Vẻ đẹp của sự cân bằng
Gustave Moreau là một họa sĩ theo trường phái tượng trưng (Symbolism) thế kỷ 19 ở Pháp. Những người theo trường phái tượng trưng tin rằng nghệ thuật của thế kỷ 18 quá khoa học và đã loại bỏ đi phần hồn của tác phẩm ra khỏi chủ đề và cách vẽ.
Các nghệ sĩ cũng thấy rằng họ phải cạnh tranh với chiếc máy ảnh vừa được phát minh. Thay vì chỉ tái tạo hiện thực giống như một chiếc máy ảnh hoặc bỏ qua phần hồn của tác phẩm như các nghệ sĩ trước đó đã làm, các họa sĩ phái tượng trưng bắt đầu sáng tác hình ảnh siêu thực bằng cách cố gắng kết hợp hài hòa tâm hồn mình với những hình ảnh biểu tượng của thế giới tự nhiên.
Theo trang web Bảo tàng Quốc gia Gustav Moreau, “Moreau muốn tạo ra một tác phẩm, mà theo lời ông, là nơi mà tâm hồn có thể tìm thấy: tất cả khát vọng về ước mơ, sự dịu dàng, tình yêu, sự nhiệt thành cũng như tôn giáo để hướng tới những lĩnh vực cao cả hơn nữa – nơi mọi thứ được đề cao, truyền cảm hứng, đức hạnh và nhân từ; nơi mà tất cả như trong tưởng tượng và vút bay đến những vùng đất linh thiêng, vô danh và đầy huyền bí.”
Moreau tin rằng loại hội họa này là “ngôn ngữ của Chúa! Một ngày nào đó, thông điệp của nghệ thuật thầm lặng này sẽ được đánh giá cao. Tôi đã dành tất cả tâm sức và nỗ lực cho thông điệp nhưng đặc tính, bản chất và sức mạnh tinh thần của nó chưa bao giờ được định nghĩa một cách thỏa đáng.”
Sự trân trọng của Moreau đối với tinh thần hội họa đã thôi thúc ông nghiên cứu sâu sắc các họa sĩ trong quá khứ. Ông đến Ý và tìm hiểu những tác phẩm của các nghệ sĩ thời Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Raphael, Michelangelo và nhiều người khác. Ông tận dụng kiến thức thu được từ những bậc thầy này và bắt tay vào việc hồi sinh hội họa bằng cách thổi hồn vào trong các tác phẩm.
‘Perseus và Andromeda’
Khoảng năm 1867, Moreau bắt đầu vẽ “Perseus và Andromeda”, dựa trên một câu chuyện thần thoại Hy Lạp về sắc đẹp, tình yêu và lòng dũng cảm.
Andromeda là một nàng công chúa xinh đẹp, mẹ của cô đã khiến các vị Thần nổi giận khi bà nói rằng Andromeda đẹp hơn cả các tiên nữ biển cả Nereid. Poseidon đã cử một con thủy quái đến trừng phạt Andromeda vì tội bất kính này.
Chàng Perseus trên đường trở về sau khi giết quái vật Medusa đã nhìn thấy thủy quái đang tấn công Andromeda. Chàng bị vẻ đẹp của Andromeda quyến rũ và muốn giải cứu nàng. Chàng Perseus cưỡi ngựa Pegasus và bay đến chỗ quái vật biển. Chàng đã để lộ đầu của Medusa để con quái vật biển nhìn vào mắt Medusa và biến thành đá.
Perseus đã cứu Andromeda khỏi con quái vật và sau đó họ kết hôn. Nữ thần Athena đã hứa cho Andromeda một vị trí trên bầu trời, tượng trưng cho một chòm sao.
Sự cân bằng của cái đẹp
Moreau miêu tả khoảnh khắc Perseus đánh bại quái vật biển để cứu Andromeda. Chân trái của Andromeda bị xích vào một tảng đá, và con quái vật biển đe dọa nàng từ bên dưới. Perseus hướng đầu của Medusa về phía con quái vật biển để biến nó thành đá.
Moreau bố cục bức tranh có độ tương phản và năng lượng nhiều hơn ở phía bên trái. Phía bên phải gần như để trống, và khu vực hai tảng đá chạm nhau ở phía dưới bên phải đóng vai trò như một mũi tên thu hút sự chú ý của chúng ta đến đuôi của con quái vật biển.
Đầu của con quái vật biển hướng thẳng vào Andromeda. Nàng là tâm điểm, chiếm phần trung tâm của bố cục. Nàng che thân một cách khiêm tốn, thân hình nàng sở hữu đường cong thanh thoát.
Từ Andromeda, chúng ta được dẫn đến phần đầu của Pegasus, mà năng lượng của nó hòa với biểu cảm của cái đầu Medusa với đôi mắt mở to và khóe miệng trễ xuống. Đôi mắt của Medusa, đầu của Pegasus và chiếc áo choàng đỏ của Perseus hướng đôi mắt của chúng ta trở lại với con quái vật biển để rồi lại tiếp tục quan sát lên phía trên.
Tình yêu dành cho cái đẹp
Tại sao bên trái của bức họa tràn đầy sức sống còn bên phải gần như trống rỗng? Tại sao Moreau mô tả Andromeda là tâm điểm? Tại sao Pegasus xuất hiện như thể đang rất căng thẳng?
Đối với tôi, sự khác biệt ở bên phải và bên trái của bố cục thể hiện sự cân bằng. Những người theo chủ nghĩa tượng trưng cho rằng nghệ thuật của thế kỷ 18 không cân bằng và trở nên quá khoa học. Nghệ thuật cần tinh thần và cả cảm xúc. Cũng có thể là vẻ đẹp tự nó sẽ triển hiện thông qua sự cân đối. Khi không thể thêm hoặc bớt chi tiết nào, chúng ta sẽ tìm thấy cái đẹp.
Phải chăng vẻ đẹp trong tâm hồn phụ thuộc vào sự cân bằng của tinh thần và cảm xúc? Có lẽ đây là lý do tại sao Andromeda là tâm điểm của bức họa, nằm giữa phần bên trái sống động và phần bên phải trống rỗng. Nàng là nhân vật mà tôi coi là hiện thân của vẻ đẹp và vì thế nàng cũng là biểu tượng của sự cân đối. Ở đây, cái đẹp trở nên khiêm tốn, thanh tao, thậm chí điềm tĩnh, bất chấp nguy hiểm xung quanh. Vẻ đẹp của những đường cong hòa cùng với cảnh vật xung quanh.
Ngược lại, tôi thấy con quái vật biển phía dưới là biểu tượng của sự xấu xa và đau khổ. Cái xấu có xảy đến với chúng ta khi chúng ta mất cân bằng không? Chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ cái xấu có thể lấn át cái đẹp trong cuộc sống khi cảm xúc dựa trên những dục vọng cùng cực và không được thỏa mãn.
Chàng Perseus bảo vệ “vẻ đẹp” bằng cách biến sự xấu xa thành đá. Nếu cái xấu đó bao gồm những cảm xúc cực đoan và dục vọng không được thỏa mãn, thì việc biến chúng thành đá sẽ “vô hiệu hóa” chúng. Phải chăng hành động nhìn sâu vào bản thân để tìm sự xấu xa của bản thân đủ để biến nó thành đá? Liệu chúng ta có thể vượt qua sự xấu xa đang đe dọa vẻ đẹp tâm hồn mình bằng cách thừa nhận và kiên quyết chống lại nó không?
Giống như Perseus, bảo vệ và duy trì cái đẹp phụ thuộc vào chúng ta. Để tôn vinh cái đẹp, chúng ta cần cân bằng tinh thần của bản thân. Tuy nhiên, duy trì được vẻ đẹp thường hằng là một nhiệm vụ khó khăn và phải thực hiện lặp đi lặp lại. Đây có phải là chủ ý mà Moreau khiến cho mắt chúng ta quan sát lại nhiều lần bố cục của bức tranh không?
Tôi nghĩ Pegasus đại diện cho nhiệm vụ khó khăn và lặp lại này, đó là lý do tại sao nó thể hiện ra sự căng thẳng. Dường như Moreau muốn ám chỉ rằng để bảo vệ và tôn vinh vẻ đẹp, bạn sẽ phải đi trên một chặng đường gập ghềnh hướng về sự cân bằng. Ai trong chúng ta sẵn sàng cho thử thách này đây?
Eric Bess là nghệ sĩ, hiện ông là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Thanh Mai biên dịch
Xem thêm: