Viên minh châu đã mất: Nền văn minh Khoa học Kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại (P.3)
Xem thêm Phần 1, phần 2, phần 4.
Nền văn minh khoa học kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại được xây dựng dựa trên cơ sở “ngộ tính” với nội hàm đạo đức của con người, còn nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại được xây dựng dựa trên “trí thông minh” của con người.
Chúng ta đã nói về Thiên văn và Địa lý. Người xưa không chỉ trên thông Thiên văn mà còn dưới tường Địa lý. Đạo của Thiên Địa chứa đựng nguyên lý “Âm dương tiêu trưởng, ngũ hành sinh khắc” (Âm dương chuyển hóa qua lại, ngũ hành khắc chế lẫn nhau). Vì vậy, trong bất kỳ công trình và kiến trúc nào trên mặt đất, con người đều cần tìm hiểu kỹ mối quan hệ giữa âm dương ngũ hành sao cho phù hợp với quy luật vận hành của đất trời. Đây cũng là biểu hiện về mặt địa lý của quan điểm “thiên nhân hợp nhất”.
Trung Quốc cổ đại rất phát triển về lĩnh vực xây dựng công trình và kiến trúc. Công trình thủy lợi Đô Giang Yển được xây dựng cách đây hơn 2,000 năm trước vào thời Chiến Quốc là một công trình tiêu biểu cho kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại.
Đô Giang Yển tận dụng lợi thế của điều kiện địa lý cao ở Tây Bắc và thấp ở Đông Nam, dựa theo địa hình, mạch nước và thế nước đặc biệt của sông Mân khi ra khỏi núi, từ đó áp dụng ý tưởng thiết kế dẫn nước không cần đập, nước tự chảy tưới tiêu. Thông qua ba công trình lớn là Ngư Chủy, Phi Sa Yển và Bảo Bình Khẩu, một dự án thủy lợi sinh thái với chức năng phân nước tự động, xả lũ tự động, xả cát tự động và kiểm soát lượng nước tự động đã được xây dựng, đồng thời bảo đảm được các lợi ích toàn diện về thủy lợi, phòng lũ, giao thông đường thủy và nước dùng sinh hoạt.
Đô Giang Yển không những không gây tổn hại đến thiên nhiên và sinh thái như các con đập hiện đại, mà về bản chất còn là một dự án cải tạo tối ưu hóa môi trường tự nhiên, là hiện thân hoàn hảo của trí tuệ “thiên nhân hợp nhất” trong lĩnh vực kỹ thuật thời cổ đại.
Ủy ban Di sản Thế giới đánh giá Đô Giang Yển là công trình thủy lợi lớn nhất thế giới cho đến hiện tại, có tuổi đời lâu nhất, là công trình thủy lợi duy nhất được bảo tồn mà không có đập dẫn nước. Các chuyên gia về thủy lợi cho biết, những công trình thủy lợi tiên tiến nhất ở các quốc gia phát triển cũng chỉ có tuổi thọ 300 năm, trong khi Đô Giang Yển đã sử dụng hơn 2,000 năm mà vẫn còn nguyên vẹn và vẫn đang phát huy tác dụng.
Sau khi hoàn thành Đô Giang Yển, đồng bằng Thành Đô đã được bảo vệ khỏi hạn hán và lũ lụt, Tứ Xuyên từ đó cũng trở thành một vùng đất trù phú cho đến hiện nay. Đây là hiệu quả xã hội lâu dài do nền văn minh khoa học kỹ thuật tiên tiến cổ đại của Trung Quốc mang lại.
Tư tưởng Vũ trụ quan “thiên nhân hợp nhất” được phát triển từ thể hệ tu luyện của Đạo gia, nền văn hóa Trung Hoa cũng có nguồn gốc từ thể hệ tu luyện của Đạo gia. Cho nên về cơ bản, văn hóa Trung Hoa chính là một loại văn hóa tu luyện, đồng thời cũng là văn hóa Thần truyền. Khái niệm “tu luyện” không hề xa lạ với người Trung Quốc, những kiến thức do Đạo gia và Phật gia truyền dạy đều có liên quan tới kinh nghiệm và phương pháp tu luyện, hệ thống kiến thức của hai gia này đã tạo thành kết cấu đỉnh cao nhất trong văn hóa Trung Quốc.
Trên thực tế, rất nhiều người hiện đại cũng đã biết rằng, tu luyện là một con đường khoa học tiên tiến hơn, có thể trực tiếp khám phá những bí ẩn của sinh mệnh và Thiên Địa, điều này khác với hệ thống khoa học “thực chứng” xuất hiện vào thời hiện đại ở phương Tây.
Ngay cả trong thời đại ngày nay, khi hệ thống khoa học kỹ thuật của phương Tây rất phát triển, vẫn có rất nhiều người trên khắp thế giới ở trong núi sâu rừng già, trong các Đền thờ và Đạo quán, các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, hoặc trong các phương pháp tu luyện cổ xưa dưới dạng khí công, thông qua đả tọa, tĩnh tu, thiền định, yoga, v.v. mà tiếp tục các phương pháp tu luyện đã được truyền thừa từ thời cổ đại.
Các Lạt Ma Tây Tạng, Phật giáo ở Hán địa Trung Quốc, Đạo giáo, Cơ đốc giáo ở phương Tây, cũng như môn khí công đã truyền ra từ Trung Quốc và đang phổ biến trên khắp thế giới – Pháp Luân Công (môn tu luyện Phật gia) v.v., tất cả đều có một số lượng lớn các Thần tích và phép lạ trong quá trình tu luyện. Sự kế thừa và tiếp tục của những môn tu luyện này đã mang đến cho người hiện đại cơ hội liễu giải những biểu hiện thực sự của nền văn minh thời cổ đại.
Cũng chính nhờ việc thực hành con đường khoa học cao cấp hơn này, người Trung Quốc đã tạo ra một nền văn minh huy hoàng 5,000 năm, trong đó bao gồm cả nền văn minh khoa học kỹ thuật tiên tiến. Lấy “kinh lạc huyệt vị” làm ví dụ, loại quy luật lưu chuyển năng lượng của cơ thể con người ở trong các không gian khác này chính là đã được người Trung Quốc phát hiện ra thông qua tu luyện.
Khoa học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng, tu luyện có thể khai phát tiềm năng của cơ thể con người, chính là “công năng đặc dị”. Một trong những công năng đặc dị là “khai thiên mục”, khi thiên mục được mở đến một trình độ nhất định, không chỉ có thể nhìn thấu các cơ quan nội tạng của cơ thể con người, mà thậm chí còn có thể xuyên thấu không gian này của chúng ta để nhìn thấy quy luật vận động của năng lượng xung quanh cơ thể con người ở mức vi mô hơn, đó chính là hệ thống kinh lạc và huyệt vị. Phương pháp châm cứu được sử dụng trong Trung y thực chất là để điều chỉnh dòng năng lượng của con người trong các không gian khác, từ đó đạt được hiệu quả chữa bệnh và tăng cường thể lực.
Văn hóa tu luyện và tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” chính là nguồn gốc của công nghệ kỹ thuật cao ở Trung Quốc thời cổ đại, và cũng là tư tưởng chỉ đạo cho việc sử dụng những công nghệ cao này. Triết lý học của người Trung Quốc cổ đại, quan niệm trị nước, đạo đức trong các dòng tộc, văn học, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, quân sự, công nghệ, kinh tế và lối sống, tất cả đều phản ánh tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” và các nhân tố tu luyện. Điều này hoàn toàn khác với phương thức tư duy và thái độ đối đãi đối với kỹ thuật của con người trong thời đại văn minh công nghiệp.
Tại sao công nghệ tiên tiến cổ đại bị thất truyền?
Chúng ta hãy cùng nói về một chủ đề thú vị, đó là “tại sao những công nghệ tiên tiến đó ở Trung Quốc cổ đại lại bị thất truyền?”. Việc này có liên quan đến phương thức truyền thừa dưới văn hóa tu luyện, nó có sự khác biệt cơ bản so với hệ thống văn hóa của nền văn minh công nghiệp ngày nay.
Như đã đề cập trước đó, văn hóa truyền thống của Trung Quốc là văn hóa tu luyện, sự xuất hiện và kế thừa của tất cả các nền văn minh khoa học kỹ thuật thuộc hệ thống văn hóa này đều có nhân tố tu luyện ở trong đó. Nhân tố tu luyện, chính là người này phải có đạo đức cao, có thể kính Thần, thuận theo Thiên đạo, như vậy người đó mới đủ tư cách để được thừa kế những công nghệ này.
Thời Trung Quốc cổ đại, bất kể là truyền thừa kỹ năng, kỹ xảo hay công nghệ gì, đều là “sư phụ tìm đồ đệ”, sư phụ trước hết phải xem xét đạo đức của đồ đệ như thế nào, sau khi thành thạo những kỹ năng hay công nghệ cao này thì liệu có sử dụng để làm việc xấu hay không. Đây là mô thức cơ bản của việc truyền thừa kỹ năng vào thời Trung Quốc cổ đại. Nó không hề giống như thời đại công nghiệp hóa hiện nay, chỉ cần bạn đóng học phí, bạn sẽ có cơ hội học nhiều chuyên ngành và công nghệ khác nhau. Cũng có nghĩa là, trong quá trình truyền thừa khoa học kỹ thuật vào thời cổ đại, đó không chỉ là truyền thừa kỹ thuật, mà còn truyền thừa những “giá trị” của việc sử dụng công nghệ này, tức là truyền thừa của một mô hình văn minh phù hợp với Thiên đạo.
Chúng ta hãy lấy một ví dụ, theo “Sử ký” ghi chép, y thuật của Thần y Biển Thước là đến từ một cao nhân tên là Trường Tang Quân. Trường Tang Quân và Biển Thước gặp nhau tại quán trọ, sau khi quan sát Biển Thước hơn 10 năm, Trường Tang Quân mới truyền cho Biển Thước một số phương thuốc bí mật, đồng thời đưa cho Biển Thước một loại thuốc để uống cùng với sương trên cỏ liên tục trong 30 ngày. Sau khi dặn dò xong những điều này, Trường Tang Quân đột nhiên biến mất. Biển Thước biết Trường Tang Quân không phải là người thường, nên đã chiểu theo đơn thuốc uống trong 30 ngày, và điều kỳ diệu đã xảy ra. Biển Thước đã sở hữu con mắt thấu thị, cũng tức là đã khai thiên mục, có thể nhìn thấy người ở bên kia bức tường, khi nhìn vào thân người thì có thể nhìn xuyên qua cơ thể và nhìn thấy tình trạng bệnh lý của các cơ quan nội tạng. Sau khi Biển Thước sở hữu công năng này, thêm với những phương thuốc bí mật mà Trường Tang Quân truyền lại, ông đã sớm trở thành một Thần y lưu danh thiên cổ.
Câu chuyện Biển Thước gặp Thái Hoàn Công đã được rất nhiều người biết đến, vừa nhìn thấy Thái Hoàn Công, Biển Thước liền biết bệnh tình của ông ấy ở đâu. Y học hiện đại phải trải qua các loại xét nghiệm khác nhau như hóa nghiệm, chụp tia X, chụp cộng hưởng từ v.v., sau đó phân tích kết quả xét nghiệm thì mới có thể biết bệnh của một người ở đâu, còn Biển Thước thì vừa nhìn một cái là có thể biết được.
Rất nhiều Thần y thời Trung Quốc cổ đại cũng đều có công năng đặc dị tương tự, ví dụ như Hoa Đà. Sau khi gặp Tào Tháo, Hoa Đà liền biết Tào Tháo có một khối u trong não. Chuyện này đã được sử sách ghi lại, Hoa Đà làm sao có thể biết được thực trạng trong đầu Tào Tháo? Ông chính là đã nhìn thấy thông qua thiên mục. Người hiện đại khi đọc những câu chuyện lịch sử cổ đại, lại thường bỏ qua những chi tiết mấu chốt nhất này, kỳ thực đây chính là “công nghệ cao” của thời cổ đại. Muốn hiểu được loại công nghệ cao này, thì phải làm quen với hệ thống văn hóa tu luyện mà người xưa khai sáng.
Trong môi trường văn hóa tu luyện, khi truyền thừa một công nghệ hay một kỹ năng, đều là do Sư phụ tìm đồ đệ để truyền thừa, chỉ sau khi tìm được người đồ đệ phù hợp, có đạo đức và ngộ tính tốt thì mới truyền. “Ngộ tính” mà người xưa coi trọng và “trí thông minh” mà con người ngày nay coi trọng là hai điều khác nhau. Ngộ tính liên quan trực tiếp đến trình độ đạo đức của một người, trong khi trí thông minh thì không. Nền văn minh khoa học kỹ thuật thời cổ đại được xây dựng trên cơ sở “ngộ tính”, chứa đựng những nội hàm đạo đức, còn nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay thì được xây dựng trên cơ sở “trí thông minh”.
Vì vậy, khi đạo đức và các giá trị quan của xã hội nhân loại dần trượt xuống theo tiến trình lịch sử và không ngừng biến dị, một số khoa học kỹ thuật cổ đại được xây dựng theo tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” đã dần bị thất truyền do không thể tìm được người kế thừa có ngộ tính tốt. Nếu trình độ đạo đức không lên theo kịp, thì dù “trí thông minh” dẫu cao đến đâu cũng không thể kế thừa được nền văn minh công nghệ cổ đại, bởi những di sản đó đều có nhân tố tu luyện.
Tác giả: Huệ Hổ Vũ
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ