Vì sao những người ngoại tình gặp phải đều là ‘hạng người không tốt lành gì’
Đối tượng mà người ngoại tình gặp phải đa phần đều là “người không tốt lành gì”, cơ bản là không có ngoại lệ. Vì sao lại chắc chắn như vậy? Lý do thực ra rất đơn giản. Chỉ cần suy nghĩ logic một chút thì chuyện này không có gì khó hiểu.
Bởi vì những đối tượng mà người ngoại tình gặp chủ yếu đều có những đặc điểm sau:
Một là, những người này lấy cảm xúc của bản thân làm điều quan trọng nhất, và cảm thấy nó bao la như bầu trời. Mọi thứ khác như gia đình, con cái, trách nhiệm, hôn nhân, nghĩa vụ, thân phận,v.v… đều xếp vào vị trí thứ yếu.
Hai là, những người đó cảm thấy việc theo đuổi tình yêu là quyền tự do của mình, không muốn dùng “đạo đức” để “trói buộc” bản thân. Họ cảm thấy hương vị mỹ diệu của tình yêu mới là thực tại, và gần trong gang tấc, còn những điều như nhân quả đạo đức thì quá hư không, nhìn không thấy, sờ không được. Nhưng cán cân công bằng của thế giới tâm linh, cái gì nhẹ, cái gì nặng không nói ai cũng hiểu.
Như vậy hai người này đến với nhau, cuộc sống sau này của họ sẽ như thế nào?
Trước hết, phải nói là hai người họ thực sự có chung một ngôn ngữ, được gọi là “hồng nhan”, “lam nhan” tri kỷ. Họ đều coi trọng cảm thụ của riêng mình, coi trọng lợi ích hiện thực trước mắt, nhìn chung họ có đầu óc sáng suốt. Họ cảm thấy đạo đức, nhân quả gì đó đều chỉ là mây bay và không đáng phải lo ngại.
Khi “lợi ích” của hai người nhất trí, thì thật sự hai bên đều cảm thấy “đối phương là người hiểu mình nhất”, chúng ta có thần giao cách cảm rồi, quả thật cũng không cần lắm việc có tiếng nói chung. Họ cùng nhau theo đuổi “tình yêu”, và cùng nhau chống lại sự “ràng buộc đạo đức”. Khi đó, họ thực sự là những chiến hữu tốt trong một chiến hào. Họ hợp ý nhau trong cùng khoảnh khắc, chuyện gì cũng có thể nghĩ đến cùng một điểm, giống như những con giun trong bụng nhau. Không quá lời khi nói họ là “linh hồn đồng điệu”.
Nhưng cuộc đời dài dằng dặc như vậy, lợi ích của hai bên không phải lúc nào cũng luôn nhất trí. Vậy khi giữa hai người phát sinh mâu thuẫn thì như thế nào?
Lúc này, cả hai bên sẽ coi trọng cảm thụ và lợi ích của mình mà bỏ qua tình cảm và lợi ích của đối phương.
Hãy nói về những mâu thuẫn đơn giản và phổ biến nhất:
Khi hai bên đều mệt mỏi, ai sẽ cáng đáng việc nhà nhiều hơn? Trong chốc lát, mỗi người vẫn có thể dựa vào động lực của tình yêu mãnh liệt để chống đỡ, nhưng về lâu dài thì sao?
Khi hôn nhân bước vào giai đoạn mệt mỏi, sau khi tình cảm mãnh liệt đã bị cơm áo gạo tiền làm cho hao mòn gần như cạn kiệt, lại lần nữa gặp được một người khiến trái tim mình rung động, thì làm thế nào? Nếu như lúc trước có thể kiềm chế, thì ngay từ đầu đã không có chuyện ngoại tình. Tục ngữ có câu “Có một lần thì sẽ có có vô số lần”. Đó là do “mã số tâm hồn” của mỗi người quyết định. “Mã số” kia đến lúc sẽ vận hành theo “trình tự” như vậy, chính là loại người như thế.
Những người có thể an tĩnh tâm hồn, không động loạn trước tình cảm ngoài hôn nhân, không rời bỏ người bạn đời của mình, từ xưa đến nay đều không phụ thuộc vào “tình yêu” mà phụ thuộc vào “đạo đức”. Những người như vậy, “mã số tâm hồn” của họ chính là dựa trên cơ sở đạo đức. Việc làm vợ/chồng mình thất vọng là điều căn bản không thể làm được, căn bản không thể nhẫn tâm. Những người này có tâm địa thiện lương, phúc hậu, trung thực.
Người với người là không giống nhau, người mà bản thân quý vị lựa chọn là “hạng người không tốt lành”. Sự thật là, không phải đối phương thay lòng đổi dạ và phản bội, mà là ngay từ đầu quý vị đã lựa chọn kiểu người này. Quý vị tưởng người mình lựa chọn là “tình yêu đích thực”, có “tâm hồn thú vị”, có “diện mạo đẹp đẽ”.… Kỳ thực, những cái đó đều là vẻ bề ngoài, còn thực chất bên trong chính là “cặn bã”.
Cái gì? Quý vị cảm thấy họ vì quý vị mà bỏ rơi người khác, đó là “tình yêu đích thực”, là minh chứng rõ ràng cho tình yêu sâu đậm không hai lòng của người đó dành cho quý vị. Cho rằng quý vị xuất sắc không ai sánh bằng, quý vị nghĩ mình xứng đáng. Nhưng sau này họ lại vì người khác mà bỏ rơi quý vị thì chính là một kẻ cặn bã trăng hoa. Đây là một tiêu chuẩn kép? Tất cả những điều này đều không phải là tiểu thuyết ngôn tình, sao nhiều người ngốc nghếch, không lý trí đến như vậy.
Đối phương lúc đầu từ bỏ hôn nhân, từ bỏ vợ/chồng và trách nhiệm, mà lựa chọn “tình yêu”. Một ngày nào đó, khi quý vị đã trở thành hôn nhân, vợ/chồng và trách nhiệm, đối phương vẫn sẽ chọn “tình yêu”. Thực ra, đối phương chưa bao giờ thay lòng đổi dạ. Tâm theo đuổi tình yêu của họ vẫn “kiên định” như thế. Chỉ là do ngay từ đầu, đầu óc quý vị đã không tỉnh táo rồi.
Phải nói rằng, câu “kết hôn vì tình yêu” này quả thật rất đúng! Người ta gả chồng hoặc lấy vợ vốn là do “tình yêu”, chứ không phải vì quý vị là một ai đó, và người ta sẽ luôn coi “tình yêu” là điều quan trọng nhất chứ không phải quý vị.