Vạn sự đều có định số, các thần toán trong dân gian vì thế nhân mà chỉ ra bến mê
Thiên thượng vì để thế nhân ở trong cõi mê mà liễu giải được vạn sự đều có an bài, cho nên mỗi thời đại, mỗi triều đại đều xếp đặt một số năng nhân dị sĩ để chỉ ra chỗ mê. Họ có người ở miếu đường, có người phụ tá đế vương, như Viên Thiên Cang thời nhà Đường, Lưu Bá Ôn thời nhà Minh; có người thân ở chốn dân gian, đi khắp đông tây nam bắc. Thông qua họ, thế nhân có thể liễu giải được trong cõi u minh đã tự có an bài, và tín niệm Thần Phật không phải là điều vô căn cứ .
Thần toán Vương Kỳ
Vào thời nhà Minh có một nho sinh tên là Vương Kỳ, người huyện Thiên Thai, tinh thông thiên văn, bói toán và chiêm tinh. Về sau ông rời khỏi trường học, đi khắp tứ phương hành nghề bói toán.
Trong thời cai trị của Minh Hiến Tông Thành Hóa, Vương Kỳ đã đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh). Lúc ấy, đại thần Vương Thứ (giữ chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tả phó đô Ngự sử của Nam Kinh) bị người ta dựng mưu ám hại, không biết vận mệnh sẽ ra sao, liền tìm đến Vương Kỳ bói một quẻ.
Vương Kỳ sau khi tính toán liền nói với ông ta rằng: “Ông sẽ bị bãi quan, nhưng ba năm sau sẽ được trọng dụng lại”. Quả nhiên vào năm 1486, Hiến Tông bãi chức Vương Thứ lúc ấy đang giữ chức Thái tử Thiếu bảo. Sau khi Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường lên ngôi, theo sự tiến cử của chư thần, đã mời Vương Thứ vào triều đảm nhận chức Thượng thư bộ Lại, không lâu sau thăng lên chức Thái tử Thiếu bảo.
Còn có một trọng tù đào thoát khỏi bộ Hình, Chủ quan bộ Hình thỉnh Vương Kỳ bói một quẻ. Vương Kỳ nói: “Người này tổng cộng bị bắt năm lần. Lần này vì có giặc tiến vào, cho nên mới bỏ chạy được”. Ông còn tính toán được ngày người tù này bị bắt, hoàn toàn khớp với thời gian thực tế. Những người nghe được đều kinh ngạc sự chuẩn xác của quẻ bói .
Vợ của Trần chỉ huy mất, lúc nhập liệm, con gái ông ta đột nhiên ngã bệnh. Trần chỉ huy hỏi Vương Kỳ chuyện này là làm sao. Vương Kỳ nói: “Không chỉ con gái ông bình yên vô sự, mà vợ của ông cũng không chết, về sau hai người còn có hai đứa con trai. Nếu muốn nhập liệm, tốt nhất vẫn là để sau giờ Ngọ”.
Đến giờ Ngọ, vợ Trần chỉ huy quả nhiên sống lại, hai vợ chồng về sau còn có thêm hai người con trai.
Lang trung Vương Ứng Khuê muốn biết quan vận của mình nên đi hỏi Vương Kỳ. Vương Kỳ nói: “Ông hỏa khí quá mạnh, nếu làm quan ở phương Nam, thì khắp nơi tất bị hỏa tai”. Về sau, Vương Ứng Khuê chuyển đến Đài Châu, Chiết Giang, vừa mới nhậm chức được khoảng ba tháng, trong quận phát sinh hỏa hoạn, mười nhà thì chín nhà bị cháy rụi, Vương Ứng Khuê tức giận sinh bệnh , quả nhiên bị bệnh mà chết.
Vị lão học nghiên cứu tinh thâm thuật bói toán
Giữa thời Long Khánh và Gia Tĩnh triều Minh có một vị học giả già tên là Thôi Tự Quân, là Trạng nguyên thời Minh, cũng là thân thích của nhà văn Tiêu Thái Sử Tiêu Hoành, rất giỏi về bói toán. Ông ấy từng học qua quyển “Mai hoa dịch số” của Thiệu Ung (một nhà lý học nổi tiếng thời Bắc Tống, cũng là bậc thầy tiên tri), hiểu được “quan mai chiêm” (xem mai bói quẻ), rất nhiều tiên đoán của ông ta đã ứng nghiệm.
Một ngày nọ, Quận thủ Tiêu Kính Xuyên đến hỏi thăm thứ hạng của ông ta trong kỳ tuế khảo. Tuế khảo là kỳ khảo hạch thành tích cai quản của quan lại hằng năm thời xưa. Thôi Tự Quân sau khi bói xong, nói: “Nếu công bố ngày đó thì đứng thứ hai; nếu như sau ngày đó thì đứng thứ nhất”.
Không lâu sau, khi công bố thành tích đợt khảo hạch, Tiêu Kính Xuyên đứng hạng nhất. Sau khi ông ta nghe xong, mới biết Thôi Tự Quân đã tiên đoán chính xác.
Cha của Châu Quốc Trinh (người đứng đầu Nội các thời nhà Minh) sau khi tham gia thi hương liền đến hỏi thăm nhà họ Thôi. Ông vừa mới vào cửa thì đúng lúc Thôi Tự Quân ra ngoài tiễn khách. Sau khi tiễn khách quay vào, Thôi Tự Quân nói với Châu phụ rằng: “Ông đến là để hỏi chuyện khoa cử có phải không? Không cần bói quẻ nữa, tôi đã biết thứ hạng của ông rồi. Ông lần này nhất định sẽ đỗ, nhưng thứ hạng khá thấp”. Về sau yết bảng, Châu phụ xếp thứ 130, đúng như lời tiên đoán.
Hạ Triều Dụng đắc được thuật thần thông, xem tướng không sai sót
Hạ Triều Dụng người Miên Trúc, Tứ Xuyên, thuở nhỏ từng gặp được một dị nhân dạy cho thần thông, những tiên đoán của ông sau khi xem tướng chưa từng sai sót .
Có một vị quan viên tên là Châu Phán Ôn chuẩn bị đi Vân Nam nhậm chức, Hạ Triều Dụng đi tiễn. Lúc cáo biệt, Ôn Quân hỏi Hạ Triều Dụng có lời gì muốn dặn dò không. Hạ Triều Dụng nói: “Phúc khí của ngài lớn, không cần hoang mang, nhưng ba ngày sau, sát bên cạnh châu mà ngài cai quản sẽ có một biến cố nhỏ gây đổ máu. Nhưng không cần lo lắng, không phải việc của ngài”. Nghe vậy, Ôn Quân cũng cảm thấy bớt sợ hãi trong lòng.
Ba ngày sau , có vài dân tộc thiểu số ở sát biên giới châu của Châu Phán Ôn xảy ra ẩu đả, động đến gươm đao, xảy ra việc đổ máu. Đúng như lời Hạ Triều Dụng nói.
Lúc Hạ Triều Dụng làm quan phụ tá ở Cảnh Đông thì vừa hay Điền Nam (ở phía Nam của Vân Nam) bị hạn hán nặng, Tuần phủ Vân Nam Trần Kiến Ngô lo lắng, liền tìm Hạ Triều Dụng bói thử. Hạ Triều Dụng nói: “Phải chờ Đổng Thái thú đến, mới có thể nói”. Trần Kiến Ngô cảm thấy kì quái, hỏi: “Ta đứng đầu một tỉnh, lẽ nào còn không bằng một Quận thủ?”. Hạ Triều Dụng hồi đáp: “Không phải như vậy. Như trận hạn hán hôm nay, chỉ có phủ Vân Nam bị. Hạt của ông rất rộng lớn, chỉ nhìn một người là ông thì khó có cách nào bói quẻ được”.
Trần Kiến Ngô hiểu ra, bèn thúc giục Thái thú sớm đến nha môn Tuần phủ. Đợi được Thái thú đến, Hạ Triều Dụng sau khi gặp mặt nói: “Đáng vui, đáng chúc mừng, giờ Tuất ngày 21 tháng này, mây sẽ tụ họp, có mưa nhỏ. Canh ba sấm sét lớn, sáng sớm mưa như trút, không quá ba tấc không dừng lại”. Tới thời điểm mà ông nói đến, mưa lớn quả nhiên đổ xuống.
Trần Kiến Ngô kinh ngạc trước bản sự của Hạ Triều Dụng, bèn tiến cử ông với Lưu Tuần án. Sau khi Lưu Tuần án gặp ông liền nói: “Tôi không thích lời nói dựa vào chiêm tinh, xem tướng, nhưng hãy xem thử con trai tôi”. Hạ Triều Dụng sau khi nhìn qua, nói: “Con trai ông học vấn rất tốt, tên sẽ xếp vào hàng hiền thư”. Lời này quả nhiên ứng nghiệm.
Những bậc năng nhân dị sĩ xuất hiện trong nhân gian, lời tiên đoán chuẩn xác phi thường của họ khiến cho những ai cố chấp không tin vào thuật chiêm tinh và tướng số cuối cùng cũng phải bội phục.
Tư liệu tham khảo:
- “Dũng tràng tiểu phẩm”
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: