quốc dành thời gian cho gia đình, Vietnam Net Global đưa tin.
“Các biện pháp phòng chống virus mà Quảng Tây đang áp dụng theo chính sách ‘zero COVID’, như đóng cửa khẩu hoặc ngừng nhập cảng trái cây, là quá mức cần thiết,” Bộ Công thương Việt Nam tuyên bố.
“Tình trạng gián đoạn này đã tác động tiêu cực đến thương mại song phương, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và người dân cả hai bên.”
Bộ báo cáo rằng 1,555 xe tải chở hàng xuất cảng sang Trung Quốc đã bị ùn ứ tại Quảng Ninh của Việt Nam tính đến ngày 25/12/2021, và 4,204 xe khác bị dồn lại ở Lạng Sơn, một số trong số đó đã phải dừng ở các cửa khẩu với Trung Quốc trong một tháng.
Theo truyền thông nhà nước, hôm 29/12/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã tổ chức một cuộc điện đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), trong đó hai người đồng ý rằng các biện pháp này đã ảnh hưởng đến thương mại song phương và chuỗi cung ứng của hai quốc gia.
Hai bên đã đồng ý duy trì liên lạc chặt chẽ để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đồng thời tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, các bản tin địa phương nêu rõ.
Các quan chức thương mại Quảng Tây cũng đã đồng ý kéo dài thời gian thông quan và chuyển các đề nghị khác lên các cấp chính quyền cao hơn nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc hàng hóa ở biên giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường lớn nhất cho trái cây và rau quả của Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2021 tăng 19.5% so với cùng thời kỳ năm 2020, số liệu chính thức cho thấy.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: