[Video] Một huyện ở Trung Quốc biến thành biển nước sau một đêm, cư dân mạng nghi vấn chính quyền che giấu thảm họa
Từ ngày 10/09 đến ngày 11/09, nhiều nơi thuộc tỉnh Quảng Tây bị lũ lụt, chính quyền địa phương thông báo có 7 người thiệt mạng. Cụ thể, lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở thị trấn Sa Hà, thị trấn Lăng Giác, thuộc huyện Bác Bạch ở thành phố Ngọc Lâm, và thị trấn Bạch Sa, huyện Hợp Phổ, thành phố Bắc Hải. Cư dân mạng ở huyện Bác Bạch cho biết lũ dâng cao đến lầu 2 và dân làng nói họ chưa bao giờ gặp một trận lũ lớn như vậy. Theo tin từ người dân thị trấn Bạch Sa, mực nước lũ trong ngày 12/09 vẫn sâu ngang ngực.
Huyện Bác Bạch, thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây: Nước lũ dâng cao đến lầu 2
Hôm 11/09, CCTV loan tin mưa lớn trút xuống các thành phố Ngọc Lâm, Bắc Hải, Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Tây từ ngày 10/09 đến ngày 11/09. Trong số đó, lũ lụt phát sinh ở thành phố Ngọc Lâm, khiến nhiều người dân ở thôn Giản Đầu Pha, thị trấn Bác Bạch, huyện Bác Bạch, bị mắc kẹt, mực nước sâu quá 2 mét, lầu một của một số ngôi nhà ở vùng trũng bị ngập. Ngoài ra, nhiều tuyến đường ở huyện Bác Bạch cũng bị ngập.
Hôm 11/09, giới chức thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, cho biết do ảnh hưởng tàn dư của bão Haikui và gió mùa nên có mưa lớn ở nhiều nơi tại Ngọc Lâm từ ngày 10/09 đến ngày 11/09. Nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra ở quận Phúc Miên, huyện Lục Xuyên và huyện Bác Bạch, thuộc thành phố Ngọc Lâm, khiến 7 người tử vong và 3 người mất tích.
Theo tin từ tờ Quảng Tây Đầu Điều hôm 11/09, các trường học ở khu Ngọc Châu, huyện Bác Bạch, huyện Hưng Nghiệp, thuộc hành phố Ngọc Lâm đã đóng cửa trong một ngày.
Ngày 12/09, ông Ngụy (Wei) từ thành phố Ngọc Lâm nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ông gián tiếp biết được tin nhiều nơi ở Ngọc Lâm bị lũ lụt và nhiều xe hơi bị cuốn trôi. Huyện Bác Bạch và huyện Lục Xuyên là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, độ sâu lũ khoảng 1.2 mét, nhiều ngôi nhà làm bằng bùn ở vùng nông thôn gần lưu vực sông bị cuốn trôi. Ở các huyện đó còn xảy ra lở đất, một số cơ sở chăn nuôi như chuồng gà, chuồng heo bị ngập và sập, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Chương (Zhang) từ huyện Bác Bạch nói với The Epoch Times: “Tôi chưa bao giờ thấy lũ lớn như vậy và nhiều nơi bị lũ lụt như vậy. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.”
Ông cho biết, trước đây cầu ga và một số đoạn đường ở thành phố Ngọc Lâm năm nào cũng bị ngập, năm nào cũng được sửa chữa nhưng không hề khắc phục. Lần này qua video trên mạng ông biết có nơi lũ ngập tới lầu 1, những ngôi nhà chỉ có một lầu thì sẽ ngập tới nóc.
Cư dân mạng ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây loan báo tình hình thảm họa của địa phương trên mạng xã hội
“Tôi quê ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây. Nhà tôi ngập hết rồi”; “Nhà tôi cũng ở Bác Bạch. Hôm nay xem được video mẹ đăng. Hồng thủy ngập trời, đường ngập hết!”; “Lũ gần tới lầu 2 nhà tôi rồi. Hiện tại, điện nước đã bị cắt.”
“Quê nhà của tôi, thị trấn Lăng Giác, huyện Bác Bạch, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Nhiều ngôi làng có nhà ngập đến lầu 2. Thanh niên ra ngoài làm việc, trong nhà đều là người già và trẻ em. Nhiều nơi gần nhà cha mẹ tôi, như thôn Lục Hồ, thôn Sa Bá Vĩ, đều là nhà hai tầng, nước đã lên tới tầng hai và vẫn đang dâng cao. Mong mọi người có thể cứu họ.”
“Đây là quê nhà của tôi, thị trấn Bác Bạch, huyện Bác Bạch, thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây. Trận lũ lụt đầu tiên trong lịch sử xảy ra. Những ngôi nhà thấp bị lũ nuốt chửng, xe hơi bị nuốt chửng, hoa màu bị cuốn trôi. Cảnh tượng giống như biển cả. Mong mưa lớn sớm tạnh, đừng tái diễn nữa. Cầu mong mọi người ở quê nhà của tôi đều khỏe mạnh bình an.”
“Quê nhà của tôi, thôn Lục Hồ, thị trấn Lăng Giác, huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, đã biến thành đại dương mênh mông chỉ sau một đêm. Hiện tại nước đã dâng lên đến lầu hai. Người của đội cứu hộ đâu rồi?”
“Sau một đêm, ở Sa Hà (thị trấn) và Lăng Giác (thị trấn) của huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, một số người lại mất nhà cửa, và một số người sẽ không bao giờ gặp lại được nữa.”
“Ở quê Sa Hà của tôi, nước sông Nam Lưu không ngừng đổ vào đường phố và nhà cửa.”
“Ở Lăng Giác, chỉ còn người cao niên và trẻ em ở nhà. Bây giờ không có điện nước. Một số nhà chỉ có một tầng, họ phải di chuyển lên mái nhà. Bây giờ (nước) đã lên đến lầu hai rồi.”
Video đăng tải trên mạng Internet cho thấy đường phố ở huyện Bác Bạch biến thành sông, nước lũ ngập tới nóc xe hơi, ngôi làng chìm trong nước và nhà cửa bị nhấn chìm.
Hôm 11/09, Cục Khí tượng thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, thông báo từ 8 giờ ngày 09/09 đến 10 giờ ngày 11/09, mưa lớn liên tục xảy ra ở hầu hết các khu vực của thành phố Ngọc Lâm, nhiều trạm vượt quá lượng mưa được ghi nhận lớn nhất trong lịch sử. Các khu vực có lượng mưa trên 250mm chủ yếu xảy ra ở hầu hết huyện Bác Bạch, phía nam và phía tây quận Phúc Miên của thành phố Ngọc Lâm, phía nam thành phố Bắc Lưu và một số khu vực ở trung tâm huyện Lục Xuyên.
Tờ Phí Điểm Thị Tần cho biết lở đất đã xảy ra trên nhiều con đường ở các làng, thị trấn thuộc huyện Lục Xuyên, huyện Bác Bạch và những nơi khác, nước tích tụ ở một số khu vực gần như ngập cả mái nhà.
Thị trấn Bạch Sa, huyện Hợp Phổ, thành phố Bắc Hải: Nước ngập đến lầu 1 và vẫn chưa rút
Hôm 12/09, Cô Lý Mai (Li Mei, bí danh) đến từ thị trấn Sơn Khẩu, huyện Hợp Phổ, thành phố Bắc Hải, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng người thân của cô sống ở thị trấn Bạch Sa, thành phố Bắc Hải phải chạy đến nhà cô để thoát khỏi trận lũ lụt hôm 11/09. “Mấy năm qua đều không có lũ lớn như vậy. Tình hình lũ năm nay nghiêm trọng. (Trước đây) lũ không lớn đến thế.”
“Anh ấy (người thân) nói rằng chính quyền Bạch Sa không quan tâm đến (cứu hộ lũ lụt).” Cô Lý nói rằng người thân của cô chỉ có thể thoát khỏi khu vực thảm họa sau khi nhận được một số cuộc giải cứu bằng ca-nô cứu hộ (tư nhân) từ huyện Hợp Phổ. “Anh ấy nói, ‘Anh thậm chí còn không có thời gian để quay lại lấy quần áo.’”
Cô Lý Mai cho biết lũ lụt ở thị trấn Bạch Sa rất nghiêm trọng, nước ngập tới lầu 1 của tòa nhà. Những người thân đến nhà cô để lánh nạn đã quay trở lại thị trấn Bạch Sa hôm 12/09. Nước ở địa phương vẫn chưa rút, nước lũ ngập đến ngực người dân. Dân làng không được địa phương quan tâm sắp xếp chỗ tạm trú, phải tìm mọi cách để nương nhờ thân nhân.
Cô Lý cho biết lũ lụt cũng xảy ra ở hai ngôi làng thuộc thị trấn Sơn Khẩu, huyện Hợp Phổ, thành phố Bắc Hải, nơi cô sinh sống. “Nước cao đến đầu gối. Các chuồng trại nuôi heo hẳn là đã bị ngập, nông sản chắc chắn bị ảnh hưởng.”
Người dân nghi vấn chính quyền che đậy thảm họa
Ngoài ra, nhiều cư dân mạng cho biết họ chỉ phát hiện ra thảm họa ở tỉnh Quảng Tây thông qua các bài báo về tình hình thảm họa ở ngoại quốc. Vì vậy, họ đặt câu hỏi về việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu tình hình thảm họa trong nước.
“Thật ra tôi bấm vào khi xem đoạn video về trận động đất ở Morocco, nếu không tôi sẽ không biết gì về chuyện này.”
“Tôi biến tin [về thảm họa ở Quảng Tây] từ tin núi lửa Hawaii. Thật xấu hổ khi là người Quảng Tây mà tôi thậm chí không biết gì về tình hình ở đó.”
“Chúng tôi hoàn toàn không biết! Tôi bấm vào đây từ phần bình luận trận động đất ở Morocco.”
“Trận động đất ở Morroco là chủ đề được tìm kiếm nóng, nhưng chưa ai từng thấy trận lũ Bác Bạch ở Quảng Tây. Tôi chỉ tìm hiểu về tin này ở phần bình luận của video.”
Tiêu Luật Sinh, Lý San thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ