Vì sao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói ĐCSTQ ‘không bình thường’?
Ngày 23/07/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phát biểu trong một buổi diễn giảng quan trọng về các vấn đề của ĐCSTQ. Không chỉ ví ĐCSTQ với “quái vật”, ông còn chỉ ra các quan chức ĐCSTQ, từ tư tưởng, lời nói đến hành vi đều “không bình thường”.
Những đánh giá của ông Mike Pompeo hoàn toàn chính xác. Chỉ cần lướt qua lịch sử đấu đá tranh giành quyền lực “một mất một còn” của các lãnh đạo cao cấp ĐCSTQ, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấu: Vì cái đảng “không bình thường” này, mà tầng lớp lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ, gồm cả người nhà của họ, cũng lâm vào nguy hiểm.
Thời đại Mao Trạch Đông
Mao Trạch Đông là kẻ độc tài lớn nhất trong lịch sử ĐCSTQ, ông ta luôn lo lắng bị người khác mưu hại đoạt quyền lực.
Mao từng chỉ định Lưu Thiếu Kỳ là người kế nhiệm. Lưu Thiếu Kỳ làm đến chức Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch nước. Sau này, Mao liên tục lo sợ Lưu là một “Nikita Khrushchev” đang ngủ phục bên cạnh mình, [chờ thời cơ]. Năm 1966, Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, Lưu bị trừ khử với tội danh “phe đương quyền chủ trương đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất trong nội bộ đảng”, sau đó bị xem là “phản đồ, nội gian, công tặc” (kẻ phản bội, nội gián, kẻ phản bội giai cấp công nhân làm tay sai cho tư sản), và vĩnh viễn bị khai trừ khỏi đảng. Năm 1969, Lưu bị tra tấn đến chết. Vợ của Lưu là Vương Quang Mỹ bị giam tại Nhà tù Tần Thành gần 12 năm. Con trưởng của Lưu là Lưu Duẫn Bân đã nằm trên đường ray xe lửa tự tử. Con trai thứ của Lưu là Lưu Duẫn Nhược bị giam cầm 8 năm, đã lâm bệnh và qua đời không lâu sau khi ra tù. Con gái thứ của Lưu là Lưu Đào, và con trai thứ ba là Lưu Duẫn Chân, dưới sự khích lệ của Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, đã dán một tấm áp phích khổ lớn để “thâm yết mãnh phê” (phê bình và vạch trần) Lưu, có nội dung “Hãy xem linh hồn xấu xí của Lưu Thiếu Kỳ”. Qua đó, Lưu Đào được lấy làm “hình mẫu” về việc con gái phản cha mẹ cho trẻ em Trung Quốc.
Trong lịch sử ĐCSTQ, từ 1952-1953, có câu nói “Ngũ mã tiến kinh”. Mao Trạch Đông đã điều chuyển Cao Cương (Bí thư Cục Đông Bắc), Nhiêu Sấu Thạch (Bí thư Cục Hoa Đông), Đặng Tử Khôi (Bí thư Cục Trung Nam), Tập Trọng Huân (Bí thư Cục Tây Bắc), Đặng Tiểu Bình (Bí thư Cục Tây Nam) của ĐCSTQ tới Bắc Kinh để đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong chính quyền. Cao Cương từng nắm vị trí cao nhất trong “Ngũ mã”, làm tới chức Phó Chủ tịch Nhà nước trung ương, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch. Nhiêu Sấu Thạch đảm nhiệm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ. Đặng Tử Khôi lần lượt đảm nhiệm chức Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội Hiệp thương Chính trị Toàn quốc. Tập Trọng Huân lần lượt đảm nhận Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng kiêm Bí thư trưởng của Chính phủ. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình trở thành người có địa vị tối cao nhất trong “Ngũ mã”, vươn tới chức Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Tổng Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ.
Tuy nhiên, năm 1954, Cao Cương, Nhiêu Sấu Thạch bị trừ khử với tội danh “liên minh phản đảng”. Cao tự sát, còn Nhiêu bị kết án, sau đó chết ở trong tù. Năm 1962, Tập Trọng Huân bị kết tội “đầu sỏ của bè lũ phản đảng”, bị lãnh án 16 năm. Đặng Tử Khôi bị quy kết là “phần tử Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh cũ”, nhiều lần lâm vào các cuộc “đấu tranh tàn khốc” và “đả kích tàn nhẫn”.
Đặng Tiểu Bình cũng từng là một trong những người kế nhiệm được đích thân Mao lựa chọn. Năm 1966, Đặng bị coi là “kẻ thứ hai của phe đương quyền chủ trương đi theo con đường tư bản chủ nghĩa trong nội bộ đảng”, giáng xuống làm việc tại một nhà máy ở Giang Tây. Con trai cả của Đặng bị bức ép đến nhảy lầu tự sát, tuy không chết nhưng tàn tật suốt đời. Năm 1973, Đặng được khôi phục công tác, trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1976, Đặng lại một lần nữa bị đánh hạ, mọi chức vụ trong và ngoài đảng của ông ta đều bị tước bỏ.
Mao từng chọn Lâm Bưu làm người kế nhiệm. Lâm Bưu đã làm đến chức Phó Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Ương. Tại Đại hội IX của ĐCSTQ, trong điều lệ đảng gọi Lâm Bưu là “chiến hữu và là người kế nhiệm thân cận” của Mao. Năm 1971, chiếc máy bay mà Lâm Bưu ngồi bị rơi tại Undur Khan của Mông Cổ một cách khó hiểu. Lâm Bưu và vợ ông ta – Diệp Quần, cùng con trai Lâm Lập đều bị tử nạn. Sau khi Lâm qua đời, ông ta bị phê phán bôi nhọ là “kẻ có dã tâm của giai cấp tư sản, kẻ âm mưu, kẻ hai mặt, kẻ phản bội, giặc bán nước”. Con gái Lâm Đậu của Lâm Bưu bị “trị” đến chết đi sống lại.
Mao từng chọn Vương Hồng Văn làm người kế nhiệm. Vương đã vươn đến chức Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, thứ hạng chỉ đứng sau Mao Trạch Đông và Chu n Lai. Sau khi Mao qua đời, Vương trở thành lãnh đạo cao cấp thứ hai của ĐCSTQ, chỉ đứng sau Hoa Quốc Phong, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Ngày 6/10/1976, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên bị bắt giữ, bốn người này bị gọi là “Bè lũ bốn tên”. Năm 1981, Vương bị kết án tù chung thân, sau đó đã tử vong vì ung thư gan ở trong tù.
Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông đổ bệnh qua đời. Ngày 6/10/1976, Giang Thanh – vợ Mao và cháu trai Mao Viễn Tân bị bắt. Năm 1981, Giang Thanh bị cáo buộc về “tội tổ chức, lãnh đạo nhóm người phản cách mạng”, “tội âm mưu lật đổ chính quyền”, “tội tuyên truyền kích động phản cách mạng”, “tội vu cáo hãm hại”, bị kết án tử hình và hoãn thi hành án, sau đó treo cổ tự sát. Giang từ đầu đến cuối không nhận tội, tự nhận mình là “con chó trung thành của chủ tịch Mao”. Lúc bị bắt Mao Viễn Tân có nói một câu: “Chủ tịch mất chưa lâu, các người đã … ”, và Mao Viễn Tân bị kết án 17 năm tù.
Thời đại Đặng Tiểu Bình
Tháng 7/1977, Đặng Tiểu Bình một lần nữa được khôi phục công tác, trở thành “hạch tâm của nhóm lãnh đạo thế hệ thứ hai” của ĐCSTQ. Đặng phế truất tổng cộng ba lãnh đạo chính trị của ĐCSTQ.
Trước khi qua đời, Mao đã chọn Hoa Quốc Phong làm người kế nhiệm. Sau khi nhậm chức, Hoa đã làm một việc đại sự, đó là bắt Giang Thanh – vợ Mao. Đặng Tiểu Bình sau khi tái nhậm chức, cũng viện cớ trừng trị cực “tả”, bức ép Hoa lần lượt từ chức Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Đặng Tiểu Bình lần lượt chọn Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương vào chức vụ Tổng Bí thư Trung ương ĐCSTQ. Tuy vậy, cuối cùng, Hồ và Triệu lại bị chính Đặng loại bỏ. Hồ vì đau buồn mà qua đời. Bởi vì Triệu đồng tình với phong trào “Lục tứ” của sinh viên, phản đối việc nổ súng trấn áp, nên bị chỉ trích “xa rời đảng”, ủng hộ “bạo động nổi loạn”, và bị giam lỏng quản thúc đến chết.
Sau khi cách chức Triệu, Đặng đã cố gắng móc ngoặc với Quỹ Soros của Mỹ hòng gán nhãn Triệu là “đặc vụ của CIA Hoa Kỳ”. Chỉ sau khi Soros biết tin, ông ta đã viết thư cho Đặng, nói rằng người Trung Quốc phụ trách quỹ này là Lăng Vân, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ, thì Đặng mới từ bỏ ý định.
Ngoài ba nhân vật kể trên, còn ít nhất 13 vị “lãnh đạo đảng và nhà nước” ĐCSTQ đã bị Đặng phế truất, theo thứ tự là: Uông Đông Hưng (Phó Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ), Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Trần Tích Liên (Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ), Trần Vĩnh Quý (Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện), Ngô Quế Hiền, Tôn Kiện (Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện), Lý Tố Văn, Diêu Liên Úy, Tập Trọng Huân (Phó Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc), Nhuế Văn Hạnh, Diêm Minh Phục (Bí thư Ban Thư ký Trung ương), Hồ Khải Lập (Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ).
Tập Trọng Huân là cha ruột của Tập Cận Bình. Sau 16 năm bị hành hạ tới, hành hạ lui trong các vận động chính trị, năm 1978, ông ta được khôi phục công tác, làm tới Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Phó Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Vì phê phán Cách mạng Văn hóa, phản đối việc điều quân đội trấn áp học sinh trong phong trào “Lục Tứ” giống như Hồ Diệu Bang, nên năm 1990, Tập Trọng Huân bị “Trung ương phê chuẩn cho đến phương Nam nghỉ dưỡng”, thực tế là Tập bị Đặng cách chức, cưỡng chế rời khỏi Bắc Kinh, sống tha hương.
Thời đại Giang Trạch Dân
Sau thảm án trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, hay sự kiện “Lục Tứ”, Trần Vân cùng các nguyên lão của ĐCSTQ đã chọn Giang Trạch Dân làm người kế nhiệm. Sau khi Giang lên nắm quyền, trước hết ông ta đánh hạ Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng. Trần bị kết án 16 năm tù với tội danh tham nhũng. Kế tiếp, lật đổ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Dương Thượng Côn và Bí thư trưởng Quân ủy Trung ương Dương Bạch Băng (em trai Dương Thượng Côn). Hai anh em họ Dương bị tước đoạt mọi quyền lực quân sự, bị bức ép rút lui khỏi vũ đài chính trị.
Hai năm trước khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Giang đã lợi dụng việc con trai của Đặng là Đặng Chất Phương có liên quan tới vụ án của Chu Bắc Phương (cháu trai của Chủ tịch Tập đoàn Thọ Cương Chu Quan Ngũ), để cưỡng ép Đặng Chất Phương phải hoàn toàn rút khỏi giới kinh doanh ở Hồng Kông và Đại lục. Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Giang từng bước phá hủy con đường tài lộ của ba người con rể của Đặng. Đồng thời, không cho con rể thứ ba của nhà họ Đặng là Hạ Bình tiếp tục giữ chức Tổng Tham mưu trưởng của Bộ Tổng Tham mưu và Vũ trang kiêm Tổng Giám đốc Công ty Poly (Bảo Lợi). Theo đà, Giang viện cớ “cải tổ quân đội” để xóa bỏ Bộ Tổng Tham mưu và Vũ trang, như vậy, chức vụ trong quân đội của Hạ Bình tự động bị tiêu trừ. Tiếp đó, Giang loại con rể cả của Đặng là Ngô Kiện Thường khỏi chức Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Công nghiệp kim loại màu Trung Quốc. Có thông tin rằng con rể thứ hai của Đặng là Trương Hoành, từng nắm giữ và kiểm soát việc kinh doanh đất hiếm của Trung Quốc, sau này cũng bị Giang gạt ra.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ năm 2002, theo dự kiến sẽ có tổng cộng 6 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa 15 về hưu, trong đó có Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào là người tiếp quản toàn diện. Tuy nhiên, tại Hội nghị lâm thời của Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16, Giang đã lợi dụng thân tín của mình là Trương Vạn Niên đưa đề xuất “đề nghị đặc biệt”, kiến nghị giữ lại Giang làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, gây sức ép khiến Hồ Cẩm Đào phải đưa ra quan điểm của mình ngay tại hội nghị. Hồ không thể không đồng ý việc giữ lại Giang. Hai năm sau, Hồ tiếp nhận chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Giang lần lượt đề bạt những thân tín của mình là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, chỉ chịu trách nhiệm trước Giang, và hạn chế ảnh hưởng của Hồ Cẩm Đào.
Hồ Cẩm Đào giữ chức lãnh đạo đảng trong 10 năm (2002-2012). Tuy nhiên, Hồ chỉ là bù nhìn, chuyện trọng đại đều do “Thái thượng hoàng” Giang Trạch Dân và “quân sư” Tăng Khánh Hồng của ông ta định đoạt. Nếu lời nói và hành vi của Hồ vượt qua khỏi vòng tròn kiểm soát do Giang và Tăng vạch ra, thì có lẽ ông ta đã bị trừ khử từ lâu.
Thời đại Tập Cận Bình
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đến nay, vẫn luôn dấy lên những tin đồn về việc “đảo chính”.
Ngày 6/2/2012, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã đào tẩu đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô, tiết lộ rất nhiều điều cơ mật với Hoa Kỳ. Tháng 2/2012, khi Tập viếng thăm Hoa Kỳ, biết được những thông tin mà Vương Lập Quân cung cấp cho tình báo Hoa Kỳ: Hai đại thân tín của Giang Trạch Dân lúc đó là Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Chu Vĩnh Khang, và Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư thành phố Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bí mật mưu tính tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18, để Bạc Hy Lai đảm nhiệm chức Ủy viên thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Tiếp đó, lựa thời cơ phát động “đảo chính”, phế Tập lập Bạc lên thay.
Năm năm đầu sau khi Tập lên cầm quyền, Tập đã làm một việc đại sự, đó là lấy danh nghĩa “chống tham nhũng để đả hổ” (phản hủ đả hổ), để đoạt quyền lực từ tay Giang và Tăng. Trong 5 năm này, trong nội bộ ĐCSTQ đấu đá nhau vô cùng kinh tâm động phách. Tập đã điều tra và xét xử tổng cộng hơn 440 quan chức cấp phó tỉnh trưởng hoặc thứ trưởng trở lên, trong đó hơn 160 tướng lĩnh, đa số là người mà Giang và Tăng đề bạt, trọng dụng.
Những “hổ” này cùng “hổ con”, “hổ cháu”, “hổ già” (quan chức đã về hưu), “vua hổ” (Giang Trạch Dân), ai nấy cũng đều nghiến răng căm hận, có lẽ đều muốn lấy mạng Tập.
Trong thời gian này xuất hiện hai lá thư nặc danh: (1) Đêm khuya ngày 4/3/2016, tờ Tân cương Vô giới đã đăng tải một bức thư ngỏ “Yêu cầu Tập từ chức”, trong đó, có ba điểm uy hiếp đến sự an toàn tính mạng gia đình ông Tập; (2) ngày 30/3 cùng năm, tờ Der Spiegel của nước ngoài đã đăng một bức thư ngỏ “yêu cầu lập tức bãi miễn tất cả mọi chức vụ cả trong lẫn ngoài đảng của Tập”, trong đó liệt kê “năm tội trạng lớn” của ông ta.
Tuy nhiên, công cuộc đả hổ của Tập, bắt giặc chưa bắt được vua, chưa bắt được hai “tặc vương” (vua giặc) lớn nhất là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Không chỉ vậy, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Tập còn thỏa hiệp với Tăng và Giang.
“Tặc vương” chưa trừ, Tập có thể sống yên qua ngày sao? Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 19 đến nay, những thân tín của Giang và Tăng là Vương Hỗ Ninh (Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ), Lý Hàn Chính (Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện), Triệu Nhạc Tế (Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương), Quách Thanh Côn (Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương), cố hết sức gây rối loạn đối với nhiều vấn đề trọng đại cả trong nội chính và ngoại giao. Mục đích duy nhất là khiến Tập trở thành tiêu điểm chỉ trích của tất cả mọi người, trở thành con dê thế tội cho những việc xấu xa mà họ đã làm, sau đó chớp cơ hội lật Tập soán ngôi. Từ khi nắm quyền, Tập vẫn luôn không ngừng là tâm của cơn bão tranh giành quyền lực đầy hiểm ác.
Đến năm 2020, những nhân họa của ĐCSTQ đã gây ra đại dịch toàn cầu. Mọi vấn đề mà ĐCSTQ tích lưu lại trong vài thập niên qua đã đồng loạt bộc phát. Những tiếng hô hào mắng Tập, phản Tập, lật Tập, chính biến, binh biến, yêu cầu thay Tập không ngừng vang lên.
Ngày 19/4, Tôn Lực Quân, chức vụ: Phó Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an, nguyên Chủ nhiệm Phòng 610 thuộc Bộ Công an, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao thuộc Bộ Công an, bị tuyên bố sa thải.
Một “hồng nhị đại” ở Bắc Kinh ngoài 70 tuổi, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, có tin đồn ban đầu Tôn Lực Quân vốn là người do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cài cắm. Ban đầu, Tập Cận Bình không hề hay biết, nên cảm thấy Tôn là người đáng tin, “kết quả là ông ta đã làm những việc uy hiếp đến địa vị của Tận Cận Bình, nghe nói đã từng cố gắng ám sát Tập, bởi vậy, việc đánh hạ Tôn là điều tất nhiên, nếu không thì cũng bằng như ngồi chờ mất mạng”.
Theo nguồn tin từ một người biết rất rõ nội bộ ĐCSTQ, Tôn Lập Quân vừa là người phe Giang, vừa là người đứng trong hàng ngũ lật đổ Tập, việc ông ta ngã ngựa “chính là việc mà Tập Cận Bình phải làm để trừ bỏ mối họa của chính mình”. “Nếu có chuyện gì xảy ra với Cục này (chỉ Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Công an), thì sẽ là mối đe dọa vô cùng to lớn đối với Tập, lớn đến mức có thể khiến Tập khó giữ được tính mạng”. Tôn Lực Quân bị đánh hạ, nguyên nhân thực sự là do dính vào những tin đồn gần đây liên quan đến việc lật đổ Tập và binh biến.
Hiện tại, Tập không ngừng nhấn mạnh vấn đề “an ninh chính trị”, “an ninh quốc gia”, “an ninh kinh tế”. Nói đảm bảo an ninh cái này, cái kia, thực chất là để đảm bảo an toàn tính mạng. Vô luận Tập đi đến đâu, thì điều ông ta lo lắng nhất, cũng giống như Mao năm xưa, chính là liệu có ai đó muốn giết mình để đoạt quyền lực hay không.
Không giải thể ĐCSTQ, người người bất an
Tạo sao đời sống chính trị cấp cao của ĐCSTQ lại luôn không bình thường như vậy? Tại sao việc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ lại luôn một mất một còn như vậy?
Tháng 11/2004, The Epoch Times đã xuất bản một loạt các bài xã luận mang tên “Cửu Bình” (Chín bài bình luận về ĐCSTQ), trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử hé lộ lời giải cho bí mật nói trên. Hóa ra, nguồn gốc lý luận của ĐCSTQ, bản chất “Tuyên ngôn Cộng sản đảng” do Marx xuất bản năm 1848, thực chất chính là 3 chữ “giả, ác, đấu”. Thực tiễn của các nước cộng sản trong 171 năm qua, có thể tóm lại trong ba chữ “giả, ác, đấu”.
“Giả”, chính là lừa dối khắp nơi cả trong và ngoài nước. “Ác”, chính là không có giới hạn về đạo đức và pháp luật. “Đấu”, chính là đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, thật sướng vô cùng”; có địch đến thì chiến đấu, không có kẻ thù thì “chế tạo” ra một kẻ địch để chiến đấu.
Do đó, trong mấy thập niên vừa qua, đội ngũ lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ luôn không ngừng đấu tranh nội bộ ác liệt, một sống một chết, không một ai được an toàn.
Tác giả: Vương Hữu Quần