Viện nghiên cứu Hoa Kỳ: Làm sao để giúp đỡ người dân Trung Quốc thay vì củng cố quyền lực cho ĐCSTQ?
Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Hoa Kỳ đang thảo luận về cách học hỏi từ quá khứ, làm thế nào để thực sự giúp đỡ người dân Trung Quốc thay vì củng cố quyền lực cho chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Họ cho rằng, trong nhiều thập niên qua, người Mỹ đã ngây thơ khi tin rằng, “giúp đỡ ĐCSTQ mở cửa kinh tế sẽ giúp họ chuyển mình thành quốc gia dân chủ.” Bởi vậy, Hoa Kỳ đã đầu tư hàng ngàn tỷ USD tiền vốn cho ĐCSTQ.
Tuy nhiên, sự trợ giúp đó thực chất lại biến chính quyền này thành kẻ đối đầu với Hoa Kỳ; giúp ĐCSTQ sử dụng công nghệ tân tiến nhất để theo dõi người dân Trung Quốc, khiến tình hình nhân quyền ở quốc gia này ngày càng trở nên tồi tệ; và cuối cùng, Trung Quốc trở thành một quốc gia có nạn thu hoạch nội tạng sống phi pháp tràn lan.
Vậy thì, đâu là cách để các chính trị gia, doanh nghiệp, và người dân Hoa Kỳ giúp đỡ người dân Trung Quốc, thay vì củng cố quyền lực cho ĐCSTQ?
10 kiến nghị để người dân Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho ĐCSTQ
Tại một hội thảo có chủ đề “Đừng tiếp tục tài trợ cho kẻ thù số một [của Hoa Kỳ]” do tổ chức tư vấn “Ủy ban về mối nguy hiểm hiện tại của Trung Quốc” tổ chức, Giám đốc Viện Cố vấn Đầu tư An ninh Quốc gia (NSIC) Kevin Freeman, kiêm chuyên gia phân tích tài chính được chứng nhận (CFA), người dẫn chương trình truyền hình, nhà đầu tư quốc tế và là tác giả sách bán chạy nhất của New York Times, đề nghị rằng nếu người Mỹ làm được 10 điều này thì họ có thể trợ giúp việc giải thể ĐCSTQ, giúp người dân Trung Quốc có được tự do.
Đề nghị thứ nhất: Ngừng đầu tư vào các công ty do ĐCSTQ kiểm soát
Ông Kevin Freeman nói rằng người Mỹ đã đầu tư hàng ngàn tỷ USD cho ĐCSTQ, chỉ vì “chúng ta xem đây là một khoản đầu tư vào thị trường tự do, chúng ta xem đó là ‘thị trường’”, nhưng “kẻ thù của chúng ta lại xem đó là ‘chiến trường’”; “ĐCSTQ kiểm soát tất cả khoản đầu tư vào trong nước, hoặc khoản đầu tư có liên quan đến Trung Quốc.”
Vì vậy, ông đề nghị người Mỹ nên “hợp tác với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ để tìm kiếm đầu tư vào những đơn vị không bị ĐCSTQ chi phối.”
Thứ hai, từ góc độ chuyên môn đầu tư, ông Freeman khuyến nghị, nhất định phải điều tra kỹ đối tác đầu tư, tránh các công ty cung cấp dữ liệu hoạt động cho ĐCSTQ vì lợi ích cá nhân.
Điều thứ ba: Lắng nghe tiếng nói của ngành công nghiệp Hoa Kỳ, bảo đảm việc dùng các sản phẩm từ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.
Điều thứ tư: Củng cố đồng dollar Mỹ để phát triển nền kinh tế Hoa Kỳ.
Điều thứ năm: Điều tra chi tiết các vụ bê bối thông đồng giữa các chính khách Hoa Kỳ với ĐCSTQ, như cách đã làm với ông Trump và nước Nga.
Điều thứ sáu: Đóng cửa biên giới để ngăn chặn người của ĐCSTQ vào Mỹ quốc.
Điều thứ bảy: Tiếp tục các lệnh trừng phạt, thuế quan, và các biện pháp răn đe khác được ban hành dưới thời của cựu tổng thống Trump.
Điều thứ tám: Yêu cầu ĐCSTQ bồi thường những tổn thất gây ra cho Hoa Kỳ sau khi phát tán virus COVID-19 ra thế giới.
Điều thứ chín: Yêu cầu ĐCSTQ hoàn trả các khoản nợ với Hoa Kỳ.
Điều thứ mười: Người dân cần phơi bày với thế giới tất cả những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra.
Ông Freeman liệt kê tất cả tội ác của ĐCSTQ, bao gồm: kế hoạch hóa gia đình, nạn thu hoạch nội tạng, vận chuyển fentanyl và các loại ma túy khác đến Hoa Kỳ, các hoạt động giao thương không công bằng, v.v.
Ông nói: “Vì vậy, chúng ta cần phơi bày tội ác của ĐCSTQ ra thế giới.”
“Nếu chúng ta làm được 10 điều này, chúng ta sẽ không còn hỗ trợ ĐCSTQ mà là trợ giúp giải thể đảng này, và cho thế giới thấy rằng: Những người dân Trung Quốc phi thường đang bị Chủ nghĩa Cộng sản xiềng xích, một khi họ thoát khỏi được xiềng xích của chính quyền này, họ mới có được tự do, họ mới có thể cống hiến những điều vĩ đại cho thế giới và cho cuộc sống tương lai của chúng ta.”
“Vì vậy, chúng ta phải đánh bại ĐCSTQ, giúp người dân Trung Quốc, thay vì trợ giúp ĐCSTQ [như trước].”
Mọi chính sách của ĐCSTQ đều nhằm duy trì quyền lực thống trị
Tham dự cuộc hội thảo cùng với ông Kevin Freeman còn có Tiến sĩ Bradley Thayer, chuyên gia chiến lược, giám đốc Ban nghiên cứu Trung Quốc của “Trung tâm Chiến lược An ninh,” và là một cây bút. Tiến sĩ Thayer cho biết nguyên tắc luôn chi phối hành vi của các cường quốc trong hệ thống nhà nước hiện đại là “nguyên tắc chiến lược,” trong đó nguyên tắc đầu tiên là “không trợ giúp sự trỗi dậy của đối thủ.”
“Đáng buồn là giờ đây Hoa Kỳ đã vi phạm nguyên tắc này,” ông nói. “Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chiến lược gia đã không còn hưởng ứng nguyên tắc này và giao phó nó cho các chuyên gia tài chính, những người vốn nhấn mạnh đến lợi ích tuyệt đối từ việc kiếm tiền ở Trung Quốc. Điều này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của nhà chiến lược [đã đề ra trước đó].”
Trái lại, Trung Quốc lại hoàn toàn tỉnh táo trong các chiến lược nhằm bảo vệ tuyệt đối quyền lực chính trị của mình. Theo ông Thayer, sau Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nếu Hoa Kỳ và cộng đồng Quốc tế can thiệp đứng về phía người dân Trung Quốc, thì ĐCSTQ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất quyền cai trị.
Khi Liên Bang Xô Viết cũ đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn khỏi hệ sinh thái kinh tế, ông Đặng Tiểu Bình đã kịp thời áp dụng chính sách “Giấu mình chờ thời” gói gọn trong 28 chữ: “Lặng lẽ quan sát – Giữ vững trận địa – Bình tĩnh ứng phó – Giấu mình chờ thời – Khéo léo phòng thủ – Quyết không đi đầu – Hành động thích hợp.” Sau đó, ĐCSTQ áp dụng chiến lược “Làm cho giới tinh hoa phương Tây trở nên giàu có để ĐCSTQ có thể tồn tại.”
Ông William Walton, cựu Chủ tịch Hội đồng Chính sách Quốc gia và là cựu Giám đốc điều hành của United Capital, cũng bày tỏ rằng, năm 1989, người Mỹ đã bị ĐCSTQ lừa dối; họ thực sự nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ chuyển sang nền kinh tế thị trường nên đã cấp quy chế đãi ngộ “Tối huệ quốc” cho Trung Quốc, và cuối cùng cho phép ĐCSTQ gia nhập WTO vào năm 2001.
Ông Walton cho biết: “Điều này là do tính toán sai lầm khi ngây thơ tin vào hệ thống vận hành kinh tế và chính trị do ĐCSTQ chỉ huy và kiểm soát trên thực tế. Hoa Kỳ mở cửa nền kinh tế thì ĐCSTQ sẽ trở thành một quốc gia dân chủ và là một thành viên chủ chốt của xã hội Quốc tế, [điều này] chỉ tồn tại trên lý thuyết.”
“ĐCSTQ gia nhập WTO năm 2001 là một dấu mốc quan trọng, khởi đầu quá trình tái phân phối của cải và việc làm từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc kéo dài trong hàng thập niên”, ông nói.
Ông Walton nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm giới kinh doanh Hoa Kỳ và Wall Street kiếm được hàng tỷ USD từ Trung Quốc. Họ hoàn toàn bỏ qua đòn bẩy đàm phán quan trọng – đòn bẩy chiến lược – mà Hoa Kỳ áp dụng khi đánh giá tình hình thương mại thường niên của Trung Quốc. Việc cho phép ĐCSTQ gia nhập WTO không đạt được mục đích “duy trì môi trường cạnh tranh công bằng,” mà thực chất lại khiến chính Hoa Kỳ gặp tổn thất.
Ông nói thêm: “Không có doanh nghiệp tư nhân thực sự nào ở Trung Quốc.”
Vì vậy, sau khi gia nhập WTO, ĐCSTQ đã thiết lập lại chủ nghĩa trọng thương, tìm hiểu về trợ cấp thương mại nhằm mục đích khiến người Mỹ phải kiếm tiền. Những doanh nhân Mỹ cho rằng họ thông minh, lại nghĩ rằng họ đang kiếm được tiền từ Trung Quốc. Tuy nhiên, “mục đích của ĐCSTQ là khiến quý vị phải chuyển giao công nghệ và giúp hệ sinh thái kinh tế của họ có được nhiều hoạt động kinh doanh hơn. Sau một thời gian, quý vị sẽ thấy mình không còn hữu dụng nữa. Khi đó, quý vị sẽ nhận ra đối thủ cạnh tranh của mình lại chính là Trung Quốc (ĐCSTQ), họ không những chiếm lĩnh thị trường của quý vị ở Trung Quốc, mà còn đe dọa thị trường của quý vị ngay tại Hoa Kỳ.”
Theo ông Walton, kết quả cuối cùng là thặng dư thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ tăng từ 8 tỷ USD trong năm 2001 lên 340 tỷ USD vào năm 2021. Điều này tương đương với xuất cảng của Trung Quốc vượt nhập cảng của Hoa Kỳ 5.4 ngàn tỷ USD. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 5 lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Còn ông Thayer cho rằng ĐCSTQ không chỉ thể hiện “những hành động xâm lược trắng trợn” trên cộng đồng quốc tế, mà còn “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người dân Trung Quốc” tại quê nhà. Vì vậy, chiến lược mà ông đưa ra cho Hoa Kỳ hiện nay là “bỏ đói ĐCSTQ.”
“ĐCSTQ đã thiết lập một nhà nước giám sát, và hệ thống tín dụng xã hội của nhà nước giám sát này là một phần quan trọng để họ giám sát người dân. Vì vậy, đây là một chính quyền đáng ghét và tàn bạo,” ông nói. “Điều đúng đắn cần làm là thực hiện theo đề nghị [bỏ đói ĐCSTQ] của chiến lược gia, khiến Trung Quốc thiếu hụt nguồn vốn cần thiết để chuyển giao công nghệ, và phải phụ thuộc vào mối giao thương kinh tế.”
Cao Tịnh thực hiện
Thanh Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ